Thảo quả

Vị thuốc Đông y

Tên khoa học:

Amomum tsaoko Crevost et Lem. Họ khoa học: Họ Gừng (Zingiberaceae).

Mô Tả:

Cây thảo quả thân thảo, sống lâu năm nhờ thân rễ mọc ngang
Cây thảo quả thân thảo, sống lâu năm nhờ thân rễ mọc ngang

Loại thảo, sống lâu năm, cao chừng 2,5-3m. Thân rễ mọc ngang, có đốt, đường kính chừng 2,5-4cm, giữa có màu trắng nhạt, phía ngoài màu hồng, mùi thơm. Lá mọc so le, có lá có cuống, có lá không cuống, bẹ lá có khía dọc, phiến lá dài 60- 70cm, rộng tới 20cm, mặt trên phiến lá màu xanh thẫm, mặt dưới hơi mờ, mép lá nguyên. Cụm hoa bông, mọc từ gốc, dài chừng 13-20cm, hoa màu đỏ nhạt, mỗi bông nhiều quả, khi chín quả màu đỏ nâu, dài 2,5-4cm, rộng 1,5-2cm. Vỏ quả ngoài dầy 5mm, quả chia làm 3 ô, mỗi ô có độ 7-8 hạt rất thơm, có áo hạt hình tháp, ép vào nhau.

Địa lý:

Mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền núi như Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Tây Bắc.

Thu hái, Sơ chế:

Thảo quả
Thảo quả

Lựa quả chưa chín, hái về phơi hoặc sấy nhẹ lửa cho khô (thường 3-4 ngày). Quả khô sẽ ngả mầu xám nâu nhạt, nhiều nếp nhăn dọc và thường phủ 1 lớp phấn trắng. Khi nào dùng mới bóc vỏ ngoài lấy hạt, nếu bóc ngay sẽ mất mùi thơm.

Bộ phận dùng:

Quả.

Bào chế:

+ Dùng Cám hòa với nước sôi cho dẻo, bọc Thảo quả rồi nướng, bỏ xác và xơ trắng ở bên trong đi, để dành dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Dùng bột mì trộn với nước sôi cho dẻo, bọc Thảo quả, nướng chín, bỏ vỏ lấy nhân dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Thành phần hóa học:

+ Trong Thảo quả có tinh dầu chừng 1-3%. Tinh dầu mầu vàng nhạt mùi thơm, ngọt, vị nóng cay, dễ chịu

Tác dụng dược lý:

+ Nước sắc 0,25-0,75% của Thảo quả có tác dụng hưng phấn ruột cô lập của súc vật thí nghiệm (Trung Dược Học).

Khí vị:

Vị cay mà nóng, khí mạnh mà nặng đục, tính đưa lên mà tán ra, thuộc loại dương dược.

Chủ dụng:

Tiêu thức ăn cũ, khỏi trướng đầy, trừ tà khí, chữa đau lạnh, trừ sơn lam chướng khí, chỉ hoắc loạn. Lại nói: chữa hàn thấp, hàn đờm ở Tỳ, Vị, ích chân khí, tiêu báng do sốt rét gây ra, giải độc Rượu, tiêu tích trái cây, chữa ôn bệnh.

Hợp dụng:

Cùng dùng với Sa sâm thì ôn được trung tiêu, giúp Thường sơn thì trừ được sốt rét.

Cấm kỵ: Khí nó mạnh và nặng, người hư yếu không nên dùng.

Cách chế:

Bỏ vỏ trong và ngoài, lấy nhân sao hoặc bọc Cám, nướng chín.

Nhận xét:

Thảo quả vị rất cay, mạnh, khí rất thơm, nếu không phải chứng thực thì không được dùng bừa.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“ Ôn dịch luận”

Bài Đạt nguyên ẩm

Tân lang 8g, Tri mẫu 4g, Hậu phác 4g, Bạch thược 4g,Thảo quả 2g, Hoàng cầm 4g.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Trị ôn dịch, hoặc độc tà ẩn náu ở mạc nguyên, trước rét nhiều sau sốt, nôn mửa, mạch sác.

“Tế sinh phương”

Bài Thực tỳ ẩm

Phụ tử 4-12g, Bào Khương 40g, Hậu phác 40g, Mộc hương 20g, Bạch truật 40g, Mộc qua, 40g, Thảo quả nhân 40g, Đại phúc tử 40g, Bạch linh 40g, Cam thảo 20g, Táo nhục 20g. Cùng tán nhỏ, sắc uống 8-12g, ngày 2 lần, thêm chút Gừng.

Chữa dương hư, thủy thũng nặng từ lưng trở xuống, ngực bụng trướng đầy, chân tay không ấm, không khát, tiểu tiện sẻn ít, đại tiện lỏng, lưỡi nhớt, mạch trầm trì hoặc trầm tế.

Trên lâm sàng có thể dùng bài này phối hợp với bài Ngũ linh tán trị viêm Thận mãn, phù do suy Tim thuộc thể Tỳ, Thận dương hư.

“Thiên gia diệu phương”

Bài Phục phương khu trích trùng thang

Tiên hạc thảo 3g, Ngô thù du 3g, Thảo quả nhân 6g, Mộc hương 10g, Phá cố chỉ 10g, Bán hạ 6g, Bạch truật (sao Hoàng thô) 12g. Sắc, chia uống vài lần trong ngày. Có tác dụng ôn bổ Tỳ và Thận, khu trùng.

Chữa viêm ruột do trùng roi.

Chủ ỷ: Nguồn gốc của bệnh này là do trùng roi. Khi bệnh đã khỏi cần uống thuốc bồi bổ khí huyết để cũng cố kết quả.

“Tế sinh phương”

Bài Thanh tỳ ẩm

Thanh bì (bỏ vỏ trắng), Hậu phác, Gừng (sao), Bạch truật, Thảo quả nhân, Sài hồ (bỏ cuống), Bạch linh, Hoàng cầm, Bán hạ (rửa nước nóng 7 lần), Chích Cam thảo, lượng đều bằng nhau, cùng tán nhỏ. Mỗi lần uống 8-16g với nước sắc Gừng, uống trước lúc lên cơn sốt rét 2 giờ. Có tác dụng hòa Can, kiện Tỳ, hóa đờm thấp.

Trị sốt rét do đờm thấp ứ trệ, sốt nhiều hơn rét, ngực bụng đầy tức, miệng đắng, lưỡi khô, khát nước, nước tiểu vàng đậm, mạch huyền sác.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận