Để khám cảm giác, bệnh nhân nhất thiết phải bình tĩnh và thư giãn, mắt phải nhắm lại hoặc phải bịt mắt. cần tránh hỏi bệnh nhân các câu như: anh có cảm thấy tôi sờ vào đây không? cái vật này có nóng không? anh có chắc là cái này làm đau hơn cái kia không? Khám cảm giác phải đi từ vùng ít nhậy cảm tối vùng nhậy cảm nhất.
KHÁM CẢM GIÁC XÚC GIÁC
Thăm khám để biết khả năng phân biệt “chạm nhẹ” và “ấn”, cũng như khả năng xác định vị trí bị kích thích. Có thể dùng một mẩu bông; nhưng nếu khám ở vùng có nhiều lông thì có thể cần phải cạo lông ở chỗ đó để loại bỏ cảm giác do lông.
Để khám sự phân biệt xúc giác, người ta bảo bệnh nhân nói “có” khi nhận thấy kích thích. Có thể dùng compa hai đầu nhọn, mở rộng 1-2 cm và hỏi bệnh nhân nhận thấy hai điểm hay một điểm. Khoảng cách tối thiểu phân biệt được hai điểm tuỳ thuộc từng vùng: khoảng cách tối thiểu là ở đầu các ngón tay (2 mm) và tối đa là ở lưng (6-7 cm). Sau đó khám cảm giác ấn bằng cách dùng ngón tay hay dùng vật tù ấn vào da; nhiệt độ của vật phải gần với nhiệt độ cơ thể để tránh kích thích do nhiệt, cần tránh ấn mạnh quá vì có thể làm đau.
Một số định nghĩa
Cảm giác đối xứng (allochirie): kích thích ở một bên được nhận cảm ở phía bên kia. Có thể gặp trong bệnh tabès.
Allodynie: sờ nhẹ gây đau ở một vùng hoàn toàn đang không có tổn thương.
Mất cảm giác (anesthésie): mất hoàn toàn mọi cảm giác. Khi thấy có vùng bị mất hoàn toàn mọi cảm giác, phải xác định ranh giới của vùng này. .
Mất cảm giác do rễ (anesthésie radiculaire): vùng bị mất cảm giác do một hay nhiều rễ dây thần kinh chi phối.
Phân ly cảm giác (anesthésie dissociée): ở một vùng bị mất một hoặc hai loại cảm giác nhưng vẫn còn các cảm giác khác. Gặp trong bệnh xơ tủy có hốc và trong hội chứng Brown-Séquard.
Kiến bò (dysesthésie): một loại loạn cảm, thấy nhoi nhói, kiến bò, rát bỏng.
Mất cảm giác nửa người (hémianesthésie): mất cảm giác ở một nửa người. Giảm cảm giác (hypoesthésie): giảm nhận cảm cảm giác.
Tăng cảm giác đau (hyperesthésie): một kích thích nếu bình thường thì chỉ cảm thấy như chạm nhẹ nhưng lại cho cảm giác đau, đôi khi như bị bỏng. Bất kỳ cảm giác nào cũng có thể có hiện tượng tăng cảm giác.
Cảm giác đau kéo dài (hyperpathie): cảm giác đau quá mức tồn tại ngay cả sau khi kích thích đã chấm dứt. Gặp trong hội chứng đồi thị.
Loạn cảm (paresthésie): cảm giác khó chịu như kiến bò, nhoi nhói, tự phát hay do chạm vào da. Vùng có loạn cảm tuỳ theo vị trí tổn thương.
Synchirie: một kích thích ở một bên gây cảm giác ở hai nơi khác nhau, một ở đúng chỗ bị kích thích, một ở phía bên kia.
KHÁM CẢM GIÁC ĐAU
Có thể gây đau bằng cách kích thích lên da như chích hoặc ấn vào các cấu trúc ở sâu, nhất là cơ và xương. Hai loại cảm giác cần phải được thăm khám lần lượt:
- Cảm giác đau nông: dùng đầu mũi kim đâm vào da bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nhìn thấy cái kim thì đôi khi sẽ nói là cảm thấy mình bị đâm, mặc dù không có cảm giác đau mà chỉ thấy chạm nhẹ. Do đó cần phải xác định là cảm giác cụ thể nào và lần lượt dùng khi thì đốc kim (bệnh nhân nói “chạm”) và mũi kim (bệnh nhân nói “đâm”). Cũng có thể dùng thống kế là dụng cụ đo áp suất cần thiết để gây cảm giác đau.
- Cảm giác đau khi bị ấn: gây cảm giác đau này bằng cách ấn mạnh một vật tầy. Giảm cảm giác này có thể được làm rõ bằng cách bóp mạnh gân gót: bệnh nhân mắc tabès không có đáp ứng (dấu hiệu Abadie).
Một số định nghĩa
Mất cảm giác đau (analgésie): mất hoàn toàn cảm giác đau.
Giảm cảm giác đau (hypoalgésie): giảm cảm giác đau.
Tăng cảm giác đau (hyperalgésie): tăng cảm giác đau
Đau do dây thần kinh (névralgie): đau ở vùng do một dây thần kinh chi phối
KHÁM CẢM GIÁC VỀ NHIỆT
Để khám cảm giác này, người ta dùng hai ống nghiệm, một chứa nước lạnh và một chứa nước nóng. Người ta lần lượt áp các ống nghiệm này theo thứ tự không nhất định trên các điểm khác nhau ở da vùng cần khám và mỗi lần áp ống nghiệm lại hỏi bệnh nhân xem “nóng” hay “lạnh”. Đê xác định ngưỡng kích thích, người ta để nhiệt kế vào các ống nghiệm và ghi các nhiệt độ cho bệnh nhân cảm giác rõ ràng.
KHÁM CẢM GIÁC VỀ TƯ THẾ
Bệnh nhân nhắm chặt mắt hoặc bị bịt mắt. cầm một chi của bệnh nhân, đưa nhẹ theo nhiều hướng khác nhau rồi đặt chi ở một vị trí nhất định, bảo bệnh nhân để chi kia ở vị trí như chi vừa rồi. Nếu bệnh nhân không làm được thì có thể nghĩ rằng bệnh nhân bị rối loạn về cảm giác tư thế. cần chú ý là không được để cho chi mình cầm được chạm vào đâu để tránh cảm giác xúc giác. Cũng có thể làm cách khác: người khám uốn một bàn tay của bệnh nhân và bảo bệnh nhân làm động tác đó với bàn tay kia trong lúc hai mắt nhắm chặt hoặc bị bịt mắt.
Nhận biết cảm giác vận động là từ nhận biết tư thế. Người ta khám như sau; nắm chắc một chi của bệnh nhân và thỉnh thoảng lại cử động, nhấc dần từng nấc một; bảo bệnh nhân nói mỗi khi cảm thấy chi cử động. Nếu bị nặng thì có thể thấy một cách dễ dàng nhưng nếu bị nhẹ thì phải đo: bình thường, người ta nhận ra sự dịch chuyển mỗi khi góc bị thay đổi 3°. Trong thực tế, người ta cầm vào hai bên của ngón chân cái để tránh cảm giác do áp suất khi làm cử động và hỏi bệnh nhân chiều cử động của ngón chân (bị gấp xuống hay ngửa lên).
Mất cảm giác tư thế đi kèm, có nghiệm pháp Romberg dương tính (xem nghiệm pháp này), được thấy trong bệnh tabès chẳng hạn. Khi đó, bệnh nhân bù lại việc bị mất cảm giác bằng cách nhìn và kiểm soát các vận động của mình nhờ mắt. Do vậy, rối loạn sẽ nặng hơn trong bóng tối hoặc khi bệnh nhân nhắm mắt.
NHẬN BIẾT ĐÓ VẬT VÀ MẤT KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT ĐÓ VẬT BẰNG CÁCH SỜ MÓ
Người ta có thể nhận biết hình dáng và kích thước đồ vật bằng cách sờ mó (stéréognosie). Để khám, đặt một vật vào tay bệnh nhân rồi yêu cầu bệnh nhân nói vật đó là vật gì, mô tả các kích thước và có thể bảo họ so sánh với một vật khác có hình dáng tương tự nhưng to hơn hoặc nhỏ hơn.
Bệnh nhân bị tổn thương thuỳ đỉnh, đồi thị hay tủy sống bị mất khả năng nhận biết đồ vật mặc dù cảm giác da vẫn tốt (astéréognosie).
Một kiểu nhận biết đặc biệt khác là nhận ra chữ viết hoặc con số được vạch trên lòng bàn tay (graphesthésie).
BỊ mất cảm giác này khi có tổn thương ở cột trắng sau của tủy sống, ví dụ trong bệnh tabès, cảm giác này cũng giảm dần theo tuổi, nhất là ở các chi dưới. Để khám cảm giác này, người ta đặt một âm thoa đang rung lên da ở chỗ mỏm châm quay, mỏm khuỷu, xương chày, hay mắt cá chân và bảo bệnh nhân mô tả cảm giác mà họ thấy. Sau đó, vẫn đặt âm thoa đang rung trên da cho đến khi nào cảm giác vẫn còn. Khi bệnh nhân hết cảm giác, người khám đặt âm thoa lên chính người mình để xem cảm giác của bệnh nhân có bị giảm không.