Khái niệm
Đau nhức vùng mặt là chỉ chứng trạng một bộ phận da thịt ở mặt, kể cả xương tủy và các tổ chức khác ở mặt bị đau nhức. Lâm sàng thường gặp khá nhiều loại đau nhức một bên mặt.
Sách Nội kinh có ghi các chứng “Lưỡng hạng thông”, “Giáp thông”. Trong các sách Tiết Kỷ y án, Y học cương mục, Phổ tế bản sự phương đều có những nghiệm án điều trị chứng Đau nhức vùng mặt.
Ngoài ra các loại Xạ tai, cốt tào phong, các chứng đau răng, đau mắt, đau mũi cũng có thể dẫn đến đau vùng mặt. Nhưng những bệnh chứng ấy thường sưng trướng đỏ hắt cục bộ, so với chứng đau nhức đơn thuần ở vùng mặt có khác nhau không thuộc phạm vi thảo luận ở mục này.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Đau vùng mặt do phong nhiệt kiêm đàm ngăn trở đường lạc: Phần nhiều phát bệnh từng cơn, nơi đau có cảm giác như dao cắt nóng rát đau nhức không chịu nổi, có lúc bên cạnh mũi và cạnh môi có thông điểm, gặp việc xúc phạm đột ngột thì phát cơn đau, phần nhiều đau ở giữa và phía dưới vùng mặt, cũng có thể gây đau ở nửa phía trên hoặc nửa phía dưới vùng mặt, ít gặp trường hợp đau ở bên phải hoặc đau ở bên trái, khi đau thì mặt đỏ, ra mồ hôi, gặp nóng thì bệnh tăng, gặp mát thì bệnh đỡ, kiêm các chứng trạng phát nhiệt khô miệng, tiểu tiện đỏ, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng khô, mạch Huyền Sác. Nếu đờm hỏa ngăn trở đường lạc thường kiêm các chứng: đầu choáng, ngực khó chịu, tay chân tê dại, lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác.Đau vùng mặt do phong hàn kiêm đàm ngăn trở đường lạc: Phần nhiều cũng phát bệnh từng cơn đau nhức như co kéo kịch liệt không chịu nổi, khi đau thì sắc mặt tái xanh, gặp lạnh thì bệnh tăng, gặp ấm thì đỡ, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Khẩn. Nếu do hàn đàm ngăn trở đường lạc có thể kiêm các chứng mặt phù nhẹ, đầu như bị bọc, lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng dầy nhớt, mạch Nhu Hoạt.
- Đau vùng mặt do Can uất hóa hỏa: Có chứng vùng mặt đau nóng rát phần nhiều do tình chí ức uất hoặc lo nghĩ buồn giận mà phát bệnh đột ngột, gặp nóng thì bệnh tăng, miệng đắng họng khô, Tâm phiền dễ cáu giận, ngực khó chịu, sườn đầy thường hay thở dài, lòng bàn chân tay nóng, đêm ngủ không yên, tiểu tiện vàng đỏ, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch Huyền Sác.
- Đau vùng mặt do khí hư huyết ứ: Có chứng đau vùng mặt lâu ngày, cơn đau dai dẳng kéo dài, đặc điểm phát cơn giảm yếu, hơn nữa đau như dùi đâm không chịu nổi, đau cố định không di chuyển, sắc mặt tối trệ, thậm chí da dẻ tróc vẩy, có lúc đau nhức kèm theo co giật, sợ gió, tự ra mồ hôi, thiểu khí, biếng nói, tiếng nói thấp khẽ, lưỡi trắng nhợt, hoặc có nốt ứ huyết, mạch Trầm Tế mà Nhược.
Phân tích
- Chứng Đau vùng mặt do phong nhiệt kiêm đàm ngăn trở đường lạc với chứng Đau vùng mặt do phong hàn kiêm đàm ngăn trở đường lạc: Vùng đầu mặt là nơi tụ hội các dương kinh toàn thân, Túc tam dương kinh cân kết hợp ở cạnh sống mũi; Thủ tam dương kinh cân kết hợp ở góc trán (bên cạnh đầu). Nếu thể trạng vốn Tỳ hư đờm thấp thịnh ở trong lại nhiễm phong nhiệt hoặc phong hàn xâm phạm, phong tà kiêm đờm làm nghẽn tắc kinh lạc, lạc mạch không thông “không thông thì gây đau”. Phong là dương tà hay lưu lợi mà biến hóa nhanh, phong tà kiêm đờm chợt tụ chợt tan do đó mà có cơn đau từng lúc. Nếu như phong nhiệt kiêm đờm thì có thêm các hiện tượng ngoại cảm phong nhiệt như: mặt hồng mắt đỏ, ưa lạnh lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch Sác hoặc kiêm có chứng phát nhiệt hơi sợ phong hàn. Điều trị nên sơ phong tán nhiệt, tiêu đờm hoạt lạc dùng phương thuốc tự chế “Diện thông số I”. Nếu như phong hàn kiêm đàm thì kiêm các hiện tượng ngoại cảm phong hàn như các chứng: mặt không đỏ, ưa ấm, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng mà nhuận, mạch Khẩn hoặc kiêm chứng phát nhiệt và ố hàn khá nặng. Điều trị nên sơ phong tán hàn tiêu đờm thông lạc, dùng phương thuốc tự chế “Diện thống số II”.
- Chứng Đau vùng mặt do Can uất hóa hỏa: Nếu phân tích theo nguyên nhân bệnh thì Can uất hóa hỏa phần nhiều do lo nghĩ cáu giận hại Can, mộc mất sự điều đạt uất lại hóa hỏa, Can hỏa phạm lên trên khiến cho đau nhức vùng mặt; hơn nữa có các chứng trạng Can hỏa nổi bật như: mắt đỏ mặt hồng, sườn đau trướng đầy, Tâm phiền hay cáu giận, miệng đắng họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch Huyền Sác. Điều trị nên thanh Can tả hỏa, thông kinh hoạt lạc dùng phương tự chế “Diện thông số III”
- Chứng Đau vùng mặt do khí hư huyết ứ: Khí hư huyết ứ thường là đau vùng mặt lâu năm, khí huyết suy tổn bệnh tà vào huyết, vào lạc, mạch lạc ứ trệ cho nên có chứng lưỡi trắng nhợt hoặc có nốt ứ huyết, mạch Trầm Tế mà Nhược. Điều trị theo phép bổ khí hoạt huyết, hóa ứ thông lạc, dùng phương tự chế “Diện thống số IV”.
Các chứng nói trên, lâm sàng thường lẫn lộn điều trị nên chiếu cố chung, chỉ có trường hợp đau nhức kéo dài bệnh tà phần nhiều vào sâu huyết lạc, tất yếu phải dùng các loại thuốc sâu bọ len lỏi như Toàn yết, Ngô công, Cương tàm, Thể trùng… mới mong hiệu quả nhanh.
Trích dẫn y văn
- Đau vùng mặt đều thuộc hỏa … đau đột ngột dữ dội phần nhiều thuộc thực, đau lâu dài phần nhiều thuộc hư, bệnh ở nơi cao thì phải nén xuống, bệnh do ức uất thì phải khơi thông; Huyết nhiệt thì lương huyết, khí hư thì bổ khí, không được tập trung chỉ dùng mỗi thứ khổ hàn tả hỏa mà xong (Chứng trị chuẩn thằng – Tạp bệnh).
- Người cao tuổi quá mệt nhọc, khi đói thì đau vùng mặt cho uống Bổ trung ích khí thang gia cầm, Tri, Liên kiều, Thử niêm, Hắc sâm. Nếu do uất kết tích chứa thành Vị nhiệt cũng đau vùng mặt dùng Việt cúc hoàn gia các loại như Sơn chi, Liên kiều, Bối mẫu, Quất hồng… (Trương thị y thông).