Trang chủBệnh tai mũi họngLiên quan tai mũi họng với các chuyên khoa khác

Liên quan tai mũi họng với các chuyên khoa khác

Liên quan tai mũi họng với các chuyên khoa khác

  • ĐẠI CƯƠNG:

Tai mũi họng thuộc ngũ quan. Chuyên khoa Tai mũi họng nghiên cứu và điều trị bệnh của những cơ quan giúp con người tiếp xúc và trao đổi với thế giới bên ngoài. Tai là cửa ngõ của hệ thống nghe và thăng bằng. Mũi là nối ra vào của đường hô hấp. Họng là cửa ngõ của đường ăn. Thương tổn ở tai có thể ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, thương tổn ở mũi có thể hại đến hô hấp, thương tổn ở họng có thể ảnh hưởng đến tiêu hoá. Ngược lại, những bệnh lý ở thần kinh trung ương, ở đường hô hấp, ở đường tiêu hoá đều có thể gây ra đến tai, đến mũi, đến họng.

Sau đây chúng tôi sẽ đi vào cụ thể của từng chuyên khoa một.

  • QUAN HỆ VỚI NỘI KHOA:

TMH có rất nhiều quan hệ qua lại mật thiết với nội khoa. Sau đây là những vấn đề thường hay gặp.

  1. Chảy máu mũi – ói ra máu:
  • Chảy máu mũi (chảy máu cam) là một triệu chứng thường hay gặp ở trong những bệnh nhân nội khoa như: cao huyết áp, bệnh lơcô (leucose hay leucomie), bệnh sốt rét, bệnh vàng da chảy máu (leptospira), bệnh chậm đông máu (hemophilie).

Bác sĩ Tai mũi họng được mời đến cầm máu.

  • Nôn ra máu do vỡ tĩnh mạch thực quản thường gặp ở hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa (1) cũng được gởi đến Tai mũi họng.
  1. Ho, khạc ra máu:

Bệnh Tai Mũi Họng cũng có thể làm cho bệnh nhân khạc ra máu. Thí dụ: Chảy máu mũi sau, dãn tĩnh mạch đáy lưỡi, viêm xoang… bệnh Rendu – Osler (angiomatose hémecragique familiale) với những u mạch máu ở niêm mạc mũi và họng cũng hay làm cho bệnh nhân khạc ra máu.

  1. Viêm phế quản mạn và abcès phổi:

Di vật (hạt hồng xiêm) nằm lâu ngày trong phế quản gây ra viêm phế quản mạn hoặc abcès phổi.

  1. Lò viêm (infection focale):

Lò viêm là những ổ viêm mạn tính (chứa vi khuẩn) như viêm Amiđan khe, viêm xoang, sâu răng… Từ những ổ viêm này và thông qua cơ chế miễn dịch dị ứng, bệnh sẽ tác hại vào khớp, vào tim, vào thận gây ra thấp khớp cấp, viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận cấp… Nội khoa, sau khi điều trị thấp khớp cấp, viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận cấp thường hay gởi bệnh nhân đến Tai mũi họng để cắt Amiđan hoặc mổ xoang, đề phòng tái phát.

  1. Viêm họng, loét họng:

Những bệnh máu như tăng bạch cầu (leucémie), mất bạch cầu hạt (agranulocytose), tăng bạch cầu monocyt nhiễm khuẩn (mononucl ose infectieuse) đều có viêm họng hoặc loét họng.

Thiếu vitamin C cũng gây ra chảy máu lợi (nướu).

  1. Loạn cảm họng (Dysphagie):

Bệnh nhân có cảm giác nuốt cộm, nuốt vướng, nuốt rát, nuốt đau ở họng miệng, ở họng thanh quản. Bệnh nhân tự cho mình bị mắc xương, bị viêm họng hạt….

Loạn  cảm họng có nhiều nhân thuộc Tai mũi họng như viêm họng mạn quá phát hoặc teo, dài mỏm trâm… hoặc không thuộc Tai mũi họng như: tăng axit dạ dày, trào dịch vị, mãn kinh, thể địa co thắt, viêm loét hoặc thiểu năng tuyến giáp…

  1. Dị ứng:

Dị ứng thường khu trú ở mũi và xoang gây ra viêm mũi, viêm xoang dị ứng.

Một bệnh tích cục bộ của mũi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dị ứng xuất hiện ở cơ thể có bệnh dị ứng tiềm tàng. Thí dụ gai vách ngăn có thể làm cho viêm mũi dị ứng, cho hen xuất hiện về mặt lâm sàng. Mổ vách ngăn sẽ làm cho những biểu hiện lâm sàng của dị ứng giảm hoặc mất đi.

  1. Nhức đầu:

Nhức đầu là một triệu chứng rất phổ biến và có liên quan đến nhiều chuyên khoa: nội, ngoại, mắt, răng hàm mặt, thần kinh, nhiễm…. Nhưng nguyên nhân thường hay gặp nhất nằm trong lĩnh vực Tai mũi họng: viêm xoang. Bệnh viêm xoang dễ hay bị bỏ sót vì có những thể lâm sàng không điển hình: bệnh nhân đến với một triệu chứng nhức đầu phải hỏi thêm kỹ họ mới nhớ lại rằng trước họ có đàm vướng họng hay khạc.

  1. Chóng mặt:

Khi nói đến chóng mặt, người ta thường hay nghĩ đến nguyên nhân tai. Cái đó đúng nhưng ngoài ra cũng phải nghĩ đến nhiều nguyên nhân khác thuộc hệ nội như hạ đường huyết, hạ huyết áp, rối loạn tiêu hoá (gan, dạ dày) bệnh lý thần kinh trung ương (tiểu não, hành não).

  1. Sốt rét:

Có một bệnh Tai Mũi Họng rất dễ bị lầm với sốt r t, đó là viêm xoang tĩnh mạch bên, một biến chứng của viêm tai xương chũm hồi viêm, gây ra nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân có những cơn sốt cao, dao động kèm theo rét run, toát mồ hôi. Nếu không được điều trị đúng bằng kháng sinh thích hoặc xương chũm kịp thời hợp bệnh nhân sẽ tử vong (3).

  1. Thể địa (tạng địa):

Các thể địa như béo phì, đái tháo đường, gút sỏi thận, tạng bạch huyết (lymphatisme)… thường có kèm theo một số bệnh Tai mũi họng như viêm họng quá sản, viêm mũi xoang mãn tính… người thầy thuốc Tai mũi họng cần nhớ điểm này và thấy rõ vai trò của nội khoa trong những bệnh trên, tránh can thiệp phẫu thuật không đúng chỗ.

III- QUAN HỆ VỚI NGOẠI KHOA:

Chuyên khoa Tai mũi họng giải quyết những bệnh ngoại khoa ở vùng cổ mặt như là ung thư thanh quản, ung thư hạ họng, ung thư sàng hàm, dò giáp lưỡi, dò khe mang, u thành bên họng, u cổ, bướu tuyến giáp, chấn thương cổ mặt…

Chuyên khoa Tai mũi họng giúp phẫu thuật lồng ngực trong việc chẩn đoán bệnh ở phế quản và soi hút đờm nhớt trong phế quản.

Chuyên khoa Tai mũi họng cũng cần thiết cho cấp cứu ngoại khoa, ví dụ như trong chấn thương nặng ở vùng đầu cổ có khó thở của thời bình cũng như trong chiến tranh.

Ngược lại, những chuyên khoa Tai mũi họng cũng cần đến ngoại khoa trong những trường hợp sau đây: mổ thực quản ngực, mổ dạ dày, mổ phổi lấy dị vật không gắp ra bằng đường tự nhiên được. Trong một số abcès não do tai, khoa Tai mũi họng cũng nhờ ngoại thần kinh can thiệp cũng như đối với u dây thần kinh số VIII.

IV- QUAN HỆ VỚI NHI KHOA:

Quan hệ của chuyên khoa Tai mũi họng với nhi khoa nhiều và chặt chẽ đến nỗi ở một số nước, người ta đã thành lập chuyên khoa Tai mũi họng nhi:

  1. Amiđan và sùi vòm: (VA: Vegetation ad noides)

Amiđan và V.A đóng vai trò quan trọng trong các bệnh viêm nhiễm của trẻ em, hầu hết các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm tai, viêm phế quản, viêm ruột đều có liên quan đến amiđan  VA.

Giải quyết viêm amiđan- VA tức là tạo điều kiện tốt cho trẻ em tránh được một số bệnh nhiễm trùng thường gặp ở tuổi trẻ.

  1. Khó thở:

Khó thở được thấy ở trẻ em nhiều hơn và nặng hơn ở người lớn: khó thở dễ đưa đến tử vong nếu không được giải quyết kịp thời.

Nguyên nhân chính của khó thở trẻ em ở Việt Nam là dị vật thanh – khí- phế quản, viêm thanh quản (bạch hầu thanh quản, viêm thanh quản sởi) phù nề thanh quản, viêm khí  quản tô huyết (trachéo- bronchite sérofibrineuse), u mạch máu dưới thanh môn, abcès thành sau họng… Sự có mặt của bác sĩ Tai mũi họng sẽ giúp nhiều cho bác sĩ nhi khoa. 3. Viêm tai xương chũm cấp (oto- antrite aiguie) ở hài nhi:

Điểm nổi bật ở đây là thương tổn ở tai nhưng triệu chứng lại ở đường tiêu hoá. Em bé nôn trớ (ói mửa….) tiêu chảy, sốt, mất nước… và hay lấy tay cào vào tai. Nếu chúng ta soi tai có thể thấy màng nhĩ đỏ, phồng hoặc thủng nhưng cũng có khi không thấy gì lạ.

  1. Điếc câm:

Hầu hết trẻ em nhỏ bị câm là do điếc: Vì không nghe tiếng nói nên trẻ không bắt chước nói. Điếc ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong số đó có nguyên nhân do thầy thuốc gây ra mà người nhà không nghĩ đến: Điếc do Streptomycin. Khi phát hiện điếc câm thì phải gởi b  đến trường dạy trẻ điếc câm, gởi càng sớm càng tốt. ở đây, em b  sẽ học nói, học viết và học nghề. Có nhiều phương pháp dạy trẻ em hiểu lời nói và nói nhưng không có thuốc làm cho bệnh nhân tự nhiên nói được.

  1. Các hội chứng phối hợp:

Một số bệnh mũi có thể phối hợp với nhiều lý do khác tạo ra những hội chứng như là hội chứng

Mounier- Kuhn (viêm mũi xoang mạn có pô lyp cộng với dãn phế quản), hội chứng Kartagener (viêm mũi xoang mạn có pô lyp + dãn phế quản và đảo lộn phủ tạng, dạ dày bên phải gan bên trái, tim bên phải…).

Một số bệnh nhân nội khoa có thể tạo ra những hội chứng có liên quan đến Tai mũi họng như bệnh tiết nhầy đặc Mucoviscidose ở đường hô hấp làm cho em bé khó thở, hoặc hội chứng Cogan (bệnh nhân bị điếc chóng mặt, đồng thời có viêm mạc kẽ, có tổn thương ở tim).

V- QUAN HỆ VỚI KHOA SẢN:

  1. Mắc phải:

+ Forcep: Liệt mặt do cánh forcep ép vào dây VII vành mang tai + Viêm mũi hài nhi do sặc ối, đặt soncle thở.

Trẻ sơ sinh có thể có những dị dạng về Tai mũi họng.

  1. Bẩm sinh:
  2. a) Dị dạng không nguy hiểm đến tính mạng:
  • Tắc cửa mũi trước hoặc cửa mũi sau. Dị dạng này làm cho em phải thở bằng miệng. Lối thở này không phù hợp với hài nhi, nó làm cho em b bú khó khăn.
  • Sứt môi- xẻ hàm ếch: Sứt môi đơn thuần chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Sứt môi cộng với xẻ hàm ếch làm cho nhũ nhi bú khó khăn: Phải vắt sữa đổ vào miệng bé mới nuốt được. * Hội chứng Franchesti: Dị dạng tai ngoài, teo hàm dưới, mắt xếch, lưỡi to, răng mọc lộn xộn, thiểu năng trí tuệ. Những trẻ này có thể sống được đến lớn. b) Dị dạng có nguy hiểm đến tính mạng:

Dò khí thực quản: Có lỗ thông giữa đường ăn với đường thở, mỗi lần trẻ sơ sinh bú thì sữa vào phế quản làm cho nó bị sặc sụa, nghẹt thở, tím tái. Bệnh nhi mất nước và viêm phế quản phổi.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhi sẽ tử vong.

VI- QUAN HỆ VỚI KHOA RĂNG- HÀM- MẶT:

Răng hàm và mặt là láng giềng của Tai, Mũi Họng nên chúng có liên quan mật thiết với nhau: * Sâu răng: Có thể gây ra viêm xoang hàm. Ngược lại viêm xoang cũng có thể làm cho bệnh nhân nhức răng, tuy rằng răng không bị sâu.

  • U nang chân răng và u nang răng sinh (Kyste detifere): Ở xương hàm trên có thể xâm nhập vào xoang hàm, cho bệnh cảnh viêm xoang.
  • Đau dây thần kinh tam thoa do viêm xoang có thể làm cho người ta nghĩ rằng đau do răng và đòi nhổ răng.
  • Răng mọc lạc chỗ ở mũi, ở xoang có thể gây trở ngại cho một vài thủ thuật Tai mũi họng như chọc xoang hàm, mổ vách ngăn….
  • Hội chứng Coster (bệnh lý khớp thái dương hàm) của RHM gây ra triệu chứng Tai mũi họng: Nhức đầu, ù tai, nghe kém, chóng mặt.
  • Lệch khớp răng cắn cũng làm cho bệnh nhân nhức đầu, ù tai.
  • Bác sĩ Tai mũi họng mổ ung thư xương hàm trên thường nhờ bác sĩ RHM làm hàm giả cho bệnh nhân nhai.
  • Trong chấn thương nặng ở mặt, bác sĩ Tai mũi họng giải quyết các xoang đồng thời bác sĩ RHM cố định xương bị gãy như xương hàm trên, xương gò má, xương hàm dưới.

VII- QUAN HỆ VỚI KHOA MẮT:

Mắt bị các xoang mặt bao vây ba phía: Phía dưới, phía trong và phía trên, do đó mắt rất dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh của các xoang.

  • Viêm thần kinh thị giác sau nhãn cầu: Viêm xoang thường hay làm giảm thị lực (mờ mắt). Nếu không điều trị kịp thời mắt có thể bị mù nhưng soi đáy mắt không cho thấy gì lạ. Thương tổn chính là ở dây thần kinh số II đoạn sau nhãn cầu.
  • U nhầy xoang trán và xoang sàng: U này thường xuất hiện ở góc trong và trên ổ mắt và đẩy lồi nhãn cầu ra phía trước, ngoài và dưới làm cho người ta tưởng là bệnh lý của mắt.
  • Viêm ổ mắt và bộ phận phụ: Viêm xoang có thể gây ra viêm tấy ổ mắt và dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch xoang hang (sưng mí mắt phù nề kết mạc, dãn tĩnh mạch trán kiểu vòi bạch tuộc, mất thị lực, lồi nhãn cầu, mất vận động nhãn cầu), viêm màng não và tử vong.

Viêm xoang sàng có thể xuất ngoại ở góc trong của mắt làm cho ta nhầm với viêm mũi túi lệ.

Ở trẻ em nhỏ viêm xoang sàng luôn luôn gây ra phù nề mí mắt làm cho 2 mí sưng húp.

Cũng ở trẻ em, viêm xương chũm thể thái dương thường hay làm phù mọng mí mắt trên.

VIII- QUAN HỆ VỚI KHOA LÂY:

Khoa lây và khoa Tai mũi họng thường nhờ lẫn nhau trong những trường hợp gặp bệnh nhân nặng: * Viêm màng não: Viêm xoang cấp cũng như viêm tai xương chũm hồi viêm đều có thể gây ra viêm màng não nặng và cần phải có sự hợp tác giữa khoa Tai mũi họng và khoa Lây mới cứu được bệnh nhân.

* Mở khí quản: Những bệnh nhân uốn ván, viêm não, liệt hô hấp, thường gây ra khó thở nặng, cần phải mở khí quản.

Ở trẻ em bị sởi, cúm, bạch cầu, tinh hồng nhiệt (Scarlatine) thường hay bị khó thở nặng và bác sĩ Tai mũi họng phải mở khí quản cho những bệnh nhi này.

Mặt khác những bệnh sởi, cúm, tinh hồng nhiệt cũng có thể gây ra viêm tai giữa và bác sĩ Tai mũi họng cũng phải điều trị những bệnh nhân này.

IX- QUAN HỆ VỚI KHOA THẦN KINH (nội thần kinh và ngoại thần kinh):

Khoa Tai mũi họng có nhiều quan hệ với khoa thần kinh:

  1. Hội chứng tiền đình (chóng mặt) của Tai mũi họng thường được nói đến trong “dây thần kinh VIII”, trong bệnh sơ cứng rải rác từng mảng (Sclérose en plaques), trong bệnh suy động mạch cột sống thân nền (Insuffisance vertébro- basilaire), bệnh rỗng hoành não, bệnh to béo….
  2. Suy nhược thần kinh:

Một số bệnh nhân được liệt vào nhóm suy nhược thần kinh (nhức đầu, mất ngủ, ăn kém, giảm trí nhớ, không tập trung tư tưởng được, không lao động được) thường là bị viêm xoang sau (xoang sàng sau và xoang bướm). Nếu chúng ta điều trị xoang thì các triệu chứng trên sẽ hết.

  1. Abcès não (đại não và tiểu não):

Nói chung, bác sĩ Tai mũi họng chẩn đoán và mỗi Abcès não do tai, do xoang, nhưng trong những trường hợp có bệnh nhân thần kinh trung ương khác kèm theo thì phải nhờ đến chuyên khoa ngoại thần kinh.

  1. Đau nhức màng não sau viêm tai (Algie méningée post- otitique):

Đây là bệnh tích phù nề ở màng nhện (Arachnoide), sau mổ viêm tai xương chũm hoặc khoét rỗng đá chũm, bệnh làm cho bệnh nhân nhức đầu nhiều, không lao động được tuy rằng tai khô, hết viêm.

  1. Bệnh Horton: Viêm động mạch thái dương nông (P riart rite à cullules g antes). Bệnh nhân đau ở vùng thái dương, da đỏ, bóng, nóng, có mồ hôi. Dùng ngón tay đề lên đến động mạch thái dương nông, bệnh nhân kêu đau. Bệnh biến diễn từng đợt, có lúc bớt, lúc tăng và có thể đưa đến mù mắt.
  2. Đau dây thần kinh tam thoa (V):

Bệnh nhân bị đau điếng từng cơn rất ngắn, giống như điện giật ở trán, ở thái dương, ở má, ở lưỡi… nhất là khi nói hoặc ăn (lưỡi cử động chạm vào vùng “cò súng”). Bệnh có thể nguyên phát hoặc thứ phát. Nếu là nguyên phát thì bác sĩ thần kinh điều trị, nếu là thứ phát do xoang thì do bác sĩ Tai mũi họng điều trị.

  1. Tai biến mạch máu não và bệnh lý mạch máu não:

Tai biến mạch máu não có thể gây ra những triệu chứng liên quan đến Tai mũi họng:

  • Liệt dây thần kinh IX, X, XI và có khi cả XII: làm cho bệnh nhân nuốt khó, nuốt sặc, chảy nước miếng, nói giọng lơ lớ, khó hiểu.
  • Mất ngôn ngữ (Aphasie): Bệnh nhân câm hoặc nói được nhưng hoàn toàn là những từ hoặc câu không có nghĩa.
  • Các bệnh liệt thành não thật có thương tổn các nhân xám, liệt hành não giả do nhãn cao (ở người già) có rối loạn tâm thần- thần kinh luôn có những triệu chứng như khó nuốt, nuốt sặc, liệt màng hầu, liệt họng, liệt thanh quản.

X- QUAN HỆ VỚI KHOA TÂM THẦN:

Một số bệnh tâm thần cho những triệu chứng Tai mũi họng:

  • Trong bệnh hoang tưởng, bệnh nhân cho rằng mình bị ung họng, nhất là khi thấy bạn bè hoặc người thân chết vì ung thư. Họ liên tục đến nhiều bác sĩ nhờ khám bệnh và tự đi tìm nhiều xét nghiệm không cần thiết.
  • Tăng trương lực sau một ngày lao động cật lực hoặc trầm cảm sau thất bại trong làm ăn hoặc trong tình cảm có thể dẫn đến nhức đầu giống như viêm xoang.
  • Những xúc động mạch, đột ngột hoặc bệnh Histêri (Hystérie) có thể làm cho bệnh nhân mất tiếng (tiếng nói phều phào) hoặc câm (không nói ra tiếng).

XI- QUAN HỆ VỚI KHOA DA LIỄU:

Một số bệnh da liễu có thể tấn công vào tai, mũi, họng và thanh quản:

  1. Bệnh phong:

Vành tai và tháp mũi thường bị vi trùng phong Hasen tấn  công trong bệnh phong. Người ta tìm vi trùng Hansen bằng cách quệt lấy chất nhầy ở mũi, phết lên phiến kín rồi nhuộm màu và soi bằng kính hiển vi.

  1. Giang mai:

Giang mai thường hay tấn công vào tai nhất là tai trong (viêm thần kinh mê nhĩ Syphilis neurolabyrinthique hoặc viêm màng não dây thần kinh Méningonévrite syphilitique) dẫn đến điếc tai trong. Giang mai bẩm sinh là một nguyên nhân thường gặp của điếc trẻ em.

  1. Viêm mũi lậu:

Viêm mũi lậu ở trẻ sơ sinh hay đi đôi với viêm mắt lậu. Nguyên nhân do vi trùng lậu Gonocoque ở âm đạo của mẹ xâm nhập vào mũi và mắt khi sinh. Bệnh này hiện nay giảm.

  1. Chàm (Eczéma):

Ở trẻ em nhỏ, viêm tai giữa chảy mủ thường hay gây ra chàm ở mặt. Chàm chỉ có thể khỏi sau khi điều trị hết mủ ở tai.

  1. Các bệnh ngoài da khác:

Hiếm thấy như bệnh Pemphigus (nổi bong bóng nước ở da, ở niêm mạc mắt, miệng, họng, thực quản…) bệnh Duhring- Brocq (viêm da nổi bong bóng nước nhỏ, đa dạng giống Herpes, khá đau và diễn biến từng đợt) cũng có thể làm đau và lo t ở họng và miệng.

XII- QUAN HỆ VỚI CHUYÊN KHOA LAO- BỆNH PHỔI:

Chuyên khoa Tai mũi họng là một cộng tác viên đắc lực của chuyên khoa lao  1. Lao thanh quản: phản ánh khá trung thực sự diễn biến của lao phổi: Một bệnh nhân đang bị lao phổi phải đến khám bệnh vì khàn tiếng. Soi thanh quản thấy dây thanh trái có hình ảnh loét lao, chúng ta có thể khẳng định rằng bệnh lao đã nan sang phổi trái, phim Xquang xác minh việc này.

  1. Giãn phế quản:

Trong bệnh giãn phế quản kinh điển các triệu chứng lâm sàng và Xquang giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh dễ dàng. Nhưng ở thể khô bệnh nhân không khạc rađờm mà chỉ khạc ra máu thì chẩn đoán sẽ khó khăn. Soi phế quản và chụp phế quản có bơm thuốc cảm quang Lipiodol sẽ giúp bác sĩ tìm ra căn bệnh. Soi phế quản  còn giúp bác sĩ  hút mủ, dẫn lưu áp xe phổi.

  1. Lao phổi giả:

Viêm xoang mãn tính có thể cho những triệu chứng lâm sàng giống như lao phổi: Ho khạc ra máu, sốt nhẹ về chiều, ăn kém, gầy, xanh… nhưng các xét nghiệm cận lâm sàng đều bình thường: BK âm tính, Cuti- R âm tính, tốc độ máu lắng bình thường, tim phổi bình thường.

Nhưng nếu chụp phim Blondeau và Hirtz  chúng ta sẽ thấy xoang bị mờ, thường là xoang sàng.

  1. Lao phế quản:

Trong lao phế quản bệnh nhân ho và khạc ra vi trùng lao Koch nhưng trên phim phổi, nhu mô phổi sáng bình thường không thấy hình ảnh lạ. Nếu chúng ta soi phế quản thì sẽ thấy những vết lo t đặc hiệu ở niêm mạc phế quản và sinh thiết sẽ xác định là tổn thương lao.

Hiện nay khoa phổi học đã soi và chụp phế quản thay cho chuyên khoa Tai mũi họng.

XIII- QUAN HỆ VỚI KHOA VỆ SINH CÔNG NGHIỆP:

Chuyên khoa Tai mũi họng kết hợp với bộ môn và phòng vệ sinh công nghiệp nghiên cứu các vấn đề y tế công nghiệp sau đây:

  1. Chống tiếng ồn to:

Những máy nổ, máy dệt, máy nghiền đá, máy tán rivê…. phát ra những tiếng ồn rất to (trên 100 dB) có thể gây điếc nghề nghiệp cho công nhân, thêm vào đó sự rung động của máy cũng có thể tác hại đến tai.

  1. Chống bụi:

Ở nhà máy xi măng, ở lò vôi, ở mỏ than, mỏ Crôm, ở nhà máy supe phốt phát, nhà máy lông vũ… công nhân làm việc trong môi trường nhiều bụi. Những bụi này chứa chất hoá học độc hại hoặc vi khuẩn tác hại vào mũi, vào họng và vào phổi.

  1. Chống hơi độc:

Các nhà máy hoá chất thường tiết ra hơi độc, nhất là các nhà máy cũ, hệ thống an toàn không tốt. Nồng độ khí độc vượt quá mức quy định và gây ra thương tổn ở mũi họng hoặc sâu hơn ở phổi, gan, thận… Hơi độc thường là: CO, HCl, SO2, NO2…

  1. Những chất thải công nghiệp:

Như khói, bụi, nước thải tuy không tác hại trực tiếp đến công nhân trong nhà máy, nhưng có ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Một khu công nghiệp hiện đại, xả khói bụi độc hại vào không khí hoặc xả nước ô nhiễm ra sông rạch.

  1. Những thay đổi lớn và đột ngột của áp lực nước đối với thợ lặn hoặc của áp lực không khí đối với phi công:

Tác hại đến sức khoẻ và có khi nguy hiểm đến tính mạng của họ. Đối với những nhà thám hiểm đại dương hoặc du hành vũ trụ, kỹ thuật hiện đại đã giải quyết được vấn đề này. Nhưng trong hoạt động sản xuất thủ công, người thợ lặn chưa có phương tiện bảo vệ hiện đại hoặc chưa áp dụng những quy tắc giảm áp nên tai nạn vẫn còn.

Trên đây chúng tôi nêu một cách sơ lược những quan hệ của chuyên khoa Tai mũi họng với 12 chuyên khoa lâm sàng. Chúng tôi không đề cập đến các khoa cận lâm sàng như Xquang, vi trùng học, sinh hoá, huyết học, giải phẫu bệnh… Vì chúng tôi cho rằng sự quan hệ với các chuyên khoa đó là dĩ nhiên.

KẾT LUẬN:

Chuyên khoa Tai mũi họng có liên quan chặt chẽ với các chuyên khoa lâm sàng. Nhiều khi thương tổn không ở tai, mũi, họng. Nhưng lại biểu hiện triệu chứng ở tai, mũi họng. Ngược lại cũng không hiếm những trường hợp thương tổn ở tai mũi họng nhưng triệu chứng lại ở cơ quan khác. Người bác sĩ bất kể ở chuyên khoa nào, kể cả Tai mũi họng đều cần phải biết rõ những đặc điểm nói trên để tránh cho bệnh nhân đỡ đi lòng vòng từ chuyên khoa này đến chuyên khoa khác. Cần phải tìm ra căn bệnh và điều trị tận gốc, điều trị nhanh và ít tốn kém. Đó là “lương y như từ mẫu”.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây