Biến chứng của Đái tháo đường týp 2

Bệnh Nội tiết

Biến chứng cấp tính

Nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton:

Hôn mê nhiễm toan ceton là hậu quả của 2 yếu tố kết hợp chặt chẽ, đó là thiếu insulin và tăng tiết các hormon đối lập với insulin dẫn đến tình trạng tăng glucose máu. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh do có các rối loạn nặng nề trong chuyển hóa carbonhydrat, protid và lipid. Thiếu insulin sẽ gây tăng glucose máu do tăng phân hủy glycogen tại gan, tăng tổng hợp glucose từ các nguồn nguyên liệu khác và giảm tiêu thụ glucose ở mô ngoại vi. Glucose máu tăng vượt quá ngưỡng lọc của thận dẫn đến tăng thải đường niệu, kéo theo tình trạng mất nước và điện giải qua đường tiểu. Hôn mê nhiễm toan ceton là một cấp cứu nội khoa, cần được theo dõi và điều trị tại các khoa điều trị tích cực.

Hạ glucose máu:

Hạ glucose máu là hậu quả mất cân bằng của 2 quá trình cung cấp và tiêu thụ glucose trong tuần hoàn. Nguyên nhân của tình trạng này là do tăng bài tiết insulin, giảm tiếp nhận thức ăn hoặc cơ thể tăng sử dụng glucose. Triệu chứng hạ glucose máu thường xảy ra khi nồng độ glucose huyết tương còn khoảng 2,7-3,3 mmol/l. Tùy theo mức glucose huyết tương sẽ có tình trạng lâm sàng tương ứng: từ cảm giác đói, vã mồ hôi, run tay chân tới các thay đổi hành vi, thậm chí hôn mê và co giật. Người bệnh cần được định lượng glucose máu, chẩn đoán xác định khi glucose huyết thanh < 3,1 mmol/l.

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu:

Đây là hội chứng thường gặp ở bệnh nhân Đái tháo đường týp 2. Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu có thể gặp ở những người chưa bao giờ được chẩn đoán bệnh Đái tháo đường và là nguyên nhân phải vào viện cấp cứu thường gặp nhất của các bệnh nhân Đái tháo đường týp 2. Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu có nhiều đặc điểm giống với hôn mê nhiễm toan ceton, tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất là không có hoặc có rất ít thể ceton trong nước tiểu. Biểu hiện lâm sàng của tình trạng này là dấu hiệu mất nước nặng nề (có thể tới 25% trọng lượng cơ thể); kèm theo nồng độ glucose máu tăng rất cao ( >33,3 mmol/l, có khi đến 100 mmol/l), áp lực thẩm thấu huyết tương tăng > 340 mosM. Đây là tình trạng bệnh có tiên lượng xấu, tỉ lệ tử vong cao ngay cả khi được cấp cứu đầy đủ và đúng cách, nếu có qua khỏi cũng thường để lại cho người bệnh nhiều di chứng nặng nề.

Biến chứng cấp tính ít gặp khác: hôn mê nhiễm toan lactic, các nhiễm trùng cấp tính…

Biến chứng mạn tính:

ĐTĐ nói chung và đặc biệt là Đái tháo đường týp 2 sẽ dẫn đến nhiều biến chứng do tình trạng đường huyết tăng kéo dài kèm theo rối loạn các thành phần khác trong máu nên độ nhớt của máu thay đổi. Các biến chứng mạn tính thường gặp của Đái tháo đường týp 2 là: biến chứng mạch máu lớn (bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên) và biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh thần kinh, bệnh ngoài da…).

Biến chứng mạch máu lớn:

ĐTĐ là một trong các yếu tố nguy cơ lớn gây ra vữa xơ động mạch.

  • Bệnh lý mạch vành: Tần suất mắc bệnh mạch vành ở bệnh nhân Đái tháo đường cao hơn ở người không có Đái tháo đường gấp 2-3 lần. Tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành ở bệnh nhân Đái tháo đường cũng cao gấp hai lần người bình thường. Triệu chứng thường gặp là:

Cơn đau thắt ngực: cơn đau điển hình khi gắng sức hoặc hay gặp dạng “thiếu máu tại chỗ yên lặng” chỉ có rối loạn tái cực trên điện tâm đồ.

Nhồi máu cơ tim: có khi là phát hiện tình cờ trước dấu hiệu nhồi máu cũ trên điện tâm đồ, có khi là cơn đau thắt ngực dữ dội điển hình.

Ở người cao tuổi, đặc biệt là các bệnh nhân Đái tháo đường các biểu hiện của đau thắt ngực thường không điển hình, có thể chỉ biểu hiện bằng cơn mệt, vã mồ hôi, người lạnh…

  • Tai biến mạch máu não: có thể là nhất thời, tiến triển dần, hoặc đột ngột.
  • Bệnh mạch máu ngoại biên: thể hiện chủ yếu bằng viêm động mạch chi dưới, cả nam và nữ đều có thể bị bệnh với tỷ lệ ngang nhau. Bệnh dễ dẫn đến các loét, hoại thư chân và cắt cụt chi.

Biến chứng mạch máu nhỏ:

  • Biến chứng mắt: gồm bệnh võng mạc và đục thủy tinh thể. Khoảng 25% bệnh nhân Đái tháo đường týp 2 đã có bệnh võng mạc không tăng sinh khi bệnh được phát hiện. Tần suất mắc bệnh võng mạc gia tăng khoảng 8%/năm, cho nên sau thời gian bị bệnh 8 năm thì tần suất này ở bệnh nhân Đái tháo đường là 50% và sau 20 năm có thể tới 100%.Đái tháo đường týp 2 đã có bệnh võng mạc
  • Biến chứng thận: Bệnh thận đái tháo đường là một bệnh lý vi mạch của thận đặc trưng bởi sự dày màng đáy của mao mạch cầu thận, lắng đọng các glycoprotein ở trung mạc. Ngoài ra Đái tháo đường còn gây biến chứng viêm thận-bể thận, hoại tử gai thận…

Biến chứng thần kinh:

Bệnh thần kinh ngoại biên cũng như bệnh thần kinh tự chủ là các biến chứng thường gặp của các thể đái Đái tháo đường. Bệnh thần kinh cảm giác biểu hiện dị cảm: nóng ran, ngứa, đau, mất cảm giác. Bệnh thần kinh vận động biểu hiện bằng một sự yếu xảy ra đột ngột ở vùng chi phối bởi dây thần kinh có liên quan (thí dụ: tổn thương dây thần kinh mác gây ra bàn chân rủ xuống); có thể gặp liệt các dây thần kinh sọ não có hồi phục: sụp mi (thương tổn dây III), lác ngoài (thương tổn dây IV), mất vận động nhìn ngoài (thương tổn dây VI), liệt mặt (thương tổn dây VII).

Biến chứng ở da:

Bệnh da đái tháo đường thường gặp là các chấm sẫm màu teo da ở mặt trước cẳng chân. Các thay đổi này có thể là hậu quả cuả sự gia tăng glycosyl hóa protein mô hoặc một bệnh mạch máu.

Biến chứng xương và khớp:

Các biến chứng này thường là di chứng về chuyển hóa cũng như mạch máu do Đái tháo đường lâu ngày. Hạn chế vận động bàn tay: là một hội chứng xơ cứng dần bàn tay thứ phát sau co cứng và co lớp da che phủ khớp. Co cứng Dupuytren: là một sự dày lên kiểu nút ở cân bàn tay tạo ra một biến dạng hình càng cua. Mất chất khoáng ở xương, viêm bao hoạt dịch, bệnh goutte.

Biến chứng nhiễm khuẩn: Một vài loại nhiễm khuẩn hay gặp ở bệnh nhân Đái tháo đường như: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thực quản do nấm candida, viêm âm đạo do nấm candida…

Bệnh Nội tiết
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận