Trang chủBệnh tai mũi họngChấn thương tai - xương đá

Chấn thương tai – xương đá

CHẤN THƯƠNG TAI-XƯƠNG ĐÁ

Bao gồm:

  • Chấn thương do hỏa khí, do vật cứng đụng dập (tai nạn giao thông, tai nạn lao động) do áp lực, do sức nén, do tăng áp hoặc giảm áp đột ngột.
  • Chấn thương âm thanh kéo dài (chỉ gây những tổn thương vi thể ở ốc tai).
  1. Vỡ xương đá

1.1.  Đặc điểm.

  • Xương đá nằm sâu trong hộp sọ nên thường là chấn thương kín, nhưng có thể thông với bên ngoài qua hòm nhĩ.
  • Chấn thương vỡ xương đá nguy hiểm vì các biến chứng của tai và có thể gây ra như: viêm màng não sau nhiều năm vì đường vỡ xương chỉ có tổ chức xơ hàn gắn lại chứ không phải là can xương vì xương đá không có tạo cốt bào.
  • Trước một chấn thương vỡ xương đá, trước tiên cần khám thần kinh sọ não để phát hiện ổ máu tụ ngoài màng cứng. Các di chứng vỡ xương đá và chấn thương sọ não đối với tai khá phức tạp, không chỉ chức năng thính giác, thăng bằng mà cả về tâm lý, thần kinh giao cảm.

1.2.  Nguyên nhân.

  • Do bị ngã, tai nạn xe, tai nạn lao động, bị giập đầu vào tường, máy…
  • Do bị đánh bằng vật cứng vào vùng chẩm, thái dương, có khi kèm theo vỡ hộp sọ.

1.3. Triệu chứng:

  • Chảy máu tai: máu rỉ hoặc đọng ở ống tai ngoài, máu màu đỏ, đông thành cục gặp trong vỡ dọc.
  • Chảy dịch não tủy: dịch trong chảy nhiều, rỉ hay rỏ giọt từ trong sâu ống tai, trong hòm nhĩ, có thể kéo dài 5-7 ngày, không tự cầm. Có thể chảy dịch não tuỷ lẫn máu, dịch màu hồng sau nhạt màu dần. Gặp trong vỡ ngang và vỡ chéo. Nếu nghi ngờ đem dịch thử, nếu có glucose là dịch não tủy.
  • Nghe kém thể tiếp âm do tổn thương ốc tai, nếu nghe kém hỗn hợp giảm dần là do chấn động mê nhĩ: kèm theo nghe kém có ù tai.
  • Chóng mặt: có thể dữ dội, kèm theo mất thăng bằng có rung giật nhãn cầu.
  • Khám tai và vùng chũm có thể thấy: vết bầm tím vùng chũm, xuất hiện vài ngày sau chấn thương phải nghĩ tới có vỡ đường chéo. Ống tai bị rách da, chảy máu, màng nhĩ phồng, có màu tím xanh do máu chảy đọng trong thùng tai, nghĩ tới có vỡ dọc. Ống tai bị rách da, chảy máu gặp trong vỡ chéo và vỡ dọc.
  • Liệt mặt ngoại biên rõ rệt gặp trong vỡ ngang hoặc bán liệt gặp trong vỡ chéo.

1.4.  Chẩn đoán.

  • Tìm hiểu cơ chế chấn thương.

Hoàn cảnh bị chấn thương như do ngã, bị đánh…

Nơi bị chấn thương, trên hộp sọ vùng thái dương, chẩm, chũm…

  • Các triệu chứng lâm sàng tùy thuộc đường vỡ xương đá.
  • Khi nghi ngờ có vỡ ngang hoặc vỡ chéo cần:

Chọc dò dịch não tủy: nước não tủy màu hồng, soi có nhiều hồng cầu là do rách màng não.

Chụp X-quang theo tư thế Stenver hay Chaussé III (ngày nay có C.T.Scan) có thể thấy đường vỡ rạn ở xương đá.

Lưu ý: Sau chấn thương xuất hiện các triệu chứng như: nghe kém thể hỗn hợp, chóng mặt mức độ vừa, nhẹ rồi giảm dần, không có tổn thương thực thể ở tai, xương chũm, không chảy máu hoặc chảy dịch não tủy, nghĩ tới chấn động mê nhĩ.

1.5. Tiến triển và biến chứng.

  • Chấn động mê nhĩ: có thể khỏi sau khi nghỉ ngơi, chống viêm nhiễm.
  • Vỡ xương đá không chảy dịch não tủy: có thể tự khỏi. Nếu có rách, tổn thương màng nhĩ dễ bị viêm tai giữa, viêm xương chũm.
  • Vỡ xương đá có chảy dịch não tủy: dễ đưa đến viêm màng não mủ toả lan. Với đường vỡ ngang qua ống tai trong, mê nhĩ gây nghe kém tiếp nhận và liệt mặt thường không hồi phục.

1.6. Điều trị.

  • Chảy máu ra tai: lau sạch ống tai rồi đặt bấc kháng sinh.
  • Chảy dịch não tuỷ ra tai (có khi ra mũi họng): lau sạch ống tai rồi đặt bấc kháng sinh, băng kín vô khuẩn. Tránh gây nhiễm khuẩn từ ngoài vào.
  • Dùng kháng sinh chống viêm màng não, theo dõi dịch não tủy.
  • Nếu có viêm xương chũm cần mổ xương chũm.
  • Nếu có viêm mê nhĩ cần khoan và dẫn lưu mê nhĩ.
  1. Chấn thương tai do sức ép.

2.1.  Nguyên nhân.

  • Do sóng nổ (bom, lựu đạn, pháo …).
  • Tổn thương tai giữa: rách màng nhĩ, trật khớp búa đe.
  • Tổn thương tai trong như chảy máu, tổn thương các tế bào của cơ quan Corti.

2.2.  Triệu chứng.

  • Đau nhói trong tai, thường kéo dài một vài ngày, có thể thành từng cơn đau sâu trong tai.
  • Nghe kém: ngay sau khi chấn thương, bệnh nhân nghe kém nhẹ, vừa, nặng tùy theo chấn thương. Thường giảm dần nhưng có thể không hồi phục.
  • Ù tai: tiếng ù thường xuyên có trong tai mất dần sau một vài ngày.
  • Chóng mặt xuất hiện ngay sau chấn thương cùng với nghe kém. Sau đó ù tai có thể kéo dài liên tục.
  • Khám tai: màng nhĩ có thể bị rách, chảy máu và hơi nề.

2.3. Chẩn đoán.

  • Có tiền sử bị chấn thương do sức ép.
  • Sau chấn thương xuất hiện các triệu chứng.
  • Đo thính lực: nghe kém thể truyền âm, nếu có trật khớp xương con có thể mất tới 60dB. Nếu có tổn thương tai trong có điếc tiếp nhận.
    • Tiến triển: Khi có rách màng nhĩ, rất dễ viêm tai giữa và viêm xương chũm.
  • Điều trị.
  • Khi có rách màng nhĩ: lau sạch ống tai rồi đặt bấc kháng sinh.
  • Theo dõi viêm tai giữa và viêm xương chũm.
  • Vitamin nhóm A, B và nghỉ ngơi.
  1. Vết thương tai.
    • Đường đi: của đạn gây vết thương rất phức tạp vì bản thân tai cũng có giải phẫu phức tạp do đó phải khám tỉ mỉ.
    • Cách xử trí:
  • Trong giờ phút đầu tại chỗ: cố gắng lau vùng tai, xung quanh tai thật sạch sẽ, rửa vành tai ống tai bằng nước vô trùng, sau đó rắc bột kháng sinh.
  • Nếu bị sốc phải chống sốc trước.

3.3. Mục đích mổ:

  • Lấy dị vật.
  • Giải toả các nguyên nhân gây chèn p như: máu cục, dị vật, xương dập nát.
  • Đề phòng và điều trị nhiễm khuẩn.

3.4. Phương pháp mổ. 

Nếu mảnh đạn ở trong ống tai thì rạch đường sau tai, đi từ sau ra trước để kiểm tra.

  • Vết thương tai giữa: phẫu thuật vùng tai xương chũm dẫn lưu.
  • Vết thương xương đá: mở rộng lấy hết dị vật đề phòng biến chứng mê đạo.
  • Ở xương chũm: mổ xương chũm.

Lưu ý: có trường hợp vết thương gây chảy máu do thương tổn thành động mạch lớn. Hoặc mảnh đạn cắm vào xoang tĩnh mạch bên, khi xử trí lấy mảnh đạn sẽ chảy máu ồ ạt.

3.5. Biến chứng.

  • Ảnh hưởng tới chức năng nghe: điếc dẫn truyền hoặc điếc tiếp nhận không hồi phục.
  • Biến dạng vành tai, ống tai.
  • Khớp thái dương hàm dính lại.
  • Liệt dây thần kinh.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây