Trang chủBệnh thần kinhCác hội chứng não trong bệnh thần kinh

Các hội chứng não trong bệnh thần kinh

THUỲ TRÁN

Thuỳ trán bao gồm một phần ba trước bán cầu đại não, được giới hạn ở phía sau bởi rãnh Rolando và rãnh Sylvius. Người ta phân biệt:

PHẦN TRƯỚC (hội chứng thuỳ trán): vùng này bị phá huỷ dẫn đến đùa cợt không đúng chỗ, sảng khoái, rối loạn về đánh giá, về cảm xúc và trí nhớ. Hành vi của bệnh nhân là bất thường, theo xung lực và tính tự động.

VÙNG HỐ MẮT- trán (các vùng 9,10, 11 và 12 của Brodmann): liên quan với đồi thị và vùng dưới đồi. Phẫu thuật cắt các đường liên hệ ở vùng này đã được dùng nhằm điều trị một số rối loạn tâm thần.

VỎ NÃO VẬN ĐỘNG (hồi trán lên, vùng 4 của Brodmann): vùng này có các tế bào tháp khổng lồ của Betz; sợi trục của các tế bào này tạo thành bó tháp (bó vỏ-tuỷ). Mỗi vùng trên vỏ não vận động ở hồi trán lên chỉ huy vận động tuỳ ý của một phần cơ thể. Phần trong và trên của hồi trán lên kiểm soát vận động bàn chân và chi dưới. Phần dưới chỉ huy các cử động của mặt, lưỡi và thanh quản. Vỏ não vận động của bán cầu phải chỉ huy các cử động của nửa người trái và ngược lại.

  • Phá huỷ: tổn thương vỏ não vận động làm mất vận động ở nửa người đối bên, phạm vi và nơi bị liệt phụ thuộc vào vùng bị tổn thương. Liệt rõ ở bàn chân và bàn tay hơn là ở vai, đầu gối và đùi. ở chi trên, các cơ duỗi liệt rõ hơn; còn ở chi dưới thì các cơ gấp liệt rõ hơn. Tổn thương vùng 4 của Brodmann gây liệt mềm. Nếu cả vùng 6 cũng bị tổn thương (hay gặp) thì có liệt cứng và tăng phản xạ gân.
  • Kích thích: tổn thương kích thích vỏ não vận động gây các cơn động kinh kiểu Bravais-Jackson, có các cơn co cứng, lúc đầu là khu trú sau đó là toàn thân.

VỎ NÃO TIỀN VẬN ĐỘNG (vùng 6 của Brodmann): phá huỷ riêng vùng này dẫn đến rối loạn các động tác phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp mặc dù động tác tuỳ ý vẫn còn (xem phối hợp vận động). Có thể thấy hiện tượng nắm quá mức: bảo bệnh nhân dùng hai bàn tay nắm chặt hai bàn tay người khám, sau đó bảo buông tay đột ngột thì bàn tay ở phía đối bên tổn thương vẫn còn nắm chặt một lúc nữa. Phía trước vùng tiền vận động trên vỏ não có vùng là nơi xuất phát của các bó chi phối cử động phối hợp của hai mắt.

TRUNG TÂM CỬ ĐỘNG NÓI (trung tâm Broca, vùng 44 của Brodmann): nằm ở một phần ba sau F2 và F3, bên bán cầu não chiếm ưu thế (bên trái ở người thuận tay phải). Trung tâm này kiểm soát các cơ chế biến đổi ý nghĩ sang ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết; tổn thương vùng này dẫn đến mất ngôn ngữ vận động.

THUỲ ĐỈNH

Thuỳ đỉnh được giới hạn ở phía trước bởi rãnh Rolando, ở phía dưới bởi rãnh Sylvius và ở phía sau bởi rãnh đỉnh-chẩm.

VỎ NÃO CẢM GIÁC (hồi đỉnh lên, vùng 3-1-2 của Brodmann): qua các đường từ đồi thị tối, hồi đỉnh lên nhận các cảm giác da, cơ, gân và khớp của nửa người bên kia. Ngược với vỏ não vận động, được ngăn cách bởi rãnh Rolando, vỏ não cảm giác không có giới hạn thật rõ ràng. Tuy nhiên, người ta cho rằng hình chiếu của các phần khác nhau của cơ thể cũng ở ngang mức hình chiếu nằm ở trên vùng vỏ não vận động.

  • Phá huỷ: tổn thương rộng hồi đỉnh lên ở một bên làm mất cảm giác ở nửa người bên kia, thường là không hoàn toàn.
  • Kích thích: loạn cảm, cảm giác đau ở nửa người bên kia, đôi khi có cơn động kinh kiểu Bravais-Jackson; loạn cảm là tiền triệu của động kinh.

VÙNG CẢM GIÁC NHẬN THỨC: nằm ở phía sau hồi đỉnh lên và là một trung khu phức tạp, là nơi các cảm giác được tích hợp và ghi nhận. Tổn thương vùng này gây chứng mất khả năng nhận biết đồ vật bằng sờ mó. Chứng không nhận biết nửa người hay Hội chứng Anton-Babinski là mất nhận thức một nửa người do tổn thương đỉnh-thái dương. Bên bán cầu não chiếm ưu thế (có vùng 39 và 40 của Brodmann) là nơi nhận biết chữ viết; tổn thương vùng này làm mất khả năng đọc và viết (xem mất khả năng viết và mất khả năng đọc).

THUỲ CHẨM

VỎ NÃO THỊ GIÁC: thuỳ chẩm nằm ở cực sau của não, mặt sau được giới hạn bởi khe cựa. Xung quanh khe cửa là vùng vỏ não thị giác (area striata hay vùng 17 của Brodmann). Nửa trái của trường nhìn nằm ở bán cầu phải và ngược lại. Một phần các sợi của dây thần kinh thị giác, có nguồn gốc từ võng mạc, bắt chéo qua đường giữa tại chéo thị giác (xem dây thần kinh thị giác).

  • Phá huỷ: tổn thương rộng vỏ não thị giác một bên gây bán manh cùng bên ở mắt bên kia. Tổn thương khu trú gây bán manh góc tư (xem bán manh). Tuy nhiên, thị giác ở phần trung tâm vẫn được bảo tồn do được chiếu lên cả hai bán cầu não.
  • Kích thích: hoang tưởng thị giác (đom đóm hay ánh sáng).

VÙNG LIÊN HỢP THỊ GIÁC (vùng 18 và 19 của Brodmann): tổn thương các vùng này bên bán cầu ưu thế gây ra các rối loạn về định hướng trong không gian và nhận biết đồ vật ở một nửa trường nhìn (không nhận biết được đồ vật bằng thị giác).

THUỲ THÁI DƯƠNG

Thuỳ thái dương được ngăn cách với thuỳ trán và thuỳ đỉnh bỏi rãnh Sylvius. Thuỳ này nằm trong hố giữa của sọ.

VỎ NÃO THÍNH GIÁC (vùng 41 của Brođmann): nằm ở phần sâu của hố Sylvius. Vì các sợi tới từ mỗi tai có ở cả hai bán cầu nên phá huỷ vỏ não thính giác một bên không gây ra điếc bên đó nhưng có thể thấy giảm thính lực ở cả hai bên. Các tổn thương có tính kích thích gây các hoang tưởng thính giác.

VỎ NÃO KHỨU GIÁC: nằm ở phần trong của thuỳ thái dương, ngang mức hồi móc (gyrus uncinatus) và hồi hải mã. vỏ não khứu rất gần và phủ lên phần nắp ở rãnh Rolando. Kích thích vỏ não khứu gây hoang tưởng khứu giác và vị giác, đôi khi rất khó chịu, có thể là tiền triệu của cơn động kinh hồi móc.

TRUNG TÂM CẢM GIÁC NGÔN NGỮ (trung tâm Wernicke): bị tổn thương phần sau trên thuỳ thái dương (tiểu thuỳ rìa và nếp cong) ở bên bán cầu não ưu thế thì không thể hiểu được lồi nói mặc dù nghe vẫn tốt (xem chứng mất ngôn ngữ cảm giác của Wernicke). Trong trường hợp này, các tia thị giác của Gratiolet .cũng có thể bị tổn thương và gây bán mạnh cùng bên.

  • Đôi khi, các khối u và áp xe thuỳ thái dương có thể gây trạng thái sảng mộng, trong đó bệnh nhân ít nhiều có hoang tưởng và sống trong một thế giới ảo. Trạng thái sảng mộng này có thể dẫn đến lú lẫn hoàn toàn hay một phần.

THỂ VÂN

Thể vân là thành phần quan trọng của hệ ngoại tháp, liên hệ với các cấu trúc xám khác của vùng dưới đồi, nhất là với chất đen và thể Lúy. Trong trường hợp thể vân bị tổn thương (ví dụ, trong bệnh Parkinson và bệnh Wilson), có thể thấy trương lực cơ bị tăng, run, và xuất hiện các động tác không tuỳ ý. Thể vân nằm ở nền của hai bán cầu não và bao gồm các nhân xám dưới đây, được ngăn cách bởi các sợi của bao trong:

NHÂN ĐUÔI: có hình dấu phẩy, có đầu ở phía trước và có phần lõm ở phía sau.

NHÂN ĐẬU: có hình hạt đậu, nằm ở ngoài nhân đuôi, được chia làm hai phần:

  • Nhân vỏ hến (Putamen): là phần ngoài của nhân đậu, nằm ở dưới thuỳ đảo (insula) và gồm nhiều tế bào nhỏ như nhân đuôi.
  • Cầu nhạt (glọbus pallidus): phần trong của nhân đậu, nhỏ hơn, có hình tam giác, gồm các tế bào to, đa cực, hình tháp, có nhiều sợi có myelin đi qua nên có màu sáng hơn.

NHÂN TRƯỚC TƯỜNG: là lớp chất xám mỏng nằm giữa nhân vỏ hến và vỏ của thuỳ đảo, được ngăn cách với thuỳ đảo bởi một lá chất trắng (bao ngoài).

LỚP THỊ GIÁC HAY ĐỒI THỊ

Là một khối hình trứng gồm nhiều nhân, nằm ở hai bên não thất ba. Đồi thị là trạm dừng chung của cảm giác.

Hệ thống đồi thị-thể vân cùng với chất lưới và các nhân xám dưới đồi thị kiểm soát bộ máy tiền đình-tiểu não tức là kiểm soát tư thế và thăng bằng cũng như các phản xạ tủy được gây ra bởi các kích thích có tác dụng gây ức chế (xem phản xạ).

Hội chứng đồi thị (hội chứng Dejerine-Rousseau): gặp trong các tổn thương của lớp thị giác, bao gồm các triệu chứng có ở nửa người bên kia là:

  • Giảm cảm giác nông và mất cảm giác sâu (bó tủy sống-đồi thị), có mất điều hoà nửa người.
  • Đau dữ dội, đau sâu hay cảm giác bỏng rát, tự phát hay chỉ cần chạm nhẹ cũng làm xuất hiện. Đau tới mức làm rối loạn tâm thần.
  • Cử động múa giật, múa vờn, run (bó răng-đỏ-đồi thị).
  • Bại hay liệt nửa người, có khi nhẹ và tạm thời.
  • Có khi bị bán manh cùng bên kiểu góc tư do tổn thương tia thị giác của Gratiolet.

VÙNG DƯỚI ĐỔI

Là một cấu trúc thần kinh nằm ở nền não, giữa chéo thị giác, khoảng giữa các cuống não và não thất ba. Rất giàu mạch máu. Vùng dưới đồi kiểm soát hệ thần kinh thực vật và lên chuyển hoá qua noradrenalin (norepinephrin), serotonin và dopamin:

  • Điều nhiệt (các thụ thể với lạnh ở da).
  • Khát (các thụ thể nhậy cảm với áp suất thẩm thấu của huyết tương).
  • Đói (các thụ thể với nồng độ glucose, nhậy cảm với mức độ sử dụng glucose).
  • Ham muốn tình dục (thụ thể nhậy cảm với nồng độ estrogen và androgen).
  • Điều hoà trạng thái thức tỉnh: tổn thương phần sau vùng dưới đồi có thể gây ngủ nhiều, có khi sâu và kéo dài.
  • Điều hoà nhịp ngày đêm: tổn thương nhân trên chéo thị của vùng dưới đồi có thể gây rối loạn nhịp ngủ.
  • Trong rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, có thể gặp động kinh hệ thần kinh thực vật: có các cơn tăng trương lực giao cảm hoặc phó giao cảm kịch phát, da đỏ, chảy nước mắt, tăng tiết nước bọt, toát nhiều mồ hôi, nhịp tim tăng đột ngột, giãn đồng tử.
  • Kích thích vùng dưới đồi có thể thông qua dây thần kinh X làm tăng cử động và bài tiết của dạ dày, dẫn đến loét.

Các sợi thần kinh xuất phát từ các nhân của vùng dưới đồi giải phóng ra nhiều yếu tố điều hoà (xem thuật ngữ này), tới thuỳ trước tuyến yên qua hệ thống mạch cửa và điều hoà sự bài tiết một số hormon: TRH kích thích bài tiết kích giáp tố, PIF ức chế bài tiết prolactin, somatostatin ức chế bài tiết hormon tăng trưởng, somatocrinin kích thích bài tiết hormon tăng trưởng v.v… Thuỳ sau tuyến yên chỉ là phần được kéo dài của vùng dưới đồi, là nơi tổng hợp hormon chống bài niệu hay vasopressin và oxytocin. Các hormon này được vận chuyển theo sợi trục của tuyến yên thần kinh và được giải phóng vào máu.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây