Tứ chi sưng trướng (chân tay sưng, phù) – Chẩn đoán bệnh Đông y

Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Tứ chi sưng trướng là chỉ một loại chứng trạng chi trên và chi dưới phù thũng căng trướng. Có trường hợp tứ chi đồng thời sưng trướng, có trường hợp chỉ thấy chi trên hoặc chi dưới hoặc nghiêng về một bên sưng trướng.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Tứ chi sưng trướng do thấp nhiệt uất kết: Có chứng tứ chi sinh trướng, các khớp xương sưng đau, da dẻ nóng rát, sắc da đỏ hồng sáng bóng, kiêm các chứng phát sốt, sợ gió, khát nước, phiền muộn không yên, rêu lưỡi vàng nhớt, ít tân dịch, mạch Hoạt Sác.

Tứ chi sưng trướng do khí trệ ở cơ biểu: Có chứng tứ chi phù thũng cảm thấy căng trướng, sắc da trắng nhợt, ấn vào nổi lên ngay có tính đàn hồi hoặc kiêm chứng ngực sườn trướng tức hay thở dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mạch Huyền.

Tứ chi sưng trướng do hàn thấp ngưng trệ: Có chứng các khớp xương tứ chi đau nhức, nơi đau cố định hoặc chi dưới nặng hơn, tứ chi sưng trướng, chân tay nặng nề, hoạt động hạn chế, chất lưỡi nhạt, mạch Nhu Hoãn.

Tứ chi sưng trướng do khí hư huyết ứ: Có chứng tứ chi sưng trướng, ấn vào lâu mới nổi, chân tay mát lạnh hoặc chân tay mình mẩy tê dại không biết đau, cất nhắc vô lực, hoặc có chứng hai chi dưới sưng trướng, sắc da tía, chầy máu dưới da, thậm chí có thể bán thân bất toại, lưỡi trắng nhợt hoặc có điểm ứ huyết, mạch Huyền sắc.

Phân tích

Chứng Tứ chi sưng trướng do thấp nhiệt uất kết với chứng Tứ chi sưng trướng do khí trệ ở cơ biểu: Loại trên do thể trạng vốn dương khí thiên thịnh lại bị nhiễm phong hàn thấp tà xâm phạm, nhiệt bị hàn uất lâu ngày cũng hóa thành nhiệt mà gây bệnh. Loại sau phần nhiều do tình chí bất toại lại cảm nhiễm ngoại tà xâm phạm vào cơ biểu, doanh vệ không điều hòa, khí trệ không lưu thông gây nên bệnh. Yếu điểm biện chứng: Loại trên là do thấp nhiệt uất nghẽn ở lạc mạch, khí huyết vận hành không lưu thông ngưng trệ ở kinh lạc cho nên tứ chi sưng trướng. Nhiệt là dương tà cho nên các khớp sưng đau, cục bộ nóng rát sưng đỏ. Loại sau là do khí trệ ở cơ biểu uất nghẽn kinh mạch, doanh vệ không thông cho nên có cảm giác chân tay phù thũng và phát trướng. Vì nghiêng về khí trệ cho nên ấn vào nổi lên ngay. Kiêm chứng của hai loại này khác nhau, loại trên thì biểu hiện kiêm chứng nhiệt thịnh như phát sốt sợ gió, khát nước phiền muộn không yên. Loại sau thì có biểu hiện Can uất khí trệ như ngực sườn trướng đầy, hay thở dài. chứng thấp nhiệt uất kết điều trị nên thanh nhiệt, khư phong trừ thấp dùng phương Bạch hổ quế chi thang, Loại khí trệ ở cơ biểu điều trị nên hành khí sơ đạo kiêm cả ôn tán cho uống Hương tô thông sị thang.

Chứng Tứ chi sưng trướng do hàn thấp ngưng trệ với chứng Tứ chi sưng trướng do khí hư huyết ứ: cả hai tuy đều thuộc âm chứng, nhưng loại trên là do hàn thấp gây nên, loại sau là do khí hư kiêm ứ gây nên. Điểm cơ chế bệnh cộng đồng là: Kinh mạch bị nghẽn trệ. Yếu điểm biện chứng là hàn thấp ngưng trệ, thấp trọc ứ đọng ở trong kinh mạch cho nên thấy tứ chi sưng trướng, khớp xương nặng nề, chân tay nặng mỏi. Loại sau là do khí hư huyết ứ, kinh mạch không thông cho nên tứ chi thũng trướng, ấn vào lâu mới nổi lên, da dẻ tê dại và xuất huyết dưới da. về triệu chứng có đặc điểm là sớm nhẹ tối nặng. Loại trên điều trị theo phép tán hàn trừ thấp dùng phương Ô sị thang, Loại sau điều trị theo phép ích khí hoạt huyết hóa ứ cho uống Đào hồng ẩm gia Hoàng kỳ, Quế chi.Tóm lại, chứng Tứ chi sưng trướng nên phân biệt hàn nhiệt hư thực, nguyên nhân bệnh tuy phần nhiều có liên quan tới phong hàn thấp tà, nhưng thể trạng con người vẫn khác nhau, có nghiêng về hàn nghiêng về nhiệt khác nhau, vì vậy lâm sàng nên căn cứ vào nguyên tắc “Xét chứng tìm nguyên nhân, xét nguyên nhân để bàn cách chữa” mà tiến hành xử lý.

Trích dẫn y văn

Bệnh sưng trướng vốn có chia ra nội và ngoại. Bởi vì đầy ở bên trong thì gọi là trướng mà da thịt bị trướng cũng gọi là trướng. Nếu cứ trướng mà nói thì đơn thuần nói là ở cơ biểu, đây là chỗ cần phân biệt. Nhưng trướng ở bên trong vốn là bệnh của tạng mà trướng ở bên ngoài cũng không phải là không do tạng, Bệnh về tạng khí có chỗ khác nhau, tuy các sách y thư có bàn đến thấp – nhiệt – hàn – thử và khí – huyết – thủy – thực nhưng tôi xét qua những bệnh tình thể nghiệm thời chỉ có hai chữ Khí và Thủy là nói đủ hết. Cho nên điều trị chứng này nếu bệnh không ở Khí phần thì bệnh ở Thủy phần, phân biệt được hai loại này thì thấy hư thực không ẩn náu nữa. Bệnh ở Khí phần chủ yếu nên chữa Khí, bệnh ở Thủy phần nên chữa Thủy là chủ yếu (cảnh Nhạc toàn thư – Thũng trướng).

Chứng trạng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận