Đái tháo đường (hay còn gọi là hội chứng tăng glucose huyết) là một bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate do tụy không có khả năng bài tiết hoặc giảm bài tiết insulin, hoặc do tụy bài tiết insulin bình thường nhưng không đủ để đáp ứng vận chuyển glucose trong cơ thể.
Đây là một trong những bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi gây tốn kém về kinh tế và ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Bệnh gây ra nhiều biến chứng ở các cơ quan như: mắt, thận, thần kinh… Các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Theo tổ chức y tế thế giới, tới nay có khoảng 180 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới. Ước tính đến năm 2010, trên thế giới có khoảng 221 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, đến năm 2025 sẽ là 330 triệu người (gần 6% dân số toàn cầu) và đến năm 2030 có khoảng 366 triệu người mắc bệnh này. Tỷ lệ phát triển của bệnh là 42% ở các nước phát triển và 170% ở các nước đang phát triển.
ở Anh có khoảng 2,3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường nhưng có khoảng hơn nửa triệu người không biết mình mắc bệnh. Tại Mỹ: theo số liệu năm 2005 của Viện nghiên cứu quốc gia về đái tháo đường, bệnh tiêu hóa và các bệnh thận, có khoảng 20 triệu người mắc bệnh nhưng có khoảng 6 triệu người không biết mình đã mắc bệnh này, số người mắc bệnh tiếp tục tăng nhanh ở những năm sau.
Việt Nam không được xếp vào 10 nước có tỷ lệ đái tháo đường cao, nhưng nằm trong khu vực các nước đang phát triển ở Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ gia tăng bệnh nhanh nhất thế giới (8 – 20%). Theo kết quả nghiên cứu mới nhất (tháng 10 năm 2008), tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đang tăng mạnh từ 2,7% (năm 2001) lên tới 5% (năm 2008).
Về lứa tuổi mắc bệnh: số người từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh đái tháo đường cao gấp hai lần so với lứa tuổi từ 45 đến 54.
Theo y học cổ truyền, đái tháo đường thuộc phạm vi chứng “tiêu khát”
ĐỊNH NGHĨA
Theo tổ chức Y tế Thế giới năm 2002: “Đái tháo đường là một bệnh mạn tính gây ra do thiếu sản xuất insulin của tụy hoặc tác dụng của insulin không hiệu quả do nguyên nhân mắc phải và/hoặc do di truyền với hậu quả tăng glucose máu. Tăng glucose máu gây tổn thương nhiều hệ thống trong cơ thể, đặc biệt là mạch máu và thần kinh”.
Theo hội Đái tháo đường Mỹ năm 2004: “Đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insulin, khiếm khuyết hoạt động insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu”.
NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH
Nguyên nhân
Đái tháo đường do tụy
- Phẫu thuật cắt bỏ tụy (một phần hoặc toàn bộ).
- Sỏi tụy: đây là biến chứng ít gặp. Triệu chứng của sỏi tụy thường âm thầm, không đau như các loại sỏi khác. Thường tình cờ phát hiện thấy hoặc do mổ tử thi.
- U ác tính di căn tụy hoặc ung thư tụy: ít gặp. Các triệu chứng của ung thư thường lấn át triệu chứng đái tháo đường.
- Di truyền: đái tháo đường typ 1 do di truyền thường liên quan với sự có mặt của hệ kháng nguyên bạch cầu người (Human Leucocyte Antigen — HLA) trong cơ thể. Các kháng nguyên HLA loại B8, B14, B15, B18. Cw3, DR3, DR4 thường gặp ở chủng tộc da trắng. Đối với các chủng tộc khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin thường gặp đái tháo đường liên quan tới HLẠ loại DR3 và DR4.
- Yếu tố môi trường: các yếu tố môi trường tác động lên cơ thể làm tổn thương tuyến tụy, đặc biệt là tụy nội tiết bao gồm: virus (quai bị, rubella, coxsakie B4), tác nhân hóa học như các hợp chất có chứa nitơ (nitrit, nitrat…) và các chất độc hủy hoại tế bào khác như hydrogen cyanide từ bột sắn hỏng hoặc từ củ sắn…
- Yếu tố miễn dịch: một số kháng thể tham gia vào miễn dịch dịch thế như kháng thể chống tế bào tiểu đảo tụy, tự kháng thể kháng tế bào tiểu đảo (ICA), kháng thể kháng insulin (ĨAA)… được tìm thấy ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1. Ngoài ra, sự rối loạn tế bào lympho T cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường typ 1.
Nguyên nhân ngoài tụy
- Cường thùy trước tuyến yên: vì một lý do nào đó gây cường thùy trước tuyến yên, làm tăng bài tiết GH (hormon sinh trưởng), gây ra tình trạng đái tháo đường tuyến yên.
- Cường vỏ thượng thận: tuyến vỏ thượng thận tăng bài tiết hormon cortisol làm tăng tạo đường mới và giảm tiêu thụ glucose ở tế bào, gây tình trạng đái tháo đường do tuyến thượng thận.
- Cường giáp trạng: do hormon tuyến giáp hầu như tác dụng lên tất cả các giai đoạn của quá trình chuyển hóa glucid nên cường giáp trạng có thể gây rối loạn chuyển hóa đường. Tuy nhiên, tình trạng đái tháo đường do cường giáp trạng không nặng bằng hai bệnh trên.
- Di truyền: những người có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường typ 2 có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người khác.
- Yếu tố môi trường: tuổi tác, béo phì, cuộc sống tĩnh tại là những nguyên nhân gây đái tháo đường typ 2.
Cơ chế bệnh sinh
Thông thường, đường được đưa vào cơ thể bằng con đường thức ăn và được bẻ gãy để tạo thành đường đơn như glucose. Sau khi lưu hành trong máu, glucose được đưa vào tế bào để sử dụng tạo thành năng lượng trong cơ thể, Insulin là một hormon do các tế bào β của tuyến tụy nội tiết bài tiết, có tác dụng giúp vận chuyển glucose vào tế bào. Khi lượng glucose trong máu tăng cao, tuyến tụy sẽ bài tiết một lượng insulin vừa đủ để vận chuyển glucose vào trong tế bào. Khi lượng glucose trong máu xuống thấp, tuyến tụy sẽ ngừng bài tiết insulin.
Bình thường, cơ thể tiết ra một lượng insulin vừa đủ để đáp ứng vận chuyển glucose trong cơ thể.
- Đái tháo đường typ 1: vì một trong những lý do đã nêu ở trên, các tế bào β của tụy bị phá hủy, không thể bài tiết insulin phục vụ cho quá trình vận chuyển glucose vào tế bào, làm cho lượng đường trong máu tăng cao. Trường hợp này thường xảy ra ở những người trẻ, dưới 30 tuổi. Trường hợp người cao tuổi mắc đái tháo đường typ 1 rất hiếm gặp và thường là do tình trạng này đã xảy ra khi còn trẻ, kéo dài tới thời kì lão hóa. Chỉ có khoảng 5% – 10% người mắc đái tháo đường typ 1 trong tổng số người mắc bệnh đái tháo đường hiện nay.
- Đái tháo đường typ 2: ở những người mắc bệnh đái tháo đường typ 2, tuyến tụy bài tiết đủ insulin nhưng các tế bào trong cơ thể kháng lại tác dụng của insulin; hoặc do lượng glucose được đưa vào cơ thể quá nhiều, lượng insulin do tụy bài tiết ra không đủ để đáp ứng cho việc vận chuyển glucose trong cơ thể. Kết quả là lượng đường trong máu tăng cao, đến một mức nào đó sẽ bị đào thải ra nước tiểu, gây nên tình trạng đái tháo đường. Đái tháo đường tỵp 2 thường xảy ra ở người từ 35 tuổi trở lên. Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 càng tăng. Số người mắc bệnh tỷ lệ thuận với chế độ ăn uống, lối sinh hoạt tĩnh tại và bệnh tật có liên quan. Có khoảng 90% – 95% người mắc đái tháo đường typ 2 trong tổng số người mắc bệnh đái tháo đường.