Tắm hơi hay tắm nước nóng là có lợi cho tim mạch. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc tắm lạnh vì tắm lạnh cũng là một biện pháp giữ gìn sức khoẻ.
Thời gian tắm lạnh cũng cần xác định cho phù hợp với từng người. Thông thường sau khi tắm thấy người sảng khoái, không mệt mỏi là tốt, trung bình một lần tắm chỉ nên 10 – 20 phút là đủ.
Trước khi tắm lạnh nên tập vài động tác cho ấm người và cần phải tắm từng phần một trong vài phút để cơ thể làm quen dần với nhiệt độ lạnh. Không nên gội đầu nước lạnh, nhúng chân tay vào nước lạnh ngay dễ gây tai biến tim mạch như xuất huyết não, nhũn não… do mạch máu não bị co thắt đột ngột gây ra.
Từ lâu, người ta đã biết đến “phản xạ lặn”: khi nhúng mặt con vật vào nước lạnh, mạch máu ngoại biên co lại, tần số và lưu lượng tim giảm đi trong khi huyết áp động mạch vẫn như trước. Trong y văn có mô tả biện pháp sử dụng nước lạnh để chữa bệnh tim nhịp nhanh kịch phát. Năm 1979, Giáo sư Vũ Đình Hải có mô tả trong tạp chí Nội khoa (tháng 4 năm 1981) một trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị V. 28 tuổi vào viện cấp cứu vì tim đập nhanh đến 230 lần phút. Bệnh nhân thấy tim đau nhói, đầu váng rồi gục xuống bất tỉnh, đã được điều trị bằng các thuốc giảm nhịp tim và một số biện pháp khác như ấn nhãn cầu… nhưng không khỏi. Khi được cho nhúng mặt vào chậu nước lạnh, bệnh nhân có cảm giác như “cất được gánh nặng”, tim đập trở lại bình thường ngay sau đó.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nước ấm nóng không có hiệu quả, chỉ nên dùng nước lạnh ở nhiệt độ khoảng 18 độ c là vừa, không nên lạnh hơn vì có thể gây khó chịu cho bệnh nhân và có thể làm co mạnh, huyết áp tăng, đau thắt ngực… Bạn có thể ngồi, hít sâu rồi nín thở úp mặt vào chậu nước, nín thở trong vòng 30 giây. Nếu không có kết quả có thể làm tiếp lần 2 hoặc lần 3.
Cần lưu ý là để có thể tắm nước lạnh, bạn phải có thời gian tập luyện để cơ thể thích nghi với nhiệt độ lạnh. Dưới tác dụng của nhiệt độ thấp, các mạch máu dưới da co lại, một lượng máu lớn đổ về tim và các cơ quan nội tạng. Hiện tượng co mạch như vậy có thể gây một số hậu quả như huyết áp tăng, có thể gây đứt mạch máu não hoặc co thắt mạch não gây nhũn não. Hơn nữa, khi máu dồn về tim, làm cho tim phải hoạt động mạnh lên để tống đi nuôi cơ thể, lâu dần có thể gây hiện tượng tim bị to ra. Người ta thấy, ngay chỉ khi nhúng tay hoặc chân vào nước lạnh cũng đã gây ra phản xạ co thắt mạch máu não. Do vậy, người cao tuổi và người bệnh tăng huyết áp nên thận trọng với việc tắm nước lạnh.
Tắm lạnh cũng là một biện pháp giữ gìn sức khoẻ
Những trường hợp mắc các bệnh khớp, bệnh thần kinh tọa, liệt mặt do lạnh… không nên tắm lạnh. Không ít trường hợp có hiện tượng dị ứng với nước lạnh cũng cần tránh tắm lạnh. Các trường hợp “cảm hàn” với các triệu chứng sốt nóng, gai rét, ớn lạnh cũng cần tránh không nên tắm nước lạnh để bệnh khỏi bị nặng thêm.
Sau khi uống rượu, đặc biệt là say rượu cũng không nên tắm lạnh do ở người uống rượu, mạch máu giãn nở, khi tắm lạnh dễ gây cảm lạnh.
Khác với tắm nước nóng có thể tạo cho bạn cảm giác sảng khoái khi mệt mỏi, nhức đầu, giải toả stress… thì ngược lại, trong những trường hợp này cũng không nên tắm lạnh.
Người có tạng hàn, thích ăn uống ấm nóng, đại tiện thường lỏng nát, sợ lạnh… cũng nên tránh tắm lạnh.