Trang chủBệnh tai mũi họngBệnh học Viêm họng

Bệnh học Viêm họng

1. Giải phẫu và sinh lý họng.

1.1. Giải phẫu họng. 

Cấu tạo của họng: họng là một ống cơ và màng ở trước cột sống cổ. Đi từ mỏm nền tới đốt sống cổ thứ IV, là ngã tư của đường ăn và đường thở, nối liền mũi ở phía trên, miệng ở phía trước với thanh quản và thực quản ở phía dưới. Giống như một cái phễu phần trên loe rộng, phần dưới thu hẹp. Thành họng được cấu trúc bởi lớp cân, cơ, niêm mạc.

Họng chia làm 3 phần:

  • Họng mũi (tỵ hầu) phần họng trên.
  • Họng miệng (khẩu hầu) phần họng giữa.
  • Họng thanh quản (thanh hầu) phần họng dưới.

Vòng Waldeyer.

Họng có các tổ chức lympho tạo thành một vòng bao quanh gọi là vòng Waldeyer.

  • Bao gồm: Amiđan khẩu cái, Amiđan lưỡi, Amiđan vòm (luschka), Amiđan vòi (gerlach).
  • Mô học của Amiđan: Giống như cấu trúc của hạch bạch huyết.
  • Chức năng là sinh ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể.

Khoang quanh họng.

Quanh họng có các khoang chứa các tổ chức cân, cơ, mạch máu, thần kinh, hạch bạch huyết và các khoang này có liên quan mật thiết với họng.

  • Khoang bên họng (Sébileau).  

Khoang sau họng (Henké).

Mạch máu: Mạch nuôi dưỡng thuộc ngành động mạch cảnh ngoài: động mạch hầu lên, động mạch giáp trạng trên, động mạch khẩu cái lên.  

Thần kinh. 

  • Thần kinh cảm giác thuộc dây IX, X. Dây IX chi phối nền lưỡi và 1/3 dưới Amiđan. Dây X chi phối thành sau họng và màn hầu.
  • Thần kinh vận động chủ yếu do nhánh trong của dây IX và dây XI.

Mạch bạch huyết: đổ vào các hạch sau họng: hạch Gillete, hạch dưới cơ nhị thân và hạch dãy cảnh.

1.2. Sinh lý của họng: Họng là ngã tư đường ăn và đường thở. Nên giữ các chức năng sau:

  • Chức năng nuốt.
  • Chức năng thở.
  • Chức năng phát âm.
  • Chức năng nghe.
  • Chức năng vị giác (nếm).
  • Chức năng bảo vệ cơ thể.

2. Viêm họng cấp tính.

            Viêm họng cấp tính là loại bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện riêng biệt, nhưng thường gặp xuất hiện với các bệnh: viêm V.A, viêm Amiđan, bệnh phát ban, cúm, sởi, bạch hầu, ho gà, vincent, hoặc một số bệnh máu.  

  • Định nghĩa: Viêm họng cấp tính là viêm cấp tính của niêm mạc họng (được cấu tạo bởi lớp liên bào, tuyến nhầy và nang lympho).
  • Phân loại: Theo phân loại của Escat chia viêm họng cấp tính làm 3 nhóm:
  • Viêm họng không đặc hiệu có thể khu trú hoặc tỏa lan như: viêm họng đỏ, viêm họng trắng, viêm tấy xung quang Amiđan.
  • Viêm họng đặc hiệu như: viêm họng do bạch hầu, viêm họng vincent.
  • Viêm họng trong các bệnh máu.

Trên lâm sàng thường thấy có hai loại là: viêm họng đỏ và viêm họng trắng (trên thực tế nhìn thấy).

2.3. Viêm họng đỏ.

Thực chất là viêm cấp tính niêm mạc họng hoặc Amiđan hay gặp vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi.

2.3.1. Nguyên nhân.

  • Virus: cúm, sởi.
  • Vi khuẩn: phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác sẵn có ở họng.

2.3.2. Triệu chứng (do virus).

Triệu chứng toàn thân. 

Bắt đầu đột ngột, ớn lạnh, sốt cao 390C- 400C, nhức đầu, đau mình, ăn ngủ kém. Hạch cổ sưng, đau.

Triệu chứng cơ năng.

  • Lúc đầu có cảm giác khô nóng trong họng, khát nước, dần dần cảm giác đau rát tăng lên khi nuốt và khi nói, đau lan lên tai và đau nhói khi nuốt.
  • Ngạt tắc mũi và chảy nước mũi nhầy.
  • Tiếng nói mất trong và khàn nhẹ.
  • Ho khan.

Triệu chứng thực thể. 

  • Toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực. Màn hầu, trụ trước, trụ sau và thành sau họng phù nề, đỏ.
  • Hai Amiđan viêm to, trên bề mặt Amiđan có chất nhầy trong. Đôi khi có bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt hoặc miệng các hốc Amiđan.

Xét nghiệm: Bạch cầu trong máu không tăng.

2.3.3. Tiến triển.

  • Bệnh diễn biến trong 3-4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh.
  • Nếu có bội nhiễm do liên cầu, tụ cầu, phế cầu các biến chứng sẽ xảy ra như: viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm.

2.3.4. Thể lâm sàng.

  • Viêm họng đỏ do cúm: thành từng vụ dịch với các triệu chứng khá nặng, nhức đầu, đau rát họng, xuất huyết ở thành sau họng.
  • Viêm họng đỏ do vi rút APC (Adeno – Pharyngo- Conjonctivite) ở trẻ em: xuất tiết mũi, niêm mạc họng đỏ, viêm màng tiếp hợp và sưng hạch cổ, bệnh tiển triển 3-5 ngày. –          Viêm họng đỏ do vi khuẩn: viêm V.A và viêm Amiđan. Có thể gây các biến chứng thấp tim, viêm cầu thận cấp… Hạch thường sưng to, bạch cầu tăng cao trong máu.
  • Viêm hong đỏ do thuốc: gặp ở những người dị ứng với một số loại thuốc, sau khi dùng thuốc sẽ đau rát họng và xuất tiết mũi.

2.3.5. Chẩn đoán.

Chẩn đoán xác định:

  • Dựa vào các triệu chứng: sốt cao đột ngột, đau rát họng, nuốt đau.
  • Khám: niêm mạc họng đỏ rực, màn hầu, trụ trước, trụ sau và thành sau họng phù nề, đỏ.

Hai Amiđan sung huyết đỏ, trên bề mặt có chất nhầy trong hoặc bựa trắng.

  • Xét nghiệm: Bạch cầu trong máu không tăng (nguyên nhân do vius).

Chẩn đoán phân biệt:

  • Giang mai giai đoạn II: niêm mạc họng đỏ, nhưng không sốt cao. Xét nghiệm BW (+).
  • Phản ứng do ngộ độc: họng đau rát, nề đỏ. Nhưng không sốt, có ban đỏ ngoài da.

2.3.6. Điều trị: Giải quyết triệu chứng là chính.

Nghỉ ngơi, giữ  ấm.

Hạ sốt: Aspirin, A.P.C, Analgin, Paracetamol, Efferalgan…

  • Chống đau họng: hàng ngày súc họng bằng các dung dịch kiềm ấm như: nước muối, dung dịch clorat kali 1% hoặc BBM, trẻ em bôi họng bằng glyxerin bôrat 5%.
  • Chống xuất tiết mũi: nhỏ mũi Argyron 1% (tối đa 3 ngày).
  • Khí dung họng: kháng sinh + corticoid.
  • Dùng kháng sinh toàn thân khi có bội nhiễm hoặc nguyên nhân do vi khuẩn.

2.3.7. Dự phòng.

  • Không dùng chung khăn mặt, bát đĩa cốc chén với bệnh nhân.
  • Nhỏ nước muối sinh lý hoặc nước tỏi pha loãng khi xung quanh có nhiều người viêm họng cấp tính.
  • Cắt Amiđan khi bị viêm tái phát nhiều lần.

2.4. Viêm họng bựa trắng thông thường.

Là một bệnh viêm họng cấp tính nặng và thường có các biến chứng thấp tim, viêm cầu thận cấp … cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

2.4.1.Nguyên nhân.

Do vi khuẩn thường là do liên cầu, đặc biệt là liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A. Lây truyền bằng đường nước bọt.

2.4.2.Triệu chứng.

Triệu chứng toàn thân: khởi phát thường rầm rộ, bệnh nhân sốt cao 380C-390C   có rét run hoặc ớn lạnh, thể trạng mệt mỏi rõ rệt, nhức đầu nhiều.

Triệu chứng cơ năng.

  • Đau họng: rát họng, nuốt đau nhói lên tai.
  • Khàn tiếng nhẹ.

 Triệu chứng thực thể. 

  • Hai Amiđan to đỏ thẫm, các khe giãn. Một lớp bựa trắng bao phủ miệng khe. Lớp bựa này đầu tiên màu trắng kem sau trở lên vàng xám và chỉ khu trú ở Amiđan và có thể dùng bông chùi đi mà không gây ra chảy máu.
  • Trụ trước, trụ sau, lưỡi gà và màn hầu xung huyết đỏ nhưng không nề.
  • Ở thành sau họng có vài đảo lympho bị viêm có bựa trắng.
  • Các hạch ở vùng sau góc hàm bị sưng đau.

Xét nghiệm. 

  • Quyệt họng để soi cấy tìm vi khuẩn: liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A.
  • Số lượng BC tăng từ 10.000 tới 12.000.
  • Tốc độ máu lắng tăng cao, có thể có Albumin trong nước tiểu.

2.4.3. Chẩn đoán.

Chẩn đoán xác định:

  • Dựa vào sự khởi phát của bệnh.

Triệu chứng thực thể khi khám họng (lớp bựa trắng phủ lên bề mặt Amiđan).

Xét nghiệm: Cấy khuẩn tìm thấy liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A. Xét nghiệm máu BC tăng cao.

Chẩn đoán phân biệt:

  • Bệnh bạch hầu: thường xảy ra thành dịch. Khám họng thường thấy có giả mạc, giả mạc gắn chặt vào niêm mạc, khi bóc ra thì chảy máu, giả mạc mọc rất nhanh, lan ra các trụ và màn hầu, giả mạc không tan trong nước. Bệnh cảnh nhiễm trùng, nhiễm độc rõ. Hạch ở cổ, dưới cằm nổi nhiều và nhanh. Trước một bệnh nhân như vậy bao giờ cũng quyệt họng để cấy khuẩn. – Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân: Hạch cổ to, suy nhược, viêm họng trắng, loét họng. Trong máu tế bào đơn nhân tăng cao.

2.4.4. Điều trị.

  • Điều trị kháng sinh bệnh diễn biến tốt, thuyên giảm trong vòng 24 giờ (Cephalothin, Amikacin, Gentamicin …).
  • Hạ sốt.
  • Điều trị tại chỗ: súc họng, khí dung.
  • Cắt Amiđan khi bệnh ổn định. Đặc biệt là bệnh nhân có Albumin trong nước tiểu.

2.4.5. Biến chứng: Bệnh thường kéo dài 10 ngày mới khỏi hẳn, nếu kéo dài hơn dễ gây nên các biến chứng vào tuần thứ hai, thứ ba.

  • Gây thấp tim, viêm cầu thận cấp.
  • Viêm tấy quanh Amiđan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản.
  • Viêm hạch mủ.
  • Nhiễm trùng huyết.

3. Viêm họng mạn tính.

Viêm họng mạn tính là viêm mạn tính niêm mạc họng (được cấu tạo bởi lớp liên bào, tuyến nhầy và nang lymphô), rất hay gặp. Nó thường phối hợp với các bệnh viêm mũi, xoang mạn tính, viêm thanh, khí phế quản mạn tính.

Viêm họng mạn tính thể hiện dưới 3 hình thức: xuất tiết, quá phát và teo. Các bệnh tích có thể toả lan hoặc khu trú.

3.1. Nguyên nhân.

  • Ngạt tắc mũi do nhiều nguyên nhân trong đó có: dị hình vách ngăn, polype mũi… phải thở bằng miệng kéo dài, nhất là về mùa lạnh.
  • Viêm mũi, xoang nhất là viêm xoang sau: nhầy mủ luôn chảy xuống thành sau họng.
  • Các chất kích thích như: khói thuốc lá, rượu bia, bụi, sợi bông, hoá chất…
  • Yếu tố cơ địa: thể địa dị ứng, suy gan, đái đường…

3.2. Triệu chứng.

3.2.1. Triệu chứng cơ năng.

Cảm thấy khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng nhất là khi ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt.

  • Bệnh nhân thường phải khạc nhổ luôn, có ít nhầy quánh.
  • Ho nhiều vào ban đêm, khi lạnh.
  • Nuốt hơi nghẹn.
  • Tiếng nói bị khàn trong giây lát rồi trở lại bình thường.

Khi uống rượu, hút thuốc lá nhiều, nói nhiều, triệu chứng trên càng trở nên rõ rệt.

3.2.2. Triệu chứng thực thể: tùy theo tổn thương, có thể thấy các thể:

Viêm họng mạn tính xuất tiết.

  • Niêm mạc họng đỏ, ướt, có chất xuất tiết nhầy, trong dính vào thành sau họng.
  • Khạc hay rửa hút đi thấy thành sau họng không nhẵn, có nổi vài tia máu và nang lympho nổi lên thành những hạt nề, đỏ.

Viêm họng mạn tính quá phát.    

  • Niêm mạc họng dày và đỏ, cạnh trụ sau của Amiđan niêm mạc nề dày lên làm thành trụ giả (vì vậy bệnh nhân rất nhạy cảm ở họng và rất dễ buồn nôn).
  • Thành sau họng có các nang lympho phát triển mạnh, quá sản dầy thành những đám nề, màu hồng hay đỏ lồi cao hơn thường gọi đó là viêm họng hạt – Màn hầu và lưỡi gà cũng trở nên dầy, eo họng bị hẹp.
  • Niêm mạc loa vòi Eustache cũng quá sản (bệnh nhân thấy ù tai).
  • Mép sau của thanh quản bị dầy (nên bệnh nhân ho, khàn tiếng, xuất tiết nhiều).

Viêm họng mạn tính teo: Quá phát lâu ngày chuyển sang teo.

  • Tuyến nhầy và nang lympho xơ hoá.
  • Niêm mạc trở lên nhẵn mỏng, trắng bệch có mạch máu nhỏ.
  • Eo họng rộng ra.
  • Tiết nhầy khô lại biến thành vảy dính vào niêm mạc (bệnh nhân phải đằng hắng hoặc ho luôn).

3.3. Tiến triển và biến chứng.

  • Viêm họng mạn tính khi loại trừ được các yếu tố nguyên nhân cũng có thể khỏi được. Thường các viêm họng mạn tính sẽ lần lượt qua các giai đoạn xuất tiết, quá phát và teo nếu để kéo dài không điều trị. Đặc biệt các trường hợp trĩ mũi (ozen). Suy yếu niêm mạc đường thở do các bụi hoá chất cũng trở thành viêm họng teo.
  • Viêm họng mạn tính cũng thường đưa đến viêm thanh quản mạn tính, viêm thanh-khí phế quản mạn tính… hoặc các đợt viêm cấp như viêm Amiđan cấp tính, ápxe Amiđan…
  • Gây lên suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do phải luôn khạc nhổ, nhất là ban đêm.

3.4. Điều trị.

3.4.1. Điều trị nguyên nhân.

  • Giải quyết các ổ viêm tiềm tàng ở mũi, xoang (viêm xoang sau), viêm Amiđan.

Giải quyết sự lưu thông của mũi: dị hình vách ngăn, polype mũi, thoái hoá cuốn mũi dưới…

  • Loại bỏ các kích thích như: bụi, hoá chất, thuốc lá, rượu…
  • Điều trị dị ứng (nếu do thể địa).

3.4.2. Điều trị tại chỗ.

Giai đoạn xuất tiết:

  • Súc họng bằng dung dịch kiềm như: BBM, nước muối nhạt…
  • Bôi và chấm họng bằng glycerin borat 3%, S.M.C (Salicylat Na, menthol).
  • Khí dung họng: Hydrocortison + kháng sinh.
  • Nếu có nhiều nhầy dính ở thành sau họng thì rửa bằng dung dịch borat Natri 1% cho hết vẩy, bôi họng và khí dung.

Giai đoạn quá phát: đốt điện nóng, cao tần hoặc đốt bằng nitơ lỏng hay laser.

Giai đoạn teo: bôi glyxêrin iôt 0,5% hoặc mỡ thuỷ ngân 1%.

3.5. Phòng bệnh.

  • Đeo khẩu trang bảo hộ khi tiếp xúc với bụi và hoá chất.
  • Súc họng hàng ngày bằng dung dịch kiềm ấm hoặc nước muối.
  • Nâng cao thể trạng: cho uống các vitamin A, D2, uống nươc suối, nước khoáng.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây