Trang chủChứng trạng Đông yChứng bại liệt (nan hoán) - Triệu chứng bệnh Đông y

Chứng bại liệt (nan hoán) – Triệu chứng bệnh Đông y

Khái niệm

Nan hoán cũng gọi là “Nan hoãn” là chỉ loại bệnh chân tay mềm yếu vô lực, cơ thịt nhão mất khả năng co duỗi, hoạt động hạn chế hoặc hoàn toàn không hoạt động được. Thánh tế tổng lục: “Nan thì là chân tay nhão ra không co lại bình thường, Hoãn là cơ bắp lỏng lẻo không nắm được đồ vật cho nên mới có triệu chứng chân tay không cất nhắc được, gân mạch khớp xương vô lực không chống đỡ được gọi là Nan. Còn tứ chi tuy có thể cử động được nhưng khớp xương tay chân quá yếu phải vịn vào một vật nào đó mới di động được gọi là Hoãn. Hoặc thường gặp bị bên tả là Nan, bị bên hữu là Hoãn.

Nhiều y thư cổ đại có ghi các chứng “Tứ chi bất dụng”, “Tứ chi bất cử”, “Túc bất thâu”, “Đạn xiết”, “Nuy tý”… đều thuộc phạm vi bệnh này.

Ngoài ra, các chứng “Thiên khố, “Bán thân bất toại” thì là triệu chứng bại liệt nửa người đã ghi ở chuyên mục riêng.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Nan hoán do tân dịch ở Phế Vị tổn thương: Chứng ngoại cảm ở thời kỳ đang sốt hoặc sau thời kỳ phát sốt thấy chi trên hoặc chi dưới mềm yến vô lực, tay không nắm được vật, chân đi không vững thậm chí bại liệt dần dà dẫn đến teo cơ, da dẻ khô khan, Tâm phiền khát nước, ho khan ít đờm, lòng bàn chân tay nóng, hai gò má đỏ, họng khô môi ráo, tiểu tiện sẻn đỏ và nóng đau, lưỡi đỏ ít tân dịch, rêu lưỡi vàng, mạch Tế Sác.
  • Nan hoán do Can Thận âm hư: Bệnh phát triển từ từ dần dà, chi dưới hoặc chi trên yếu liệt không vận động được, lưng và cột sống mềm yếu không thẳng được, lâu ngày thì xương thịt teo quắt có khi tê dại co rút giật, gân thịt máy động, đàu choáng ù tai, hoa mắt, di tinh, tảo tiết, triều nhiệt, mồ hôi trộm, gò má đỏ bừng, sốt nhẹ, tiểu tiện ít, họng khô, lưỡi đỏ tía, ít tân dịch, mạch Huyền Tế Sác.
  • Nan hoán do Thấp nhiệt xâm lấn: Có chứng tứ chi, hoặc hai chi dưới yếu liệt vô lực dẫn đến bại liệt, chân tay nóng rát gặp mát thì dễ chịu, mình nóng khó chịu, bụng đầy kém ăn, mặt vàng, thân thể khôn đôn, đầu như bị bọc, mặt mắt phù nhẹ, miệng khô đắng mà dính, tiểu tiện đỏ rát nóng đau, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Nhu Sác hoặc Hoạt Sác.
  • Nan hoán do hàn thấp xâm lấn: Có chứng mặt phù nề hoặc phù nhẹ, tối trệ, chân tay khôn đôn, hành động liêu xiêu dẫn đến bại liệt, lưng và cột sống đau mỏi, bụng đầy kém ăn, buồn nôn, phụ nữ thì đới hạ hoặc da dẻ ngứa ngáy, mu bàn chân hơi sưng, chất lưỡi bệu đỏ, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch Hoạt Hoãn.
  • Nan hoán do Tỳ Vị khí hư: Có chứng thấy chi dưới mềm yếu vồ lực từ từ dẫn đến bại liệt, thiểu khí, biếng nói, tiếng nói thấp khẽ, tinh thần bạc nhược, sắc mặt nhợt kém tươi, đầu choáng, chân tay khôn đôn, đại tiện nhão, kém ăn, lưỡi nhợt, rêu mỏng, mạch Tế Nhuyễn.
  • Nan hoán do Thận dương hư suy: Có chứng tứ chi bại liệt, sắc mặt tái xanh, chóng mặt ù tai, mệt mỏi yếu sức, lưng đùi mỏi yếu, mu bàn chân sưng lạnh, tứ chi lạnh giá, dương nuy di tinh, da dẻ lông tóc rụng nhiều, ra mồ hôi bất thường, chất lưỡi nhạt, mạch Xích bộ Nhược.
  • Nan hoán do ứ huyết ngăn trở đường lạc: Phần nhiều sau khi bị ngoại thương phát hiện nửa người phía dưới bại liệt, nhị tiện không tự chủ hoặc bí kết, mất cảm giác đau ngứa, mu bàn chân sưng, sắc trắng xanh, da dẻ khô bóng, sau đó cơ bắp teo gầy, bì phu tróc vảy chân tay không ấm, vùng ngực và lưng hoặc da dẻ đau nhói, chất lưỡi đỏ hoặc có nốt ứ huyết, mạch Trầm Tế sắc.
  • Nan hoán do Can uất huyết hư: Người bệnh đa sầu đa cảm hay buồn thương muốn khóc mỗi khi gặp cáu giận kích thích thì tứ chi bại liệt đột ngột nhưng cơ bắp và tứ chi tuy mắc bệnh đã lâu cũng không teo gầy, da dẻ tươi nhuận kiêm chứng hai bên sườn trướng đầy ợ hơi, biếng ăn, đắng miệng, lưỡi đỏ nhạt, mạch Huyền Tế.

Phân tích

  • Chứng Nan hoán do Phế vị tân dịch tổn thương với chứng Nan hoán do Can Thận âm hư: Tần dịch Phê Vị tổn thương phần nhiều do bệnh tà ôn nhiệt gây nên. Bệnh tà ôn nhiệt xâm phạm Phế hoặc sau khi ốm dư nhiệt chưa sạch, Phế nhiệt hun đốt gây nên. Tố vấn – Nuy luận viết: “Phế nhiệt thì lá phổi khô, bì mao hư yếu mỏng manh, biến sinh chứng bại liệt”. Trương Tử Hòa cũng nói: “Đại để chứng nuy gây bệnh đều do nhiệt ẩn náu gây nên”. Bệnh tà ôn nhiệt rất dễ hao thương tân dịch, Phế là cơ quan đứng đầu trăm mạch, lại là tạng non nớt, Vị là bể của thuỷ cốc, là nguồn sinh hóa tân dịch. Nhiệt tà ẩn náu ở Phế Vị, nguồn sinh hóa ở Trung tiêu bất túc, Thượng tiêu mất khả năng tuyên tán, trăm mạch rỗng không, cơ gân không được nuôi dưỡng dẫn đến chân tay bại liệt.
  • Chứng Nan hoán do Can Thận âm hư: Can chứa huyết chủ về gân là cái gốc của sự bãi cực. Thận chứa tinh chủ về cứng cáp, chủ về xương. Nếu phú bẩm bất túc, phòng lao quá độ thì tinh huyết suy hư, Can Thận bất túc không lấy gì để nhu dưỡng xương tủy gân mạch mà tạo thành bại liệt. Cả hai chứng này biểu hiện trên lâm sàng khác nhau, bại liệt do Phế Vị tổn thương tân dịch phần nhiều do ngại cảm tà khí ôn nhịêt nên xuất hiện các chứng trạng tân dịch hao thương như: sốt cao, mặt mắt đỏ, khát nước thích uống nước lạnh, họng khô, môi ráo, tiểu tiện vàng, đại tiện khô, lưỡi đỏ, ít tân dịch, mạch Tế Sác. Còn bại liệt do Can Thận âm hư biểu hiện chủ yếu là lưng đùi yếu mỏi, đầu choáng mắt hoa, tai ù, di tinh, tê dại, gân thịt máy động kiêm chứng trạng âm hư nội nhiệt như: gò má đỏ, môi ráo, sốt nhẹ, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, lưỡi đỏ, ít tân dịch và ít rêu, mạch Huyền Tế Sác mà vô lực. Vì thế cả hai chứng này tuy đều biểu hiện tân dịch ở phần âm bất túc nhưng nhân tố gây bệnh thì khác nhau. Loại trên là do ngoại cảm gây nên biểu hiện lâm sàng chủ yếu là thực nhiệt. Loại sau là do nội thương gây nên biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hư nhiệt. Loại trên nên khư tà bảo vệ tân dịch, điều trị theo phép thanh nhiệt nhuận táo dưỡng Phế ích Vị chọn dùng phương Thanh táo cứu Phế thang gia giảm. Nếu táo nhiệt thương Vị có thể gia Ngọc trúc, Sa sâm. Loại sau nên tư bổ Can Thận dục âm thanh nhiệt dùng phương Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm. Bệnh lâu ngày âm dương đều hư chủ yếu dùng phương Hổ tiềm hoàn gia vị.
  • Chứng Nan hoán do thấp nhiệt xâm lấn với chứng Nan hoán do hàn thấp xâm lấn: Nan hoán do thấp nhiệt xâm lấn phần nhiều do ngoại cảm bệnh tà thấp nhiệt hoặc ở lâu nơi đất ẩm, ra mồ hôi lại đi tắm, hoặc lội nước dầm mưa đến nỗi thấp uất hóa nhiệt. Thấp với nhiệt câu kêt xâm lấn gân mạch, tạo thành chân tay lỏng lẻo không cầm nắm được. Cũng có trường hợp do rượu chè nồng hậu, ăn uống không điều độ sinh thấp hóa nhiệt uất kết ở gân mạch, khí huyết không nuôi dưỡng được gân mạch tạo nên tứ chi bại liệt. Sinh khí thông thiên luận – Tố vấn có nói; “Thấp nhiệt không tháo gỡ được, gân lớn mềm mà rút ngắn, gân nhỏ nhão dài ra, mềm ngắn thì co lại, nhão dài thì thành liệt”. Nan hoán do hàn thấp xâm lấn phần nhiều do ngoại cảm tà khí hàn thấp hoặc ở lâu nơi đất ẩm đến nỗi hàn thấp xâm lấn gân mạch tích lũy dần dần tạo nên, hoặc do ăn uống sống lạnh, đói no thất thường dẫn đến Tỳ mất sự vận chuyển mạnh mà hàn thấp ứ đọng ở trong, thấp tà thấm vào cơ thịt dẫn đến tứ chi bại liệt. Nuy luận – Tố Vấn có nói: “Có trường hợp nhiễm thấp dần dần do thủy gây nên, nếu bị đọng ở chỗ nào như ở nơi ẩm thấp thấm vào cơ thịt thành Tý mà cấu vào không biết đau phát sinh chứng “Nhục Tý”. Phát sinh ra chứng này phần nhiều thấy chân tay khôn đôn trước tiên, yếu sức rồi sau mới dần dà bại liệt. Nhưng thiểu số có thể do mệt nhọc mà ra mồ hôi, hàn thấp nhân chỗ hư mà xâm phạm xuất hiện chứng tứ chi bại liệt đột ngột. Loại trên biểu hiện đầy đủ các chứng trạng về thấp nhiệt như: mình nóng khó chịu, mặt phù nhẹ tôi trệ, miệng dính mà khô, chân tay bứt rứt, bụng khó chịu biếng ăn, lưỡi bệu và to, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch phần nhiều Nhu Sác hoặc Hoạt Sác. Loại sau thì chủ yếu là có các chứng trạng hàn thấp như: sắc mặt phù nhẹ mà tối trệ, bụng đầy, biếng ăn, cơ thể lạnh, chân tay lạnh, lưỡi bệu to có vết răng, rêu lưỡi trắng dầy nhớt, mạch Hoãn … Loại trên điều trị nên thanh nhiệt táo thấp dùng bài Nhị diệu tán thêm các vị thuôc hòa doanh thông lạc. Loại sau điều trị nên kiện Tỳ táo thấp, ôn tán hàn tà dùng phương Vị linh thang gia các vị thuốc hòa doanh thông lạc.
  • Chứng Nan hoán do Tỳ Vị khí hư với chứng Nan hoán do Thận dương hư suy: Nan hoán do Tỳ Vị khí hư phần nhiều do Tỳ Vị vốn hư mất chức năng vận hóa đồ ăn uống, kém ăn, chán ăn, chất tinh vi của thuỷ cốc không hóa sinh được, nguồn sinh hóa cạn kiệt, tứ chi cơ bắp gân mạch mất sự nuôi dưỡng lâu ngày dẫn đến bại liệt. Chứng Nan hoán do Thận dương hư suy phần nhiều do phú bẩm bất túc, ốm lâu dương khí hao tổn, gân cơ không được sưởi ấm gây nên.

Yếu điểm biện chứng loại trên là: tứ chi bại liệt, Tỳ Vị hư thì biếng ăn, đại tiện nhão, tinh thần bạc nhược, sắc mặt trắng nhợt, tứ chi gày còm, lưỡi nhợt, mạch Hư Nhược. Yếu điểm biện chứng của loại sau là: tứ chi bại liệt kiêm các chứng trạng Thận hư như tai ù, di tinh, tóc rụng, lưng và cột sống đau mỏi và các hiện tượng về hàn chứng rất rõ rệt như cơ thể lạnh, chân tay lạnh, mặt mắt xanh nhợt, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, mạch Trầm Trì… có thể phân biệt dễ dàng. Loại trên điều trị theo phép bổ ích Tỳ Vị. Tô vấn – Nuy luận có nói: “Trị chứng Nuy chỉ lấy một mình Dương minh” và “Dương minh là bể của năm tạng, sáu phủ chủ là nhuận tông cân, tông cân chủ về ràng buộc xương và làm lợi cơ khớp” cho nên điều nhiếp hậu thiên Tỳ VỊ là cực kỳ trọng yếu, trên lâm sàng thường điều trị bằng các phương Bổ trung ích khí thang hoặc ích vị thang gia giảm. Loại sau nên dùng phép ôn bổ Thận dương dùng phương Kim quỹ Thận khí hoàn gia giảm.

  • Chứng Nan hoán do ứ huyết ngăn trở đường Lạc với chứng Nan hoán do Can uất huyết hư: Loại trên phần nhiều do ngoại thương gây nên, cũng có thể do ốm lâu, ứ huyết tích đọng hoặc khí trệ huyết ứ, kinh mạch vận hành không thông, gân cơ mất nuôi dưỡng gây nên, còn loại sau thì phần nhiều tổn thương tình chí, trước khi phát bệnh người bệnh thường biểu lộ tình chí không thoải mái rõ rệt. Can uất thì công năng sơ tiết không điều độ, Can huyết không nhu dưỡng được gân mạch làm gân mạch mất nuôi dưỡng nên tứ chi bại liệt không cất nhắc được. Nan hoán do ứ huyết ngăn trở đường lạc do ngoại thương gây nên, bệnh tình khá nặng. Bệnh ốm lâu mà ứ huyết ứ đọng, bệnh tình khá nhẹ còn kiêm hiện tượng cục bộ cơ bắp đau nhói, tình trạng bại liệt thường có từng giai đoạn khác nhau, khi lỏng lẻo, khi co cứng, nếu để kéo dài tới 2 năm thì khó mà hồi phục. Loại sau nếu được ổn định tình chí có thể khỏi rất nhanh không để lại di chứng nhưng cũng dễ tái phát. Loại trên có thể thấy chứng hậu ngoại thương, ứ huyết, nếu có bộ vị ngoại thương rõ ràng hoặc da cơ tróc vảy, rêu lưỡi ứ tía mạch Tế Sác. Loại sau có thể thấy chứng hậu Can uất khí trệ như ngực sườn trướng đầy biếng ăn, ợ hơi, đắng miệng, mạch Huyền Tế. Loại trên dùng phép hoạt huyết hóa ứ thông kinh hoạt lạc dùng phương Đào hồng Tứ vật thang gia Ngưu tất, Kê huyết đằng, cẩu tích, Địa long… Loại sau điều trị theo phép thư Can dưỡng huyết dùng Cam mạch đại tảo thang hợp Tiêu dao tán gia giảm.

Tứ chi nan hoán phần nhiều là một chứng nặng hơn khó chữa, lâm sàng nên phân biệt tỉ mỉ, biện chứng chuẩn xác từng bước điều trị kịp thời mới thu được công hiệu. Nếu thời kỳ đầu chữa nhầm thời cơ, kéo dài phần nhiều khó mà hồi phục. Đến như Nan hoán lâu ngày ốm lâu tất sinh ứ đọng, lâm sàng điều trị nên tham khảo sử dụng các loại hoạt huyết hóa ứ, hòa doanh thông lạc có thể nâng cao hiệu quả.

Trích dẫn y văn

  • Tâm khí nhiệt thì mạch ở dưới quyết mà dồn lên, dồn lên trên thì mạch ở dưới hư, hư thời sinh ra mạch của chứng Nuy, bộ máy bị gãy ông chân nhão ra không chạm tới đất. Can khí nhiệt thì Đởm tiết ra đắng miệng, gân mạch khô, gân mạch khô thì gân co mà cứng biến thành cân nuy. Tỳ khí nhiệt thì Vị khô mà khát, cơ thịt cấu không biết đau phát sinh chứng Nhục nuy. Thận khí nhiệt thì lưng và cột sống khó vận chuyển xương khô tủy với biến thành chứng Cốt nuy… (Tố vấn – Nuy luận).
  • Chứng Phi gây bệnh thân thể không có chỗ đau, chân tay không co lại được, trí tuệ lẫn lộn chút ít, tiếng nói nhỏ, lẩm bẩm tự một mình, thậm chí không nói nặng, không chữa được (Linh khu – Nhiệt bệnh).
  • Chứng Phong tý, chân tay lỏng lẻo không vận dụng được. Người ta lấy Vị khí để nuôi cơ thịt kinh lạc, nếu Vị hư suy tổn thì khí không bền chắc, kinh mạch bị yếu, gân thịt lỏng lẻo, cho nên phong tà nhiễm vào gân mà phát thành Phong tý (Chư bệnh nguyên hậu luận – Phong tý hậu).
  • Hai chi dưới nặng nề yếu sức, đi lại khó khăn hoặc kiêm chứng tê dại đau buốt chỉ riêng thượng chi là bình thường gọi là chứng “Tiệt nan” thuộc loại “Phong phi”. Phong phi là một chứng hậu nằm trong “Trúng phong” vốn thuộc loại tứ chi không tự chủ điều tiết theo ý muốn mà chủ yếu là hạ chi không hoạt động được nên Trương.cảnh Nhạc bàn: “Phong phi là tứ chi không co lại được, tàn phế tê dại đi lại cầm nắm khó khăn thậm chí không đi nổi một bước”, dùng Địa hoàng ẩm tử để ôn dưỡng thủy hỏa ở Hạ tiêu (Trung y lâm chứng bị yếu – Hạ chi nan hoán).
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây