Ngay từ năm 1781, Tisso, một thầy thuốc người Pháp có câu: “Vận động có thể thay thế cho mọi thứ thuốc, nhưng không có một thứ thuốc nào có thể thay thế cho vận động”.
Bơi lội được coi là một môn thể thao được nhiều người ưa thích do nó gần gũi với tự nhiên. Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định: Bơi lội là một môn thể thao không chỉ có lợi cho sức khoẻ mà còn là một môn thể thao thích hợp với người bệnh tăng huyết áp, tương tự như các môn thể thao khác như đi bộ, chạy, quần vợt, bóng bàn…
Bơi lội được coi là một hình thức rèn luyện thích nghi rất toàn diện.
Bơi lội có nhiều ưu điểm mà các phương pháp rèn luyện khác không có được.
Toàn thân ở tư thế nằm ngang, như vậy khí huyết dễ lưu thông và làm giảm gánh nặng cho tim.
Trong khi bơi, toàn thân nhấn chìm trong nước như trong tình trạng không trọng lượng và hầu hết các cơ bắp và các khớp phải hoạt động. Áp lực của nước có tác dụng như massage lên toàn bộ cơ thể tạo nên cảm giác sảng khoái nhẹ nhàng cho cơ thể.
Cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nước, không khí và ánh nắng… tạo điều kiện cho cơ thể thích nghi tốt với môi trường sống.
Trong khi bơi, con người phải thở sâu để đáp ứng với nhu cầu oxy của cơ thể. Vận động của cơ thể phối hợp nhịp nhàng với hơi thở.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý khi bơi lội:
Nhiệt độ nước của bể bơi có liên quan nhiều đến tình trạng tăng huyết áp của người bệnh. Mùa đông, bạn nên bơi ở bể bơi nước nóng. Dưới tác dụng của nhiệt độ, các tĩnh mạch dưới da giãn nở do vậy cũng là một yếu tố làm hạ huyết áp. Ngay cả nơi không có bể bơi nước nóng, bạn hết sức chú ý, cần khởi động trước khi bơi để cơ thể làm quen với nhiệt độ của nước. Nếu trời quá lạnh thì cũng không nên bơi lội trong hồ nước lạnh, dễ bị cảm lạnh, nhiệt độ quá thấp cũng có thể gây co thắt tĩnh mạch dưới da, góp phần làm tăng huyết áp.
Thời gian bơi cũng cần lưu ý sao cho vừa phải, phù hợp với sức khoẻ của mỗi người. Đặc biệt chú ý không nên lặn sâu, nín thở khi lặn cũng là một động tác có thể làm tăng huyết áp. Người cao tuổi có thể có các bóng hơi trong phổi, khi lặn cũng dễ gây vỡ các bóng hơi đó làm nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bơi cần chú ý bơi nhẹ nhàng, thong thả và phải phối hợp với việc điều hoà nhịp thở. Không nên bơi thi vì khi cơ thể phải hoạt động với cường độ cao, huyết áp có thể tăng vọt mà ta không khống chế được.
Bạn không nên bơi ngay sau khi vừa ăn no… Lúc vừa ăn no, các mạch máu ở cơ quan tiêu hoá được giãn nở để cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng. Bơi ngay sau khi ăn no chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá của bạn.
Người cao tuổi, giảm khả năng thích nghi với môi trường. Do vậy, cần chú ý, khi nhiệt độ quá lạnh thì không nên bơi trong nước lạnh. Nhiệt độ lạnh có thể làm huyết áp của bạn tăng lên gây hậu quả khó lường trước.