Từ nhiều thế kỷ qua người ta vẫn coi vết thương tim là một loại tổn thương sớm hay muộn đều dẫn tới tử vong (Hyppocrate, Celsus, Galen, v.v…). Đầu thế kỷ thứ XVI, Ambroise Paré đã chứng minh được rằng, sau khi bị thương, quả tim còn có thể sống và hoạt động được một thời gian nhất định nào đó rồi mới ngừng đập (xem ở trên). Cũng từ đó, nhiều thông báo về điều trị vết thương tim đã xuất hiện trên y văn thế giới. Năm 1868, Fisher đã công bố 401 trường hợp vết thương tim, trong đó có 10 – 12% được điều trị khỏi bằng các phương pháp bảo tồn như bất động nạn nhân, chườm đá lạnh ở vùng tim, rút bớt máu ra, v.v…
Vết thương tim được điều trị bằng phẫu thuật kể từ khi xuất hiện phương pháp vô trùng và khử trùng. Năm 1896, cả hai trường hợp khâu vết thương tim của Farina (ở Ý) và Capellen (ở Na Uy) đều bị thất bại vì những biến chứng sau mổ. Cũng trong năm 1896, muộn hơn một chút, Rehn (ở Đức) đã thành công trong việc khâu kín vết thương ở tâm thất phải, và năm 1897, Perrazzoni đã khâu vết thương tâm thất trái với kết quả tốt.
Sau đó, Fontain (ở Pháp – 1900), Nienert (ở Mỹ – 1901), Semervill (ở Anh – 1901) đã khâu thành công các vết thương tim do vật sắc đâm, và A.G. Podrez (ở Nga – 1897) đã khâu vết thương tim do hỏa khí với kết quả tốt. Càng ngày số lượng vết thương tim được điều trị bằng mổ xẻ càng tăng lên và càng có nhiều kinh nghiệm được tích lũy lại với kết quả tốt tới 90% tất cả các trường hợp.
Đại đa số các vết thương tim thường xảy ra trong thời chiến. Tuy vậy, chấn thương tim xảy ra trong thời bình cũng không phải là một hiện tượng hiếm gặp.
Tổn thương tim được chia làm hai loại sau đây: chấn thương kín và vết thương tim.
CHẤN THƯƠNG KÍN Ở TIM có thể xảy ra do một vật cứng và tù đầu đập vào ngực. Trong thời bình loại chấn thương kín ở tim chiếm từ 3,5 đến 10,2% tổng số các chấn thương kín ở lồng ngực (theo E.A. Vagner – 1959). Nguyên nhân gây nên chấn thương kín ở tim thường là tai nạn xe cộ (chiếm tới 29%). Ngoài ra, chấn thương kín ở tim còn có thể gặp trong các trường hợp ngã từ trên cao xuống đất hoặc bị chèn ép lồng ngực do đổ tường, v.v…
Trong y văn thế giới, chúng tôi gặp 13 trường hợp chấn thương kín ỗ tim do bị đá bóng vào lồng ngực. Ớ đây phải nhấn mạnh rằng, không nhất thiết chấn thương kín ở tim phải có kèm theo gãy xương sườn. Chấn thương kín ở tim trong đại đa số các trường hợp thường dẫn tới dập cơ tim (69%) hoặc vỡ các buồng tim (30,4%) và rất hiếm khi chỉ rách có màng ngoài tim (0,6%) (theo I.N.Grishin – 1974). Trong một số các trường hợp chấn thương kín ở tim có thể thấy rách các vách ngăn giữa các buồng tim, nhất là các vách liên thất, hoặc rách các van tim, nhất là van hai lá, gây ra tình trạng hở van tim. Nhờ can thiệp phẫu thuật kịp thời mà nhiều trường hợp chấn thương kín ở tim đã được cứu sống.
Trong các trường hợp chấn thương kín ở tim, rất hiếm khi thấy rách màng ngoài tim kèm theo. Do đó, triệu chứng chính của loại chấn thương này là triệu chứng của hiện tượng chèn ép tim do máu trào từ trong các buồng tim qua chỗ rách hay vỡ ở thành tim vào xoang màng ngoài tim gây nên.
Thái độ xử trí trong chấn thương kín ở tim phụ thuộc vào tính chất của các tổn thương xảy ra: nếu chỉ bị dập cơ tim, chỉ cần điều trị bảo tồn nội khoa như điều trị các trường hợp nhồi máu cơ tim; nếu thành của các buồng tim bị vỡ gây nên tình trạng chèn ép tim thì chỉ có một cách can thiệp phẫu thuật mới cứu sống được người bị nạn.
VẾT THƯƠNG TIM có thể xảy ra do bị các vật sắc nhọn đâm trực tiếp vào tim hoặc bị các vết thương hỏa khí (viên đạn, các mảnh bom, đạn v.v…). Trong thời chiến, tuyệt đại đa số các vết thương tim đều xảy ra do hỏa khí với tỷ lệ tử vong rất cao. Nguyên nhân tử vong cao trong vết thương hỏa khí chủ yếu do máu chảy vào xoang màng ngoài tim gây ra chèn ép tim và cuối cùng dẫn tới ngừng tim. Ngược lại, trong thời bình, vết thương tim thường do các vật sắc nhọn gây ra.
Chẩn đoán vết thương tim thường không gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào 3 dấu hiệu đặc biệt sau đây: 1- có vết thương ở vùng tim; 2- có các dấu hiệu thiếu máu cấp tính; 3- có các dấu hiệu chèn ép tim.
Các triệu chứng chèn ép tim gặp tới 60 – 70% tổng số vết thương tim. Ngoài sự chảy máu từ vết thương tim vào xoang màng ngoài tim, các triệu chứng chèn ép tim còn có thể xảy ra do các mạch máu của màng ngoài tim hay động mạch vành tim bị tổn thương. Trong các trường hợp đó, vết thương tim có kèm theo tổn thương các động mạch vành tim là những trường hợp rất nặng và thường dẫn tới tử vong.
Chỉ có một phương pháp duy nhất để điều trị vết thương tim do hỏa khí hoặc do các vật sắc nhọn đâm vào tim là can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt: khâu vết thương tim, bắc cầu nối giữa động mạch chủ và các động mạch vành tim, thay van tim bị rách bằng những van tim nhân tạo, v.v… tùy theo các tổn thương xảy ra ở tim khi bị thương.
Kinh nghiệm cho chúng tôi biết rằng, sự thành công của phẫu thuật điều trị chấn thương và vết thương tim phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức đúng và đầy đủ các khâu điều trị cho người bị tai nạn: tổ chức chuyển nạn nhân nhanh về các cơ sở điều trị, luôn luôn sẵn sàng nhận nạn nhân vào mổ cấp cứu xử trí vết thương tim, chuẩn bị điều kiện để có thể truyền máu và các dung dịch thay thế máu kịp thời với một khối lượng cần thiết. Săn sóc sau mổ tốt cũng có một ý nghĩa lớn trong việc điều trị vết thương tim.
Chúng tôi đã có dịp theo dõi và điều trị cho 11 nạn nhân và bệnh nhân có vết thương và di chứng vết thương tim. Trong số đó có 4 người bị vết thương hỏa khí, 5 người bị vết thương do dao hoặc các vật sắc nhọn khác đâm trực tiếp vào tim và 2 bệnh nhân bị chấn thương ngực kín gây vỡ buồng tim. Cũng trong số đó có 10 nạn nhân được mổ với tỷ lệ tử vong 4/10 và 1 bệnh nhân không mổ. Qua các trường hợp kể trên, chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm sau đây:
- Vết thương tim cần được chẩn đoán và xử trí thật khẩn trương nếu đã có những dấu hiệu chèn ép tim rõ rệt, cần phải can thiệp phẫu thuật kịp thời.
- Nếu nạn nhân bị vết thương tim được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng ổn định, cần phải theo dõi sát sao. Nếu cần thiết, sẽ điều trị khi vết thương tim đã trở thành di chứng và có biến chứng.
- Điều trị vết thương tim bằng phẫu thuật không phải là một vấn đề khó khăn phức tạp, nhưng nạn nhân có thể bị tử vong trong thời kỳ sau mổ bởi các biến chứng như hít ngược các chất nôn vào phổi, suy tim, suy hô hấp, v.v… Chúng tôi cũng đã bị mất một bệnh nhân vì các biến chứng kể trên.