Trang chủChăm sóc bệnh nhânChăm sóc người bệnh tiểu đường

Chăm sóc người bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh kinh diễn, do tuyến tuỵ không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không sử dụng một cách hiệu quả insulin, dẫn đến nồng độ glucose trong máu tăng và nếu quá ngưỡng thận thì có glucose trong nước tiểu.

Bệnh thường được chia thành các thể tiểu đường týp I (thường được gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin), tiểu đường týp II (thường được gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin) và tiểu đường khi mang thai.

NGUYÊN NHÂN

– Nguyên nhân của tiểu đường týp I:

+ Thường do tự miễn, các tế bào beta của tuyến tuỵ bị phá huỷ do cơ chế tự miễn.

+ Người ta cho rằng đây là một tình trạng bệnh lý phức tạp do sự biến đổi của yếu tố gen và các yếu tố môi trường.

  • Nguyên nhân của tiểu đường týp II:

+ Thường gặp ở những bệnh nhân béo phì, giảm hoạt động thể lực, chế độ ăn không hợp lý đi kèm với sự kháng lại insulin.

+ Thường gặp ở những người có hội chứng rối loạn chuyển hoá, bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì trung tâm.

+ Thường có yếu tố gia đình, do những đột biến của hơn một gen và các yếu tố môi trường.

TRIỆU CHỨNG

Lâm sàng

Tiểu đường týp I

  • Bốn triệu chứng kinh điển:

+ Đi tiểu nhiều cả về số lần và số lượng.

+ Uống nhiều và luôn cảm thấy khát.

+ Ăn nhiều và luôn cảm thấy đói.

+ Sụt cân nhiều trong thời gian ngắn mà không giải thích được.

  • Những triệu chứng khác:

+ Tê các chi, đau chân.

+ Mệt nhọc.

+ Nhìn mờ.

+ Nhiễm trùng nặng, tái diễn.

+ Giảm ý thức, buồn nôn, nôn hoặc hôn mê.

Tiểu đường týp II

  • Có thể hoàn toàn không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đáng kể trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán bệnh.
  • Có thể gặp các triệu chứng:

+ Đi tiểu nhiều, khát nước, cảm giác đói và ăn nhiều, sụt cân không rõ lý do.

+ Tê chân tay, đau chân, nhìn mờ.

+ Nhiễm trùng nặng hoặc hay tái diễn.

+ Có thể giảm ý thức hoặc hôn mê nhưng ít gặp hơn týp I.

Cận lâm sàng

  • Các xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh tiểu đường:

+ Xét nghiệm đường máu lúc đói : > 7 mmol/L (126 mg/dL).

+ Hoặc đường máu 2 giờ sau uống 75g glucose > 11,1mmol/L (200mg/dL).

+ HbAlc (glycated haemoglobin) : 4,0 – 6,0% không bị bệnh tiểu đường.

  • Ngoài ra, cần làm các xét nghiệm khác để phát hiện các rối loạn đi kèm và các biến chứng như:

+ Đường niệu, ketone niệu.

+ Lipid máu.

+ Điện tâm đồ.

+ X quang phổi.

BIẾN CHỨNG

  • Ngoài da: mụn nhọt, lở loét, nấm ngoài da, viêm nhiễm bộ phận sinh dục.
  • Mắt: đục nhân mắt, thoái hoá võng mạc, teo dây thần kinh thị giác.
  • Răng miệng: mủ lợi chân răng, răng lung lay, rụng răng.
  • Phổi: viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi.
  • Tim mạch: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch chi, mạch não.
  • Tiêu hoá: đi ngoài phân lỏng, gan to nhiễm mỡ.
  • Thận: viêm mủ đài bể thận, thận nhiễm mỡ, xơ hoá cầu thận, viêm cầu thận.
  • Thần kinh: viêm dây thần kinh toạ, thần kinh trụ.
  • Chuyển hoá: hôn mê do toan máu hay gặp, hạ đường huyết do dùng thuốc quá liều hoặc sai lầm ăn uống.

ĐIỀU TRỊ

Mục đích là làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa và làm chậm các biến chứng bằng cách duy trì đường máu người bệnh ở mức bình thường bằng cách:

  • Dùng thuốc để đưa đường máu về mức bình thường cho phép theo chỉ định của thầy thuốc:

+ Insulin tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch với tiểu đường týp I hoặc tiểu đường có biến chứng.

+ Viên hạ đường huyết uống với tiểu đường týp II không có biến chứng.

  • Chế độ ăn hợp lý:

+ Giảm glucid cho mọi bệnh nhân tiểu đường không kể týp I hoặc týp II.

+ Tuỳ theo tình trạng, thể bệnh và nhu cầu năng lượng của mỗi bệnh nhân mà có chế độ ăn phù hợp.

  • Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

  • Hỏi bệnh nhân :

+ Mắc bệnh từ bao giờ?

+ Mỗi bữa bao nhiêu bát, ăn ngày mấy bữa?

+ Uống nhiều nước? khát nước?

+ Đi tiểu nhiều? mấy lít/ngày?

+ Gầy sút bao nhiêu kg, trong khoảng bao lâu?

+ Mệt mỏi, ngứa ngoài da, mắt mờ không?

+ Răng lung lay và rụng răng không?

+ Có ho không?

  • Quan sát và khám :

+ Toàn thân: cân nặng bao nhiêu?

+ Da: viêm da, có mụn nhọt trên da?

+ Mắt có đục nhân?

+ Mạch ? Huyết áp ?

  • Xét nghiệm :

+ Đường máu lúc đói.

+ Nghiệm pháp dung nạp glucose.

+ Đường niệu 24h.

+ Chụp X quang phổi.

+ Ghi điện tim….

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân.
  • Hạn chế hoặc không để xảy ra các biến chứng cho bệnh nhân.
  • Tăng cường sự hiểu biết về bệnh và chế độ điều trị cho bệnh nhân.

Thực hiện chăm sóc

Xây dựng chế độ ăn hợp lý

    • Mục tiêu:

+ Duy trì tình trạng dinh dưỡng thích hợp cho bệnh nhân.

+ Duy trì cân bằng chuyển hoá, tránh hiện tượng tăng đường máu do ăn uống.

+ Ngăn ngừa và hạn chế các biến chứng.

  • Yêu cầu:

+ Đáp ứng nhu cầu năng lượng của bệnh nhân, ví dụ tổng năng lượng cho một bệnh nhân đang nằm viện điều trị khoảng 25 kcal/kg thể trọng/ngày, có thể điều chỉnh tuỳ thuộc tình trạng mỗi bệnh nhân.

+ Tỷ lệ phù hợp giữa các chất sinh năng lượng:

o Protein khoảng 15-20%, lý tưởng là 0,8gam/kg thể trọng/ngày cho người lớn.

o Lipid không quá 25-30% tổng số năng lượng trong ngày, trong đó chất béo bão hoà không nên quá 10%.

o Glucid khoảng 50-60% tổng số năng lượng trong ngày, lấy từ các glucid phức như gạo, mỳ, khoai, hết sức tránh dùng đường đơn.

+ Chia tổng số năng lượng trong ngày thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày: o Bữa sáng: 10%. o Bữa phụ buổi sáng: 10%. o Bữa trưa: 30%. o Bữa phụ buổi chiều: 10%. o Bữa tối: 30%. o Bữa phụ buổi tối: 10%.

Hạn chế các biến chứng

  • Thực hiện nghiêm túc các y lệnh về thuốc:

+ Tiêm insulin với bệnh nhân tiểu đường týp I, hoặc týp II có biến chứng.

Chú ý:

o Liều lượng theo chỉ định và tình trạng của bệnh nhân.

o Vị trí tiêm dưới da phải đổi chỗ cho mỗi lần tiêm.

o Số lần tiêm, thời gian tiêm trong ngày.

o Biến chứng hạ đường máu: cồn cào, da lạnh, vã mồ hôi, huyết áp tụt có khi co giật, hôn mê…

+ Cho uống viên hạ đường máu với tiểu đường týp II chưa có biến chứng như: gliclazide, metformine…

Chú ý: Theo dõi các biểu hiện dị ứng như ngứa, xạm da, giảm bạch cầu.

  • Theo dõi đường máu, đường niệu 24h.
  • Đảm bảo vệ sinh để hạn chế biến chứng nhiễm khuẩn:

+ Vệ sinh thân thể, tắm gội thay quần áo hằng ngày, nếu có mụn nhọt phải rửa sạch và băng vô khuẩn.

+ Vệ sinh răng miệng, đánh răng, xúc miệng bằng nước muối 9%0. Khi có loét miệng thì lau miệng bằng khăn mềm.

+ Vệ sinh bộ phận sinh dục hằng ngày.

+ Nếu có nhiễm trùng nặng: sốt, ho… cho hạ sốt, cho kháng sinh.

  • Theo dõi, phát hiện kịp thời các biến chứng khác:

+ Theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời các biến chứng như đau ngực, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, đau dây thần kinh…

+ Khi bệnh nhân có các biến chứng:

o Hướng dẫn bệnh nhân chế độ ăn phù hợp.

o Thực hiện các biện pháp chăm sóc và các y lệnh tương ứng như giảm đau, giãn mạch vành, hạ huyết áp.

  • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân: cholesterol máu, triglycerid máu, ghi điện tim…

Tăng cường sự hiểu biết về bệnh tật và chế độ điều trị cho bệnh nhân

  • Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện đúng chế độ ăn uống và dùng thuốc trong suốt thời gian điều trị tại viện cũng như khi ra viện.
  • Khuyên bệnh nhân khi ra viện phải xét nghiệm đường máu và đường niệu thường xuyên để điều chỉnh thuốc.
  • Nếu có thể, hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi đường máu tại nhà, phát hiện các dấu hiệu của hạ đường máu.
  • Khuyên bệnh nhân khám định kỳ để phát hiện sớm biến chứng và điều trị kịp thời.
  • Khuyên bệnh nhân thường xuyên vệ sinh thân thể, sinh hoạt và hoạt động thể lực hợp lý để hạn chế các biến chứng.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:

  • Bệnh nhân giảm được triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt và hoạt động thể lực bình thường.
  • Đường máu dần trở về bình thường, đường niệu âm tính, HbAlc trong khoảng 6,0 – 8,0%.
  • Bệnh nhân đỡ mệt, đạt được cân nặng tối ưu.
  • Không bị hoặc hạn chế được các biến chứng.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây