Trang chủBệnh Nội tiếtTriệu chứng của bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

Triệu chứng của bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

Lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường typ 2 là như nhau.

  • Đái nhiều: do đường máu tăng cao quá ngưỡng bài tiết của thận nên được đào thải qua nước tiểu. Đó là một loại lợi tiểu thẩm thấu làm bệnh nhân đái nhiều, có thể tới 5 – 7 lít/24 giờ.
  • Uống nhiều: do đái nhiều, bệnh nhân mất nước nên rất khát, phải uống rất nhiều, thường là thích nước ngọt.
  • Gầy nhiều:

+ Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1. Do tụy không thể sản xuất insulin nên glucose không được vận chuyển vào bên trong tế bào, dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng. Vì vậy, cơ thể tăng dị hóa protid, lipid để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của các tế bào, dẫn tới giảm khối cơ và tổ chức mỡ dưới da. Ngoài ra người bệnh còn gầy do mất nước. Người bệnh có thể sút 5 – 10kg trong vòng vài tháng.

Triệu chứng lâm sàng của đái tháo đường
Triệu chứng lâm sàng của đái tháo đường

+ Đối với các trường hợp đái tháo đường typ 2: do tụy vẫn sản xuất insulin nhưng không đáp ứng đủ cho việc vận chuyển glucose trong cơ thể nên việc giảm cân diễn ra từ từ, không dễ nhận thấy.

  • Ăn nhiều: có một số trường hợp, bệnh nhân luôn có cảm giác đói nên ăn rất nhiều.
  • Mệt mỏi: do glucose không được vận chuyển vào tế bào, hoặc việc vận chuyển glucose vào tế bào không đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động dẫn tới tình trạng tế bào thiếu năng lượng hoạt động. Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức.

Ngoài ra, người bệnh còn có một số triệu chứng khác như: ngứa, cảm giác tê bì ở tay và chân, giảm thị lực, khô da… Những triệu chứng này thường là các biến chứng của bệnh đái tháo đường

Cận lâm sàng

  • Định lượng glucose máu:

+ Glucose máu sau ăn hoặc bất kỳ: > 11,1mmol/l (> 200mg/dL).

+ Glucose máu giờ thứ hai sau nghiệm pháp tăng đường máu (test dung nạp glucose bằng đường uống) > 11,1mmol/l (> 200mg/dL). Nghiệm pháp này chỉ thực hiện đối với những người có nghi ngờ rối loạn dung nạp đường khi đói, giúp thầy thuốc chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường.

+ Glucose máu lúc đói (ít nhất 8 giờ sau ăn): > 7mmol/l (> 126mg/dL).

+ Trường hợp glucose máu lúc đói từ 5,6 — 6,9mmol/l (100mg/dL – 125mg/dL) được gọi là “rối loạn dung nạp glucosse khi đói”.

  • Cách làm nghiệm pháp tăng đường máu: người bệnh ăn uống bình thường trong 3 ngày, không dùng các thuốc làm tăng đường máu, không bị căng thẳng tinh thần. Sau đó nhịn đói 12 giờ (ăn bữa cuối vào 6—7 giờ tối hôm trước, không ăn gì thêm tính từ thời gian đó đến 6-7 giờ sáng hôm sau). Uống 57g đường glucose trong 250ml nước sôi để nguội. Sau 2 giờ tiến hành lấy máu xét nghiệm. Kết quả:

+ Glucose máu > 11,1mmol/l (200mg/dL): chẩn đoán đái tháo đường.

+ 7,8mmol/l (140mg/dL) < glucose máu < (200mg/dL): giảm dung nạp glucose.

  • Định lượng HbA1C: để theo dõi lượng đường trung bình trong máu. Chỉ số này có tác dụng theo dõi sự kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường, ở người bình thường, chỉ số này là 5%. Đối với người đái tháo đường, đường máu cân bằng tốt nếu HbA1c < 6,5%. Dưới đây là bảng chỉ số tương ứng của tỷ lệ HbA1C với lượng đường trung bình trong máu.
HbA1c (%) Lượng đường trung bình trong máu (mg/dL)
6 135
7 170
8 205
9 240
10 275
11 310
12 345
  • Định lượng glucosse niệu: chỉ có giá trị có hạn đối với việc theo dõi bệnh nhân ngoại trú.

Ngoài ra còn lưu ý tới các chỉ số khác như: creatinin máu, mỡ máu, microalbumin niệu hoặc định lượng protein niệu để phát hiện các biến chứng.

Điện tim: phát hiện sớm các biểu hiện thiếu máu cơ tim.

Soi đáy mắt để phát hiện tổn thương các mạch máu võng mạc, biểu hiện bằng các triệu chứng: xuất tiết, xuất huyết võng mạc…

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây