Trang chủChăm sóc béTrẻ dùng chất kích thích và gây nghiện và hướng xử lý

Trẻ dùng chất kích thích và gây nghiện và hướng xử lý

Việc sử dụng rượu, ma túy và chất kích thích trong thanh thiếu niên hiện nay đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn. Những thanh thiếu niên có uống rượu hoặc sử dụng ma túy có nhiều khả năng bị sa sút trong học tập, gặp phải các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn. Các em này cũng ở trong nhóm có nguy cơ cao về tự tử và giết người. Do đó, tất cả các thanh thiếu niên đều cần được kiểm tra tầm soát khả năng dùng rượu, ma túy và chất kích thích. Số em gặp phải các vấn đề về lạm dụng rượu, ma túy và chất kích thích ở Mĩ chiếm khoảng 10% và một nửa trong số những em này cần phải được điều trị.

Những thanh thiếu niên có nguy cơ cao trong việc lạm dụng rượu, ma túy và chất kích thích là gồm những em có tính cách bốc đồng, hung hăng và hay gây gổ, hoặc ở những trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Những em mắc bệnh ADHD được chữa trị đều đặn sẽ ít khả năng tìm đến những chất này hơn. Thêm vào đó, những trẻ thiếu sự quan tâm, giám sát của cha mẹ hoặc những trẻ có tiền sử người trong gia đình có lạm dụng rượu và ma túy cũng có nhiều khả năng gặp phải tình trạng tương tự. Ngoài ra, trẻ gần đến tuổi thanh thiếu niên hoặc trong độ tuổi thanh thiếu niên, nếu thử hút thuốc lá khi đang từ 12-14 tuổi sẽ có nguy cơ cả đời sử dụng và lạm dụng chất kích thích. Các báo cáo cho thấy những thanh thiếu niên thường xuyên nhận được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ, cũng như những lời động viên, khen ngợi, kèm theo thái độ phản đối việc sử dụng ma túy quyết liệt từ bố mẹ, có tỉ lệ sử dụng chất kích thích thấp hơn hẳn so với những trường hợp khác.

Nếu bạn nghi ngờ con mình đang sử dụng ma túy, hãy tin vào linh cảm của mình và giám sát trẻ chặt chẽ, đồng thời tìm thời điểm thuận lợi để nói chuyện với trẻ về những lo lắng của bạn. Bạn cần nói thật cụ thể, song nên tránh những lời trách mắng thẳng thừng, thay vào đó hãy nói “bố mẹ yêu con và rất lo lắng cho con và tin rằng con sẽ thành thật với bố mẹ”. Điều quan trọng là bạn cần làm cho con hiểu rằng bạn kịch liệt phản đối việc sử dụng ma túy dưới bất kì hình thức nào. Ngoài ra, bạn nên nói chuyện với bác sĩ nhi về những lo lắng này và hãy nhớ rằng bất kể một biểu hiện nào như những thay đổi trong việc học tập của con ở trường, trong mối quan hệ với bạn bè, trong vẻ bề ngoài, hoặc trong tính khí cáu kính của trẻ, tất cả đều có thể là những dấu hiệu (tuy không cụ thể) của việc sử dụng ma túy và chất kích thích hay của một rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Những vấn đề này được xác định và chữa trị càng sớm bao nhiêu, thì nguy cơ con bạn gặp phải những hậu quả có hại sẽ được giảm đi bấy nhiêu.

Gọi ngay cho bác sĩ nhi nếu:

  • Bạn thấy cần thu xếp một lịch hẹn với bác sĩ vì con đang sử dụng ma túy hoặc rượu thường xuyên hoặc gặp phải nhiều vấn đề do việc dùng các chất này gây ra
  • Con bạn đang sử dụng ma túy hoặc rượu và có những hành vi nguy hiểm như tự làm tổn thương bản thân, dọa tự tử, dọa giết người, hoặc lái xe khi đang bị ảnh hưởng của ma túy hoặc rượu.

CẢNH BÁO

Bạn đừng nghĩ rằng việc trẻ sử dụng ma túy hoặc rượu chỉ là một giai đoạn phát triển rồi sẽ qua đi. Việc sử dụng các chất này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ờ thanh thiếu niên Mĩ, vì nó dẫn đến các hành động như gây chấn thương ngoài ý muốn (như đâm xe), giết người và tự tử. 30% trong số những vụ tử vong do bị thương đều có liên quan trực tiếp đến rượu. Vấn nạn này cũng gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe, tuy không nguy hiểm chết người song cũng rất nghiêm trọng, như các vấn đề về trí nhớ, thiếu vitamin, mất thăng bằng trong cuộc sống và những hành vi tình dục có nguy cơ cao.

Thanh thiếu niên, ma túy, và các phương tiện truyền thông

Một mặt, chúng ta nói với con cái mình rằng chúng phải nói không với ma túy, song mặt khác, chúng ta lại cho phép việc sử dụng 20 tỉ đô la vào các quảng cáo thuốc lá, rượu và các chất ma túy có kê đơn trong các bộ phim, trên ti vi và các phương tiện truyền thông khác. Trung bình, một thiếu niên ở Mĩ xem khoảng 2000 hình ảnh thương mại về bia và rượu mỗi năm, mà hầu hết trong số này xuất hiện trong các chương trình thể thao. Trong khung giờ vàng của truyền hình, 71% số chương trình có hình ảnh mô tả việc uống rượu hoặc chất có cồn.

Việc giới hạn không để trẻ tiếp xúc với những quảng cáo không có lợi cho sức khỏe quả là không dễ dàng. Trước tiên, bạn cần kiểm soát lượng thời gian tiếp xúc với các phương tiện truyền thông của trẻ hàng ngày, theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mĩ, thời lượng này là không quá hai tiếng đồng hồ. Ngoài ra, tốt nhất bạn không nên đặt những thiết bị điện tử như ti vi, máy vi tính, điện thoại di động, hoặc bất kì thiết bị nào có kết nối với mạng internet trong phòng ngủ của con.

MỐI BẬN TÂM CỦA BẠN NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ CÓ HÀNH ĐỘNG CẦN THỰC HIỆN
Người con bạn có mùi thuốc lá, cùng với răng bị biến màu, hơi thở có mùi hôi. Hút thuốc lá. Nói cho con hiểu rõ rằng bạn không khuyến khích việc hút thuốc hay sử dụng ma túy, đồng thời nhờ bác sĩ nhi giảng giải cho trẻ hiểu về những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và giúp trẻ biết cách thoát khỏi áp lực từ những bạn đồng lứa. Bên cạnh đó, bạn có thể đăng ký cho trẻ tham gia một chương trình cai thuốc lá, cùng với việc trao đổi với bác sĩ của trẻ về vấn đề này.
Con bạn thấy buồn nôn và bị nôn khi đang trên đường về nhà sau khi tham dự một bữa tiệc. Bạn ngửi thấy mùi cồn trong hơi thở của con. Dùng đồ uống có cồn. Nghiêm túc nói với trẻ rằng bạn không đồng ý với việc trẻ dùng đồ uống có cồn, và nói cho trẻ hiểu những mối nguy hiểm từ việc sử dụng chất có cồn và ma túy. Bạn hãy tìm những thời điểm phù hợp để nói cho trẻ hiểu rõ những tác hại hoặc thảm kịch có thể đến khi dùng đồ uống có cồn, đồng thời giúp con biết cách thoát khỏi áp lực từ những bạn đồng lứa. Ngoài ra, bạn cũng cần nói chuyện với bác sĩ nhi để có thêm những lời khuyên bổ ích khác.
Con bạn thường xuyên về nhà với mùi rượu trên người, nói nhịu hoặc lắp bắp và không thể điều khiển tốt chân tay. Trẻ bình thường hay thích gây gổ, đánh nhau và gần đây đã gặp phải một tai nạn xe hai. Uống rượu và sử dụng các loại chất gây nghiện.

Một vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến việc sử dụng rượu.

Liên hệ với bác sĩ nhi để họ tiến hành những đánh giá và điều trị chuyên sâu cho con. Bạn cần dừng cho phép trẻ lái xe cho đến khi con chịu tham gia điều trị.
Con bạn hay có tâm trạng thất thường và hay gắt gỏng, trẻ không quan tâm đến những hoạt động ở trường như trước nữa, và gần đây bỏ không tham gia các hoạt động khác. Có lúc trẻ trở về nhà với đôi mắt đỏ, nói nhiều và cười khúc khích. Sử dụng chất bổ đà (marijuana). Nói cho con biết những mối nguy hại của chất bổ đà, đồng thời giúp con biết cách thoát khỏi áp lực từ những bạn đồng lứa, cũng như tìm đến những thú vui tích cực. Bên cạnh đó, bạn cũng phải làm gương cho con trong cách xử lý căng thẳng và áp lực một cách tích cực. Ngoài ra, bạn cần nói chuyện với bác sĩ nhi để có thêm những lời khuyên bổ ích khác.
Con bạn có ánh nhìn mụ mị, đờ đẫn và trong hơi thở như có mùi hóa chất. Trẻ ăn ít, trông có vẻ lo lắng và kêu buồn nôn. Bạn tìm thấy những bình xịt hoặc những mảnh giẻ thấm đầy chất dung môi trong phòng trẻ. Trẻ đeo khuyên ở mũi hoặc ở miệng. Các loại ma túy dạng hít, như dung môi, khí N2O, và các khí ni tơ dạng khí có trong các bình xịt phòng. Nghiêm túc nói với con rằng bạn không cho phép con dùng các chất ma túy, và nói chuyện với trẻ về tầm quan trọng của một đời sống lành mạnh. Bên cạnh đó, bạn cần giúp trẻ xây dựng những sở thích lành mạnh, đồng thời gọi cho bác sĩ nhi để được giúp đỡ thêm.
Con bạn thường quá hiếu động, hoạt động quá mức và nói nhiều, thường trong trạng thái dễ phấn khích. Trẻ nói rằng tim đang đập rất nhanh. Sử dụng hoặc lạm dụng chất kích thích như thuốc chữa bệnh tăng động giảm chú ý, chất ma túy đá (methamphetamines), thuốc lắc và co-ca-in. Nghiêm túc nói với con rằng bạn không cho phép con dùng các chất ma túy và nói chuyện với trẻ vé tầm quan trọng của một đời sống lành mạnh, trong đó bao gồm một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó, bạn cần giúp trẻ tạo dựng những sở thích lành mạnh. Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ nhi để được giúp đỡ thêm.
Con bạn có những biểu hiện lạ như chứng hoang tưởng cục bộ, uể oải, thờ thẫn, hoặc nói nhịu, nói lắp, mà bạn không thể lý giải được. Bạn tìm thấy nhiều viên thuốc con nhộng trong phòng con, bình thường trẻ không phải dùng đến những loại thuốc này, hoặc gần đây bạn bị mất loại thuốc con nhộng mà bác sĩ kê cho bạn. Thuốc giảm đau có kê đơn. Nói chuyện với bác sĩ nhi để có được lời khuyên và nhờ bác sĩ giới thiệu cho bạn một chuyên gia vé lạm dụng chất kích thích. Trẻ có thể đang lạm dụng một loại dược phẩm có kê đơn lấy được từ bạn bè hoặc tủ thuốc gia đình. Bạn cần nói cho con hiểu mối nguy hiểm của việc dùng thuốc khi không được kê đơn.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây