Xa tiền tử

Vị thuốc Đông y

Tên khoa học:

Plantago major L. Họ: Mã đề (Plantaginaceae)

Tên khác: Bông mã đề, Cây vó ngựa, Xa tiền, (Hạt Mã Đề), Xa tiền thực

Nguồn gốc:

Đây là hạt chín khô của cây xa tiền hoặc binh xa tiền thuộc loại thực vật họ xa tiền thảo (cây mã đề).Mã đề thuộc loại cây thảo, sống lâu năm, thân rất ngắn. Lá hình thìa, có cuống dài, mọc thành hình hoa thị ở gốc, mép lá nguyên hoặc khía răng cưa thưa, gân lá hình cung chạy dọc theo phiến rồi đồng quy ở gốc và ngọn lá Hoa nhỏ, mọc thành bông ở kẽ lá, cuống hoa dài. Quả hình hộp, chứa nhiều hạt hình đa giác, màu nâu bóng. Mã đề mọc hoang và được trồng khắp nơi trên đất nước ta.

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Vị thuốc Xa tiền tử chữa tiểu ra máu
Vị thuốc Xa tiền tử chữa tiểu ra máu

Xa tiền tử có hình bầu dục, hình tròn dài không đều nhau hoặc hình tròn có dạng tam giác, hơi bẹt, dài chừng 2mm, rộng khoảng 1mm, bề mặt màu nâu vàng đen màu be đen, có vân nhăn nhỏ, ở 1 phía có rốn hạt là 1 chấm lõm màu trắng xám. Chất cứng, mùi nhẹ, vị nhạt, có tính dính. Loại nào hạt to, mẩy, màu đen là loại tốt.

Bảo quản:

Để trong hòm lót giấy hoặc trong lu, để nơi khô ráo, dâm mát, chống ẩm.

Thành phần hóa học:

Lá mã đề có flavonoid là baicalein, scutellarein, ancubosid, một lacton là liliolid, chất nhầy, carotenoid, các vitamin C, K, tanin, acid oleanolic.

Xa tiền tử có chất nhầy, thành phần của chất nhầy có polysaccharid là plantasan; các acid hữu cơ, dầu béo.

Cây Mã đề có glycosid tên là aucubin, men và emulsin.

Theo các nghiên cứu hiện đại, Xa tiền tử có tác dụng lợi tiểu, và có thể tăng cường sự bài tiết urê, muối và chất niêu toan (C5H4O3N4), làm cho sự bài tiết ở cuống phổi và khí quản tăng lên, vận động hô hấp được sâu hơn, chậm hơn, lại có tác dụng long đờm, giảm ho nữa.

Khí vị:

Vị ngọt, mặn, hàn, không độc, chủ yếu đi vào 3 kinh Can, Thận, Bàng quang.

Chủ dụng:

Thanh phong nhiệt ở Phế, Can, thấm lợi thấp nhiệt ở Bàng quang, thông tiểu tiện nhỏ giọt, ống đái buốt đau, mà không làm cho tinh khí tẩu tán, trừ phong nhiệt, mắt sưng đỏ đau, mắt có màng mộng, khơi thông thấp khí, trừ phiền nhiệt, thanh thử khí, ngăn chỉ tả lỵ, trừ thấp tê, thôi sinh dễ đẻ, thêm tinh mạnh âm làm cho người ta có con.

Cấm kỵ:

Uống lâu khó tránh cái hại “vừa thấm vừa tả”, tổn ngầm tân dịch, nếu dương khí hãm xuống, Thận khí hư thoát thì chớ dùng.

Cách chế:

Lấy hoàn toàn cả hột, rễ và lá thì sức nó mới trọn vẹn, cho lá vào sao khô rồi cho hột vào sao qua, bỏ lá, lấy hột dùng.

Nhận xét:

Hạt Mã đề bẩm thụ khí xung hòa của đất, lại được khí mùa Đông của trời để sinh, ưa mọc ở chỗ dấu chân xe Ngựa, xe Bò nên gọi là Xa tiền, tính lợi thủy mà lại thêm được tinh, sáng mắt, làm cho người ta có con, vì trong âm khí có 2 khiếu, một khiếu thông với Thủy, một khiếu thông với Tinh, hai khiếu đều không thường mở, khiếu Thủy mở thì khiếu Tinh đóng, uống hạt Mã đề thì lợi khiếu Thủy ở Bàng quang, càng giữ vững khiếu Tinh ở Mệnh môn mà sinh được con, trọc âm hết mà chân âm càng kín đáo, nhiệt hết mà mắt sáng là khỏi màng. Sách Tạp lục nói: đã uống thuốc giữ vững tinh lâu ngày thì lại cần uống hạt Mã đề nhập phòng thì có con, do đó hiểu được ý nghĩa của nó.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Hòa tễ cục phương”

Bài Bát chính tán

Hoạt thạch 16-40g, Mộc thông 4-8g, Bán hạ 4-8g, Hậu phác 12-20g, Xa tiền tử 12-20g, Biển súc 12g, Cù mạch 12g, Cam thảo 4-12g, Sơn chi tử 8-12g, Đại hoàng 6-12g. Cùng tán nhỏ, liều uống 8-12g với nước sắc Đăng tâm, ngày vài lần.

Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, lợi tiểu, thông lâm.

Trị thấp nhiệt hạ chủ ở Bàng quang, tiêu gắt, tiểu nhỏ giọt, nước tiểu đỏ, tiếu buốt, niệu đạo viêm, nóng đau, bụng dưới đầy, họng khô, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác hữu lưc.

Gia giảm:

Tiểu ra máu thêm Tiểu kế, Hạn liên thảo, Bạch mao căn để lương huyết, chỉ huyết. Nếu có sỏi đường niệu thêm Hải kim sa, Kim tiền thảo, Kê nội kim để thông lâm, hóa thạch. Tiêu lỏng bỏ Đại hoàng.

Nếu bệnh lâu ngày đã thành hư chứng cần gia giảm để phù chính, bổ hư cho thích hợp.

“Phó thanh chủ nữ khoa”

Bài Hoàn đái thang

Bạch truật (thổ sao) 12g, Sơn dược 12g, Đảng sâm 8-12g, Xa tiền tử 12g, Bạch thược 12g, Thương truật 8-12g, Sài hồ 6- 8g, Trần bì 4-6g, Hắc giới tuệ 4-6g, Cam thảo 4g. sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Có tác dụng kiện Tỳ táo thấp, sơ Can lý khí.

Trị bạch đới do Tỳ hư, Can khí uất, lưỡi nhat rêu lưỡi trắng mạch hoãn hoăc nhu nhươc.

Gia giảm: Đau lưng thêm Đỗ trọng, Thỏ ty tử để bổ Thận.

Bụng dưới đau thì thêm Ngãi diệp, Hương phụ để lý khí, chỉ thông.

Bệnh lâu ngày bạch đới loãng, chân taỵ mát, mạch trầm trì thêm Ba kích, Lộc giác sương để ôn Thận,cố sáp.

Chú ý:

Không dùng bài này cho chứng bạch đái thể thấp nhiệt.

“Thâm thị giao hàm”

Bài Tứ vật ngũ tử hoàn

Đương quy 40g, Xuyên khung 20g, Bạch thược 30g, Thục địa hoàng 80g, Địa phu tử 20g, Xa tiền tử 20g, Câu kỷ tử 40g, Phúc bồn tử 40g, Thỏ ty tử 40g.

Thục địa giã nát, nấu thành cao, các vị khác cùng tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 8-16g, ngày 2 lần.

Có tác dụng bổ âm huyết, ích Can, Thận.

Chữa Can Thận bất túc, mắt tối sầm.

“Chứng trị vâng bổ”

Bài Thanh phe ẩm

Có tác dụng bổ khí âm của Tỳ và Phế.

Chữa Phế Tỳ khí táo dẫn đến chứng lâm.

“Ngoại khoa toàn sinh tập”

Bài Thanh thử thang

Thiên hoa phấn 10g, Xích thược 8g, Kim ngân hoa 10g, Liên kiều 10g, Trúc diệp 8g, Hoạt thạch 10g, Cam thảo 4g, Xa tiền từ 8g, Trạch tả 10g.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, lợi tiêu, tiêu độc.

Chữa ngoại cảm thử nhiệt, đầu và mặt phát sinh mụn rắn chắc như nổi u cục.

Chủ trị:

Thanh nhiệt, lợi thấp: dùng chữa các chứng thấp nhiệt tiểu tiện khó khăn, đi tiểu đau buốt, đái dắt, nước tiểu đỏ, đục, nóng và lượng rất ít, có thể tiểu ra máu. Có thể dùng hạt mã đề tán bột, uống mỗi lần 8g.

Chữa viêm thận cấp, viêm niệu đạo, viêm bàng quang cấp, sỏi niệu đạo.

Thanh thấp nhiệt ở tỳ vị: chữa ỉa chảy, chữa lỵ. Có thể dùng xa tiền tử, hoa hoè lượng ngang nhau, sao thơm mỗi lần uống 8g với nước ấm.

Thanh phế hoá đàm: Trị phế nhiệt, sinh ho, ho có đàm.

Thanh can sáng mắt: trị đau mắt đỏ, sưng mắt, hoa mắt.

Hạ huyết áp.

Liều dùng – Cách dùng:

Rau mã đề chữa sỏi thận
Rau mã đề chữa sỏi thận

Lá mã đề dùng 1 5 – 20g/ngày, dạng thuốc sắc.

Sa tiền tử dùng 10 – 15g/ngày, dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài: Lấy lá, thân tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ đau.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người không bị thấp nhiệt và người có thai kiêng dùng.

Các bài thuốc thường dùng:

Xa tiền tử trà (trà xa tiền tử)

Xa tiền tử 10g – Hạnh nhân 3g

Lá tỳ bà 6g

Sắc lấy nước uống thay trà. Dùng cho người lên sởi, bị ho

Xa tiền tử chúc (cháo xa tiền tử)

Xa tiền tử 9g – Gạo lức 50g

Hạt xa tiền bỏ túi vải, nấu cháo chung với gạo, pha đường trắng vừa phải.

Dùng cho người tiểu tiện bất lợi, thấp nhiệt lâm trọc, mắt đỏ sưng đau, trừ thấp tả lỵ, hậu môn nóng rát v.v…

Xa tiến tử đồn trư phao (hạt xa tiền hầm trong bong lợn)

Hạt xa tiền 20g – Bong bóng lợn 200g

Hạt xa tiền bỏ trong túi vải, hâm chung với bóng lợn cho chín, nêm muối cho vừa, uống thang, ăn bóng lợn.

Dùng cho người viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm kết mạc mắt, phụ nữ do thấp nhiệt sinh ra khí hư quá nhiều v.v…

Nhất vị xa tiền tử thang (thang hạt xa tiền 1 vị)

Xa tiền tử 15g.

Sấy khô nghiền bột, uống hết 1 lần với nước sôi..

Dùng cho người chửa thai lệch. 1 tuần sau kiểm tra lại, nếu chưa được thì cứ cách 1 tuần có thể uống 1 lần, tối đa không quá 3 lần.

Xa tiền tử tán (bột hạt xa tiền)

Xa tiền tử vừa phải, rang cháy nghiền bột uống: Trẻ em 4 – 12 tháng tuổi mỗi lần uống 0,5g. 1 – 2 tuổi mỗi lần lg; 1 ngày 3 -4 lần

Dùng cho trẻ em rối loạn tiêu hoá đơn thuần, đầy bụng đi ngoài.

Xa tiền tử chi tử trà (Trà hạt mã đề, hạt dành dành)

Hạt xa tiền 10g – Cam thảo 3g

Hạt dành dành tươi (sinh chi tử) 8g

Sắc uống thay trà. Dùng cho người bị sỏi hệ thống tiết niệu, phổi nhiệt bị ho.

Xa tiền tử phát thái (Hạt xa tiền rau phát)

Hạt xa tiền 10g

Rau phát (phát thái) 10g

Đường phèn vừa phải

Hạt xa tiền bỏ túi vải, cho vào với rau phát (phát thái),

cho nước vào nấu trong 30 phút, lấy túi vải ra, cho đường phèn vào, ăn rau phát, uống thang.

Dùng cho người tiểu tiện bất lợi, phù thũng v.v…

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận