Lý cấp hậu trọng – Bệnh trạng Đông y

Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Trước khi đại tiện bị đau bụng, muốn đại tiện mà thúc bách không kịp đợi, gọi là Lý cấp: khi bài tiết đại tiện bị quẫn bách mà phân khó ra gọi là Hậu trọng, cả hai hiện tượng trên đồng thời xuất hiện gọi chung là Lý cấp hậu trọng, Đây là một chứng trạng chủ yếu trong bệnh chứng Lỵ tật.

Bệnh danh Lý cấp hậu trọng ra đời sớm từ Nạn kinh, nạn thứ 57 có viết “Chứng Đại hà tiết thì lý câp hậu trọng, ra nhà cầu nhiều lần mà không bài tiết phân, đau trong giang môn”. Các sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược đều có những y văn hạ Lỵ (hạ lợi) hậu trọng, Sách Đan Khê Tâm pháp trong 10 phép chữa lỵ, có nói đến “ngồi xuống mà rặn” cũng khá giống chứng này, nhưng chỗ khác nhau là ngồi xuống mà rặn là luôn luôn có ý muốn đại tiện, khi ra nhà cầu thì cố rặn mà khó ra phân. Thường gặp nhiều ở những người bệnh bị lỵ lâu ngày, âm huyết suy hư, chứng trạng so với lý cấp hậu trọng càng nghiêm trọng, nhưng chứng đau bụng thì không rõ mấy.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Lý cấp hậu trọng do thấp nhiệt: Có chứng đau bụng, cấp bách muốn đại tiện, khi đại tiện thúc ép, giang môn nặng trệ mà nóng rát, lỵ ra mủ máu, phát sốt khát nước, ngực bụng bĩ đầy, rêu lưỡi vàng nhớt, tiểu tiện sẻn đỏ, mạch phần nhiều Hoạt Sác.

Lý cấp hậu trọng do khí trệ: Phần nhiều biểu hiện bụng trướng đau hoặc đau quặn, nặng hơn thì lan toả tới liên sườn, đau muốn đại tiện, sau khi đại tiện xong thì giảm đau, bài tiết khó giang môn trướng trệ, đại tiện ra máu mủ, mạch Huyền.

Lý cấp hậu trọng do khí hư: Có chứng đau bụng âm ỉ, mót đại tiện bất thường, ra đến nhà cầu thì bài tiết sáp trệ khó khăn, giang môn nặng trệ thậm chí thoát giang, tinh thần mệt mỏi, thiểu hơi biếng nói, hồi hộp, tự ra mồ hôi, hạ lỵ ra trắng nhiều đỏ ít, chất lưỡi nhạt bệu, mạch Tế Hoãn.

Lý cấp hậu trọng do huyết hư tân (dịch) tổn thương: Có chứng đau bụng liên miên, lý cấp muốn đại tiện, ra nhà cầu cố rặn cũng khó bài tiết, hoặc chỉ són ra vài giọt niêm dịch, giang môn phồng trệ, hạ lỵ ra trắng đỏ lẫn lộn hoặc đỏ nhiều hơn trắng, miệng khô môi ráo, quá trưa triều nhiệt hoặc phát sốt nặng về đêm, gầy còm mệt mỏi, lưỡi đỏ ít rêu hoặc rêu tróc mảng, mạch Tế Sác.

Phân tích

– Chứng Lý cấp hậu trọng do thấp nhiệt với chứng Lý cấp hậu trọng do khí trệ: Trong bệnh trình Lỵ tật, thấp nhiệt với khí trệ phần nhiều tồn tại mà còn ảnh hưởng lẫn nhau. Tà khí thấp nhiệt úng trệ ở đường ruột, khí cơ trở trệ mà đau bụng lý cấp muốn đại tiện. Tà nhiệt lọt vào Đại trường, khí trệ nhiệt úng tắc, vật nhớp bẩn muốn tống ra không đuỢc, cho nên giang môn trướng tức. Thương hàn lai tô tập quyển 4 viết: “Giót dữ dội thúc bách xuống dưới, nhiệt lợi hạ trọng là uế khí thấp nhiệt uất át ở quảng trường, cho nên phách môn bị nặng trệ mà khó bài tiết”. Mà khí cơ bị ngăn trệ thì vận hóa thủy thấp không thông lợi, thủy thấp ứ đọng bị uất hóa nhiệt, thúc ép xuống Đại trường nên đau bụng hậu trọng, vì vậy thường thấy thấp nhiệt khí trệ đồng thời tồn tại lại có lúc nặng nhẹ khác nhau. Ngả nặng về thấp nhiệt, thì đau bụng muốn đại tiện, quẫn bách hậu trọng, giang môn nóng rát, ngực bụng bĩ tức, rêu lưỡi nhớt… là những chứng trạng khá đột xuất điều trị chủ yếu phải thanh nhiệt lợi thấp kém theo thuốc điều khí, dùng Thược dược thang, Ngả nặng về khí trệ thì đau bụng lý cấp lan đến liên sườn, giang môn dồn xuống, bài tiết khó khăn, điều trị theo phép lý khí hóa trệ, dùng Mộc hương tân lang hoàn gia vị.

– Chứng Lý cấp hậu trọng do khí hư với chứng Lý cấp hậu trọng do huyết hư tân (dịch) tổn thương: cả hai đều thuộc Hư chứng phần nhiều gặp ở người bị bệnh Lỵ lâu ngày không khỏi, “ Khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí”. Khí hư có thể dẫn đến huyết hư mà huyết hư cũng có thể dẫn đến khí hư, cả hai có mối quan hệ lẫn nhau, nhưng về chứng trạng và điều trị khác nhau rất rõ, Âm huyết hư phiền nhiều do Lỵ lâu ngày thương âm, doanh huyết hư hao, có chứng hạ lỵ keo dính như nhầy, cố rặn vẫn khó bài tiết, Tâm phiền miệng khô, mạch Tế Sác, Điều trị nên tư âm dưỡng huyết, thanh nhiệt chỉ lỵ, dùng phương A giao hoàng liên thang gia Đương qui , Ô mai,

Khí hư là do Lỵ lâu ngày hại Tỳ, mât chức năng vận hóa, không còn nguồn sinh hóa khí huyết, khí hư hạ hãm đến nỗi giang môn nặng trệ thậm chí thoát giang không co lên được, hạ lỵ ra trắng nhiều đỏ ít, kém ăn mệt mỏi, thể lực bạc nhược không gượng nổi. Trương thị y thông – Lỵ tật viết: “Lý cấp mà thường xuyên bẩn áo quần là khí thoát”, vì thế lý cấp hậu trọng do khí hư, điều trị chủ yếu là bổ khí kèm theo các thuốc chua liễm cố sáp, có thể dùng Bổ trung ích khí thang gia Ô mai thán.

Lý cấp hậu trọng là một chứng trạng tự giác trong bệnh lỵ tật, có chia ra Hư, Thực, Thấp nhiệt và khí trệ thuộc thực chứng, điều trị chú trọng vào thanh lợi, sơ hóa. Khí hư và huyết hư thuộc hư chứng, điều trị chú trọng vào ích khí dưỡng huyết.

Trích dẫn y văn

Lý cấp muốn đại tiện, ngồi lâu vẫn không đại tiện được gọi là ngồi không cố rặn, Lý cấp phần nhiều thuộc hoả, tính hoả truyền tông rất nhanh, uất lại ở Đại trường, quẫn bách mót đại tiện mà đại tiện được vẫn không dễ chịu. Cho nên trong môn Lỵ tất thường dùng Hoàng cầm để thanh hoả, nặng hơn thì dùng Đại hoàng để dồn bỏ nhiệt. Nếu bệnh lâu ngày mà huyết hư, huyết .không đủ thì sinh nội nhiệt cũng lý cấp muốn đại tiện, nhưng ngồi lâu mà không đại tiện được. Cái nhiệt này là do huyết hư sinh ra, cho nên điều trị chủ yếu là bổ khí huyết. Lý cấp với hậu trọng khác nhau; nếu là lý cấp thì thúc bách muốn đại tiện gấp. Nếu là hậu trọng thì giang môn nặng nề. Lý cấp có chia ra hư thực, thực là hoả tà hữu dư, hư doanh huyết bất túc. Hậu trọng cũng có hư thực khác nhau, thực là tà khí thực úng tắc ở dưới, hư là khí hư hạ hãm, vì thế điều trị Lý cấp, có thanh nhiệt và dưỡng âm khác nhau, mà điều trị Hậu trọng cũng có hành khí và thăng bổ không giống nhau, Phân biệt hư thực, không thể không rõ ràng (Ôn nhiệt kinh vĩ – Tiết sinh bạch thấp nhiệt bệnh thiên).

Chứng trạng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận