Ngạt mũi – Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Bệnh tai mũi họng

Ngạt mũi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất, không chỉ trong các bệnh mũi xoang mà trong nhiều trường hợp, đây chỉ là rối loạn cơ năng thông thường.

Ngạt mũi có thể gặp ở một hoặc hai hốc mũi, có thể thay đổi từng lúc, từng thời kỳ, có thể chỉ ở mức độ nhẹ gây khó chịu nhưng cũng có thể tới mức độ nặng gây thiếu oxy, ngạt thở (chủ yếu ở hài nhi), có thể đơn thuần nhưng thường kèm theo đau vùng mặt, chảy mũi, giảm ngửi, hắt hơi…

NGUYÊN NHÂN

Trẻ sơ sinh

  • Dị tật bẩm sinh: tịt lỗ mũi sau cả hai bên, ngạt mũi xuất hiện ngay sau khi sinh.
  • Viêm mũi do lậu cầu (mẹ gây nhiễm cho con), thường xuất hiện sau khi sinh 24 – 48 giờ.

Hài nhi

  • Dị tật bẩm sinh: tịt lỗ mũi sau một hoặc hai bên không hoàn toàn.
  • A quá phát: gây ngạt mũi thường xuyên, tăng lên trong những đợt viêm nhiễm cấp tính.
  • Viêm mũi họng cấp tính.

Trẻ em

  • A quá phát rất thường gặp, ngạt mũi tăng rõ khi có tình trạng viêm nhiễm cấp tính.
  • Viêm mũi xoang cấp và mạn tính, thường kèm theo chảy mũi dịch nhầy hay dịch mủ.
  • Dị vật: thường ngạt mũi đột ngột một bên, sau đó xuất hiện chảy mũi, dịch mủ thối một bên.

Trẻ lớn và người lớn

Viêm mũi cấp và mạn tính

  • Viêm mũi quá phát gây ngạt mũi liên tục.
  • Viêm mũi dị ứng: từng đợt theo mùa, có yếu tố dị nguyên.
  • Viêm mũi vận mạch: từng lúc, thay đổi từng bên mũi.

Viêm xoang cấp và mạn tính

Ngạt mũi liên tục khi có thoái cuốn mũi, đặc biệt là cuốn mũi giữa.

Dị hình vách ngăn mũi

Lệch vẹo, gai, mào vách ngăn mũi.

Chấn thương mũi

Sập, lệch sống mũi, di chứng sẹo dính giữa cuốn mũi giữa và vách ngăn…

Khối u

  • U lành tính: u xơ vòm mũi họng, polyp mũi.
  • U ác tính: ung thư sàng hàm, ung thư vòm mũi họng.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh

  • Thời gian xuất hiện: mới bị hay đã lâu, xuất hiện từng lúc hay liên tục.
  • Vị trí: một bên hay cả hai bên mũi.
  • Mức độ: nhẹ, vừa hay nặng, ngạt hoàn toàn hay không hoàn toàn? Có tăng hay giảm theo tư thế, thời gian, thời tiết. hay không?
  • Các triệu chứng kèm theo: đau vùng mặt, chảy mũi, giảm ngửi, hắt hơi.?
  • Tình trạng ngạt mũi có giảm khi được rỏ bởi các thuốc co mạch hay không?

Khám bệnh

Nhìn

Đối với hài nhi hay trẻ nhỏ thì quan sát khi bú hay ngủ:

  • Không bú được lâu hay sặc, tím tái khi bú.
  • Luôn há miệng khi thở, khi ngủ ngáy to.
  • Ứ đọng chất xuất tiết ở mũi.
  • Trẻ nhỏ nếu ngạt mũi kéo dài sẽ dẫn tới biến dạng khuôn mặt như: răng vẩu, cằm lẹm, mũi hếch, cánh mũi bè ra.

Nghe

Nếu ngạt mũi hai bên liên tục làm thay đổi giọng nói: không vang, giọng mũi kín.

Khám mũi

  • Sử dụng gương soi thường hoặc gương Glatzel đặt trước mũi để xem mức độ mờ gương do hơi thở gây ra. Có thể sử dụng miếng bông hoặc sợi chỉ để trước mũi để xem có di động khi thở không?
  • Soi mũi: có thể khám bằng mở mũi thông thường hoặc nội soi hốc mũi nhằm đánh giá:

+ Tình trạng cuốn mũi: phù nề, sung huyết, thoái hóa… có đáp ứng với thuốc co mạch hay không?

+ Hốc mũi, ngách mũi (đặc biệt là ngách mũi giữa): xem có dịch mủ, nhầy ứ đọng không? có polyp không? cuốn mũi có thoái hóa không?…

+ Cửa mũi sau và vòm mũi họng: có dịch mủ, nhầy không? có polyp không? đuôi cuốn mũi có thoái hóa không? có khối u vòm không.?

ĐIỀU TRỊ

Điều trị chung

  • Làm thông thoáng hốc mũi: rửa mũi bằng natriclorid 0,9%, hút dịch mũi, xì nhẹ từng bên mũi.
  • Rỏ mũi bằng các thuốc gây co mạch: ephedrin1-3%, naphtazolin 0,5-1% (không dùng cho trẻ sơ sinh), trong trường hợp này có thể thay thế bằng adrenalin 0,1% pha loãng.
  • Xông hơi: hơi nước ấm có pha dầu thơm.
  • Khí dung: kháng sinh, corticoid, thuốc co mạch.

Điều trị nguyên nhân

  • Nội khoa: điều trị các nguyên nhân do viêm nhiễm mũi xoang, mũi họng:

+ Thuốc hạ nhiệt sử dụng khi có sốt cao, kéo dài.

+ Sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và phòng bội nhiễm.

+ Thuốc chống dị ứng trong trường hợp viêm mũi dị ứng.

+ Chống viêm, giảm phù nề: dùng corticoid giảm liều dần hoặc alphachymotrypsin.

+ Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: vitamin C, các thuốc tăng sức đề kháng.

  • Ngoại khoa:

+ Tiêm các thuốc gây xơ vào cuốn mũi như: tiêm corticoid.

+ Nạo V.A: trong trường hợp viêm quá phát che kín cửa mũi sau.

+ Tạo hình lại các dị hình: sẹo hẹp, tịt lỗ mũi sau, dị hình vách ngăn.

+ Cuốn mũi thoái hóa: có thể đốt bằng điện nhiệt, nitơ lỏng hoặc laser. Khi cần thiết có thể cắt cuốn mũi hoặc đốt cuốn mũi qua nội soi mũi.

+ Lấy bỏ dị vật hốc mũi và phẫu thuật lấy bỏ các khối u và polyp (bằng phẫu thuật kinh điển hoặc nội soi).

+ Cắt bỏ dây thần kinh Vidien (vi phẫu hoặc nội soi vùng hố chân bướm hàm).

PHÒNG BỆNH

  • Tránh bị lạnh, ẩm đột ngột hay kéo dài.
  • Giữ vệ sinh mũi họng: rỏ mũi hàng ngày (Natriclorid 0,9%), súc họng bằng nước muối nhạt khi có dịch nhầy ứ đọng trong cổ họng.
  • Tránh các tác nhân kích thích như: bụi, khói, hóa chất độc hại…
  • Giải quyết các ổ viêm ở mũi họng.

Bệnh tai mũi họng
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận