Trang chủChứng trạng Đông yThích ngủ (Thị thụy) - Triệu chứng bệnh Đông y

Thích ngủ (Thị thụy) – Triệu chứng bệnh Đông y

Khái niệm

Thích ngủ là chỉ chứng trạng bất luận ngày đêm, lúc nào cũng ngủ, gọi thì tỉnh nhưng rồi tỉnh lại muốn ngủ tiếp.

Chứng này trong Nội kinh có nhiều tên gọi như “Hiếu ngọa”, “Thị ngọa”, “Thiện miên”, “An ngọa”, “Đa ngọa”. Trong Thương hàn luận thì gọi là “Dục mị”, “Đa miên thụy”. Trong Kim quỹ yếu lược lại ghi là “Dục ngọa”, “Dục miên”. Đời sau lại có nhiều tên gọi khác nhau như “Hỉ miên”, “Hỉ ngọa”, “Dục miên thụy”, “Đa thụy”, “Đa mị”, “Ngọa mị”.

Chứng Thích ngủ khác với chứng “Thần hôn”. Thần hôn là chỉ thần thức hôn loạn, bất tỉnh nhân sự, còn chứng Thích ngủ là thần chí tỉnh táo, chỉ có tinh thần khốn đốn luôn luôn muốn ngủ, gọi thì tỉnh ngay. Còn như sau khi ốm nặng mà khỏi, âm dương được hồi phục, người ta thèm ngủ, sau khi tỉnh thì sảng khoái đôi với chứng Thích ngủ khác nhau rất xa.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Thích ngủ do thấp làm khốn đốn Tỳ dương: chứng mệt mỏi muốn ngủ, đầu nặng như bị bọc, chân tay nặng nề, kém ăn, trung quản đầy tức, miệng dính không khát nước, đại tiện không thành khuôn, mu bàn chân phù thũng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Hoãn.
  • Thích ngủ do Tâm Tỳ đều hư: Có chứng mệt mỏi, ngủ nhiều, sắc mặt không tươi, biếng ăn, ỉa chẩy, hồi hộp đoản hơi, phụ nữ kinh nguyệt không đều, sắc kinh nhợt, lượng nhiều, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch Tế Nhược.
  • Thích ngủ do Thận dương hư suy: Có chứng mệt mỏi chỉ muốn nằm, tinh thần uỷ mị, tiểu tiện ít, phù thũng, vùng bụng lạnh đau, ống chân và đầu gối lạnh, sợ lạnh nằm co, móng tay chân tím tái, chất lưỡi tía tôi, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch Vi Tế.
  • Thích ngủ do Thận tinh bất túc: Có chứng mệt mỏi thích ngủ, tai ù tai điếc, hay quên, tư duy chậm chạp, tinh thần trì trệ, làm việc không dai sức, chất lưỡi nhạt, mạch Tế Nhược.

Phân tích

  • Chứng Thích ngủ do thấp khốn Tỳ dương: Chứng này do lội nước dầm mưa, nằm ngồi nơi đất ẩm, hoặc ăn quá mức đồ sống lạnh, hoặc nội thấp vốn thịnh, thâp khôn Tỳ dương gây nên, cho nên vừa thích ngủ lại vừa có những hiện tượng thấp thắng, dương khốn đốn, khí cơ nghẽn trệ như các chứng: đầu nặng như bị bọc, chân tay nặng nề, trung quản đầy tức, đại tiện lỏng loãng, thậm chí mu bàn chân phù thũng. Tức như Huyết chứng luận có viết: “Thân thể nặng nề mỏi mệt thích nằm là Tỳ kinh có thấp”. Nếu thấp lưu đọng lâu ngày, hàn ngưng tụ thành đờm, đờm ngăn trở thanh dương thì chứng trạng thích ngủ lại càng rõ rệt. Điều trị nên ôn trung hóa thấp, dùng phương Vị Linh thang.
  • Chứng Thích ngủ do Tâm Tỳ đều hư: Mục Bất mị đa mị nguyên lưu – sách Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc viết: “Ngủ nhiều là bệnh của Tâm Tỳ, một là do Tâm thần bị hôn mê vẩn đục, không thể tự chủ; hai là do Tâm hỏa hư suy không sinh được thổ để vận chuyển mạnh”. Thích ngủ do Tâm Tỳ đều hư phần nhiều do sau khi ốm không được chăm sóc chu đáo, tư lự quá độ hoặc ăn uống không hạn chế, hoặc bị mất huyết dẫn đến Tâm huyết hao thương, Tỳ khí bất túc, Tâm thần không được nuôi dưỡng thì thần chí hoảng hôT, Tâm khiếp mà thích ngủ. Yếu điểm biện chứng là: mỏi mệt thích ngủ, sắc mặt không tươi, hồi hộp đoản hơi, biếng ăn, ỉa chảy, chất lưỡi non nhợt, mạch Tế Nhược. Điều trị nên bổ ích Tâm Tỳ, dùng phương Quy Tỳ thang. Chứng này với chứng Thích ngủ do thấp khôn Tỳ dương khác nhau. Thích ngủ do Tâm Tỳ đều hư là chứng Hư đơn thuần, biểu hiện lâm sàng là các chứng hậu Tâm Tỳ khí huyết đều hư nhược bất túc. Còn Thích ngủ do thấp khôn Tỳ dương là chứng Bản hư, Tiêu thực, vừa có dấu hiệu Tỳ hư không vận chuyển được, lại có cả chứng hậu thấp ngăn trở thanh Dương không thăng lên, phân biệt hai chứng này không khó.
  • Chứng Thích ngủ do Thận dương hư suy với chứng Thích ngủ do Thận tinh bất túc: Cả hai chứng đều thuộc chứng Thận hư, nhưng nguyên nhân phát sinh ra Thận dương hư suy, hoặc là do bệnh tà thẳng vào Thiếu âm, hoặc là lỡ cơ hội điều trị hoặc là điều trị sai lầm, dương khí bị khắc phạt nhiều lần đến nỗi dương hư âm thịnh, hôn trầm mà muốn ngủ. Sách Loại chứng trị tài viết: “Ngủ nhiều là bệnh Dương hư Âm thịnh”. Biện chứng phải coi các chứng trạng sợ lạnh nằm co, lưng lạnh mình nặng phù thũng, chân tay lạnh, tiểu tiện ít hoặc tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhạt bệu rêu lưỡi trắng làm những chứng trạng chủ yếu. Chứng Thích ngủ do Thận tinh bất túc phần nhiều do hao thương quá độ hoặc ốm lâu dằng dai không khỏi, tuổi cao thể lực yếu đến nỗi Thận tinh khuy tổn bất túc, tủy hải rỗng không đầu choáng mà muốn ngủ. Linh khu –

Hải luận có viết: “Tủy hải bất túc thì não xoay chuyển mà ù tai, ống chân mỏi, choáng váng mắt trông không tỏ, lười biếng chỉ thích nằm”, về biện chứng phải lấy các chứng trạng: đầu choáng mất ngủ, tinh thần mỏi mệt biếng lười, tai ù, tai điếc, hễ làm việc thì không giai sức là những chứng trạng chủ yếu. Chỗ phân biệt khác nhau của hai chứng là: chứng trên biểu hiện chủ yếu là Thận dương bất túc. Chứng sau có đặc điểm là âm tinh bât túc, tủy hải rỗng không. Tuy đều là những chứng hậu Thận hư nhưng có sự nặng nhẹ khác nhau nên cần phải phân biệt. Thích ngủ do Thận tinh bất túc điều trị nên dùng phương pháp điền tinh bổ tủy, các loại Tả quy hoàn, Hà sa đại tạo hoàn đều có thể chọn dùng. Thích ngủ do Thận dương hư suy điều trị nên ôn bổ nguyên dương dùng Hữu quy hoàn hoặc Thận khí hoàn.

Trích dẫn y văn

– Mùa Trưởng hạ lười nhác, chân tay vô lực, ngồi yên một lúc là muốn ngủ ngay là do khí của hai kinh Phế Tỳ vốn yếu lại bị thử khí gay gắt thúc ép nên uống Thanh thử ích khí thang. Sau khi mắc bệnh mà ngủ nhiều, thân thể còn nóng rát, đó là dư nhiệt chưa sạch, chính khí chưa phục hồi, nên uống Thẩm thị uy di thang (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc – Bất mị, đa mị nguyên lưu).

– Chứng Ngủ nhiều là bệnh dương hư âm thịnh. Linh khu nói: Túc Thái dương có đường thông lên đỉnh đầu vào não chính là thuộc vào gốc của mắt nên gọi là Nhãn hệ, gân ở hai bên cạnh gáy đều vào não, đó là nhánh của Dương kiểu, Âm kiểu, âm dương cùng giao nhau dương vào âm, âm ra dương, giao nhau ở đầu con mắt, dương khí thịnh thì mắt mở, âm khí thịnh thì mắt nhắm. Nếu lầm thần hôn mê vẩn đục thì không tự chủ được… muốn thanh Tâm thần thời dùng các vị như Mạch đông, Thạch xương bồ, Nha trà, Nam trúc… (Loại chứng trị tài – Đa mị).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây