Tiểu tiện vẩn đục – Chẩn đoán bệnh Đông y

Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Tiểu tiện vẩn đục gọi tắt là Niệu trọc, chỉ chứng trạng nước tiểu vẩn đục không trong, khi tiểu tiện không cảm giác đau rít niệu đạo. Niệu trọc mà sắc trắng như nước vo gạo gọi là Bạch trọc, thoạt tiên nước tiểu không vẩn đục, ứ đọng kéo dài, cặn lắng lại như bột phấn thuộc chứng này.

Tố vấn – Chí chân yếu đại luận gọi là “Niệu bạch” Chư bệnh nguyên hậu luận – Hư lao bệnh chư hậu gọi là “Bạch trọc” – Đan Khê Tâm pháp chia ra “Xích, Bạch trọc” Cảnh Nhạc toàn thư gọi là “Di trọc, “Tiện trọc”. Loại chứng trị tài – Lâm trọc thì gọi là “Niệu trọc”. Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc gọi là “Nhị trọc”.

Chứng này khác với chứng tiểu tiện đau buốt. Chứng tiểu tiện đau buốt có lúc tiểu tiện cũng vẩn đục, nhưng coi tiểu tiện đau buốt là chủ chứng. Còn chứng này, khi tiểu tiện không có cảm giác niệu đạo đau buốt, hoặc chỉ có cảm giác đau buốt nóng rít nhẹ.

Chứng tiểu tiện xuất huyết dẫn đến nước tiểu vẩn đục, về tính chất cũng khác với chứng này. Chứng tiểu tiện ra cả tinh dịch dẫn đến nước tiểu vẩn đục cũng không thuộc chứng này, có thể tham khảo ở các mục Niệu huyết và Tiểu tiện ra kèm tinh dịch.

Lý giải khái niệm chứng Bạch trọc của các y gia đời xưa bất nhất. Có người chỉ là chứng này, lại có người chỉ là chứng tiểu tiện ra kèm tinh dịch, hoặc có người lại gọi chung cho cả hai chứng ấy. Y thư cổ đại còn có chứng gọi là Xích trọc thực ra chỉ là chứng tinh dịch vẩn đục hoặc Niệu huyết, không thuộc phạm vi chứng này.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Niệu trọc do Hạ tiêu thấp nhiệt: Có chứng tiểu tiện đục như nước vo gạo có lúc ra cả vật trơn nhớt hoặc tiểu tiện vàng đỏ mà vẩn đục không trong, tiểu tiện đi vặt nhiều lần mà ít, khi bài tiết có cảm giác nóng rít hoặc đau buốt nhẹ, kiêm các chứng ngực bụng đầy, khát nước không muốn uống nhiều, lưỡi đỏ rêu vàng nhớt, mạch Hoạt Sác hoặc Nhu Sác.

Niệu trọc do Thận âm khuy hư: Có chứng tiểu tiện vẩn đục như nước vo gạo lượng nước tiểu không nhiều, kiêm chứng đầu choáng tai ù tai điếc, họng khô, gò má đỏ, mồ hôi trộm, lao nhiệt xương nóng âm ỉ, lưng gối mềm yếu, đại tiện khô kết, lưỡi đỏ rêu mỏng mạch Tế Sác.

Niệu trọc do Thận dương hư suy: Có chứng tiểu tiện vẩn đục, tiểu tiện vặt nhiều lần trong dài kiêm các chứng sắc mặt trắng bệch, tinh thần ủy mị, lưng và thắt lưng lạnh mỏi, chân tay không ấm, dương nuy, lưỡi nhạt, rêu trắng, có vết răng, mạch Trầm Nhược.

Niệu trọc do Tỳ hư khí hãm: Có chứng tiểu tiện vẩn đục lâu ngày không khỏi hoặc khi tiểu tiện không vẩn đục lắm mà lắng đọng như bột phấn, tiểu tiện không gọn bãi, kiêm các chứng sắc mặt vàng bủng, thể trạng tinh thần mỏi mệt, kém ăn, bụng dưới trướng trệ, đại tiện lỏng nhão, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch Hư vô lực.

  • Niệu trọc do Tỳ Thận đều hư: Có chứng tiểu tiện vẩn đục, tiểu tiện nhiều lần trong dài, đầu choáng tai ù, sắc mặt vàng bủng, kém ăn, đoản hơi tinh thần mỏi mệt, cơ bắp gầy còm, tứ chi không ấm, lưng đùi yếu mỏi, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng trơn, mạch Hư Hoãn.

Phân tích

  • Chứng Niệu trọc do Hạ tiêu thấp nhiệt với chứng Niệu trọc do Thận âm khuy hư: cả hai đều do tích chứa nhiệt ở Bàng quang, khí hóa mất chức năng gây nên, nhưng một chứng là nhiệt, một chứng là hư nhiệt. Chứng Niệu trọc do Hạ tiêu thấp nhiệt phần nhiều ăn đồ béo ngọt rượu trà quá độ, ấp ủ thấp sinh nhiệt. Hoặc ngoại tà thấpnhiệt dồn vào Hạ tiêu mà thành chứng này; thấp nhiệt ở hạ tiêu ảnh hưởng đến khí hóa ở Bàng quang, mất chức năng gạn lọc, mỡ và nước dồn xuống, cho nên tiểu tiện vẩn đục như nước vo gạo, hoặc kèm theo vật trơn nhớt, hoặc tiểu tiện sẻn đỏ kiêm các chứng tiểu tiện nhiều lần, vội vã và đau. Chứng Niệu trọc do Thận âm khuy hư do thể trạng vốn âm hư, hoặc nhiệt bệnh thương âm, âm hư nội nhiệt, nhiệt chuyển tới Bàng quang, mất chức năng khí hóa, trong đục không phân chia cho nên tiểu tiện vẩn dục như nước vo gạo hoặc tiểu tiện vàng đỏ, nhưng hiếm có chứng tiểu tiện nhiều lần, tiểu tiện đau. Chứng Niệu trọc do Hạ tiêu thấp nhiệt thường kiêm các hiện tượng thấp nhiệt tích chứa ở trong như; ngực bụng đầy, miệng khát không muốn uống nhiều nước, lưỡi đỏ rêu vàng nhớt, mạch Hoạt Sác hoặc Nhu Sác. Điều trị nên thanh lợi thấp nhiệt, gạn lọc trong đục, dùng phương Trình thị Tỳ giải phân thanh ẩm. Niệu trọc do Thận âm khuy hư thường kiêm các đặc trưng âm khuy hỏa vượng, có các chứng đầu choáng tai ù, gò má đỏ, mồ hôi trộm, hư phiền không ngủ, lưng gối yếu mỏi điều trị nên tư âm giáng hỏa, phân biệt trong đục, chọn dùng phương Tri bá địa hoàng thang gia Tỳ giải.

– Chứng Niệu trọc do Thận dương hư suy với chứng Niệu trọc do Tỳ hư khí hãm: Cả hai đều có chứng tiểu tiện nhiều lần, lượng nhiều, thuộc chứng hư hàn. Điểm chẩn đoán phân biệt là: Bệnh biến của loại trên chủ yếu là

Thận dương hư. Vì Thận dương hư suy, Bàng quang mất chức năng gan lọc, chất mỡ và dịch không kiềm chế, cho nên tiểu tiện vẩn đục, nhưng sắc nhợt không đặc, phần nhiều gặp ở người cao tuổi thể lực yếu, thường kiêm các chứng mặt nhợt hoặc đen sạm, đầu choáng tai ù, tinh thần ủy mị, chân tay không ấm, dương nuy, lưng gối mềm yếu vv.. Bệnh biến của loại sau chủ yếu là Tỳ khí hư, vì gắng sức làm lụng, tư lự quá mức , ăn uống không điều độ tổn hại Tỳ dương, Tỳ khí hư hãm mất khả năng co thắt, tinh khí chẩy xuống cho nên tiểu tiện vẩn đục, khi bài tiết tuy nước tiểu không vẩn đục lắm nhưng sau khi nước lắng thường có tích bột đọng lại, sau khi lao động chứng trạng nặng hơn và kiêm các chứng kém ăn, bụng trướng nặng trệ hoặc bị thoát giang.

Chứng Niệu trọc do Thận dương hư suy điều trị nên ôn Thận cố sáp dùng phương. Hữu qui hoàn gia Bổ cốt chi, Ngũ vị tử, Chứng Niệu trọc do Tỳ hư khí hãm điều trị nên bổ trung ích khí, dùng phương Bảo nguyên thang linh hoạt gia Khiếm thực, Thăng ma, hoặc uống Bổ trung ích khí thang.

– Chứng Niệu trọc do Tỳ Thận đều hư: Tỳ không thăng thanh, Thận mất sự kín đáo, Bàng quang mất sự co thắt dẫn đến tiểu tiện vẩn đục. Đặc điểm là: biểu hiện lầm sàng vừa có cả chứng Niệu trọc do Tỳ hư khí hãm và lại có cả chứng Niệu trọc do Thận dương hư suy, chứng hậu khá là phức tạp, có thể thấy thể trạng tinh thần mỏi mệt, bụng dưới trướng trệ, kém ăn đại tiện nhão và đầu choáng tai ù, lưng gối yếu mỏi, dương nuy .v.v… điều trị nên kiện Tỳ bể Thận quan trọng như nhau, dùng phương Bổ trung ích khí thang hợp với Vô tỷ sơn dược hoàn.

Chứng tiểu tiện vẩn đục có cả hư cả thực. Thực chứng do thấp nhiệt, bệnh ở Bàng quang tiểu tiện đục và đặc hoặc đi vặt nhiều lần, tiểu tiện buốt. Hư chứng phần nhiều trách vào Tỳ thận, tiểu tiện đục mà không đặc, ít khi đau buốt. Ngoài ra, có khi vì bụng dưới có ứ huyết kết ở trong ảnh hưởng đến khí hóa ở trong, trong đục không phân mà tiểu tiện đục, thường kèm theo chứng tiểu tiện đau buốt, tiểu tiện không thông hoặc ra huyết, nước tiểu tía tối vẩn đục, bụng dưới trướng đau, lưỡi tối mà có điểm ứ huyết, Điều trị nên ôn dương hóa ứ, chọn dùng phương Thiếu phúc trục ứ thang gia Mộc thông, Kim tiền thảo.

Trích dẫn y văn

Trọc khí trong Vị dồn xuống là Xích Bạch trọc, dùng Nhị trần gia Sài hồ, Thăng ma, Xương truật, Bạch truật… trọc khí ở trong Vị dẫn xuống, thấm vào Bàng quang dùng Thanh đại, Cáp phấn (Đan Khê Tâm pháp – xích bạch trọc).

Có mầu đỏ là thấp nhiệt ở Bàng quang nặng, bệnh chủ yếu ở Tâm với Tiểu trường, uống Đạo xích tán, Tứ vật thang gia Vu bì, Thanh đại, Hoạt thạch, có mầu trắng là thấp nhiệt nhẹ ở Khí phận, bệnh chủ yếu ở Phế với Đại trường, uống Thanh Tâm liên tử ẩm hoặc Ngũ tích tán hợp với Tứ quân tử thang (Y học nhập môn – Xích bạch trọc).

Người mập phần nhiều bị bạch trọc do đàm thấp, dùng Nhị truật nhị trần thang, người gầy phần nhiều bị xích trọc, do Can hỏa, dùng Long đởm tả Can thang (Loại chứng trị tài – Lâm trọc).

Chứng trạng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận