Trang chủChứng trạng Đông yBạch bồi - Chẩn đoán chứng trạng Đông y

Bạch bồi – Chẩn đoán chứng trạng Đông y

Khái niệm

Bạch bồi là chỉ nốt chẩn sắc trắng nổi lên ở mặt bì phu giống như mọng nước, sắc trắng, khi vỡ thì chầy ra nước trong loãng, phần nhiều mọc ở vùng ngực bụng và cổ gáy, ít khi mọc ở tay chân.

Chứng này đầu tiên thấy ở sách Ôn nhiệt luận, về sau các tác phẩm của nhiều nhà Ôn bệnh học như Lâm chứng chỉ nam y án, Ôn nhiệt kinh vĩ đều bàn đến bệnh này. Vì bên trong Bạch bồi có chứa chất dịch, chất dịch ấy lấp lánh như thủy tinh cho nên còn gọi là “Tinh bồi”. Nếu những nốt bồi có sắc trắng khô, chỉ có vỏ ngoài bên trong không có nước gọi là “Khô bồi”.

Phận biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Bạch bồi do thấp nhiệt uất nghẽn: Có chứng mình nóng khó chịu, xu thế nhiệt dằng dai, ra mồ hôi bệnh vẫn không khỏi, sắc mặt tối trệ hoặc mặt nhờn bẩn, tinh thần nhạt nhẽo, ngực bụng trướng đầy, kém ăn, buồn nôn, miệng dính, khát mà không muốn uống nước, vùng ngực bụng có thể xuất hiện Bạch bồi lấp lánh mọng nước từng nốt rõ ràng, sau khi nốt ấy vỡ, chầy ra nước trong loãng có sắc hơi vàng, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Nhu Sác.
  • Bạch bồi do tân khí đều tổn thương: Có chứng mình nóng dằng dai, miệng lưỡi khô ráo, tinh thần mỏi mệt bạc nhược, hồi hộp, phiền táo, ý thức mơ hồ, thở dồn dập, cánh mũi máy động, chân tay giật nhẹ, thậm chí co giật, Bạch bồi trắng khô không tươi, từng nốt không rõ ràng, không sáng bóng, không có nước, lưỡi đỏ, ít tân dịch, rêu lưỡi vàng, mạch Tế Sác vô lực.

Phân tích

  • Chứng Bạch bồi do thấp nhiệt uất nghẽn với chứng Bạch bồi do tân khí đều tổn thương: Hai chứng đều phát sinh trong Ôn bệnh, trong Nhiệt bệnh. Loại trên là do thấp nhiệt nghẽn ở khí phận, thấp bị nhiệt níu kéo, nhiệt khốn đốn ở trong thấp cho nên mình nóng dằng dai không rút, ra mồ hôi cũng không giải, nhân đó mà nung nấu thành Bạch bồi. Loại sau vì mình nóng dằng dai, hao khí thương tân, chính khí không thắng nổi tà khí, tà độc hãm vào trong, tân dịch khô kiệt mà biến thành Bạch bồi. Nhưng thấp nhiệt thiên thắng khác nhau, tiếp đó là mầu sắc của Bạch bồi và quan sát về hình thái thì thấy: Loại trên trắng và sạch, lấp lánh, nhiều nước và có vẻ tươi, từng nốt rõ ràng, khi vỡ thì chảy ra chất nước trong cho nên gọi là “Tinh bồi”. Loại sau thì sắc Bồi không tươi, trắng như xương khô, từng nốt chằng chịt không rõ, chỉ có vỏ, trong không có nước, vì thế gọi là “Khô bồi”.

Bạch bồi do thấp nhiệt uất nghẽn là chứng thực, chứng thuận, xu thế nhiệt sẽ theo Bạch bồi thấu phát mà giảm dần, chứng trạng lâm sàng cũng theo đó mà bớt dần; nhưng tà khí thấp nhiệt dính nhớt Bạch bồi khó mà sạch hết trong chốc lát mà thường theo sự biến hóa về phát nhiệt khi lui của người bệnh, tức là ra được một lần mồ hôi sẽ mọc được một lượt Bạch bồi, đó mới là thấp nhiệt tiết ra ngoài, là hiện tượng chính khí thắng, tà khí lui rất tốt. Còn Bạch bồi do tân khí đều tổn thương thuộc hư chứng, nghịch chứng, vì tân khí đã hư, tà khí thấp nhiệt hãm vào doanh huyết tuy có nổi Bạch bồi nhưng chứng trạng lâm sàng trái lại nặng hơn như tinh thần mỏi mệt bạc nhược, hồi hộp phiền táo, thở hổn hển cánh mũi máy động, chân tay giật thậm chí co giật đó là hiện tượng chính khí muốn thoát.

Điều trị Bạch bồi do thấp nhiệt uất nghẽn nên thanh nhiệt hóa thấp dùng phương Cam lộ tiêu độc ẩm hợp với Tam nhân thang; còn Bạch bồi do khí tân đều tổn thương điều trị nên cấp cứu khí âm; phù chính khư tà dùng phương Sinh mạch tán hợp với Thanh doanh thang.

Tóm lại hình thành Bạch bồi chủ yếu là do tà khí thấp nhiệt lưu luyến ở khí phận dằng dai không khỏi uất nghẽn ở cơ phu nung nấu mà thành chứng Bồi, phần nhiều gặp ở trong Ôn bệnh như Thấp ôn, Phục Thử và Thử ôn kiêm thấp. Ôn bệnh mà xuất hiện Bạch bồi tức là có thể phán đoán bệnh ở khí phận, tính chất là thấp nhiệt. Lại quan sát hình thái của Bạch bồi có thể tiến thêm một bước để phân biệt tình huống tiêu trưởng của tà khí, chính khí. Bạch bồi tươi sáng lấp lánh từng nốt dồi dào và sau khi thấu phát thì xu thế nhiệt lui dần, thần thức sảng khoái, đó là hiện tượng khí tân sung túc, chính khí thắng, tà khí lui là rất tốt. Nếu sắc bồi trắng khô, chỉ có vỏ không có nước, sau khi thấu phát mình nóng không lui, trái lại thần thức hôn mê đó là tân khí đều tổn thương, chính không thắng nổi tà, tà độc hãm vào trong thuộc chứng hậu rất nguy.

Trích dẫn y văn

Ôn nhiệt phát sinh chứng Bồi thường là chứng xuất hiện ở mùa Hè Thu thấp ôn phục thử, mùa Đông Xuân bị phong ôn kiêm chứng thấp cũng xen kẽ chứng này. Đầu tiên thấp uất ở lớp cơ bắp ra mồ hôi không triệt mà thành Bồi, sắc trắng như thủy tinh là đa số nhưng nên làm tiết Phế khí nhẹ nhàng, khai tiết khí phận như dùng Ngũ diệp lô căn là ổn đáng và rất hay. Nếu dằng dai lâu ngày tổn thương đến khí dịch, nốt Bồi trắng như xương khô thường là rất xấu, phải dùng ngay các thuốc có chất dịch cam nhuận để tu dưỡng khí dịch như dùng Mạch đông thang, Thanh táo cứu Phê thang để vãn hồi trong muốn một, dứt khoát không dùng những thuốc đắng ráo ôn thăng làm hao khí dịch dẫn đến chóng chết, Xin trân trọng giới thiệu chứng phát bồi như dưới đây. Bạch bồi trắng mà nhỏ hình như hạt tấm, mó tay vào cảm giác vướng mà ngứa, chọc thủng thì có tí nước lấp lánh như thủy tinh mà nhuận là rất tốt; xu thế nhiệt mạch bộc lộ ra bên ngoài, xu thế nhiệt từ từ thì ẩn náu ở bên trong, khi phát nhiệt không có thời gian cố định, thậm chí có ngày phát tới 3 – 5 lần. Nếu lại trắng khô như xương khô là rất xấu, mạch tất phải Vi Nhược hoặc Tế Sác, tinh thần mỏi mệt, hụt hơi, ra mồ hôi dấp dính (Trùng đính thông tục Thương hàn luận – Dẫn lời của Hà Liêm Thần).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây