Hụt hơi, đoản hơi, thở yếu (Thiểu khí ) – Triệu chứng bệnh Đông y

Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Thiểu khí còn gọi là “Khí thiểu” chỉ chứng trạng đoản hơi, hổn hển, nói yếu sức thuộc loại bệnh hư nhược bất túc.

Trong các tài liệu đông y cổ điển cho rằng “Thiểu khí” với “Đoản khí” không hoàn toàn giống nhau. Như Y tông kim giám – Tạp bệnh tâm pháp yếu quyết có viết: “Đoản khí tức là ngắn hơi không tiếp nối. Thiểu khí tức là ít hơi mà không bộc lộ hiện tượng”. Trong khi phân tích cơ chế bệnh của hai loại bệnh này những chỗ giống nhau và khác nhau sách Tạp bệnh quảng yếu có nói: “Đoản khí không đủ để thở là thuộc thể trạng Thực. Thực thì khí thịnh, thịnh thời khí nghịch lên không thông cho nên đoản khí. Lại như Phế hư thì thiểu khí bất túc cũng khiến cho đoản khí”. Còn Thiểu khí: “Chứng này là do tạng khí bất túc gây nên”. Tức như “Đoản khí” có chia ra Hư và Thực. Chứng trạng Hư so với “Thiểu khí” không khác nhau đó là do khí hư gây nên. Còn chứng Thực là khí nghịch không thông có thể quy thuộc vào loại “Khí suyễn”. Mục này xem như nên xếp vào loại Thiểu khí để thảo luận chung.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Thiểu khí do nhiệt làm thương khí âm: Phần nhiều gặp ở chứng ngoại cảm nhiệt bệnh thời kỳ cuối. Sau khi nhiệt lui mà thiểu khí biếng nói mỏi mệt gầy còm hơi suyễn, ra mồ hôi, khô miệng, tiểu tiện vàng, đại tiện khô, rêu lưỡi mỏng, ít tân dịch hoặc không có rêu, mạch Tế Sác. Hoặc là mùa Hạ bị thương thử, thiểu khí mỏi mệt, mình nóng, nhiều mồ hôi, khát nước, tâm phiền.
  • Thiểu khí do Tỳ khí hư: Có chứng thiểu khí biếng nói, không thiết uống ăn, mệt mỏi, đại tiện lỏng nhão, sắc mặt vàng bủng hoặc trắng nhợt, chất lưỡi non bệu, mạch Hư hoặc Nhu.
  • Thiểu khí do Tâm khí hư:Có chứng thiểu khí, hồi hộp tự ra mồ hôi, tâm thần hoảng hốt, tinh thần mỏi mệt, ít ngủ hoặc trong khi ngủ dễ thức giấc, chất lưỡi nhạt, mạch Hư Nhược.
  • Thiểu khí do Phế khí hư:Có chứng thiểu khí tự ra mồ hôi, tiếng nói thấp khẽ, thở yếu sức, động làm thì thở gấp, mỏi mệt, sắc mặt trắng nhợt, dễ nhiễm cảm mạo, khái thấu, chất lưỡi nhạt, mạch Hư Nhuyễn.

Phân tích

  • Chứng Thiểu khí do nhiệt làm thương khí âm:

Chứng này phần nhiều là tà nhiệt xâm phạm Phế Vị hao thương khí âm gây nên. Lâm sàng phần nhiều thấy hai tình huống: Một là sau khi khỏi ngoại cảm, dư nhiệt còn nung nấu ở Phế Vị, tân dịch và khí bị tổn thương như Thương hàn luận – Biện âm dương dịch sai hậu lao phục bệnh mạch chứng tính trị có viết: ‘Thương hàn sau khi khỏi hư yếu thiểu khí, khí nghịch muốn mửa, bài Trúc diệp thạch cao thang chủ chữa bệnh ấy”. Hai là mùa Hạ bị tổn thương bởi thử tà hại khí hao tân dịch có chứng thiểu khí mệt mỏi, mình nóng khó chịu phiền khát muốn uống nước, nhiều mồ hôi, tiểu tiện vàng điều trị theo phép thanh Phế vị, ích Phế tân dùng phương Trúc diệp thạch cao thang gia giảm. “Nếu quả là thử nhiệt gây bệnh điều trị theo phép thanh thử ích khí dưỡng âm sinh tân dùng phương Thanh thử ích khí thang”.

  • Chứng Thiểu khí do Tỳ khí hư: Phần nhiều do thể chất vốn suy yếu hoặc cím lâu tổn thương Tỳ dẫn đến Tỳ khí hư yếu mất chức năng vận hóa, thủy cốc không biến hóa được chất tinh vi, khí mất nguồn sinh ra cho nên thiểu khí và có những biểu hiện về Tỵ khí hư như kém ăn, mệt mỏi biếng nói, đại tiện nhão. Như sách Tố vấn – Mạch yếu tinh vi luận cóviết: “Mạch của Tỳ đập rắn chắc mà Trường, sắc da vàng bệch tất nhiên là thiểu khí”. Thiểu khí do Tỳ khí hư điều trị theo phép bổ ích Ty khí chọn dùng phương Lục thần tán hoặc Bổ trung ích khí thang.
  • Chứng Thiểu khí do Tâm khí hư: Tâm là Quân hỏa làm dồi dào khí của toàn thân, nếu vì thể chất hư yếu hoặc ốm lâu, hoặc tư lự hại Tỳ, lao tâm quá độ dẫn đến Tỳ khí hư yếu xuất hiện các chứng trạng: thiểu khí hồi hộp, ra mồ hôi, phiền táo mất ngủ. Điều trị theo phép bổ ích Tâm khí, ninh Tâm an thần, chọn dùng phương An thần định chí hoàn hoặc Trích Cam thảo thang.
  • Chứng Thiểu khí do Phế khí hư. Bệnh do Phế yếu đã lâu hoặc ho kéo dài tổn thương đến Phế khí, hoặc là tiên thiên bất túc, hậu thiên không điều hòa, thể trạng yếu đến nỗi Phế khí hư yếu bất túc. Phế chủ khí, chủ về hô hấp, Phế khí hư thì thiểu khí, thở khẽ. Như sách Tạp bệnh quảng yếu: “Phế chủ khí mà thông với hô hấp. Tạng khí bất túc thì hô hấp nhỏ yếu mà thiểu khí”. Sách Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc cũng viết: “Phế chứa khí, Phế bất túc thì thở khẽ và thiểu khí”. Yếu điểm biện chứng: tiếng nói thấp khẽ, thanh âm ngắn, thở nhẹ, động làm thì thở dốc. Người bệnh dễ bị ảnh hưởng mà gây nên cảm mạo khái thâu, không chịu nổi ngoại tà xâm phạm, hơn nữa phát bệnh thường nặng hơn người bình thường. Điều trị nên bổ ích Phế khí dùng các phương Bổ Phế thang, Bổ trung ích khí thang hợp với Ngọc bình phong tán.

Xem xét những trình bày trên đây thì biết nguyên nhân chủ yếu của chứng Thiểu khí là do “Tạng khí bất túc”. Phần nhiều xảy ra sau khi ốm kéo dài, khí phận bị tốn thương lớn. Khi biện chứng lâm sàng ngoài những chứng trạng thiểu khí tất yếu còn phụ thuộc vào tạng khí nào thì khác nhau biểu hiện cũng trong cái giống nhau lại có cái khác nhau. Ví dụ chứng Tâm khí hư phần nhiều kèm theo hồi hộp mất ngủ. Chứng Tỳ khí hư phần nhiều kèm theo biếng ăn trướng bụng, đại tiện nhão. Chứng Phế khí hư thường là phát sốt, sau khi bị ho kéo dài thường kèm theo triệu chứng khái thấu. Đến như thiểu khí do nhiệt làm thương khí âm thường phát sinh sau khi bị nhiệt bệnh hoặc bị trúng thử. Dựa trên những cơ sở đó mà chẩn đoán phân biệt.

Trích dẫn y văn

  • Người ta một lấn hô thì mạch một động. Một lần hấp thì mạch một động gọi là thiểu khí (Tố vấn – Bình nhân khí tượng luận).
  • Thiểu khí là bệnh ở hai kinh Phế Thận… Thận hư thì khí không sinh ra được nên không khắc được cái nguồn của tráng khí. Phế hư thì khí mất chỗ chứa cũng không khắc được cái phủ của khí dồi dào. Nói thiểu ở đây là nói không có thừa nhiều, hư hao chút ít chứ không giống như đoản hơi không tiếp nối; biết rõ như thế thì có thể biết được thiểu khí mà điều trị. Nên dùng các phương Tứ quân tử thang, Nhân sâm hoàng kỳ thang, ích khí hoàn (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc – Thiểu khí).

Chứng trạng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận