Trang chủMón ăn chữa bệnhNgười bệnh tăng huyết áp nên ăn uống như thế nào

Người bệnh tăng huyết áp nên ăn uống như thế nào

TĂNG HUYẾT ÁP

Y học hiện đại: Tăng huyết áp động mạch khi số tối đa (còn gọi là tâm thu) trên 160mmHg. Khi số tối thiểu (còn gọi là tâm trương) bằng hay trên 95mmHg (theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới).

* Tăng huyết áp có thể là tiên phát hay nguyên phát, còn gọi là bệnh tăng huyết áp do hậu quả của 03 yếu tố tác động phối hợp.

– Yếu tố dinh dưỡng: ăn uống không hợp lý như chế độ ăn nhiều muối Natri, nghiện rượu… nhất là ăn thừa năng lượng dẫn đến thừa mỡ gây tình trạng béo phì lại ít vận động thể lực là yếu tố không những sinh bệnh tăng huyết áp mà cả bệnh xơ vữa động mạch và nhiều bệnh khác.

– Yếu tố thần kinh trạng thái căng thẳng tác động lâu ngày.

– Yếu tố di truyền là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho những yếu tố thần kinh và dinh dưỡng dễ dàng gây tăng huyết áp hơn so với người không có yếu tố di truyền.

* Tăng huyết áp có thể là do hậu phát hay thứ phát, nghĩa là có một nguyên nhân trực tiếp xác định được hoặc là hậu quả do một bệnh khác để lại. Còn gọi là tăng huyết áp triệu chứng.

Những nguyên nhân chính của tăng huyết áp thứ phát là:

– Bệnh ở thận (viêm cầu thận cấp, viêm thận mãn, thận đa nang, hẹp động mạch thận).

– Bệnh nội tiết thường là u thượng thận.

– Bệnh hẹp eo động mạch chủ.

– Nhiễm độc thai nghén, nhiễm độc chì…

Phân loại và triệu chứng

+ Giai đoạn I: Không có dấu hiệu khách quan nào để biến đổi cơ quan, ngoài biểu hiện khó thở dài khi gắng sức, huyết áp tăng vừa phải 160/95mmHg.

+ Giai đoạn II: Có ít nhất một trong các dấu hiệu của biến đổi cơ quan:

– Tim dày thất trái, phát hiện bằng lâm sàng, X quang, điện tâm đồ, siêu âm.

– Hẹp lan toả hay từng vùng các động mạch võng mạc.

– Protein niệu, tăng nhẹ nồng độ Creatinin huyết tương.

+ Giai đoạn III: Dấu hiệu chức năng, thực thể do tổn thương ở các cơ quan:

– Tim: suy thất trái.

– Não: xuất huyết não, tiểu não hoặc thân não, bệnh não tăng huyết áp.

– Đáy mắt: xuất huyết võng mặc và dịch rỉ có hoặc không phù gai mắt. Các dấu hiệu này là dấu hiệu đặc hiệu của giai đoạn ác tính (hoăc tiến triển nhanh).

Một số biểu hiện thường gặp ở giai đoạn III, nhưng không thật đặc biệt hậu quả trực tiếp của tăng huyết áp:

– Tim: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.

– Não: huyết khối động mạch trong sọ.

– Mạch máu: phồng tách, bít tắc động mạch.

– Thận: suy thận.

Biến chứng:

– Xơ vữa động mạch: Tăng huyết áp là một yếu tố bệnh sinh của xơ vữa động mạch.

– Biến chứng tim: Có hai biến chứng tim chủ yếu trong bệnh tăng huyết áp là suy tim và biến chứng tim do thiếu máu cục bộ. Ở nhiều nước, biến chứng tim là biến chứng gây tử vong cao nhất của tăng huyết áp.

– Biến chứng não: Tai biến mạch máu não do tăng huyết áp là một biến chứng hay gặp, nhất là ở các nước Châu Á. Xuất huyết não, tiểu não, thân não, liên quan nhiều với tăng huyết áp hơn là huyết khối do tổn thương xơ vữa động mạch.

– Biến chứng thận: Biến chứng thận bao gồm xơ vữa động mạch thận sớm và nhanh; xơ thận và hoại tử tiểu động mạch dạng tơ huyết trong những trường hợp ác tính.

Y học cổ truyền: Tăng huyết áp là một biểu hiện bệnh lý của nhiều bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau mà Y học cổ truyền gọi là Huyết vựng do tạng Can gây nên, gồm hai thể:

– Thể thực chứng: gồm nhiều triệu chứng tăng hưng phấn thần kinh gọi là “Can hoả vượng”, thường gặp ở người trẻ, béo với triệu chứng nhức đầu, hoa măt, chóng mặt, rêu lưỡi vàng mỏng, đại tiện táo, nước tiểu đỏ, mạch huyền hoạt.

– Thể hư chứng: gồm nhiều triệu chứng giảm ức chế thần kinh hay gọi là “Can thận âm hư” (Can huyết hư và Thận âm hư hay gặp ở người cao huyết áp do xơ vữa động mạch, chứng già cao huyết áp ở thời kỳ mãn kinh… ) với triệu chứng: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt ngủ kém, đau đầu, lưỡi hơi đỏ, hay thấy bốc nóng, mạch huyết tế.

Người bệnh tăng huyết áp nên ăn uống gì?

Tăng huyết áp là triệu chứng của nhiều bệnh khác, đặc biệt trong hệ tim mạch, nó là một yếu tố bệnh sinh của xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não… nên thường chữa theo triệu chứng bằng những thuốc giãn mạch, lỏng máu, lợi tiểu an thần… Những thuốc này đều có tác dụng nhanh chóng, đã cứu được nhiều người bệnh. Nhưng chưa được kết quả lâu dài và bệnh dễ tái phát có thể trầm trọng hơn.

Ngày nay, người ta thấy rõ là bệnh tăng huyết áp nói riêng và bệnh tim mạch nói chung có liên quan mật thiết với nếp sống hàng ngày trong xã hội đã có kỹ nghệ phát triển. Người ta ăn nhiều thịt, nhiều mỡ, nhiều thực phẩm tinh chế, uống rượu nhiều, nước ngọt cà phê, thuốc lá… lại không phải lao động chân tay nhiều chỉ bị tinh thần căng thẳng. Tất cả đều là nguồn gốc sinh những bệnh trên. Cho nên càng có nhiều thầy thuốc lưu ý đến vấn đề dinh dưỡng, khuyên người bệnh không nên dùng những thức ăn, nước uống đó, kết hợp với hoạt động thể dục cho huyết mạch lưu thông tốt là phương pháp trị huyết cao cũng như bệnh về tim mạch đạt kết quả lâu dài hơn.

Thức ăn: Theo Thực đơn I. Cốc loại làm thức ăn chính: cơm gạo Lứt 60%, đậu đỏ, đậu đen, kê, hoắc mạch hoặc nếp than Lứt, mỗi thứ 10%.

– Thức ăn phụ: Bí đỏ, cà rốt nhiều Vitamin A, C, Canxi, nấu canh với củ cải, rau mùi, hành có hiệu quả với huyết áp cao.

– Các loại rong biển, hải sâm, sò sứa, đặc biệt là rong biển co tác dụng lọc máu, hạ thấp huyết áp.

– Tỏi tác dụng lam tăng chất Filenrin giúp cho máu lưu thông dễ dàng, ngâm giấm ăn với cơm.

– Những thức ăn chứa Vitamin E như dầu thực vật… chứa khử Oxy, giữ cho mỡ Cholesteron và Filenrin không bị Oxy hoá thành đặc và làm quánh mạch, giữ cho mạch không bị bế tắc thêm và lâu ngày những chỗ đông đặc lại có thể tan được phần nào. Chất Xelen ở trong gạo Lứt và mỳ Lứt cũng có tính khử Oxy, cần tăng cường ăn, vì thiếu Xelen cũng làm cho tim yếu. Và những thức ăn chứa Vitamin B1, Canxi, Magie như rau rền, cải bắp… làm cho tim mạnh.

Những thực phẩm chứa Acid Linoleic và Vitamin B6 như rau xà lách, rau mùi giúp cho mỡ và Cholesteron tan được nhiều trong máu.

Thức uống:

– Theo Thực đơn I hoặc nước trà Sơn tra, mỗi ngày 20g nấu uống đến khi huyết áp trở lại bình thường thì ngừng uống, nước sắc lá hồng, hà thủ ô…

– Nước ép dùng thuốc phối hợp cải bắp, cà chua, tía tô, cà rốt, táo có nhiều Kali để điều hoà độ muối Natri, hạ huyết áp.

– Ngoài ra còn dùng thuốc dưới dạng thức ăn như: Đỗ trọng 20-30g với một đôi cật heo, nấu thành thang thuốc uống mỗi ngày một lần, uống liền năm ngày có hiệu quả vì là thuốc bổ thận. Theo Đông y, bổ thận có thể bình Can, tư Âm, có thể giáng Dương. Can Dương xuống thấp là có thể giúp cho huyết áp bình phục (xơ vữa động mạch thận cũng là một biến chứng của cao huyết áp).

Lưu ý: Bệnh tăng huyết áp, người ta khuyên không ăn muối, nhưng đó là loại muối tinh chế, còn loại muối thiên nhiên (muối biển) rất giống cấu tạo của thành phần máu người thì không có hại gì cả, tất nhiên không ăn mặn, có thể ăn những thức ăn cần thiết như tương, xì dầu… Hiện được biết khoảng 60 loại khoáng duy trì chức năng sinh lý của cơ thể sống được bình thường, vì thế khẩu phần muối là cần thiết không thể không có được. Hơn nữa, còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá hấp thu, giúp cơ thể có sức dẻo dai bền bỉ. Thiếu nó sẽ sinh chán ăn, mệt mỏi, kém sức đề kháng.

Một số món ăn dùng cho người bệnh CAO HUYẾT ÁP:

  1. Trà Hồng quyết minh: Hồng tươi 02 quả, Thảo quyết minh 15g. Thảo quyết minh nghiền nát, đổ nước vào nấu 15 phút, vắt lấy 1.000ml nước. Hồng tươi bỏ vỏ, cho vào túi vải vắt lấy nước. Hòa nước hồng và Thảo quyết minh vào, trộn đều. Ngày uống 02 lần. Thanh nhiệt ngừng khát, hạ huyết áp.
  2. Rau cần giá xào thịt nạc: Rau cần 200g, giá 200g, thịt nạc 100g, gừng 05g, muối 05g, dầu ăn 50ml, xì dầu 10g, bột năng 20g, trứng gà 01 quả. Rau cần rửa sạch, cắt đoạn khoảng 04cm, giá rửa sạch, bỏ rễ, thịt nạc rửa sạch, cắt sợi nhuyễn, gừng cắt sợi, hành cắt đoạn. Bỏ thịt nạc vào bát to, đập trứng gà vào, cho bột năng, muối, xì dầu vào trộn đều. Để chảo nóng, đổ dầu vào, đợi dầu nóng, bỏ gừng, hành vào cho thơm rồi đổ bát thịt heo đã trộn vào, bỏ rau cần, giá vào xào chín. Ngày ăn 02 lần thay thức ăn. Công dụng: bổ khí huyết, trừ thấp, hạ huyết áp.
  3. Cháo Câu kỷ cật heo: Câu kỷ tử 12g, cật heo 01 cái, gạo 100g, muối 05g. Câu kỷ tử loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cật heo rửa sạch, cắt làm hai, bỏ gân, cắt hột lựu, gạo vo sạch. Bỏ gạo, cật, Câu kur tử vào nồi đổ vào 800ml nước. Nấu sôi bằng lửa lớn, vặn lửa nhỏ nấu thêm 45 phút thì dược. Ngày ăn 01 lần 50g cháo. Công hiệu: bổ thận sáng mắt, thích hợp cho người bệnh cao huyết áp thận âm khuy tổn, đổ mồ hôi trộm, choáng
  4. Trà dâu cúc: Lá dâu 06g, hoa cúc 09g, đường trắng 20g. Lá dâu, hoa cúc bỏ cuống và tạp chất, rửa sạch. Bỏ vào cốc, cho đường với 250ml nước sôi, ngâm trong 05 phút. Uống thay trà. Công dụng: thông phong, thanh nhiệt, thanh gan, sáng mắt, hạ huyết áp.
  5. Chuối tây chưng: Chuối tây 02 trái, Sơn tra 10g. Chuối tây rửa sạch, bỏ vỏ, giã nhuyễn, Sơn tra rửa sạch, bỏ hột cắt miếng. Bỏ Sơn tra vào nồi với 250ml nước, để lửa vừa, nấu trong 15 phút, bỏ chuối tây vào quấy đều. nấu sôi là được. Mỗi ngày ăn 02 lần. Công hiệu: bình gan dương, ích tràng vị, hạ huyết áp, trị táo bón.
  6. Ngọc mễ ninh móng lợn: Râu ngô 15g (nếu tươi thì 30g), Móng lợn 02 cái, gừng 05g, hành 10g, muối 05g. Râu bắp rửa sạch, bó thành từng lọn, Móng lợn rửa sạch, bỏ lông, chặt làm hai. Gừng cắt miếng, hành bó lọn. Bỏ móng vào nồi, bỏ râu bắp, gừng, hành, muối vào, đổ vào 1. 500ml nước, dùng lửa lớn đun sôi, vớt bọt, vặn nhỏ lửa nấu 01 giờ là được. Mỗi ngày 01 lần ăn nửa cái móng và uống canh. Công hiệu: Bình gan dương, bổ khí huyết, hạ huyết áp.
  7. Tỏi trộn dưa leo: Tỏi 20g, dưa leo 200g, muối 03g, hành 190g, giấm 10g, đường trắng 03g, dầu mè 5g. Dưa leo bỏ vỏ, rửa sạch, cắt sợi, hành rửa sạch, cắt đoạn dài, tỏi bỏ vỏ, cắt miếng. Bỏ dưa leo vào thau, bỏ muối, hành, giấm, tỏi, dầu mè vào trộn đều. Mỗi ngày ăn 01 lần, dùng thay thức ăn. Công hiệu: thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, hạ huyết áp.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây