Chăm sóc người bệnh xơ gan

Chăm sóc bệnh nhân

Xơ gan là hậu quả của tình trạng tế bào gan bị thoái hoá, hoại tử. Ngược lại tổ chức xơ phát triển rất mạnh. Gan xơ rất cứng, mặt lần sần da cóc (nhân xơ), màu gan vàng nhạt, loang lổ, khối lượng gan nhỏ lại có khi chỉ còn 200 – 300 gam.

Về mặt vi thể: các múi gan teo nhỏ lại, có một vỏ xơ dày bao bọc chung quanh bóp nghẹt các múi gan. Khoảng cửa cũng bị tổ chức xơ phát triển mạnh lan cả vào trong tiểu thuỳ và tạo thành các nhân xơ tân tạo.

NGUYÊN NHÂN GÂY XƠ GAN

Do viêm gan virut: nhất là virut viêm gan B, C ở nước ta là nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan.

Viêm gan mạn tính tự miễn hay viêm gan mạn tính tiến triển. Cơ thể sinh ra kháng thể chống lại gan.

Viêm gan do rượu: nếu mỗi ngày uống 200ml rượu liên tục, ít nhất trong 2 năm sẽ dẫn đến viêm gan và sau đó là xơ gan.

Do tắc mật lâu ngày: sỏi mật, teo đường mật.

Do suy dinh dưỡng: ăn uống thiếu thốn nhất là thiếu protid.

Xơ gan do sán lá gan, rối loạn chuyển hoá sắt, đồng.

TRIỆU CHỨNG CỦA XƠ GAN

Lâm sàng

Thường tiến triển qua 2 giai đoạn.

Giai đoạn tiềm tàng hay xơ gan còn bù:

  • Rối loạn tiêu hoá: ăn kém, khó tiêu, trướng bụng, đầy hơi, đi ngoài phân sống hoặc nát.
  • Phù: phù nhẹ ở cả mặt và chi, tái phát nhiều lần, có thể kèm theo đi tiểu ít.
  • Đau hoặc cảm giác nặng nề hạ sườn phải.
  • Da: da xạm lại, các vết sẹo cũng xạm lại, có sao mạch hoặc giãn mạch, lòng bàn tay đỏ.
  • Toàn thân: gầy sút, mệt mỏi.
  • Khám có thể thấy:

+ Vàng da, vàng mắt nhẹ hoặc đậm.

+ Gan to, chắc.

+ Lách to.

Giai đoạn mất bù Biểu hiện bởi hai hội chứng:

  • Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa:

+ Cổ trướng: trong ổ bụng có dịch tự do, lượng dịch thường nhiều (3 – 10 lít), dịch màu vàng chanh, rivanta (-), albumin < 25 gam/lít.

+ Tuần hoàn bàng hệ: các tĩnh mạch nổi lên ở dưới da bụng, thường xuất hiện cùng với cổ trướng.

+ Lách ngày càng to.

+ Giãn tĩnh mạch thực quản: phát hiện bằng chụp X quang thực quản, nội soi thực quản bằng ống soi mềm.

  • Hội chứng suy tế bào gan:

+ Thể trạng gầy sút, suy nhược, chán ăn, chậm tiêu, sút cân.

+ Phù, cổ trướng.

+ Vàng da: lúc đầu kín đáo, về sau ngày càng đậm.

+ Chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da.

+ Thiếu máu.

Cận lâm sàng

Các men Transaminase có thể tăng ít hoặc nhiều:

+ SGOT (Serum Glutamate Oxaloacetate Transaminase). Bình thường: 1,31 ± 0,38 mmol/l.

+ SGPT (Serum Glutamate Pyruvate Transaminase), bình thường: 1,1 ± 0,45 mmol/l.

Protid máu giảm, albumin máu giảm nặng.

Điện di protein: globulin tăng, đặc biệt gamma globulin tăng nhiều làm cho tỷ lệ A/G < 1 (bình thường: 1,3 – 1,8).

Tỷ lệ prothrombin giảm, bình thường: 80% – 100%.

Soi ổ bụng và sinh thiết gan thấy màu sắc gan thay đổi. Mặt gan mất tính chất nhẵn bóng, có thể mấp mô, bờ gan sắc mỏng.

TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

Tiến triển

Giai đoạn còn bù tiến triển chậm trong nhiều năm, có khi hàng chục năm. Khi xơ gan mất bù tiến triển nhanh hơn, kéo dài trung bình khoảng 3 – 4 năm. Tuy nhiên tiến triển nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nguyên nhân và những biến chứng xảy ra trong quá trình bệnh.

Biến chứng của xơ gan

  • Chảy máu tiêu hoá do vỡ tĩnh mạch thực quản: thường gây mất máu nặng, dễ gây tử vong nhanh chóng.
  • Hôn mê gan.
  • Ung thư hoá.
  • Nhiễm trùng.
  • Suy kiệt.

CÁCH ĐIỀU TRỊ

  • Không lao động nặng. Không được uống rượu. Nghỉ ngơi khi có đợt tiến triển.
  • Ăn nhiều đạm, đường, vitamin, hạn chế mỡ, hạn chế muối hoặc ăn nhạt khi có phù và cổ trướng. Hạn chế đạm khi có đe doạ hôn mê gan.
  • Sử dụng một số thuốc:

+ Các vitamin như: B1, B6, B12, C, K.

+ Các axit amin, nước nhân trần, actiso.

+ Lợi tiểu, corticoid: tùy từng trường hợp cụ thể.

  • Điều trị ngoại khoa: cắt lách, nối tĩnh mạch cửa – chủ hoặc lách – thận.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

Nhận định xem bệnh nhân ở giai đoạn nào của xơ gan để có kế hoạch chăm sóc thích hợp. Dựa vào khai thác các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân, tăng cường chức năng gan.
  • Làm giảm phù và cổ trướng.
  • Theo dõi và phát hiện biến chứng chảy máu tiêu hoá.
  • Theo dõi đề phòng hôn mê gan.
  • Giáo dục sức khoẻ.

Thực hiện kế hoạch chăm sóc

Đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường chức năng gan:

    • Chế độ ăn uống:

+ Giàu calo từ 2500-3000 kcalo/ngày.

+ Đảm bảo đạm, đường, vitamin, hạn chế mỡ, không được uống rượu. Hạn chế đạm khi xơ gan mất bù vì có nguy cơ hôn mê gan. Ngừng cung cấp đạm khi có những dấu hiệu rối loạn chức năng não.

+ Cho ăn làm nhiều bữa trong ngày, động viên bệnh nhân ăn hết khẩu phần.

  • Vệ sinh mũi, miệng sạch sẽ, đặc biệt là khi có chảy máu cam, chảy máu chân răng để đề phòng nhiễm khuẩn và tạo cảm giác ngon miệng.
  • Thực hiện thuốc theo y lệnh chính xác, kịp thời:

+ Tiêm hoặc uống vitamin Bp B6, B12, K.

+ Truyền dịch, truyền đạm theo y lệnh.

  • Phát hiện những biểu hiện chán ăn, chậm tiêu để có biện pháp nuôi dưỡng kịp thời. Theo dõi cân nặng bệnh nhân hang tuần.

Giảm phù và cổ trướng

  • Để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối khi có phù và cổ trướng.
  • Ăn hạn chế muối hoặc ăn nhạt hoàn toàn khi có phù và cổ trướng nhiều.
  • Thực hiện y lệnh thuốc lợi tiểu (phối hợp furosemid và aldakton).
  • Chuẩn bị đầy đủ cho bệnh nhân, dụng cụ, thuốc, phụ giúp thầy thuốc chọc tháo bớt dịch cổ trướng (thực hiện xét nghiệm dịch cổ trướng nếu thầy thuốc yêu cầu).
  • Theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn trước, trong và sau chọc dịch cổ trướng.

Theo dõi phát hiện và xử trí biến chứng chảy máu tiêu hoá

Nếu có xuất huyết tiêu hoá xảy ra:

  • Cho bệnh nhân nằm nghỉ tuyệt đối, đầu thấp.
  • Tạm ngừng cho bệnh nhân ăn bằng đường miệng.
  • Ủ ấm cho bệnh nhân, theo dõi sát mạch, huyết áp.
  • Phụ giúp thầy thuốc đặt Catether và theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm.
  • Truyền dịch, truyền máu khẩn trương theo y lệnh.
  • Đặt ống thông hút hết máu còn ứ đọng trong dạ dày.
  • Rửa dạ dày bằng nước lạnh.
  • Thụt tháo phân để loại trừ nhanh chóng máu đã xuống ruột ra ngoài.

Theo dõi đề phòng hôn mê gan

  • Theo dõi sự thay đổi tính tình: bệnh nhân có thể đang vui rồi lại buồn, thờ ơ với xung quanh.
  • Có những biểu hiện rối loạn về trí nhớ, mất phương hướng về thời gian và không gian, mất khả năng tập trung tư tưởng.
  • Bàn tay run do rối loạn trương lực cơ. Nếu đặt cẳng tay thẳng góc với cánh tay và mặt giường sẽ thấy bàn tay run không đều.
  • Khi phát hiện ra các dấu hiệu này, người điều dưỡng phải báo cáo ngay với thầy thuốc để có biện pháp xử trí kịp thời.

Giáo dục sức khoẻ

  • Tránh lao động nặng, nghỉ ngơi hoàn toàn khi bệnh tiến triển.
  • Tuyệt đối không được uống rượu.
  • Ăn hạn chế mỡ, tăng đường, đạm, vitamin. Hạn chế muối, ăn nhạt hoàn toàn khi có phù.
  • Theo dõi sức khoẻ tại tuyến y tế cơ sở.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc bệnh nhân được coi là có hiệu quả khi:

  • Tuần hoàn bàng hệ giảm. Cổ trướng giảm. Vàng da không còn.
  • Không có chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da.
  • Bệnh nhân ăn ngon miệng, không sút cân.
  • Bệnh nhân không uống rượu, nếu nghiện thì bỏ được.
  • Không để xảy ra biến chứng.
  • Bệnh nhân yên tâm thoải mái khi nằm viện và có sự hiểu biết nhất định về bệnh, đề phòng bệnh tiến triển khi về nhà.

Chăm sóc bệnh nhân
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận