Viêm xương chũm mạn tính có cholesteatome

Bệnh tai mũi họng

Trong viêm tai giữa và viêm xương chũm, cholesteatome là một loại bệnh tích đặc biệt cần lưu ý đến vì :

  • Phá huỷ xương rất nhanh và mạnh nên làm suy giảm sức nghe rõ rệt và dễ đưa tới biến chứng.
  • Hầu như chỉ gặp trong bệnh học tai xương chũm, đặc biệt ở nước ta gặp với tỷ lệ cao.

Bệnh sinh: Tuy cholesteatome được biết đến từ lâu nhưng cho đến nay về bệnh sinh vẫn chưa rõ rệt. Các thuyết được nhắc đến là:

+ Thuyết nguyên phát: cho là cholesteatome sinh ra từ các mảnh ngoại bì của bào thai còn lại, do đó đôi khi thấy cholesteatome khu trú trong xương đá mà không có tổn thương ở xương chũm, thực ra những trường hợp này rất hiếm gặp.

+ Thuyết thứ phát.

  • Do viêm kích thích làm biến đổi lớp biểu mô của hòm nhĩ thành cholesteatome, hiện nay ít được nhắc tới.
  • Do di nhập: lớp biểu bì ở ống tai và màng nhĩ qua lỗ thủng màng nhĩ di nhập vào, sừng hoá thành cholesteatome. Do đó thường thấy cholesteatome khi thủng ở góc sau trên, màng chùng hay thủng rộng sát khung xương ở màng căng, đặc biệt khi vòi Eustachi bị tắc làm cho màng chùng bị lõm vào dễ gây nên sự di nhập.
    • Giải phẫu bệnh lý: Cholesteatome như một u bọc.

+ Bên ngoài là lớp vỏ khá dày, dai, màu trắng gồm 2 lớp: lớp biểu mô lát, dính sát vào lớp tổ chức liên kết, ở giữa có các tinh thể cholesterin nên thấy trắng sáng óng ánh. Người ta cho là chính lớp vỏ này ăn lấn và làm tiêu huỷ xương nên gọi là màng mái (matrice).

+ Bên trong là khối mềm, trắng như bã đậu gồm có những tế bào biểu mô lẫn với các tế bào mỡ và chất cholesterin.

Khối cholesteatome có thể khô, không mùi nhưng thường lẫn với mủ, khi đó có mùi thối khẳn.

  • Chẩn đoán.

Khi có cholesteatome thường thấy các triệu chứng:

+ Nghe kém rõ rệt, trong cả các trường hợp lỗ thủng ở màng nhĩ nhỏ. Nghe kém do khối cholesteatome làm cản trở dao động của chuỗi xương con hoặc làm gián đoạn sự dẫn truyền âm do các xương con bị tiêu huỷ.

+ Chảy mủ thối: trong các viêm tai, xương chũm có cholesteatome mủ có thể chảy nhiều hay ít nhưng bao giờ cũng có mùi thối khẳn, rất khó chịu. Điển hình thấy mủ lổn nhổn trắng như bã đậu, có các mảnh trắng, sáng óng ánh như xà cừ do vỏ khối cholesteatome vỡ ra, khi thả vào nước nổi vàng óng ánh như váng mỡ, thả vào dung dịch aldehyt acetic làm biến thành màu xanh.

+ Thủng góc sau trên: cholesteatome thường thấy ở các trường hợp có lỗ thủng nhỏ ở phía sau màng chùng, đặc biệt có lỗ thủng ở góc sau trên màng nhĩ: lỗ thủng ở sát khung xương, có thể ăn sâu một phần da ống tai ở rìa lỗ thủng. Lỗ thủng thường do đám mủ đặc hay vảy che lấp nên khó phát hiện.

Nếu màng nhĩ thủng rộng hay toàn bộ, bờ lỗ thủng sát khung xương, nham nhở, đáy lỗ thủng có lớp màng trắng, sáng óng ánh.

+ X-quang: trên phim Schuller hay Chaussé III có thể thấy hình ảnh cholesteatome thể hiện qua một vùng sáng không đều, lởn vởn như mây, khói, thường có hình tròn, bờ bao quanh đậm nét trên một xương chũm bị mờ đặc các thông bào.

Phần lớn các thể viêm xương chũm hồi viêm, xuất ngoại hay có các biến chứng như đã nêu đều có bệnh tích cholesteatome.

3.4. Xử trí.

  • Phẫu thuật: vì cholesteatome phá huỷ xương nhanh và mạnh, dễ đưa tới các biến chứng, làm suy giảm sức nghe rõ rệt, nếu phẫu thuật không lấy được hết lại tái phát rất nhanh, do đó cần làm:

+ Phẫu thuật tiệt căn: khi khối xương con đã bị huỷ hoại, khối cholesteatome có cả ở hòm nhĩ và xương chũm. Cần lưu ý: cholesteatome thường ăn lấn thành các hốc nhỏ trong xương nên khi phẫu thuật cần lấy hết lớp màng mái (vỏ cholesteatome), mở thông các hốc xương, dẫn lưu rộng.

+ Mở xương chũm phối hợp: khi khối cholesteatome khu trú. Sau khi mở sào bào thượng nhĩ lấy hết cholesteatome cần mở thêm khuyết ở thanh sau hòm nhĩ để có thể kiểm tra được hòm nhĩ vì cholesteatome thường hay có ở hòm nhĩ.

  • Bảo tồn: chỉ thực hiện khi khối cholesteatome khô, nhỏ, khu trú rõ.

Phải bảo đảm:

+ Lấy được hết cholesteatome qua rửa, hút, chú ý lấy hết lớp vỏ.

+ Để lỗ thủng dẫn lưu được tốt, không bị vẩy hay polyp che lấp.

+ Đốt tổ chức sùi ở da rìa lỗ thủng bằng (nitrat) bạc để đảm bảo không bị tái phát.

Bệnh tai mũi họng
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận