Tình trạng không vận động, nhất là các bệnh nhân bị bất động tại giường sẽ làm nặng thêm tình trạng loãng xương.
Trong các đợt đau cấp do nén cột sống, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau, nhưng tránh bất động hoàn toàn, cần phải vận động thụ động và chủ động các chi để duy trì vận động các khớp và cơ, phòng các biến chứng do nằm lâu. Mặc áo nịt cứng hoặc nửa cứng giúp bệnh nhân dễ ngồi dậy nhưng chỉ trong vài tuần đầu sau khi bị nén cột sống. Ngoài cơn đau phải hướng dẫn bệnh nhân vận động nhẹ cột sống, thở nhẹ và sâu dần, tránh vận động quá mạnh có thể gây gãy xương.
Đối với những người đã được chẩn đoán loãng xương: tránh không để xảy ra gãy xương vì khi đó xương khó liền và có thể dẫn tới tử vong nếu người bệnh lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi.
Công tác tuyên truyền dự phòng loãng xương cần thực hiện tại cộng đồng. Trong đó. thầy thuốc cần nhấn mạnh những điểm cần lưu ý khi dự phòng bệnh loãng xương:
- Không nên để tới khi phát hiện ra tình trạng loãng xương mới điều trị.
- Nên phòng bệnh từ tuổi 30 hoặc trước đó để giảm thiểu những ảnh hưởng tới sức khoẻ do loảng xương gây ra.
Để giúp cho công tác dự phòng bệnh loãng xương có hiệu quả, thầy thuốc cần nắm vững và thực hiện một số điểm cơ bản dưới đây:
Dinh dưỡng cho bệnh nhân loãng xương
Thầy thuốc cần hướng dẫn cộng đồng, đặc biệt là những người cao tuổi chú ý thực hiện chế độ dinh dưỡng có tác dụng dự phòng bệnh loãng xương, bao gồm:
- Cần chú ý đến các thức ăn giàu calci như: trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu, tôm, cua, cá…
- Bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng cách tăng cường các thức ăn có nguồn gốc từ cá, gan, sữa, nước cam, ngũ cốc.
- Sử dụng vừa phải lượng protein (đạm) trong khẩu phần ăn. Khi ăn nhiều đạm phải đảm bảo đủ calci vì chế độ ăn nhiều đạm làm tăng bài xuất calci theo nước tiểu.
- Tăng cường ăn các loại rau, quả, các thức ăn có nhiều estrogen thực vật như giá đỗ. Các loại rau, củ như: mùi tây, bắp cải, cà chua, dưa chuột, tỏi… cũng làm giảm hiện tượng mất xương và làm tăng chất khoáng trong xương.
Chế độ sinh hoạt khi bị bệnh loãng xương
- Nên luyện tập thể thao sớm nhất khi có thể, tốt nhất từ khi chưa có các biểu hiện triệu chứng của loãng xương. Ban đầu nên tập những bài tập nhẹ nhàng, sau đó tăng dần cường độ và thời gian luyện tập. Thời gian tập khoảng 30 – 40 phút/lần, vài lần/tuần. Nên luyện tập với cường độ vừa phải, phù hợp với khả năng của từng người, không nên vận động quá sức. Để thực hiện được yêu cầu này, thầy thuốc cần tư vấn và hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp. Luyện tập thể dục thể thao có tác dụng:
+ Tăng sức mạnh cơ bắp, gián tiếp duy trì mật độ và sức mạnh của xương.
+ Tăng cường sức mạnh khối cơ cạnh sống, giữ cho cơ thể ở tư thế đứng thẳng, tránh tình trạng gù vẹo cột sống do loãng xương.
Bơi là môn thể thao tốt nhất có tác dụng tăng cường sức mạnh của khối cơ cạnh sống, qua đó gián tiếp làm tăng khối lượng xương cột sống.
- Người bệnh nên có thời gian hoạt động ngoài trời nhất định để tăng tổng hợp vitamin D trong cơ thể.
- Không nên sử dụng rượu, thuốc lá.
- Hoạt động thể lực vừa phải.
- Duy trì cân nặng “nên có” vì gầy là một yếu tố nguy cơ của loãng xương.
Dự phòng loãng xương
- Dự phòng cấp I: cần tiến hành sớm cho trẻ nhỏ hoặc tuổi thiếu niên như: chú ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.
+ Cung cấp đủ calci, phospho cho sự phát triển của xương bằng cách sử dụng các thức ăn có nguồn gốc từ tôm, cá, sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng gà, các loại đậu, vừng, hạt dưa, rau cải …
+ Chú ý thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
+ Ra nắng để tăng tổng hợp vitamin D cho cơ thể.
+ Không uống rượu, hút thuốc lá; hạn chế sử dụng cà phê, các loại nước trà đặc.
+ Hạn chế sử dụng đường, muối, lòng trắng trứng.
- Dự phòng cấp II: áp dụng đối với những người ở lứa tuổi trung niên (từ 30 tuổi trở lên), đặc biệt là đối với những phụ nữ đã tắt kinh.
+ Nên có các biện pháp kiểm tra để xác định mật độ xương định kỳ.
+ Bắt đầu bổ sung nội tiết tố nữ đối với phụ nữ sau tắt kinh ba năm.
+ Bố sung calci và vitamin D để đề phòng loãng xương.
+ Điều trị các bệnh có liên quan đến loãng xương như: đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, viêm thận mạn, cường cận giáp, cường giáp trạng…
- Dự phòng cấp III: áp dụng đối với các trường hợp loãng xương tiến triển.
+ Sử dụng các thuốc điều trị loãng xương bao gồm: nội tiết tố nữ (estrogen), calci, vitamin D.
+ Trong hoạt động hằng ngày: để phòng ngã, va đập để tránh gãy xương. Trường hợp bị gãy xương do loãng xương, cần kết hợp các phương pháp điều trị: cố định nơi gãy, vận động sớm, hướng dẫn người bệnh thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng, bổ sung calci, giảm đau, sử dụng các thuốc duy trì mật độ xương để hạn chế tốc độ loãng xương, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
- Nếu được chẩn đoán là có nguy cơ mắc bệnh loãng xương do di truyền thì thầy thuốc nên hướng dẫn người bệnh áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: tập thể dục, thể thao; chú ý chế độ ăn đủ calci, vitamin D; kiểm tra mật độ xương thường xuyên.
Dưỡng sinh và phòng bệnh loãng xương theo y học cổ truyền
Ngoài công tác điều dưỡng đối với người bệnh loãng xương như đã nói ở trên, việc dùng y học cổ truyền trong chăm sóc đóng vai trò quan trọng.
Trong các đợt đau cấp, có thể châm cứu hoặc xoa bóp, bấm huyệt để giảm đau. Đồng thời, xoa bóp, bấm huyệt hằng ngày còn giúp người bệnh được vận động một cách thụ động, duy trì hoạt động của các khớp và cơ, đề phòng các biến chứng do nằm lâu.
Hướng dẫn người bệnh cách tập dưỡng sinh phù hợp với từng giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn cấp, người bệnh cần nằm bất động tại giường: luyện ý, luyện thở.
- Khi người bệnh đã có thể ngồi dậy nhưng chưa thể đi lại được: luyện thở, tập các động tác dưỡng sinh nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng bệnh.
- Khi người bệnh có thể đi lại được: luyện thở, luyện hình thể với các bài tập phù hợp với sức khoẻ.
Phương pháp phòng bệnh loãng xương có hiệu quả nhất của Y học cổ truyền là tự xoa bóp, tập khí công – dưỡng sinh hằng ngày. Ngoài ra, thầy thuốc cần hướng dẫn người bệnh sử dụng các món ăn – bài thuốc có tác dụng phòng chống bệnh loãng xương một cách hợp lý.
Nên hướng dẫn người bệnh sử dụng phương pháp xoa bóp và tập khí công – dưỡng sinh sớm nhất khi có thể.
- Xoa bóp: hướng dẫn phương pháp để người cao tuổi tự xoa bóp hằng ngày. Đây là một cách giúp các cơ vận động thụ động, duy trì sức mạnh cơ bắp, gián tiếp duy trì mật độ và sức mạnh của xương.
- Khí công – dưỡng sinh: hướng dẫn người cao tuổi tập khí công – dưỡng sinh 20 – 30 phút/ngày bằng những bài tập luyện ý, luyện thở, luyện hình thể phù hợp với tình hình sức khoẻ của mỗi người giúp cơ thể thư giãn, tinh thần thoải mái, duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Đồng thời, việc tập khí công – dưỡng sinh ngoài trời cũng giúp cơ thể tăng tổng hợp vitamin D, từ đó ngăn ngừa bệnh loãng xương.
Các loại thức ăn có tác dụng phòng chống bệnh loãng xương đã được trình bày ở phần y học hiện dại .
- tóm lại; loãng xương là tình trạng bệnh lý được đặc trưng bởi một khối lượng xương thấp tới mức làm cho xương trở nên giòn và dẫn tới gãy xương. Loãng xương và gãy xương là những nguyên nhân chính gây thương tích, tật nguyền lâu dài và thậm chí gây tử vong ở người cao tuổi. Không nên để tối khi phát hiện ra tình trạng loãng xương mới điều trị mà nên dự phòng ngay từ khi còn nhỏ tuổi hoặc tuổi trung niên, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tới sức khoẻ do loãng xương gây ra. Trong các biện pháp dự phòng và điều trị loãng xương, cần chú ý chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể lực, đây là hai biện pháp có tác dụng tăng cường thể lực, duy trì mật độ và sức mạnh của xương.