Trang chủChứng trạng Đông yTrong tâm ảo nùng buồn bực - Chứng trạng Đông y

Trong tâm ảo nùng buồn bực – Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Ảo nùng là chứng trạng tự cảm thấy trong Tâm phiền nhiệt, bấn loạn không yên. Vì vị trí bệnh ở mỏm Tâm và Hung cách, cho nên gọi là chứng Tâm trung ảo nùng.

Lục nguyên chính kỷ đại luận – Tố vấn có nói: “Hoả uất phát sinh nặng hơn thì buồn bực cồn cào”. Thương hàn luận gọi là “Tâm trung ảo nùng”. Thương hàn – Chứng trị chuẩn thằng xếp “Ảo nùng” vào chuyên luận riêng, đời sau cũng đem chứng này giới thiệu tóm tắt vào chứng Hư phiền. .

Ảo nùng có khi cũng xuất hiện với chứng Tào tạp, nhưng hai chứng này có chỗ khác nhau. Loại trên biểu hiện chủ yếu là trong Tâm buồn bực khó chịu: Loại sau là chỉ trong Vị quản cồn cào không yên, giống như đói mà không phải đói, giống như đau. mà không hẳn đau, được ăn vào thì tạm yên, chốc lát sau lại cồn cào (có chuyên mục riêng).

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Trong tâm ảo nùng do nhiệt quấy rối Hung cách: Có chứng trạng trong Tâm ảo nùng, phiền nhiệt không yên. Vị quản vĩ đầy, ấn vào mềm nhuyễn hoặc ẩu nghịch, hoặc thiểu khí, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng, mạch Trầm Sác vô lực.

Trong Tâm ảo nùng do thấp nhiệt uất trưng: Có chứng trong Tâm ảo nùng, thân thể và mắt phát mầu vàng tươi như quả quít chín, ra mồ hôi không triệt, ăn uống kém, buồn nôn muốn mửa, sau khi ăn trướng bụng, tiểu tiện sẻn đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Nhu Sác.

Trong Tâm ảo nùng do Dương minh táo kết: Có chứng trong Tâm ảo nùng, phiền táo không yên, bụng trướng đầy, đau bụng cự án, đại tiện bí kết, tiểu tiện sẻn đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nổi gai, mạch Trầm Thực có lực.

Trong Tâm ảo nùng do nhiệt thực kết hung: Có chứng dưới Tâm rắn đầy, ảo nùng không yên, nặng hơn thì từ trong Tâm đến bụng dưới rắn đau cự án, về chiều có triều nhiệt nhẹ, khát nước táo bón hoặc gáy cứng, hoặc suyễn thở, hoặc chỉ ra mồ hôi ở đầu, rêu lưỡi vàng dầy, mạch Trầm Trì có lực hoặc Trầm Khẩn.

Trong Tâm ảo nùng do khí âm đều tổn thương: Có chứng Tâm hung phiền muộn không yên, thiểu khí nhiều mồ hôi, họng khô ho khan, ẩu nghịch phiền nhiệt, miệng khô khát nước hoặc hư phiền không ngủ được, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Sác Nhược vô lực.

Trong Tâm ảo nùng do âm hư hỏa vượng: Có chứng trong Tâm phiền nhiệt rối loạn, ngũ Tâm phiền nhiệt, mồ hôi trộm mất ngủ, hai gò má đỏ hồng, đầu choáng ù tai, miệng khô họng ráo, lưng đùi yếu mỏi, lưỡi đỏ không có rêu, mạch Tế Sác.

Phân tích

  • Chứng trong tâm buồn bực do nhiệt quấy rối Hung cách với chứng trong Tâm buồn bực do thấp nhiệt uất trưng: Cả hai đều thuộc chứng thực nhiệt, nhưng nguyên nhân và cơ chế bệnh khác nhau. Loại trên phần nhiều do Thái dương bệnh sau khi phát hãn thổ hạ, ngoại tà truyền lý hóa nhiệt, quấy nhiễu hung cách, Tâm thần không yên nên xuất hiện chứng trong Tâm buồn bực không yên. Loại sau là do ngoại tà xâm lấn vào trong, uất lại không đạt ra được, trung tiêu bị ngăn trở, Tỳ mất sự kiện vận hoặc ăn ụống không điều độ, tổn hại Tỳ Vị, thấp uất hóa nhiệt, thấp nhiệt uất kết, hun đốt lên Tâm hung mà thành bệnh. Cả hai loại biểu hiện lâm sàng cũng khác nhau: Loại trên ngoài những hiện tượng có nhiệt tà vô hình quấy rối hung cách, thường kiêm cả hiện tượng khí cơ không thư sướng như trong Hung nghẹt tắc, Vị quản bĩ đầy, ấn vào mềm mại. Loại sau là do thấp nhiệt câu kết hun đốt, làm cho Can Đởm mất chức năng sơ tiết, thân thể dễ phát màu vàng, với các chứng trạng khác như mồ hôi ra không triệt để, tiểu tiện sẻn đỏ, bụng trướng nôn ọe lại là chứng thường gặp khi tà khí thấp nhiệt không giải.

Chứng trong Tâm buồn bực do nhiệt quấy rối hung cách, điều trị nên tuyên uất thanh nhiệt, chọn dùng phương Chi tử sị thang, nếu thiểu khí thì dùng phương Chi tử cam thảo sị thang, ẩu nghịch rõ rệt thì uống Chi tử sinh khương sị thang. Chứng trong Tâm buồn phiền do thấp nhiệt uất trưng, điều trị nên thanh lợi thấp nhiệt, dùng Nhân trần cao thang.

  • Chứng trong tâm buồn bực do Dương minh táo kết với chứng trong Tâm buồn bực do thực nhiệt kết hung:

Cả hai đều có chứng trạng thực nhiệt, như đau bụng cự án, đại tiện bí kết, triều nhiệt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Điểm phân biệt giữa hai chứng là: Dương minh táo kêt là do nhiệt tà với phân táo kết ở trong, khí táo nhiệt kiêm trọc khí xông lên mà thành, cho nên buồn phiền kiêm chứng bụng đầy không đại tiện, về chiều triều nhiệt, rêu lưỡi vàng ráo nổi gai. Còn nhiệt thực kết hung là do ngoại tà vào lý hoặc biểu tà không giải lại dùng thuốc công hạ sai lầm khiến cho tà nhiệt hãm ở trong câu kết với thủy ẩm tích tụ mà thành, cho nên ngoài chứng phiền muộn ra, còn kiêm các chứng từ dưới Tâm đến bụng dưới rắn đầy đau, tay không mó vào được, hoặc cổ gáy cứng, chỉ ra mồ hôi ở đầu .v.v… Tuy có chứng táo bón nhưng chỉ là táo kết nhẹ. Loại trên, điều trị theo phép hạ mạnh thông phủ, dùng Đại Thừa khí thang, Loại sau nên theo phép tả nhiệt trục thủy phá kết, dùng Đại hãm hung thang.

  • Chứng trong Tâm buồn bực do khí âm đều tổn thương với chứng trong Tâm buồn bực do âm hư hỏa vượng: Cả hai đều là hư chứng. Khí âm đều tổn thương phần nhiều gặp ở sau nhiệt bệnh hoặc dư nhiệt chưa sạch mà khí dịch đã tổn thương, cho nên vừa có những chứng trạng do dư nhiệt luẩn quẩn ở trong như Tâm hung, buồn bực không yên, mạch Sác lưỡi đỏ, lại vừa có chứng khí âm tổn thương như thiểu khí nhiều mồ hôi, họng đau ho khan, miệng khô thích uống nước. Âm hư hoả vượng là do âm dịch trong cơ thể vốn bất túc hoặc tư tự quá độ, khí uất hóa hoả, hoặc bị nhiễm ngoại tà lý hóa nhiệt dẫn đến chứng âm hư hoả vượng. Tâm phiền rối loạn là do hư hoả quấy nhiễu lên trên gây nên, đối với chứng trong Tâm buồn bực do khí âm đều tổn thương về phương diện cơ chế bệnh có chỗ tương thông, chỉ có các chứng ngũ Tâm phiền nhiệt, mồ hôi trộm, gò má đỏ, lưỡi đỏ không rêu luôn luôn táo nhiệt là đặc điểm của chứng âm hư hoả vượng. Loại trên điều trị nên ích khí dưỡng âm, dùng Trúc diệp thạch cao thang. Loại sau điều trị theo phép tư âm giáng hoả, dùng Tri bá địa hoàng thang hoặc tuỳ chứng chọn dùng các phương Toan tảo nhân thang, Đại bổ âm hoàn .v.v…

Tóm lại, trong Tam ảo nùng hoặc trong Tâm phiền nhiệt, đều thuộc chứng trạng tự giác, phần nhiều do tà nhiệt nội hãm, bị uất không phát ra được, kết lại ở Hung cách, lưu đọng ở Vị phủ hoặc chính khí hư tà khí lưu luyến, hư hoả bốc lên gây nên. Lâm sàng trước tiên phải phân biệt Hư thực. Thực chứng phần nhiều do cảm nhiễm ngoại tà, chính khí với tà chống chọi nhau mà thành bệnh. Hư chứng phần nhiều gặp ở thời kỳ sau cơn bệnh nặng, chăm sóc nghỉ ngơi không thoả đáng, hoặc ngũ chí không điều tiết, thất tình quấy rối ở trong, hoặc thể chất vốn âm hư lại nhiễm phải ngoại tà gây nên. về điều trị cũng cân nhắc hư thực, chia rõ tiêu bản, công bổ cho thích hợp.

Trích dẫn y văn

Phần nhiệt sợ sệt, biết là nhiệt ở Tâm Phế, cho nên dùng Trúc diệp, Thạch cao, Thần sa để trấn tĩnh cái nhiệt, khiến cho nó tụt xuống. Phiền mà hạ lỵ, biết là nhiệt ở phía trên, cho nên dùng Chi sị thang làm cho mửa. Phiền mà ra mồ hôi bệnh không giải, biết là cả biểu và lý đều có tà, cho nên dùng Biểu lý ẩm thang. Mạch Trầm miệng khát, lòng bàn tay nóng, biết là nhiệt không ở biểu, cho nên dùng Diệu hương hoàn để hạ. Ôn Đởm Toan tảo, chữa chứng không ngủ được (Luân Hư phiền – Y học cương mục).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây