Nên cho con bú bình hay bú sữa mẹ ?
Hiện nay, khoa học đã khẳng định : đối với các trẻ em, không có một thứ sữa nào tốt bằng sữa mẹ.
Tại sao sữa mẹ tốt nhất ?
- Vì Bé là một con NGƯỜI do MẸ sinh ra. Bởi vậy, không có thứ sữa nào hợp với Bé bằng sữa người, bắt nguồn từ cơ thể đá sinh ra cơ thể của Bé.
- Sữa mẹ dễ tiêu và lúc nào cũng có nhiệt độ bằng nhiệt độ cơ thể người mẹ.
- Bú sữa mẹ, Bé sẽ không bị dị ứng như bú sữa bò.
- Cơ thể của Bé dễ hấp thụ chất sắt có trong sữa mẹ.
- sữa mẹ được vô trùng một cách tự nhiên. Không những thế, lại còn chứa các kháng thể giúp cơ thể Bé chống lại được một số bệnh do viêm nhiễm, nhất là trong những tuần lễ đầu. Các trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ, ngay trong những tháng đầu, ít khi bị các chứng như viêm tai, mũi, họng hoặc ỉa chảy.
- Thời gian cho con bú là thời gian cả 2 mẹ con đều cảm thấy hạnh phúc. Tình cảm mẹ con cũng nảy nở sâu đậm thêm.
- Cho con bú vừa tiết kiệm, vừa đỡ mất thời giờ hơn vì không phải sửa soạn, pha chế, rửa bình…
- Khi cho con bú, bộ phận sinh sản của người mẹ mau hồi sức và trở lại bình thường hơn, vì cảm giác khi con bú làm cho tử cung co lại.
Những lý do của những bà mẹ muốn con bú bình
- Sự tiến bộ trong công nghiệp chế biến sữa có thể sản xuất được nhiều loại sữa phù hợp với trẻ con.
- Cho con bú, người mẹ bận hơn vì phải luôn luôn ở cạnh con, cho Bé bú bình thì ai cũng làm được và cũng là dịp để người bố tham gia việc nuôi con.
- Đôi khi, người mẹ không đủ sữa cho con bú, nhất là khi mẹ có bệnh phải uống thuốc.
- Các bà mẹ phải đi làm rất khó cho con bú đúng giờ giấc. Việc cho con bú sẽ làm người mẹ lâu mới có kinh nguyệt trở lại. Do đó, khó áp dụng phương pháp ngừa thai.
- Tình cảm mẹ con nảy sinh chủ yếu ở thời gian mẹ gần con chứ không nhất thiết là phải cho con bú.
Những câu hỏi về việc cho con bú
- Cho con bú có làm cho vú bị xệ hay không ?
Nhiều bác sĩ cho rằng sự mang thai làm cho vú bị xệ chứ không phải do việc cho con bú. Mỗi lần người phụ nữ mang thai, số tế bào vú tăng lên ở giai đoạn đầu và giảm đi ở giai đoạn cuối. Việc cho con bú có tác dụng tốt vì kích thích các tuyến vú căng lên. Chính việc ngăn không cho sữa lên mới có hại vì làm các tuyến vú xẹp xuống.
Việc ăn nhiều quá cũng làm cho vú nặng vì mỡ và xệ xuống. Bởi vậy, để giữ bộ ngực đẹp cần ăn vừa phải, đeo nịt vú có đai đỡ, tập thể dục để giữ các cơ vú được căng và khỏe.
Tuy vậy, cũng cần chú ý là mỗi cơ thể con người có những điểm đặc biệt khác nhau. Do đó, có phụ nữ nhiều con mà ngực vẫn căng và có người chưa hề chửa đẻ mà ngực vẫn xệ.
Sự quan hệ giữa bộ ngực và việc cho con bú vẫn là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu.
- Làm thế nào để người mẹ đi làm mà cho con bú sữa mình được ?
Trong những tuần lễ đầu thì dễ rồi, vì được nghỉ. Sau thời gian nghỉ, có người cho con bú buổi sáng sớm và buổi chiều. Buổi trưa, hút sữa ra và để vào tủ lạnh. Những ngày nghỉ, cho con bú đầy đủ.
Cho con bú và lại mang thai
Thường thì người phụ nữ sau khi thôi không cho con bú nữa mới thấy kinh nguyệt trở lại. Nhưng, có thể có hiện tượng rụng trứng trước khi thấy kinh. Do đó, không có gì đảm bảo rằng giao hợp trong thời gian cho con bú sẽ không thụ thai.
Muốn tránh thụ thai, nên hỏi Bác sĩ các phương pháp có thể áp dụng được trong thời gian này.
Nên chọn cách nào: cho Bé bú sữa mẹ hay sữa bò ?
Có 2 trường hợp không nên cho con bú sữa mẹ :
- Nếu cháu có chứng khó tiêu chất lactose là một loại đường có trong thành phần sữa, hoặc không hấp thụ được chất galactose – có trong thành phần Chứng này ít gặp-
- Nếu mẹ bị ung thư và đã trị bệnh bằng hóa chất. Nếu người mẹ muốn cho con bú, cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Riêng đối với các trẻ sinh thiếu tháng, sữa mẹ bao giờ cũng là chất bồi dưỡng tốt nhất.
Nếu bạn không muốn nuôi con bằng sữa mình thì cũng đừng cho con bú một cách bắt buộc. Hãy pha sữa và cầm bình cho Bé bú bằng tình cảm của lòng mình hơn là để Bé ngậm vú mình mà lòng thì hậm hực.
Nếu bạn đang lưỡng lự giữa 2 cách nuôi con, thì tốt nhất là cứ cho Bé bú mình đi đã. Sau này, cho bú sữa bò cũng không sao. Nhưng, nếu bạn đã cho Bé bú bình một thời gian rồi lại muốn cho cháu bú sữa mẹ thì sẽ rất khổ vì khi này dòng sữa đã cạn rồi, không khơi lại được nữa.
Sau cùng, khi đã quyết định nuôi con bằng sữa mình rồi, thì hãy chuẩn bị bỏ ngoài tai mọi lời bàn ra tán vào của những người khác. Hãy nghĩ rằng việc mình làm chỉ liên quan mật thiết tới 2 người : MẸ và CON.