Định nghĩa
Cảm giác đau xảy ra trong phạm vi chi phối của một dây thần kinh cảm giác, thông thường nhất là không tìm thấy nguyên nhân rõ rệt. Đau dây thần kinh thường chỉ xảy ra ở một bên. Đau mang tính chất kịch phát và trong một số trường hợp có thể được khởi động bởi kích thích ở một số vùng chọn lọc nào đó. Ngoài lúc có cơn, không có rối loạn khách quan nào khác.
ĐAU DÂY THẦN KINH SINH BA
Tên khác: chứng nháy cơ mặt, đau dây thần kinh mặt, bệnh Trousseau.
Căn nguyên
- Thể nguyên phát:thường xuất hiện trước 30 tuổi. Triệu chứng đau có lẽ do chèn ép bởi động mạch đập vào dây thần kinh sinh ba ở nguyên uỷ của dây này thuộc vùng thân não.
- Thể thứ phát:do các bệnh tác động tới các sợi thần kinh ở chặng trong thân não (chặng trung ương) của dây thần kinh sinh ba (bệnh xơ cứng từng mảng và những bệnh mất myelin khác, nhũn não hoặc khối u), hoặc ở đoạn dây thần kinh này đi trong hố sọ sau (khối u). Những cuộn động mạch hoặc tĩnh mạch cũng có thể chèn ép vào rễ của dây thần kinh sinh ba ở nơi dây này xuất phát từ thân não.
Triệu chứng
- Những cơn đau nói chung ngắn (từ vài giây tối 2 phút). Bệnh nhân chỉ đau ở một bên, khu trú trong vùng chi phối của một nhánh nào đó của dây thần kinh sinh ba, hay gặp nhất là đau thuộc khu vực của nhánh hàm dưới, đôi khi thuộc khu vực của nhánh hàm trên. Trong thể nguyên phát, giữa những cơn đau bệnh nhân trở lại bình thường.
- Những cơn đau thường được phát động trong lúc ăn, uống, nói hoặc khi da mặt bị lạnh. Đôi khi có một vùng phát sinh phản xạ ở mặt mà nếu đụng chạm vào đó thì sẽ gây ra cơn đau (vùng kích độnghoặc “trigger zone”).
- Cơn đau thường kèm theo đau ở những vùng tương ứng với điểm mà nhánh của dây thần kinh thoát từ trong khối xương mặt để ra ngoài: đối với nhánh mắt điểm đó ở giữa cung mày (điểm giữa của lông mày). Đối với nhánh hàm trên thì điểm đó là lỗ dưới hốc mắt. Đối với nhánh hàm dưới điểm đó là lỗ cằm.
- Cơn đau không chịu nổi thường gây ra co cứng các cơ ở mặt (nháy cơ mặt, nháy do đau), gây ra chảy nước mắt và chảy nước bọt nhiều.
- Những cơn đau dây thần kinh sinh ba nguyên phát thường có tần suất thay đổi với những khoảng thời gian không bị đau từ vài tuần tới vài tháng. Tuy nhiên, cùng với tiến triển của bệnh, thì những khoảng thời gian không bị đau ngắn dần, và hai hoặc cả ba nhánh của dây thần kinh này đều bị đau.
- Trong thể nguyên phát, khám thần kinh không phát hiện được một dấu hiệu khách quan nào. Nếu đau dây thần kinh sinh ba do khách quan (thứ phát) thì nên nghĩ tới những nguyên nhân như khối u (chụp X quang) hoặc xơ cứng từng mảng.
Chẩn đoán phân biệt
- Đau dây thần kinh thiệt hầu: đau thấp hơn, và phát động bởi động tác nuốt thức ăn.
- Chứng đau nửa đầu: có rối loạn tiêu hoá và ám điểm lập loè kết hợp.
- Viêm xoang, bệnh thiên đầu thông (glôcôm), tổn thương răng, nhức đầu do vận mạch (xem: giãn mạch nửa đầu và viêm động mạch thái dương).
- Bệnh zona mắt lúc khởi đầu, hoặc đau dây thần kinh sau
Điều trị
- Nội khoa:Carbamazepin liều tăng dần từ 400 đến 800 mg/ngày, hoặc một loại imipramin (amitriptylin, clomipramin), hoặc phenytoin 300- 600 mg/ngày, hoặc baclofen 30-75 mg/ngày.
- Phẫu thuật: trong trường hợp điều trị nội khoa không kết quả, có nhiều kỹ thuật đã được đề nghị, nhất là kỹ thuật đông nhiệt hạch Gasser, tiêm glycerol vào bể dây sinh ba, làm giảm áp lực vi mạch của dây thần kinh sinh ba, hoặc cắt rễ thần kinh cảm giác một phần.
- Châm cứu: đôi khi có hiệu quả.
ĐAU DÂY THẦN KINH THIỆT-HẦU
Bệnh tương tự như bệnh đau dây thần kinh sinh ba, nhưng chỉ đau ở hố amiđan, ở thành sau họng và ở 1/3 sau mặt lưng (trên) của lưỡi. Đau có thể tự phát hoặc được khởi động bởi động tác nuốt thức ăn, nhai, hoặc nếu động vào vùng của amiđan (vùng kích động “trigger zone”).
Điều trị: (xem: đau dây thần kinh sinh ba ở phần trên).
ĐAU DÂY THẦN KINH CỔ-CHẨM
(đau dây thần kinh Arnold)
Đau một bên gáy (các dây thần kinh cổ trên cùng) và 2/3 sau của sọ (dây thần kinh chẩm lớn). Co cứng cơ với cứng gáy và tăng cảm giác ở vùng gáy. Có những thể nguyên phát và những thể thứ phát do thoái hoá khớp đốt sống cổ.
Điều trị: phong bế bằng novocain- cortison.
ĐAU DÂY THẦN KINH CỔ-CÁNH TAY
Bệnh nhân thấy đau ở phần dưới cổ, ở mặt ngoài vai và cánh tay (do dây thần kinh cổ 5, C5), đau ở mặt ngoài cánh tay và cẳng tay và ngón tay giữa (do C7), đau ở mặt trong cánh tay và cẳng tay và hai ngón tay trong cùng (ngón 4 và 5) (do C8). Về ban đêm cơn đau hay nặng thêm. Cố duỗi cánh tay ra phía sau thì rất đau. Các cử động của gáy cũng có thể gây đau.
Có thể thấy thay đổi những phản xạ gân tương ứng: phản xạ gân cơ nhị đầu cánh tay (C5), phản xạ mỏm châm quay (C6), phản xạ gân cơ tam đầu cánh tay (C7). Hiếm khi xảy ra suy giảm vận động. Nguyên nhân hay gặp nhất là thoái hoá các khớp đốt sống cổ (phát hiện bằng chụp X quang), đôi khi do thoát vị đĩa đệm ở đoạn cột sống cổ, hoặc có dị dạng xương sườn cô (mỏm ngang của đốt sống cổ dưới cùng quá dài gần như một xương sườn). Chẩn đoán phân biệt quan trọng nhất là với cơn đau thắt ngực.
Điều trị: nghỉ ngơi tuyệt đôi, cho thuốc giảm đau, các thuốc giãn cơ, tuỳ tình hình có thể cho corticoid, giữ cổ bằng vòng cứng.
ĐAU DÂY THẦN KINH LIÊN SƯỜN
Cơn đau chỉ xảy ra một lần hoặc bị đi bị lại: có các điểm đau cạnh cột sống, cạnh xương ức, và giữa nách. Chẩn đoán phân biệt với zona, viêm màng phổi.
ĐAU DÂY THẦN KINH CỤT (chứng đau xương cụt)
Đau dữ dội ở vùng xương cụt, xuất hiện thành cơn kịch phát, đau tăng thêm ở tư thế ngồi và lúc đại tiện. Đau có thể nguyên phát hoặc tiếp sau một chấn thương (ngã và dập xương cụt), sau chấn thương khi đẻ, hoặc do viêm khớp cùng-cụt.
Dưới tên gọi xoang pilonidal, người ta mô tả một hốc rỗng nằm trong vùng xương cụt chứa lông và nếu bị viêm mủ thì cũng gây ra đau tại chỗ.
ĐAU DÂY THẦN KINH HOÀNH
Đau thần kinh hiếm gặp, xuất hiện trên dọc đường đi của dây thần kinh hoành ở đoạn cổ. Đau khu trú ở phần trên của ngực và đôi khi lan tới vai và cổ.
Đau dây thần kinh hoành tăng lên theo những động tác của cơ hoành (thở, ho) và khi nuốt những đồ uống lạnh. Thể nguyên phát biểu hiện bởi các cơn đau gián cách, thể thứ phát thường là do viêm màng phổi phần cơ hoành hoặc viêm ngoại tâm mạc (viêm màng ngoài tim).
ĐAU DÂY THẦN KINH MORTON
(đau xương đốt bàn chân)
U dây thần kinh gian ngón chân có thể gây đau khi tỳ lên những ngón chân thứ 2 và 3, hoặc ngón thứ 3 và 4. Có thể gây đau bằng cách khép (ép) các chỏm của hai xương đốt bàn chân lại gần nhau.
Điều trị: phong bế tại chỗ corticoid. Nếu không kết quả thì chỉ định phẫu thuật.
ĐAU DÂY THẦN KINH ĐÙI BÌ
(chứng đen đùi dị cảm)
Đau và dị cảm ở khu vực chi phối của dây thần kinh đùi bì (mặt trước ngoài của đùi). Đau có thể nguyên phát, hoặc thứ phát do thoái hoá khớp, hoặc do chấn thương cột sống thắt lưng tác động tới rễ của các dây thần kinh thắt lưng 2 và 3.