Trang chủChăm sóc bệnh nhânChăm sóc người bệnh thiếu máu

Chăm sóc người bệnh thiếu máu

ĐỊNH NGHĨA

Thiếu máu là tình trạng bệnh lý do giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm số lượng huyết cầu tố trong máu ngoại vi.

NGUYÊN NHÂN

Do mất máu

  • Mất máu cấp: gặp trong trường hợp mất máu ồ ạt như:

+ Chấn thương đứt mạch máu lớn.

+ Vỡ tĩnh mạch thực quản, xuất huyết dạ dày, tá tràng do ổ loét dạ dày, tá tràng ăn sâu vào mạch máu lớn.

+ Băng kinh, đờ tử cung, phong huyết tử cung rau.

+ Vỡ búi trĩ.

  • Mất máu mạn tính : mất máu rỉ rả kéo dài mỗi ngày một ít, gặp trong:

+ Nội khoa: giun móc, do trĩ, xuất huyết dạ dày, ung thư đại tràng.

+ Sản khoa: rong kinh kéo dài.

Do hủy hoại hồng cầu quá nhiều trong tan máu

  • Tan máu bẩm sinh:

+ Thiếu men tạo hồng cầu.

+ Bất thường về số lượng và chất lượng huyết sắc tố.

+ Do cấu trúc bất thường của màng hồng cầu làm hồng cầu dễ vỡ.

  • Tan máu mắc phải:

+ Thiếu máu huyết tán ở trẻ sơ sinh.

+ Do nhiễm trùng, nhiễm độc.

+ Bệnh đi tiểu ra huyết sắc tố ban đêm.

Do thiếu chất tạo hồng cầu

  • Thiếu protid do thiếu ăn đạm lâu ngày.
  • Thiếu vitamin B12 do cắt 2/3 dạ dày, cắt đoạn ruột.
  • Thiếu sắt do giun móc, trĩ.

Rối loạn tại cơ quan tạo máu

  • Suy tủy.
  • Bệnh bạch cầu ác tính.

Thiếu máu do một số bệnh khác

  • Suy thận mạn.
  • Suy tuyến giáp.

TRIỆU CHỨNG

Lâm sàng

  • Da xanh, nhất là lòng bàn tay, niêm mạc môi, lưỡi nhợt, gai lưỡi mất, móng tay, móng chân nhợt. Nếu thiếu máu mạn tính thì móng tay bẹt có khía.
  • Thần kinh: mệt, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, có khi choáng ngất.
  • Tim mạch:

+ Hay hồi hộp, đánh trống ngực.

+ Nhịp tim nhanh, nghe tim có tiếng thổi tâm thu cơ năng, có thể suy tim.

  • Hô hấp: thở nhanh, khó thở khi gắng sức.
  • Nội tiết: phụ nữ kinh nguyệt ít, hoặc mất kinh, nam giới liệt dương.
  • Chuyển hoá cơ bản tăng, bệnh nhân sốt nhẹ.

Cận lâm sàng

  • Tùy mức độ thiếu máu: hồng cầu giảm, huyết sắc tố giảm, hematocrit giảm.
  • Làm huyết đồ, tủy đồ tìm nguyên nhân gây thiếu máu.
  • Còn tùy nguyên nhân mà làm các xét nghiệm cận lâm sàng khác nhau.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

  • Hỏi bệnh nhân:

+ Mắc bệnh từ bao giờ, có mệt, có đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai ?

+ Có hồi hộp đánh trống ngực? Có khó thở khi đi lại nhiều?

+ Có chán ăn, có khó tiêu không, có buồn nôn?

+ Nếu là nữ, hỏi kinh nguyệt có đều không, các lần chửa đẻ ra sao?

+ Hỏi có đau thượng vị, có đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài ra máu tươi không?

+ Có dùng các loại thuốc cloroxit hoặc sulphamid kéo dài không?

  • Quan sát, khám:

+ Da và niêm mạc có xanh và nhợt không?

+ Mạch nhanh? Nhịp tim nhanh? Nghe có tiếng thổi tâm thu ở các ổ van không?

+ Có xuất huyết dưới da, có loét miệng không?

+ Gan, lách, hạch có to không?

+ Làm xét nghiệm: hồng cầu giảm, huyết sắc tố giảm, hematocrit giảm.

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Tăng khả năng chịu đựng hoạt động bình thường cho bệnh nhân.
  • Duy trì lưu lượng tim bình thường cho bệnh nhân.
  • Duy trì dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân.

Thực hiện chăm sóc

  • Tăng khả năng chịu đựng các hoạt động

Cho bệnh nhân nghỉ ngơi và ngủ đầy đủ để dự trữ năng lượng dành cho hoạt động.

Xen kẽ với các đợt nghỉ cần luyện tập nhẹ nhàng để tăng sức chịu đựng.

Khi thiếu máu được điều trị và các xét nghiệm máu trở về bình thường, cần động viên bệnh nhân hoạt động tăng dần. Tránh các hoạt động gang sức.

  • Duy trì lưu lượng tim bình thường

Khi bệnh nhân xuất hiện khó thở thì phải nằm đầu cao, khuyên bệnh nhân tránh gắng sức không cần thiết, nếu cần cho thở oxy.

Thực hiện y lệnh các loại thuốc giúp cho quá trình tạo hồng cầu.

Thực hiện y lệnh truyền máu khi thiếu máu nhiều.

Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở.

  • Duy trì dinh dưỡng đầy đủ

Cho bệnh nhân ăn chế độ ăn nhiều protein, giàu năng lượng, ăn nhiều hoa quả và rau tươi, cung cấp các thực phẩm có nhiều sắt và vitamin B12.

Thức ăn phải hợp khẩu vị giúp bệnh nhân ăn ngon miệng.

Thức ăn sinh hơi, có nhiều gia vị cần tránh.

Ăn làm nhiều bữa trong ngày.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:

  • Bệnh nhân đỡ mệt, đỡ hoa mắt, chóng mặt.
  • Số lượng hồng cầu tăng lên.
  • Hoạt động tăng lên.
  • Bệnh nhân ăn được nhiều hơn và cảm thấy ngon miệng.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây