Trang chủChứng trạng Đông yNghiến răng - Chẩn đoán phân biệt bệnh Đông y

Nghiến răng – Chẩn đoán phân biệt bệnh Đông y

Khái niệm

Nghiến răng là chỉ hàm răng trên dưới ma sát mạnh, phát thành tiếng kêu ken két. Chứng này trong các y thư cổ điển có những tên gọi khác nhau. Các sách Kim quỹ yếu lược, Chư bệnh nguyên hậu luận gọi là “Giới xỉ”. Từ đời Đường Tông về sau lại có các tên “Xỉ giới”. “Khiết xỉ”, “Trảo nha”…

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Nghiến răng do ngoại cảm phong hàn: Có chứng nghiến răng lập cập kiêm các chứng phát nhiệt ố hàn, đau đầu đau toàn thân, không mồ hôi, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù Khẩn.

Nghiến răng do Tâm Vị hỏa nhiệt: Có chứng thường nghiến răng trong giấc ngủ, khát nước muốn uống nước lạnh, dễ tiêu hay đói, cồn cào,- nôn mửa hoặc ăn vào mửa ra ngay, hôi miệng, Tâm phiền chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng và ít tân dịch, mạch Hoạt Sác.

Nghiến răng do ăn uống tích trệ: Có chứng nghiến răng trong giấc ngủ, bụng bĩ đầy không thiết ăn uống, ăn vào không tiêu hóa, thần khí mệt mỏi, đại tiện khó khăn hoặc đau bụng ỉa lỏng, hoặc đại tiện bí kết, tiểu tiện vàng đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhớt mà hơi vàng, mạch Hoạt mà Thực.

Nghiến răng do giun đũa: Có chứng nghiến răng trong giấc ngủ, vị quản cồn cào lúc đau bụng lúc không, tham ăn hay ăn những vật lạ lùng, mặt và cơ nhão, ngứa lỗ mũi, lòng trắng mắt có ban xanh hoặc có từng điểm xanh, một bên mặt hoặc gò má có những ban trắng, liền trong môi cũng có những điểm nhỏ nổi lên như nốt ghẻ nước trong suốt, đầu lưỡi hoặc hai bên cạnh tuyến giữa luôn có vạch đỏ nhạt hoặc nổi lên những nốt đỏ tươi, chất lưỡi đỏ nhạt rêu lưỡi trắng, mạch Huyền Hoạt.

Nghiến răng do khí huyết hư yếu: Có chứng nghiến răng tiếng thấp khẽ, sắc mặt trắng bệch, môi lưỡi và móng tay chân, sắc nhợt không tươi, đầu mắt choáng váng hồi hộp sợ sệt, mỏi mệt yếu sức, thiểu hơi biếng nói, tiếng nói thấp khẽ hoặc chân tay tê dại, thể lưỡi bệu, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc trắng, mạch Tế Nhược hoặc Hư Đại.

Nghiến răng do hư phong nội động: Có chứng nghiến răng liên tục, chân tay máy động thậm chí co giật hoặc tay chân run rẩy, sắc mặt tiều tụy, gò má đỏ non hoặc mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt hoặc họng khô miệng ráo, rêu lưỡi có rất ít hoặc không có rêu, mạch Trầm Tế.

Nghiến răng do nhiệt thịnh động phong: Có chứng nghiến răng rõ thành tiếng và hàm răng cắn chặt, sốt cao khát nước ưa uống lạnh và nhiều mồ hôi, mạch Hồng Đại mà Sác, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mà khô hoặc uốn ván không nằm thẳng được, chân tay co cứng, co giật, hoặc vùng bụng trướng đầy, cự án, đại tiện táo kết không thông, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dầy mà khô ráo, mạch Trầm Thực hoặc Hoạt Thực có lực Ịnà Sác.

Phân tích

– Chứng Nghiến răng do ngoại cảm phong hàn với chứng Nghiến răng do Tâm Vị hỏa nhiệt: Loại trên là do ngoại cảm tà khí phong hàn tranh giành với chính khí ở ngoài biểu có các biểu chứng như phát nhiệt ố hàn, nghiến răng lập cập, toàn thân đau nhức, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù Khẩn. Loại sau là do Tâm Vị hỏa nhiệt gây nên bởi vì mạch của Dương minh vào trong răng đi vòng quanh miệng, và môi, nội nhiệt hun đốt đường lạc cho nên thấy chứng răng nghiến ken két, lại kiêm các chứng Tâm phiền hôi miệng, khát nước ưa uống lạnh, lưỡi đỏ rêu vàng ít tân dịch, mạch Hoạt Sác. Hai chứng trên một thuộc biểu, một thuộc lý khác nhau rõ rệt. Chứng Nghiến răng do ngoại cảm phong hàn thường xảy ra khi đã tỉnh ngủ, còn chứng Nghiến răng do Tâm Vị hỏa nhiệt thường nghiến răng trong giấc ngủ. Chứng Nghiến răng do ngoại cảm phong hàn điều trị nên giải biểu sơ phong tán hàn thường dùng phương Ma hoàng thang gia giảm. Chứng Nghiến răng do Tâm Vị hỏa nhiệt điều trị nên thanh tiết Vị hỏa thường dùng phương Thanh Vị tán.

– Chứng Nghiến răng do ăn uống tích trệ với chứng Nghiến răng do giun đũa: Phần nhiều gặp ở trẻ em, bệnh xảy ra thường vào ban đêm. Điểm khác nhau là: Nghiến răng do giun đũa thì có các đặc điểm của chứng giun đũa như: đau bụng rõ rệt vùng quanh rốn, lúc đau lúc ngưng, tham ăn thích ăn đồ lạ, mặt vàng cơ teo, lòng trắng mắt có ban xanh hoặc điểm xanh, ở má có ban trắng dấu hiệu giun đũa, trong môi có những nốt nhỏ… Điều trị chủ yếu là khu trùng kiêm phép kiện Tỳ hóa thấp thường dùng các phương Truy trùng hàn, sử quân tử tán hoặc Ô mai hoàn. Chứng Nghiến răng do ăn uống tích trệ là do ăn những thức không sạch nội thương đồ ăn và sữa úng trệ không tiêu, khí trệ không lưu thông tổn thương Tỳ Vị gây nên, có những đặc điểm là không thiết ăn uống, ăn vào không tiêu, bụng trướng đầy, thể trạng gầy còm, đại tiện không điều hòa, điều trị theo phép tiêu thực đạo trệ, hòa trung, thường dùng các phương Bảo hòa hoàn đổi dạng thuốc hoàn thành dạng thuốc sắc, thêm vào Hồ Hoàng liên mà sắc uống, hoặc là uống Chỉ thực đạo trệ hoàn (hoặc thang) gia giảm. Trên lâm sàng cũng có thể xuất hiện tình huống vừa tích trệ lại vừa có giun đũa, có thể điều trị chung.

– Chứng Nghiến răng do hư phong nội động với chứng Nghiến răng do khí huyết hư nhược: Nghiến răng do hư phong nội động vô luận là gặp trong Tạp bệnh hoặc trong Ôn bệnh đều là do âm tinh hao thương, thủy không hàm mộc gây nên. Can chủ về gân mạch, nhờ vào Thận thủy để tư dưỡng. Tuổi cao ốm bệnh lâu ngày, thất tình nội thương, mệt nhọc quá độ hoặc nhiệt tà phá phách quá lâu đều là những lý do dẫn đến hư phong nội động. Yếu điểm biện chứng cần nắm vững hai điểm: Một là có đầy đủ các chứng Thận âm hư như: hai mắt khô rít, đầu choạng tai ù, lưng mỏi đùi yếu, trong tâm đập mạnh hoặc gò má đỏ triều nhiệt, ngũ tâm phiền nhiệt, tinh thần mệt mỏi, mạch Hư lưỡi đỏ ít rêu… Hai là ngoại trừ chứng nghiến rặng còn có những hiện tượng động phong như: tê dại, run rẩy, chỉ riêng đầu lắc lư, chân tay máy động, thậm chí cò giật hoặc là chân tay co cứng, uốn ván thường dùng các phép nhu Can tư Thận dục âm, tiềm dương dẹp phong chống co cứng dùng các phương Trân Can tức phong thang, Đại định phong châu. Nghiến răng do khí huyết hư yếu là do khí huyết hư yếu gân mạch không được tư dưỡng gây nên, biểu hiện lâm sàng ngoài chứng trạng nghiến răng khí huyết bất túc, cần phải căn cứ vào một số điểm chủ yếu biện chứng như thiểu khí biếng nói, thở ngắn và khẽ, sắc mặt trắng bệch không tươi, môi và móng tay chân nhợt, đầu choáng váng thậm chí co giật, chất lưỡi nhạt mạch Tế Nhược. Chứng Nghiến răng do khí huyết hư yếu điều trị theo phép ích khí dưỡng huyết dùng Bát trân thang gia giảm.

– Chứng Nghiến răng do nhiệt thịnh động phong: Là một loại chứng trạng rất thường gặp trong bệnh ngoại cảm nhiệt bệnh cấp tính phần nhiều gặp ở trẻ em. Đặc điểm chủ yếu là phải kiêm các chứng trạng nhiệt bệnh cực thịnh như: sốt cao phiền táo, thích uống lạnh, mặt đỏ môi xe, vã mồ hôi, táo bón, tiểu tiện đỏ hoặc vùng bụng trướng đầy, cự án, đại tiện táo kết không thông, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mà khô hoặc vàng khô mà dầy, nổi gai, mạch tượng Huyền Sác hoặc Hồng Đại mà Sác hoặc Trầm Thực mà Sác, hoặc Hoạt Thực có lực mà Sác.

Chứng Nghiến răng do nhiệt thịnh động phong, nếu như chủ yếu là Can kinh nhiệt thịnh động phong, chứng nhẹ thì đầu mắt choáng váng, tâm trí không yên. Chứng nặng thì kiêm chứng đột ngột co giật, miệng mắt méo xếch, bán thân bất toại, uốn ván thậm chí hôn mê, mạch Huyền Kính mà Sác. Nếu nhiệt ở Dương minh khí phận thì xuất hiện các chứng sốt cao, phiền khát nặng, ra nhiều mồ hôi, mạch Hồng Đại. Nếu nhiệt kết ở Dương minh phủ nên xuất hiện các chứng Bĩ, Mãn, Táo, Kiên, Thực, rêu lưỡi vàng già hoặc khô nẻ, nổi gai. Vô luận là ở tình huống nào điều trị cần kíp phải thanh tà nhiệt là chính, nhiệt lui thì phong dập tắt mà sẽ hết nghiến răng. Chứng Can nhiệt động phong điều trị theo phép bình Can dẹp phong cho uống Linh dương câu đằng thang gia giảm đồng thời có thể linh hoạt theo bệnh tình cho uống thêm An cung ngưu hoàng hoàn, Chí bảo đan, Tử tuyết đan. Nhiệt thịnh động phong ở Dương minh khí phận điều trị nên thanh nhiệt ở khí phận để dẹp phong, chọn dùng phương Bạch hổ thang gia giảm. Đến như nhiệt nung nấu ở Dương minh phủ mà động phong thì phải linh hoạt dùng thuốc thông phủ tả nhiệt, chọn dùng phương Lương cách tán hoặc Đại Thừa khí thang. Chứng Nghiến răng do nhiệt thịnh động phong khác hẳn với chứng Nghiến răng do Tâm Vị hỏa thịnh. Loại trên thì ngoài chứng nghiến răng còn có biểu hiện động phong, vả lại hiện tượng nhiệt rõ rệt, đối với loại nghiến răng do Tâm VỊ hỏa nhiệt mà xuất hiện Tâm phiền hôi miệng không thể so sánh được.

Chứng Nghiến răng do các chứng ngoại cảm phong hàn, Tâm Vị hỏa nhiệt, ăn uống tích trệ, giun đũa, nhiệt thịnh động phong… thì nghiến răng khá mạnh mẽ, phần nhiều thuộc Thực chứng. Còn chứng Nghiên răng do khí huyết hư yếu hoặc hư phong nội động thì hiện tượng nghiến răng thâp khẽ hơn phần nhiều là Hư chứng.

Trích dẫn y văn

Cấm khẩu tự nhiên là cấm khẩu, nghiến răng tự nhiên là nghiến răng, người xưa lấy cấm khẩu và nghiến răng quy vào một loại thật là nông nổi trong lâm sàng, bởi vì cấm khẩu thuộc Hư, nghiến răng thuộc Thực, cấm khẩu là hàm răng cắn chặt không mở được, còn nghiến răng tức là kèn kẹt phát thành tiếng (Y lâm cải thác bình chú – Bán thân bất toại luận tự).

Nếu nghiến răng ken két là thuộc bệnh Kính thấp nhiệt hóa phong, nhưng chỉ nghiến răng là do khí nhiệt ở Vị chạy vào đường lạc (Diệp Hương Nham – Ngoại cảm ôn nhiệt thiên).

Tạp chứng mà nghiến răng là huyết hư. Chứng Dịch mà nghiến răng là Can nhiệt nên dùng phương này (tức là Thanh ôn bại độc ẩm) tăng liều lượng các vị Thạch cao, Sinh địa, Đan bì, Chi tử và gia Đởm thảo (Ôn nhiệt kinh vĩ – Dịch chứng điều biện số 28).

Bài trước
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây