Rối loạn ăn uống hiện nay vẫn là một vấn đề trong thanh thiếu niên ở Mĩ và các nước phát triển. Mặc dù cho đến nay, các em nữ ở độ tuổi này là những đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu, song những suy nghĩ lệch lạc về thức ăn, chế độ ăn và vóc dáng cơ thể đều có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ và ở tất cả các nhóm tuổi. Rối loạn ăn uống thể hiện dưới nhiều hình thức, từ kén ăn cho đến tự bỏ đói bản thân (chứng chán ăn tâm thần), hoặc từ việc thường xuyên ăn nhiều quá mức kèm theo các vấn đề về cân nặng cho đến cách ăn uống vô độ trong chứng “ăn – ói”. Hiện nay, có 3 nhóm rối loạn ăn uống chính cần được điều trị, đó là chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn – ói, và các rối loạn ăn uống khác chưa được xác định cụ thể (eating disorders not otherwise specified – EDNOS). Những bệnh nhân mắc chứng EDNOS có thể không có đủ hết các triệu chứng của hai loại rối loạn ăn uống trên, song vẫn cần phải được chữa trị.
Chứng chán ăn tâm thần thể hiện rõ rệt qua những suy nghĩ lệch lạc của người bệnh về vóc dáng cơ thể mình. Thanh thiếu niên mắc bệnh này luôn cho rằng mình quá béo, trong khi thực tế không phải như vậy. Mặc dù những phụ nữ trẻ thường quá bận tâm đến chế độ ăn uống, song thanh thiếu niên mắc chứng chán ăn tâm thần ở mức độ cao hơn còn không chịu ăn hoặc ăn rất ít. Một số em gái bị bệnh này thường tập thể dục hàng giờ liền với mong muốn đốt cháy lượng calo ít ỏi mà chúng nạp vào. Ngược lại, trẻ mắc chứng ăn – ói lại ăn quá nhiều với một lượng thức ăn lớn bất thường rồi sau khi ăn xong lại dùng các loại thuốc nhuận tràng, thuốc gây tự nôn, các bài tập với cường độ cao, hoặc nhịn đói một thời gian để tránh tăng cân. Những trẻ này thường có cân nặng bình thường hoặc thừa cân. Một số trẻ lại kết hợp cả hai dạng, các em ăn ít hơn mức cần thiết để duy trì cân nặng, sau đó lại đến thời kì ăn quá nhiều rồi lại xổ thức ăn ra. Tuy nhiên, những trẻ này có thể chưa hẳn mắc các chứng rối loạn ăn uống kể trên.
Bệnh rối loạn ăn uống gây ra rất nhiều tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe. Các em nữ khi mắc bệnh chán ăn tâm thần thường bị mất kinh nguyệt và có nguy cơ gặp phải các vấn đề có tác hại lâu dài như bị loãng xương sớm. Với những trẻ có bệnh ăn – ói, do thường xuyên tự gây nôn nên các em có nguy cơ cao về bệnh mục xương răng. Nguyên nhân là vì các axit trong dạ dày khi bị nôn ra sẽ ăn mòn men răng của các em. Các em cũng thường bị trào ngược thực quản nặng và có nguy cơ bị thay đổi thành phần hóa học trong sinh hóa máu. Cả hai loại bệnh trên đều gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và nếu không được điều trị, việc phục hồi thói quen ăn uống và cân nặng lành mạnh cho trẻ sẽ trở nên gần như không thể, một số trường hợp trẻ thậm chí phải ăn qua ống thông mũi – dạ dày. Trong tất cả các trường hợp, việc điều trị cho trẻ cần có sự phối hợp giữa bác sĩ, chuyên gia sức khỏe tâm thần và chuyên gia dinh dưỡng.
Để biết thêm thông tin về việc cho ăn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Gọi ngay cho bác sĩ nhi nếu trước đó con bạn, ở tuổi thanh thiếu niên, bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống và có một trong các biểu hiện sau:
- Nhịp tim không bình thường hoặc chậm bất thường
- Đau ngực
- Thường xuyên chóng mặt, ngất xỉu
- vẫn tiếp tục giảm cân hoặc không đạt được các mục tiêu cân nặng dù đã được điều trị
- Mất kinh.
CẢNH BÁO!
Hãy xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi nếu con bạn (ở khoảng 9-13 tuổi) khăng khăng đòi theo một chế độ ăn kiêng tuyệt đối và thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng. Ngày nay rất nhiều thanh thiếu niên ăn theo các chế độ ăn khác nhau như ăn chay (không ăn thịt động vật) hoặc ăn chay tuyệt đối (không ăn cả những sản phẩm của động vết như sữa, trứng), song dù theo chế độ ăn nào, thì cũng đều cán phải được đảm bảo về mặt dinh dưỡng.
Phát hiện trẻ bị mắc chứng rối loạn ăn uống
Ngay cả các chuyên gia cũng gặp khó khăn trong việc chẩn đoán chứng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, các vấn đề về ăn uống thường tiến triển sau khi trẻ bắt đầu tiến hành một chế độ giảm cân nghiêm ngặt. Ngoài ra, gia đình cũng có thể đã tạo ra một môi trường luôn đòi hỏi sự hoàn hảo ở trẻ, mà biểu hiện ở việc luôn chú trọng quá mức đến những thành tựu hoặc vẻ bề ngoài. Chứng rối loạn ăn uống là một bệnh thường gặp trong các gia đình, nơi có yếu tố di truyền về khuynh hướng dễ bị mắc bệnh. Bên cạnh đó, những thanh thiếu niên tham gia các hoạt động thể dục thể thao có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi phải kiểm soát cân nặng và vóc dáng chặt chẽ (như ba lê, thể dục dụng cụ), hoặc các nam thiếu niên tham gia thi đấu vật thường phải giữ cân nặng của mình trong mức cho phép bằng cách nhịn ăn, tự làm mất nước cơ thể (để giảm cân) hoặc ăn thật nhiều (để tăng cân), là những đối tượng dễ gặp phải chứng bệnh này.
Chế độ ăn uống cho trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên
Thanh thiếu niên là những đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các bạn cùng trang lứa, các em thường xuyên đối mặt với những áp lực về việc phải phù hợp với những tiêu chuẩn tự tạo về vóc dáng và cách cư xử mà các em cho là để thể hiện bản thân. Hình ảnh những người mẫu với thân hình gầy gò trên các tạp chí thời trang đang tạo ra những hình mẫu không tốt cho thanh thiếu niên. Ở tuổi này, các em cần một chế độ ăn uống cân bằng để hỗ trợ cho những thay đổi của cơ thể trong giai đoạn dậy thì, kèm theo những bài tập thể dục để giúp cho xương và cơ bắp chắc khỏe.
Rất nhiều thanh thiếu niên thực hiện ăn kiêng để giảm cân, hoặc những em theo chủ nghĩa lý tưởng thường bỏ ăn thịt vì các lí do nhân đạo. Nếu trẻ vẫn có một chế độ ăn cân bằng tổng thể và vẫn nạp đủ lượng calo hàng ngày (khoảng 3000 calo đối với nam và 2200 calo đối với nữ ở thời điểm đỉnh cao của giai đoạn phát triển nhảy vọt, thường 13 tuổi rưỡi ở nam và 11 tuổi rưỡi ở nữ), thì việc loại bỏ thịt hoặc một loại thức ăn riêng biệt nào đó ra khỏi chế độ ăn sẽ không ảnh hưởng lắm về mặt dinh dưỡng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng trẻ em trong độ tuổi thanh thiếu niên nên ăn nhiều đồ ăn như ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì, mì ống, các loại đậu và cây họ đậu, vì chúng có chứa các loại carbohydrate và tạo ra 50% đến 60% lượng calo hàng ngày của trẻ. Những đồ ăn này không chỉ cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, mà còn mang đến protein và các vitamin, khoáng chất quan trọng. Ở tuổi này, trẻ thường không cần dùng đến các thuốc bổ sung vitamin, bởi vi lượng trái cây và rau tươi phong phú, cùng những sản phẩm ít chất béo từ sữa đã cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình trao đổi chất đang phát triển của trẻ. Nếu trẻ không thích sữa hoặc không thể tiêu hóa được sữa, bạn có thể thay bằng các sản phẩm khác như sữa chua, phô mai, sữa không có lactose, hoặc sữa đậu nành để bổ sung nguồn canxi và vitamin thiết yếu cho trẻ. Để biết thêm thông tin về khẩu phần ăn hợp lý cũng như các nhóm thức ăn cần thiết trong bữa ăn của trẻ.
Trường hợp trẻ có một thời gian biểu bận rộn đến nỗi thường phải ăn các đồ ăn nhanh như hamburger (bánh mì kẹp thịt) hay pizza, thì trẻ cần học cách chọn những đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Hãy hướng dẫn trẻ chọn những thức ăn và đồ uống chứa ít chất béo khi đi ăn ở những cửa hàng đồ ăn nhanh, hoặc có thói quen giảm lượng đồ ăn có nhiều chất béo (như khoai tây chiên) trong khẩu phần ăn bằng cách như cùng bạn mua một suất cho hai người. Trẻ cũng nên biết cách tạo cân bằng cho các món nhiều chất béo bằng cách chọn thêm những đồ ăn ít chất béo như trái cây thái lát hay salad. Bằng những cách đó, một khẩu phần ăn có nhiều đồ ăn nhanh (chế biến sẵn) vẫn sẽ trở nên cân bằng về tỷ lệ giữa các chất carbohydrate, protein và chất béo, kèm theo các sản phẩm từ sữa, hoa quả và rau để cung cấp đủ lượng canxi, axit folic, các loại vitamin và khoáng chất quan trọng khác.
Các đồ ăn nhiều muối, đường và chất béo (như khoai tây chiên, kẹo, đồ uống có đường), ngoài calo ra không mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, thậm chí còn cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng. Một ví dụ điển hình là soda, chúng làm cho cơ thể không thể hấp thu được canxi do chứa quá nhiều phốt pho. Thanh thiếu niên nếu uống quá nhiều soda trong thời điểm đỉnh cao của giai đoạn phát triển xương sẽ có nguy cơ bị giảm lượng hấp thu canxi của cơ thể.
MỐI BẬN TÂM CỦA BẠN | NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ CÓ | HÀNH ĐỘNG CẦN THỰC HIỆN |
Con bạn không chịu ăn cùng gia đình và có vẻ quan tâm đến các vấn đề tăng cân hoặc giảm cân. Bạn lo rằng con đang ăn không đủ lượng cần thiết. | Biếng ăn sinh lý.
Một bệnh rối loạn ăn uống khác. Ám ảnh về vóc dáng và ăn kiêng ở lứa tuổi thanh thiếu niên. |
Nếu bạn thấy lo lắng về cân nặng, vóc dáng hay chế độ ăn của con, hãy xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi hoặc đưa trẻ đến khám và đo chỉ số cân nặng. |
Con trai bạn từ chối không ăn cùng gia đình vì đang theo một chế độ ăn, cố gắng tăng hoặc giảm cân để tham gia thi đấu thể thao hoặc một lí do nào khác. Bạn thấy lo lắng về chế độ dinh dưỡng của con. | Đây là một việc bình thường.
Sở thích cá nhân. Chế độ ăn kiên giảm cân ngắn hạn (food fads). |
Cùng với huấn luyện viên của con xem lại chế độ luyện tập để đảm bảo rằng chế độ ăn của trẻ là cần thiết, nếu bạn vẫn còn lo lắng, hãy xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi. Bạn nên tôn trọng sở thích của trẻ nếu chế độ ăn của trẻ vẫn lành mạnh. |
Con bạn ở lâu trong nhà vệ sinh sau khi ăn xong. Trẻ thường không ăn cùng gia đình mà ăn rất nhiều đồ ăn vặt, ngũ cốc hoặc các loại thức ăn khác. | Rối loạn ăn uống (chứng ăn – ói, hoặc một chứng rối loạn ăn uống khác chưa được xác định cụ thể. | Nói chuyện với bác sĩ nhi, họ sẽ khám cho trẻ. Bằng những câu hỏi tế nhị, bác sĩ sẽ biết cách khai thác ở trẻ những thông tin mà trẻ có thể không muốn nói với người thân của mình. |
Con gái bạn bị sụt cân trong một thời gian ngắn. Trẻ trông gầy gò, tóc mỏng đi, trên mặt và tay có nhiều lông măng. Trẻ cố gắng che giấu thân hình gầy gò của mình bằng những loại quần áo rộng. | Chứng chán ăn tâm thần. Rối loạn trao đổi chất. Trầm cảm. | Nói chuyện với bác sĩ nhi ngay lập tức, tình trạng của trẻ cần được chẩn đoán và điều trị sớm. |
Con gái bạn bắt đầu tập thể dục hàng giờ đồng hồ và tỏ ra khó chịu nếu bị gián đoạn. Trẻ đang thực hiện chế độ giảm cân nhanh ngắn hạn (fad diet) hoặc một chế độ ăn nghiêm ngặt khác. | Chứng chán ăn tâm thần.
Chứng bệnh “thể dục cưỡng ép”. |
Hãy kiểm tra chế độ ăn của trẻ trong nhiều ngày để đánh giá lượng calo và chất dinh dưỡng mà trẻ nạp vào hàng ngày, đồng thời xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi. |