Lưng ê mỏi – Chẩn đoán bệnh Đông y

Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Vùng lưng ê mỏi khó chịu dằng dai không dứt đồng thời kiêm chứng vùng lưng đau nhẹ, còn gọi là chứng lưng đau mỏi, nhưng lấy chứng trạng ê mỏi khó chịu là chủ yếu cho nên gọi là mỏi lưng. Trương Lộ Ngọc nói:” Đau lưng còn có loại thương tổn do hàn thấp khác nhau, còn mỏi lưng thì hoàn toàn do phòng lao làm cho Thận hư” (Trương thị y thông – quyển 5). Đau lưng và mỏi lưng hai loại này vừa có quan hệ chặt chẽ, vừa có chỗ khác nhau rõ rệt. Nếu do mệt nhọc nhất thời, bỗng dưng vùng lưng có cảm giác ê mỏi khó chịu thì không phải chứng trạng tật bệnh.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Mỏi lưng do Thận hư: Trường hợp nhẹ thì vùng lưng ê mỏi khó chịu, liên miên không dứt, lao động mệt nhọc thì ê mỏi tăng, sau khi được đi nằm nghỉ ngơi thì thấy đỡ. Trường hợp nặng thì ê mỏi và đau khổ sở, lưng gối vô lực, gối lạnh tay chân mỏi, gót chân đau. Nặng hơn nữa thì tóc rụng răng lung lay, dương nuy di tinh, chất lưỡi nhạt, mạch Trầm Tế.
  • Mỏi lưng do lao tổn: Thường thấy mỏi lưng ở bộ vị cố định vùng lưng, chứng trạng ê mỏi vùng lưng tăng thêm khi lao động nhọc mệt. Sau khi nằm nghỉ ngơi triệu chứng mỏi lưng vẫn không đỡ mấy, bệnh khá nặng về sáng sớm. Sau khi hoạt động nhẹ thì có cảm giác dễ chịu ngay. Ngoài chứng trạng mỏi lưng có thể kiêm chứng đau lưng mức độ nhẹ nhàng, toàn thân không biểu hiện gì khác thường.

Phân tích

Chứng mỏi lưng do Thận hư với chứng Mỏi lưng do tổn thương mệt nhọc: Phân biệt chủ yếu ở chỗ loại trên tất phải biểu hiện những chứng trạng Thận khí bất túc, nguyên nhân có thể vì tuổi cao thận khí bất túc hoặc vì phòng lao quá độ dẫn đến tổn thương Thận khí. Còn Mỏi lưng do tổn thương nhọc mệt thì không kiêm biểu hiện chứng trạng Thận hư mà nguyên nhân là do khi lao động vùng lưng ở một hình thức cố định thuần nhất, cơ bắp ở vùng lưng phải gánh nặng thời gian kéo dài gây nên bệnh. Mỏi lưng do Thận hư sau khi được nằm nghỉ ngơi có thể giảm nhẹ ngay, còn Mỏi lưng do tổn thương nhọc mệt thì sau khi lao động nhẹ nhàng, chứng trạng cũng bớt.

Mỏi lưng do Thận hư thường kèm theo đau lưng ở mức độ khác nhau, trường hợp bệnh tình nhẹ thì có mức độ đau nhẹ, bệnh tình nặng thì mức độ đau cũng nặng. Mỏi lưng do thận hư với đau lưng do Thận hư, cả hai chứng có quan hệ với nhau rất chặt chẽ: Mỏi lưng do thận hư có thể là giai đoạn đầu của chứng đau lưng do Thận hư, còn Đau lưng do Thận hư là kết quả một bước phát triển của chứng Mỏi lưng do thận hư. Mục Tạp chứng mô sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Chứng đau lưng, trường hợp ê ẩm nhấm nhói phát sinh liên tục đó là Thận hư”. Cả hai loại đều do thận khí bất túc gây nên. Mỏi lưng là chứng trạng biểu hiện chủ yếu do Thận khí bất túc, ngoài ra còn có những chứng trạng chân tay yếu mềm, rụng tóc, răng lung lay, mạch hai bộ Xích Nhược. Điều trị nên theo phép ôn dưỡng bổ Thận, dùng các phương Thanh nga hoàn, Nhị chí hoàn, Thất bảo mĩ nhiêm đan. Nếu kiêm chứng trạng Thận dương hư như: sợ lạnh, thủy thũng, sắc mặt trắng bệch, ngũ canh tiết tả, tiểu tiện trong dài, đoản hơi, dương nuy, lưỡi nhạt bệu và nhuận mạch Trầm Trì, hoặc các chứng trạng Thận âm hư như: ngũ Tâm phiền nhiệt, lưỡi đỏ ít rêu, khô miệng, đầu choáng tai ù, mồ hôi trộm di tinh, tiểu tiện đỏ, mạch Tế Sác, khi điều trị có thể tham khảo các mục lưng và cột sống đau thuộc chứng Đau lưng do Thận hư.

Mỏi lưng do lao động tổn thương trừ vấn đề nguyên nhân bệnh, áp dụng các biện pháp thích hợp như đạo dẫn xoa bóp, châm cứu và Thái cực quyền cũng có thể khỏi. Nếu lâu ngày không khỏi và chứng trạng khá nặng, phần nhiều kiêm chứng Thận khí bất túc, phép chữa cũng như chứng mỏi lưng do Thận hư.

Trích dẫn y văn

Đau lưng còn có loại tổn thương do hàn thấp khác nhau. Mỏi lưng thì thuộc loại Thận hư do phòng lao, chỉ có dùng thuốc bổ mạch, nam giới thì uống Thanh nga hoàn hoặc Bát vị gia Bổ cốt chi, Đỗ trọng, có nhiệt thì bỏ Phụ tử gia Ngũ vị tử… Đại tiện không thành khuôn thì gia Nhục quả, Bổ cốt chi, Sơn dược phấn làm hồ thay cho mật mà viên (Trương thị y thông – quyển 5).

Chứng trạng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận