Trang chủBệnh tai mũi họngBiến chứng viêm tai xương chũm

Biến chứng viêm tai xương chũm

  1. Liệt mặt.

Đặc điểm:

  • Viêm tai, viêm tai xương chũm cấp và mãn tính đều có thể gây ra liệt mặt thể ngoại biên. – Liệt vận động các cơ mặt thể hiện rất khác nhau. Ở thể nhẹ nhất, lúc biểu thị thái độ nét mặt mới thấy mặt mất cân xứng và khép mi không thật kín. Thể nặng: liệt hoàn toàn, mất các nếp nhăn trán, rãnh mũi má, nhân trung lệch, cười, khóc… mồm méo xệch về bên phía lành, mắt phía bên liệt nhắm không kín “con mắt dã tràng” (dấu hiệu Charles Bell).

Điều trị:

  • Viêm tai giữa cấp tính: trích rạch màng nhĩ.
  • Viêm tai xương chũm cấp và mạn tính: mổ xương chũm.
  • Trong mọi trường hợp ghi và đánh giá mức độ liệt từ đầu, theo dõi chuyển biến của mức độ liệt nếu không hoặc nặng thêm thì gửi đi khám chuyên khoa.
  1. Áp xe ngoài màng cứng.

Bệnh nhân bị viêm tai xương chũm, nhức đầu kéo dài. Thường là phát hiện áp xe ngoài màng cứng trong khi phẫu thuật.

Điều trị: Mổ xương chũm, tháo mủ ổ áp xe.

  1. Áp xe đại não và tiểu não.

Là biến chứng nguy hiểm, tử vong còn cao, xác định còn khó khăn vì triệu chứng thường không đầy đủ và nếu đầy đủ thì đã muộn.

Tập chứng Bergmann gồm ba hội chứng sau đây:

  • Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt, bạch cầu tăng, gày sút.
  • Hội chứng tăng áp lực nội sọ: nhức đầu dữ dội hoặc âm ỉ dai dẳng. Tinh thần trì trệ, lơ mơ, nửa tỉnh nửa mê hoặc hôn mê.
  • Hội chứng tổn thương thần kinh khu trú.

Ngoài ra còn có hội chứng màng não: Cứng gáy, Kernig, nôn mửa. Chọc dò nước não tuỷ (rất thận trọng): áp lực tăng. Soi đáy mắt có thể thấy phù nề gai thị. Chóng mặt, mạch chậm (báo hiệu bệnh nặng).

Áp xe đại não: Triệu chứng thường ở bên đối diện, biểu hiện thường là cơn động kinh Bravais, Jackson (bắt đầu co giật một bộ phận, tiến tới co giật toàn thể) liệt một chi. Liệt nửa người, mất ngôn ngữ.

Áp xe tiểu não: Triệu chứng thường ở cùng bên, trương lực cơ giảm, động tác thiếu chính xác, rối tầm, quá tầm, mất liên động. Ngoài ra còn chóng mặt, loạng choạng, động mắt, bệnh nhân gầy sút nhiều và nhanh, nhức đầu thường vùng gáy.

Chú ý:  Áp xe não nhiều khi không có mấy triệu chứng vì triệu chứng phần lớn phụ thuộc vào mức độ phù nề như tụt kẹt tiểu não vào lỗ chẩm, chèn ép hành não, chết đột ngột nếu không cấp cứu ngay lập tức. Ngày nay với chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ giúp cho chẩn đoán dễ dàng hơn.

Điều trị: 

  • Mổ chọc hút hoặc dẫn lưu áp xe là phương pháp có hiệu quả nhất. Có khi lấy toàn bộ áp xe cùng với mổ xương chũm.
  • Chống phù nề não bằng tiêm truyền dung dịch Glucose ưu trương, Magnesie trương, Maniton10-20%, Magnesie sunphat 15%.
  • Kháng sinh liều cao (ái khi và kỵ khí).
  • Theo dõi chặt chẽ mạch, nhiệt độ, nhịp thở… có chế độ hộ lý đặc biệt nhất là khi hôn mê, liệt.
  1. 4. Viêm màng não.

Triệu chứng:

  • Sốt cao, nhức đầu, nôn mửa, chóng mặt, mê sảng, ly bì hoặc giãy giụa. Trẻ em thường co giật.
  • Hội chứng màng não: cứng gáy, Kernig(+).
  • Chọc dò dịch não tuỷ: áp lực cao, tế bào tăng, Albumin tăng, đường giảm.

Chú ý: Mỗi khi viêm tai xương chũm có biến chứng màng não, luôn luôn đặt vấn đề: có áp xe não không? có đi kèm viêm tắc tĩnh mạch, viêm mê nhĩ không?

Điều trị: Viêm tai xương chũm có phản ứng màng não thì gửi đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng.

  1. Biến chứng viêm tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết. Triệu chứng:
  • Sốt cao từng cơn, nhiệt biểu hình nhiều mũi nhọn.
  • Ấn phía sau xương chũm rất đau. Nếu tắc mạch lan đến tĩnh mạch cảnh trong thì vùng rãnh cảnh sưng nề, ấn đau.
  • Bạch cầu trong máu tăng cao.
  • Nghiệm pháp Queckenstedt – Stockey: chọc dò dịch não tủy ấn tĩnh mạch cảnh trong: trường hợp tắc mạch, áp lực dịch não tủy không tăng, trường hợp không tắc mạch áp lực dịch não tủy tăng lên.

Điều trị:

  • Mổ xương chũm.
  • Kháng sinh liều cao.
  • Thắt tĩnh mạch cảnh trong.
  • Theo dõi các biến chứng nhiễm khuẩn di căn, như: áp xe phổi, gan…
  1. Biến chứng viêm mê nhĩ.

Có thể xảy ra sau viêm tai giữa cấp tính hoặc viêm tai giữa mạn tính có cholesteatome, nhất là khi hồi viêm.

Triệu chứng:

  • Chóng mặt.
  • Điếc kiểu tiếp nhận, ù tai.
  • Động mắt.

Điều trị:

  • Viêm mê nhĩ thanh dịch triệu chứng lâm sàng thường nhẹ hơn: kháng sinh, corticoid.

Viêm mê nhĩ mủ: mổ xương chũm, kháng sinh. Có trường hợp phải phá huỷ mê nhĩ.

Chú ý: Viêm mê nhĩ có thể gây ra viêm màng não thông qua ống tai trong. Ngược lại viêm màng não cũng có thể gây ra viêm mê nhĩ, dẫn tới điếc nặng một hoặc cả hai bên

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây