Nam giới có bị loãng xương không?
Nam giới cũng bị loãng xương, tuy nhiên ở nam giới loãng xương xảy ra muộn hơn so với nữ giới do nam giới có mật độ xương cao hơn và tỷ lệ mất xương thấp hơn nữ giới (Vào khoảng 65 tuổi và tiến triển chậm hơn so với nữ giới). Khi bị loãng xương thì triệu chứng giống như ở phụ nữ, cơ thể giảm khả năng vận động và đau. Do quan niệm cho rằng bệnh loãng xương là bệnh của nữ giới nên nam giới ít quan tâm đến việc phòng ngừa và phát hiện bệnh cũng như có biện pháp điều trị nên hậu quả gãy xương ở nam giới thường nghiêm trọng hơn ở nữ giới, khoảng 30% đàn ông chết trong vòng một năm sau khi bị gãy xương vùng hông trong khi đó tỷ lệ này ở nữ chỉ là 12%.
Khoảng 50% nam giới bị loãng xương không rõ nguyên nhân, ngoài lí do tuổi tác. Trong suốt cuộc đời, cơ thể luôn tạo ra mô xương mới để thay thế cho mô xương cũ được đào thải thông qua chu chuyển xương,liên tục thay thế mô xương cũ bị hủy, mô xương mới được tạo ra để đảm bảo chất lượng xương luôn chắc khỏe. Ở độ tuổi 18 đến 30, khối lượng xương đạt cao nhất. Đây là nguồn dự trữ khoáng chất cho suốt cuộc đời sau này. Khi có tuổi, quá trình tạo xương và hủy xương mất cân bằng do sự lão hóa, các hormone sinh dục giảm thấp, việc hấp thụ canxi và vitamin D (hai nguyên liệu chính để tham gia quá trình tạo xương) bị giảm sút dẫn đến hủy xương chiếm ưu thế so với sự tạo xương dẫn đến loãng xương. Do đó, tỷ lệ loãng xương càng tăng ở những người có khối lượng xương đỉnh thấp khi ở độ tuổi trưởng thành.
Tại sao phụ nữ lại dễ bị loãng xương hơn nam giới?
Bệnh loãng xương thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phân biệt về giới của bệnh loãng xương.
Thứ nhất, bệnh loãng xương có tính di truyền và nếu những phụ nữ tiền sử gia đình có bà hoặc mẹ bị loãng xương thì họ sẽ được thừa hưởng một bản sao bộ xương yếu ớt dễ gãy từ bà hay mẹ của họ.
Thứ hai, nữ giới có hình dáng cơ thể nhỏ hơn nam giới nên kích thước bộ xương nhỏ và khối lượng xương đỉnh thấp hơn nam giới. Đặc biệt, phụ nữ châu Á có khối xương nhỏ, thường gầy yếu và có lối sống tĩnh tại hơn nam giới nên có nguy cơ mắc bệnh loãng xương hơn nam giới. Phụ nữ cũng thường có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, đặc biệt là khẩu phần canxi trong bữa ăn. Sau khi đạt khối lượng xương đỉnh tối đa, hàng năm phụ nữ cũng mất đi từ 1-3% khối lượng xương sau tuổi 30 nhất là những năm tháng trong tuổi sinh đẻ thì tỉ lệ xương bị hao hụt càng nghiêm trọng hơn. Nữ giới mất xương nhiều hơn 40% so với nam giới. Tình trạng mất xương diễn ra nhanh hơn bắt đầu từ độ tuổi mãn kinh và gia tăng nhanh chóng trong 20 năm sau mãn kinh.
Thứ ba, phụ nữ sau khi mãn kinh, buồng trứng ngưng hoạt động dẫn tới thiếu hụt estrogen (5 năm đầu tiên sau mãn kinh, khoảng 25% lượng estrogen của cơ thể đã mất đi) nên các tế bào hủy xương hoạt động ngày càng mạnh, khối lượng xương mất đi từ 2-4% mỗi năm, trong suốt 10- 15 năm đầu sau khi mãn kinh. Phụ nữ mất kinh kéo dài trên 12 tháng; phụ nữ mãn kinh, hay mãn kinh sớm trước 45 tuổi sẽ bị mất xương nhiều hơn và dễ mắc chứng loãng xương. Phẫu thuật cắt buồng trứng cũng làm mất xương nhanh chóng (12%/năm).
Thứ tư, phụ nữ phải trải qua thời kỳ mang thai và cho con bú. Trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ phải cung cấp nguồn canxi rất lớn cho phát triển thai và cho nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó họ bị giảm lượng canxi nhanh chóng nếu không được cung cấp lượng canxi đầy đủ. Những người có từ ba con trở lên dễ bị loãng xương hơn.
Thứ năm, phụ nữ thường hay bị một số bệnh hệ thống như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp. Chính các bệnh này và các thuốc điều trị bệnh như corticoid là thủ phạm gây nên sự mất xương thái quá. Các bệnh nội tiết như tiểu đường, cường cận giáp, bệnh lý tuyến giáp hay bệnh gan, thận, bệnh đường tiêu hoá cũng làm gia tăng nguy cơ loãng xương.
Thứ sáu, là đặc điểm cấu trúc và hình thái xương của phụ nữ. Xương bị loãng xương có tình trạng mỏng vỏ xương, rỗ trong vỏ xương, mỏng bè xương và đứt các liên kết gian bè.
Từ sau 30 tuổi sẽ bắt đầu quá trình mất xương. Từ 45- 60 tuổi (tương ứng với giai đoạn mãn kinh của nữ) mất xương tăng đột ngột dẫn đến loãng xương. Chính vì vậy mọi người, đặc biệt là phụ nữ cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa tích cực và điều trị trong giai đoạn này để giúp duy trì khối xương, phòng chống loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Dù đang còn trẻ khỏe, cũng nên dự phòng loãng xương càng sớm càng tốt. Đối với phụ nữ sau tuổi 40 và người cao tuổi (trên 50 tuổi), nên đo mật độ xương định kỳ 3-6 tháng để tầm soát nguy cơ loãng xương.