Trang chủChứng trạng Đông yChân tay đau nhức (tứ chi đau nhức) - Chẩn đoán đông...

Chân tay đau nhức (tứ chi đau nhức) – Chẩn đoán đông y

Khái niệm

Tứ chi đau nhức là chỉ chi trên, chi dưới người ta đều bị đau, hoặc là chỉ chứng trạng gân mạch ở trên, ở dưới cơ thể cơ bắp và khớp xương bị đau.

Tứ chi đau nhức xuất hiện rất sớm, trong sách Nội kinh như các bệnh danh “Chi tiết thống”, “Cốt thống”, “Thủ tý thống”, “Cước hạ thống”, “Yêu cổ thống”, “Cổ, Tất, Bễ, Đoan, Hĩnh, Túc giai thống” Các sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược lại có các bệnh danh “Lịch tiết thống”, “Tứ chi thống”, “Cốt tiết đông thống”. Các đời sau lại có các bệnh danh “thống phong”, “Phong yêu thôi đông thống”, “Phong tẩu đông thống”, “Kiên tý thống”, “Thủ chỉ thống”, “Đại cổ thống”, “Túc thống”, “Túc ngân thống”, “Túc tâm thống”, “Thối thống” và ở những vùng núi đồi còn có loại bệnh “Liễu quai tử bệnh” đều thuộc phạm vi chứng Tứ chi đau nhức.

Sách Nội kinh giới thiệu về Tý chứng như “Hành tý”, “Phong tý”, “Thống tý”, “Hàn tý”, “Trước tý”, “Thấp tý”, “Nhiệt tý”, “Cân tý”, “Mạch tý”, “Cơ tý”, “Bì tý”, “Cốt tý”, “Chu tý”, “Trúng tý”… cũng đều là những chứng hậu chủ yếu của chứng Tứ chi đau nhức.

Để tiện cho biện chứng lâm sàng, trọng điểm ở mục này giới thiệu các chuyên mục của chứng Tứ chi đau nhức như: Kiên thống, Tý thống, Yêu tích thống, Tất thũng thống và Túc thống…

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Tứ chi đau nhức do phong tà ngăn trở đường lạc: Có chứng khớp xương tứ chi đaũ nhức khắp nơi, nơi đau không cố định nhưng phần nhiều thấy đau ở các vùng ngực, khuỷu, gối và cổ chân, khớp xương co duỗi hạn chế hoặc kiêm các biểu chứng như; hàn nhiệt rêu lưỡi trắng mỏng hoặc nhớt, mạch phần nhiều Phù thuộc chứng “Hành tý”.

Tứ chi đau nhức do hàn tà ngăn trở đường lạc: Có chứng các khớp tứ chi lạnh đau, nơi đau cố định, cơ thể lạnh, chân tay lạnh, da dẻ cục bộ mầu sắc không đỏ, gặp lạnh bệnh tăng, gặp ấm giảm đau, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền Khẩn thuộc chứng “ thống tý”.

Tứ chi đau nhức do thấp tà ngăn trở đường lạc: Có chứng các khớp xương đau mỏi, nặng nề, không di chuyển hoặc cơ bắp tê dại, lâu ngày không điều trị kịp thời cơ bắp trở nên cứng rắn, xương bị biến dạng dẫn đến tàn phế, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Hoãn thuộc chứng “Trước tý”.

Tứ chi đau nhức do nhiệt tà ngăn trở đường lạc: Có chứng các khớp tứ chi đau, cục bộ sưng trướng đỏ, kiêm các chứng phát nhiệt, khát nước phiền táo, lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch Sác.

Tứ chi đau nhức do thấp nhiệt ngăn trở đường lạc: Có chứng khớp xương sưng đỏ, tiểu tiện đỏ đục, chân tay nặng nề đau nhức, mạch Hoạt hoặc Nhu Sáp, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, có thể kèm theo chứng cơ bắp vón cục, sắc đỏ.

Tứ chi đau nhức do khí huyết suy hư: Có chứng khớp xương đau mỏi, sau khi mệt nhọc thì bệnh tăng có thể thấy cơ bắp gầy nhẽo, sắc mặt xanh nhợt, móng tay chân trắng nhợt không tươi, thiểu hơi, biếng nói, tinh thần mệt mỏi choáng váng, sợ gió tự ra mồ hôi, mạch Tế Nhược chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng. Nếu kiêm cả ứ huyết thì khớp xương đau như dùi đâm, nơi đau không di chuyển, cự án, da dẻ tróc vẩy, thể trạng gầy còm hoặc khớp xương biến dạng cứng dơ,chất lưỡi tôi và có nốt ứ huyết, rêu lưỡi mỏng nhớt, mạch Tế Sác. Nếu kiêm đờm trọc thì cánh tay bả vai đau nhức, thân thể nặng nề khốn đốn, đầu nặng như bị bọc, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi nhớt, mạch Huyền Hoạt.

Tứ chi đau nhức do Can Thận suy hư Có chứng khớp xương lỏng lẻo hoặc co cứng, đau mỏi, đầu mắt choáng váng, móng chân tay khô ròn, lưng gối yếu mỏi, tai ù, nặng tai, tóc rụng, răng lung lay, dương nuy, di tinh, xích mạch Huyền Tế Trầm Nhược. Nếu thiên về âm hư thì khớp xương tay chân nóng đau ưa mát đau xương nhiều về đêm, gò má hồng môi đỏ, chất lưỡi đỏ tươi ít rêu hoặc đỏ tía ít tân dịch. Nếu thiên về dương hư thì kiêm chứng hai chân phù thũng yếu sức, đại tiện lỏng nhão, tiểu tiện trong dài chân tay không ấm.

Phân tích

Phong hàn thấp tà vít nghẽn đường kinh lạc dẫn đến tứ chi đau nhức thường gặp nhiều nhất là những chứng thường gọi là “Tý“ chứng. Tý nghĩa là vít lấp, vít lấp ngăn trở nên không thông. Mục Tý luận sách Tố vấn nói: “Ba khí phong hàn thấp kéo đến hợp lại mà thành Tý. Nếu phong khí thắng là Hành tý. Hàn khí thắng là Thống tý, Thấp khí thắng là Trước tý”, Chi trên và chi dưới là con đường tuần hành của 6 đường kinh tay và chân. Tà khí phong hàn thấp rất dễ xâm phạm, vì thế mục Chư tý môn sách Tế sinh phương có viết: “ Đều là do thể trạng yếu, tâu lý thưa hở khiến cho nhiễm phải tà khí phong hàn thấp mà hình thành chứng Tý”. Nhưng sự thiên thắng của bệnh tà khác nhau, lâm sàng trước hết cần phải phân biệt rõ ràng thì phép trị mới có phương hướng đúng.

Trước hết phải từ tính chất và đặc điểm nguyên nhân cơ chế bệnh của ba loại tà khí mà phân biệt cho rõ. Phong tà ngăn trở đường lạc trong mục Tứ chi thống vô thường sứ hậu sách Chư bệnh nguyên hậu luận có viết: “Phong tà theo khí mà lưu động, khi khí hư thì tà khí thắng tranh giành nhau với chính khí tình trạng đau theo cái hư mà nẩy sinh cho nên mới không có nơi cố định”. Thánh tế tổng lục – Chư Tý môn thì viết: “Phong là dương khí dễ trôi chầy biến hoá luôn cho nên phong khí thắng là Hành tý, chứng bệnh trên dưới trái phải không ngừng ở chổ nào theo khí mà phát sinh, đó là khí huyết không thông gây nên”. Nơi đau phần nhiều rải rác ở mọi khớp xương trong cơ thể di chuyển không cố định.

Hàn tà ngăn trở đường lạc như Thánh tế tổng lục – Chư Tý môn có viết: “Vì hàn khí xâm phạm vào đường kinh chậm chạp bám trụ không thông, tình trạng đau vốn là do hàn khí thiên thắng. Hàn khí thiên thắng thì dương khí ít mà âm khí nhiều”. Nơi đau khá nặng mà có nơi cố định tất phải kiêm chứng chân tay hàn lạnh.

Thấp tà ngăn trở đường lạc mục Chư tý môn, sách Thánh tế tổng lục cũng nói: “Thấp khí ở đất đai bị cảm nhiễm phải thì hại đến da thịt gân mạch người ta. Bởi vì thấp là thể, tính của thổ chậm chạp, khí của vinh vệ với thấp khí lưu động cho nên thấp thịnh thì bám chắc không di chuyển. Triệu chứng phần nhiều ra mồ hôi mà mềm mại, đó là vì âm khí thịnh”. Điểm đau thường nặng nề không di chuyển hoặc là kèm theo tê dại nhức mỏi.

Trên lâm sàng nếu phong thắng thường có biểu chứng như: SỢ gió phát sốt, rêu lưỡi trắng mỏng mạch phần nhiều Phù Khẩn. Nếu hàn thắng thì thường thấy hàn chứng như sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện trong dài, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phần nhiều Trầm Khẩn. Nếu là thấp thắng thì thường thấy thấp chứng như: chân tay nặng nề, ngực khó chịu rêu lưỡi trắng nhớt, mạch phần nhiều Nhu hoãn. Nguyên nhân và cơ chế bệnh của ba chứng khác nhau, vì vậy phép chữa cũng khác nhau rất xa. Nếu là phong tà nặng thì phép trị phải khư phong kèm theo thuốc tán hàn lợi thấp phối hợp với thuốc bổ huyết, bởi vì chữa phong phải chữa huyết trước, huyết lưu thông thì sẽ diệt được phong, dùng phương Phòng phong thang gia giảm. Nếu hàn tà quá nặng phép trị phải tán hàn nên dùng cả thuốc cay ấm bổ hỏa để phá tan cái hàn ngưng tụ dùng phương Ô đầu thang gia giảm, hoặc là các phương Sơ phong hoạt huyết thang, Tiểu hoạt lạc đan gia giảm. Nếu là thấp tà quá nặng, phép chữa nên lợi thấp kèm theo thuôc khư phong tán hàn dùng phương Ý dĩ nhân thang hoặc Trừ thấp quyên tý thang gia giảm. Nếu là cả ba khí phong hàn thấp gây bệnh thì dùng phương Tam tý thang gia giảm.

Nhiệt tà và thấp nhiệt ngăn trở kinh lạc đều có thể dẫn đến tứ chi đau nhức. Loại trên là do thể trạng vốn nhiệt nhiều, dương khí thiên thịnh, bên trong có nhiệt ấp ủ, tuy cũng có cảm nhiễm phong hàn thấp tà nhưng biểu hiện lâm sàng khác với loại phong hàn thấp tý. Sách Kim quỹ dực nói: “Tạng phủ kinh lạc vốn bị tích nhiệt từ trước, lại bị tà khí phong hàn thấp ẩn náu, nhiệt bị hàn uất, khí không được lưu thông lâu ngày, hàn cũng hóa thành nhiệt thì càng đau nhức ấp ủ khó chịu”. Xuất hiện các triệu chứng khớp xương chân tay nóng đỏ đau, phép trị cần thanh nhiệt kiêm thuốc khư phong trừ thấp dùng phương Bạch hổ gia Quế chi thang gia giảm. Nếu tà nhiệt hóa hỏa, khớp xương sưng đau, gân mạch co quắp sốt cao, phiền khát cho uống Tê giác thang gia giảm. Loại sau là do cảm nhiễm bệnh tà thấp nhiệt từ bên ngoài hoặc vốn có thấp tà ấp ủ lại cảm nhiễm nhiệt tà hoặc là thấp tà lâu ngày hóa nhiệt, thấp với nhiệt câu kết làm bế tắc kinh lạc mà gây bệnh. Phép trị phải thanh nhiệt táo thấp dùng phương Nhị diệu tán hoặc Đương quy niêm thông thang gia giảm.

Cơ chế bệnh của nhiệt tà hoặc thấp nhiệt vít lấp kinh lạc là dương khí nhiều mà âm khí ít cho nên biểu hiện lâm sàng đều có đặc trưng là nhiệt tượng rất rõ. Nếu đối chiếu với chứng trạng của phong hàn thấp tý thì chẩn đoán phân biệt không khó.

Khí huyết suy hư không làm ấm áp được kinh mạch cho nên tứ chi đau nhức thường kèm theo các chứng trạng sắc mặt trắng nhợt, cơ bắp teo gầy, mỏi mệt biếng nói… vì huyết theo khí mà lưu hành, khí hư thì sự vận hành huyết dịch không lưu thông, kinh mạch ứ nghẽn, khi biện chứng tất phải thấy tứ chi đau nhức như dùi đâm, nơi đau không di chuyển, thể trạng gầy còm, da dẻ tróc vẩy, khớp xương tê dại cứng dơ, rìa lưỡi có nốt ứ huyết. Phép trị nên bổ khí dưỡng doanh, hoạt huyết hóa ứ, dùng phương Đào hồng ẩm gia Hoàng cầm, Đẳng sâm, Quế chi, Xuyên khung, linh hoạt thêm các loại thuốc sâu bọ để sục sạo trừ tà khí như các vị: Toàn yết, Địa long, Khương lang, Sơn giáp, Ngô công, Ô tiêu xà… hoặc phối hợp với Đại Hoạt lạc đan, Tiểu Hoạt lạc đan và Xạ hương hoàn.

Ngoài ra, khí yếu thì Tỳ mất sự chuyển vận mạnh mẽ không những nguồn sinh hóa thiếu thôn lại dễ dẫn đến đờm trọc ứ đọng ở trong. Biện chứng tất phải thấy các chứng cánh tay đau nhức, mình nặng, rêu lưỡi trắng nhớt. Điều trị nên ích khí điều doanh quét đờm thông lạc, dùng phương Quy thược Lục quân hoàn phối hợp với Chỉ mê Phục linh hoàn.

Can chủ về gân, Thận chủ về xương, Can Thận bị suy hư, gân xương không được nuôi dưỡng, lâm sàng thường biểu hiện các chứng; gân xương lỏng lẻo hoặc co quắp đau mỏi, lưng gối yếu mỏi, điều trị nên bổ Can ích Thận khơi thông tê dại và đường lạc dùng phương Độc hoạt ký sinh thang gia giảm.

Chứng trạng Tứ chi đau nhức, về ngoại nhân không ngoài phong hàn thấp nhiệt, về nội nhân thì có liên quan tới khí huyết hư nhược, Can Thận suy tổn và ứ nghẽn, đàm trọc. Cần phải từ góc cạnh nguyên nhân bệnh, tính chất đau và phương diện kiêm chứng để phân biệt cho rõ ràng mà biện chứng luận trị mới có thể thu được hiệu quả tốt đẹp.

Trích dẫn y văn

  • Tứ chi đau không nơi cố định, các khớp chân tay đều đau đột ngột không khu trú một chỗ nào, nơi đau không sưng, mầu sắc không thay đổi nhưng trong bắp thịt đau buốt như bị đâm. Đó là do thể trạng hư lại bị nhiễm phong tà. Phong tà theo khí mà lưu hành, khí hư thì tà khí thắng cùng xung đột với chính khí, cơn đau theo hư mà nẩy sinh cho nên mới không có nơi cố định (Chư bệnh nguyên hậu luận – Tứ chi thống vô thường xứ hậu)
  • “Chứng phong tý di chuyển và đau nhức xuyên suốt trên dưới trái phải không nơi cố định cho nên gọi là Hành tý”. “Chứng hàn tý thì đau nhức khổ sở, chân tay co quắp, gặp nhiệt thì đỡ, gặp hàn bệnh tăng gọi là Thống tý”. Chứng Thấp tý hoặc khu trú một nơi tế dại, hoặc chân tay, không cất nhắc được, hoặc nửa người không xoay chuyển được hoặc thấp biến thành nhiệt, nhiệt biến thành táo co rút và đau nhức, nằm co khó duỗi gọi là “Trước tý”. Chứng Nhiệt tý thì cơ bắp rất nóng, môi miệng khô ráo, gân xương đau không sờ vào được, thể trạng hầm hập như chườm lửa, như Nội kinh có câu nói: “Dương khí nhiều, âm khí ít, dương thịnh một phía cho nên hình thành chứng Nhiệt tý (Chứng nhân mạch trị- tý chứng luận).
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây