Trang chủĐông y chữa bệnhChứng Nôn mửa (Ẩu thổ) trong đông y và điều trị

Chứng Nôn mửa (Ẩu thổ) trong đông y và điều trị

Ẩu thổ là do vị mất công năng giáng xuống, vị khí nghịch lên mà sinh bệnh. Người xưa cho là có tiếng có vật là ẩm, có vật không có tiếng là thổ, có tiếng không có vật gì là can ẩu (nên khan). Thực ra thì ẩu và thổ thường thường cùng một lúc cho nên có thể gọi chung là ẩu thổ.

Chứng “ẩu thổ” trong sách “Nội kinh” có hàn ẩu và nhiệt ẩu khác nhau. Các y gia đời sau cũng đều thể hội được, như Lý Đông Viên cho ẩu thổ là do hư hàn, chủ yếu là dùng thuốc bổ. Chu Đan Khê cho ẩu thổ là vì hỏa mà sinh ra, chủ yếu là dùng thuốc thanh hoả, Trương cảnh Nhạc thì cho vì hỏa mà ẩu thì ít, vì hàn mà ẩu thì nhiều. Nói về những chứng thường thấy trong lâm sàng thì ngoài số người uống rượu, ăn đồ ngọt béo nhiều hay sinh nhiệt ẩu, còn nói chung là hàn ẩu thường thấy nhiều hơn.

  1. Mục lục

    NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân chứng “ẩu thổ”, chủ yếu là ngoại tà xâm phạm vào vị, ăn uống không điều độ, hoặc vị hư không dung nạp được, thủy cốc, ngoài ra can khí phạm vào vị cũng thường thấy. Nay phân biệt trình bày như sau:

  • Ngoại tà phạm vị

Ngoài cảm phải tà của phong hàn hoặc thử nhiệt, làm cản trở đến vị, vị mất công năng giáng xuống, khí nghịch lên mà sinh ra ẩu thổ. Cho nên các sách “Cổ kim y thông” nói: Thốt nhiên mà ẩu thổ thì nhất định là tà phạm vị, mùa trưởng hạ thì do thử tà, mùa thu đông thì do phong và hàn tà xâm phạm.

  • Ăn uống không điều độ

Ăn uống là vào vị trước cho nên ăn uống không điều độ rất dễ sinh ra ẩu thổ, hoặc vì ăn đồ sống lạnh thương tổn đến vị, thức ăn đình trệ, lại không tiêu hoá, hoặc thủy cốc đình lại ở trong tích lại thành đàm ẩm các nguyên nhân đó đều làm cho vị mất công năng giáng xuống mà khí nghịch lên làm chứng ẩu. Cho nên sách “Tế sinh phương” nêu ra: “Ăn uống không điêu hoà, độ ấm lạnh không điều hoà hoặc thích ăn gỏi, ăn sữa hoặc ăn đồ sống lạnh, mỡ béo, làm nhiễm độc đến vị mà vị bị bệnh thì tỳ khí bị đình trệ lại, không phân biệt được thanh trọc, đầy tắc ở trung tiêu mà thành ra bệnh ẩu thổ”.

  • Tình chí không hoà

Lo nghĩ tức giận làm cho can không được điều hoà, nghịch ngang sang vị làm cho vị mất bình thường, mà không giáng xuống, nhân đó mà phát ra ẩu thổ chính như Nghiêm Trọng Hoà nói: “Lo nghĩ cảm động cũng làm cho người ta ẩu thổ”.

  • Vị hư không giáng xuống được

Sau khi bệnh hoặc vì khó nhọc, hoặc thương tổn vì ăn uống, tình chí lâu ngày không khỏi thường làm cho vị hư yếu, công năng của vị là thu nạp thủy cốc, nếu vị hư không giáng xuống được thì thủy cốc truyền vào cũng không dung nạp được, do đó nghịch lên mà mửa ra.

  1. BIỆN CHỨNG

Trương Cảnh Nhạc nói: “Chứng ẩu thổ rất cần phân biệt hư và thực, thực là có tà khí, trừ được tà khí thì bệnh khỏi, hư là không có tà khí mà hoàn toàn do vệ khí hư”. Đó là điểm màu chốt. Nay nêu sơ lược như sau:

  • Chứng ẩu thổ thuộc thực

Bệnh phát tương đối gấp, bệnh tình tương đối ngắn, mạch và chứng không hư thì đều quy vào chứng thực. Trong đó lại chia ra 5 loại: ngoại tà, thực trệ, đờm ẩm, vị nhiệt và khí uất.

  • Ngoại tà

Cảm phải phong tà thì nóng, rất nhức đầu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù, cảm phải thử nhiệt thì ẩu thổ tâm phiền, miệng khát, mình nóng, mạch nhu.

  • Thực trệ

Ngực bụng trướng đầy, ợ hơi, nuốt chua, ngại ăn, ăn vào càng nặng, mạch thực đại, rêu lưỡi dầy và nhớt.

  • Đờm ẩm

Mửa ra đờm rãi, đầu choáng, tim đập mạnh, ngực đầy, ăn không xuống được, mạch huyền hoạt, rêu lưỡi trắng nhớt.

  • Vị nhiệt

Ần vào là mửa ngay, miệng hôi, khát nước, ưa uống nước lạnh, tiểu tiện đỏ, đại tiện bí, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

  • Khí uất

Nôn mửa ra sau khi uất giận, ngực buồn, sườn căng, nặng thì đau, ợ hơi không ăn, mạch trầm huyền hoặc sáp.

  • Chứng ẩu thổ thuộc hư

Bệnh phát tương đối chậm, bệnh tình kéo dài hoặc có những hiện tượng về chứng thực nói trên, bệnh kéo lâu ngày cũng có khả năng chuyển thành chứng hư. Chứng “ẩu thổ” thuộc hư, đại khái có thể chia làm hai loại vị khí hư nhược và phần vị âm bất túc.

  • Vị khí hư nhược

Ăn uống hơi nhiều, là mửa ngay, thỉnh thoảng lại mửa, mỏi mệt không có sức miệng khô khát, ưa ẩm, ghét lạnh, nặng thì tay chân không ấm, đại tiện lỏng, mạch thường nhu nhược.

  • Phần âm của vị không đủ

Miệng khô, họng ráo, nôn mửa trở đi trở lại, không muốn ăn uống, lưỡi đỏ ít tân dịch, mạch thường tế sác vô lực.

  1. CÁCH CHỮA

Trước hết nên xét đến nguyên nhân gây bệnh, phân tách hư thực hàn nhiệt, cần phải dùng xem những vị thuốc điều hoà vị và giáng nghịch khí, nay đem chứng nôn mửa thuộc thực và chứng nôn mửa thuộc hư trình bày dưới đây:

  • Chứng nôn mửa thuộc thực

Do ngoại tà gây ra nếu là phong hàn thì nên trong thuốc không phải dùng thêm những vị hoà vị giáng nghịch như… bài Hoắc hương chính khí tán (1) gia giảm, nếu là thử tà cũng nên dùng phương này gia giảm, mửa tăng thì tạm dùng bài Ngọc khu đan (2).

Nếu vì ăn uống không điều độ, chất ăn đình trệ lại không tiêu hóa thì nên tiêu thực hóa trệ dùng bài Bảo hoà hoàn (3). Nếu đờm ẩm thì nên ôn hóa đờm ẩm, dùng bài Tiểu bán hạ thang (4). Nếu thấy lưỡi vàng nhớt có kiêm cả uất nhiệt nên thanh nhiệt hóa dùng bài ôn đởm thang gia giảm (5). Nếu hàn nhiệt lẫn lộn, vùng dạ dầy, thì nên dùng thuốc vừa cay vừa đắng để khai ra và giáng xuống, dùng bài Bán hạ tả tâm thang (6) gia giảm. Vì ham uống rượu ăn chất ngon béo, dạ dầy nóng mà nôn mửa thì dùng bài Trúc nhự thang (7) tình chí không hoà, can khí phạm vào làm mửa, thì nên tiết oan, giáng nghịch, dùng bài Tả kim hoàn (8).

  • Chứng nôn mửa thuộc hư

Vị khí yếu mà mửa thì nên kiện tỳ hoà vị, dùng bài Hương sa lục quân tử thang (9) gia giảm, nếu tay chân lạnh, đi ngoài sột sệt, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trì tế là tỳ dương cũng suy, nên ôn trung giáng nghịch, dùng bài Bán hạ can khương tán (10) .

Vị âm suy kém mà mửa, thì nên tư âm dưỡng vị, dùng bài Mạch môn đông thang (11) gia giảm.

  1. TÓM TẮT

Chứng “ẩu thổ” có những nguyên nhân như cảm phải ngoại tà, ăn cũng mất điều độ, tình chí bất hoà và vị hư yếu, cơ chế phát bệnh là do vị mất điều hoà không giáng xuống được rồi nghịch lên mà thành nôn mửa, còn về cánh chữa thì nên xét kỹ nguyên nhân phân biệt hư thực hàn nhiệt rồi tuỳ từng chứng mà chữa. Nhưng trong lâm sàng có những “ca” nguyên nhân phức tạp và vừa hư vừa thực, hàn nhiệt lẫn lộn, thì nên phân biệt chủ yếu, thứ yếu để xử lý.

PHỤ PHƯƠNG

  1. Hoắc hương chính khí tán: Xem số 7 phụ phương mục cảm mạo.
  2. Ngọc đan khu: Xem số 2 phụ phương mục Kiện vong.
  3. Bảo hoà hoàn: Xem số 10 phụ phương mục Kiện vong.
  4. Tiểu bán hạ thang: Xem số 15 phụ phương mục Đàm ẩm.
  5. Ôn đởm thang: Xem số 8 phụ phương mục Kinh quý.
  6. Bán hạ tả tâm thang: Bán hạ, hoàng cầm, can khương, nhân sâm, trích cam thảo, hoàng liên, đại táo.
  7. Trúc nhự thang: Bán hạ, trần bì, cam thảo, trúc nhự, sơn chi, khương, táo, tỳ bà diệp.
  8. Tả kim hoàn: Ngô thù du, hoàng liên.
  9. Hương sa lục quân tử thang: Nhân sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, trần bì, bán hạ, mộc hương, sa nhân.
  10. Bán hạ can khương tán: Bán hạ, can khương.
  11.  Mạch môn đông thang: Xem số 1 phụ phương mục Phế ung.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây