Trang chủVị thuốc Đông yTác dụng của Lá sen, ngó sen, hoa sen, hạt sen, tim...

Tác dụng của Lá sen, ngó sen, hoa sen, hạt sen, tim sen

SEN

Tên khác:             Liên, ngậu (Tày), bó bua (Thái), lìn ngó (Dao).

Tên khoa học: Nelumbo nucifera Gaertn.

Họ Sen súng (Nelumbonaceae).

MÔ TẢ

Cây thảo, sống ở nước.

Thân rễ mập, mọc trong bùn.

Lá hình tròn, mọc vượt lên khỏi mặt nước bằng một cuống rất dài đính vào giữa lá, màu lục xám, mép nguyên uốh lượn, mặt sau đôi khi điểm những đốm tía, gân hình khiên.

Hoa to, màu hồng hoặc trắng, mọc trên cuống dài có nhiều gai ngắn; lá đài màu lục, rụng sớm; cánh hoa nhiều, cánh ngoài to và khum, cánh giữa và cánh trong nhỏ dần; nhị rất nhiều, màu vàng; bộ nhụy gồm nhiều lá noãn rời nằm trong đế hoa hình nón ngược.

Quả bế, có vỏ ngoài mỏng và cứng, màu lục tía, phần giữa chứa tinh bột màu trắng, phần trong là lá mầm, màu lục sẫm.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 9.

Lá sen
Lá sen

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, sen phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á. Người ta còn đưa sen sang trồng ở vùng nhiệt đới châu Mỹ.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở vùng Đồng Tháp Mười sau được trồng rộng rãi ở khắp nơi từ Nam ra Bắc trong các ao, hồ, đầm, ruộng trũng.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Thân rễ hay ngó sen, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Lá sen, thu hái vào mùa thu, có khi dùng cả cuống, dùng tươi hay phơi, sấy khô.

Hoa sen loại mới nở là tốt nhất, gỡ cánh để tươi hoặc phơi khô.

Hoa Sen
Hoa Sen

Tua sen (nhị) bỏ hạt gạo ở đầu.

Quả sen thu hái khi đã chín già, gỡ khỏi đế hoa, dùng tươi hay phơi khô.

Tâm sen là mầm trong hạt sen, lấy khỏi hạt, phơi khô.

Gương sen là đế hoa sen đã lấy hết quả, phơi khô. Dùng sống hoặc sao cháy tồn tính.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Lá sen chứa alcaloid nuciferin. nor-nuciferin, roemerin, pronuciferin, quercetin, isoquercitrin, nelumbosid và nhiều chất khác với tỷ lệ cao hơn trong lá bánh tẻ.

Hạt sen chứa tinh bột; protein gồm các loại acid amin: leucin, isoleucin, methionin, phenylalanin, threonin; dầu béo có acid myristic, acid palmitic, acid oleic; các chất khác là P-sitosterol, stigmasterol, campestrol.

Tâm sen chứa alcaloid liensinin, isoliensinin, nuciíerin, roemerin, lotUóin.

Gương sen chứa alcaloid nuciferin, liriodenin; các flavonoid quercetin, isoquercitrin.

Nhị sen có nhiều thành phần thơm như linalol, limonen, terpinen.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Liensinin có tác dụng hạ áp. Nuciferin ức chế hệ thần kinh trung ương, giảm ho, giảm đau và giải co thắt cơ trơn. Nước sắc nhị sen ức chế tụ cầu vàng.

Dịch chiết và alcaloid toàn phần của lá sen và tâm sen có tác dụng an thần, trong đó tác dụng của lá sen mạnh hơn. Nuciferin có tác dụng kéo dài giấc ngủ.

Gương sen có tác dụng cầm máu (chính là do sự có mặt của quercetin).

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

  • Lá sen được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là liên diệp hay hà diệp, chữa các chứng chảy máu như đại tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chứng mất ngủ, ngủ không yên, háo khát, ho ra máu, băng huyết, chảy máu cam.

Dùng lá sen non (loại lá còn cuộn lại chưa mở càng tốt) rửa sạch, thái nhỏ, ép lấy nước uống làm nhiều lần trong ngày chữa háo khát. Hoặc thái nhỏ, trộn với các loại rau ghém, ăn sống hàng ngày. Người bị tiêu chảy vừa chữa khỏi, cơ thể đang bị thiếu nước dùng rất tốt.

Để chữa máu hôi không ra hết sau khi đẻ, lấy lá sen sao thơm (20 – 30g) tán nhỏ, uống với nước hoặc đồng tiện (nước tiểu trẻ em), hoặc sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày..

  • Ngó sen (liên ngẫu) để sống thì hàn, nấu chín thì ôn, có tác dụng cầm máu là chủ yếu. Ngó sen (7 cái) giã nát, sắc với nước, thêm ít mật, uống nóng chữa thổ huyết (Nam dược thần hiệu). Nếu bị chảy máu cam, lấy ngay ngó sen tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào mũi, máu sẽ cầm ngay.

    Tâm sen và ngó sen
    Tâm sen và ngó sen đều được dùng chữa bệnh

Đốt ngó sen (ngẫu tiết) cũng được dùng với tác dụng tương tự như ngó sen.

  • Hoa sen (liên hoa) có tác dụng an thần, cầm máu, chống viêm, trừ thấp. Cánh hoa sen (loại mới nở càng tốt) phơi cho héo (3 – 5g) thái nhỏ, hãm hoặc sắc uống chữa nôn ra máu. Y học hiện đại dùng cánh hoa sen pha chế dưới dạng sirô để làm thuốc gây ngủ. Phụ nữ lại dùng cánh hoa sen, ngó sen và hạt sen (lượng mỗi thứ bằng nhau), phơi khô, tán nhỏ, uống mỗi lần 8g để làm đẹp nhan sắc. Ngày làm 2 – 3 lần.

Dùng ngoài, cánh hoa sen giã nát, đắp chống phồng rộp, lỏ loét.

  • Nhị sen hay tua sen (liên tu) chữa thổ huyết, băng huyết, di mộng tinh. Liều dùng hàng ngày: 5 – 10g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với đảng sâm,

thục địa, ba kích, khiếm thực, cẩu tích, ngưu tất, xà sàng…

Chú ý: Người bị suy nhược, táo bón, tiểu tiện không thông không nên dùng.

  • Quả sen (liên thạch) chữa kiết lỵ, đau lưng, kém ngủ.

Liều dùng hàng ngày: 6 – 12 g dưới dạng thuốc sắc.

Nếu bóc bỏ vỏ ngoài (vỏ cứng) để lại màng mỏng màu nâu hồng (vỏ lụa) thì được hạt sen (liên nhục). Liên nhục có vị ngọt, hơi chát, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, cố tinh chữa suy nhược cơ thể, mất ngủ, kém ăn, di mộng tinh, kiết lỵ. Liều dùng hàng ngày: 12 – 20g, có khi hơn dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột, thuốc viên. Để chữa gầy yếu, hay tiêu chảy ở trẻ em, người ta thường dùng hạt sen sấy khô, tán bột, cho trẻ uống 8 – 10g mỗi ngày vào lúc đói hoặc quấy bột.

  • Tâm sen (liên tâm) có tác dụng an thần chữa tâm phiền, lo âu, mất ngủ. Liều dùng hàng ngày: 2 – 5 g, có khi hơn, dưới dạng thuốc hãm, sắc hoặc làm bột uống. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
  • Gương sen (liên phòng) có tác dụng cầm máu, hạ áp, chữa đại tiện ra máu, băng huyết, rong kinh, cao huyết áp.

Liều dùng hàng ngày: 15 – 30g (1 – 2 cái) dưới dạng thuốc sắc.

BÀI THUỐC

  • Chữa chảy máu cam, băng huyết, tiêu chảy ra máu: Lá sen (30 – 40g, để sống), rau má (12g, sao vàng), thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa nôn ra máu, ho ra máu: Lá sen, ngó sen, sinh địa (mỗi thứ 30g), ngải cứu, trắc bá (mỗi thứ 20g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày.
  • Chữa sốt xuất huyết: Lá sen, ngó sen hoặc cỏ nhọ nồi (mỗi thứ 40g), rau má (30g), hạt mã đề (20g), sắc uống ngày một thang. Có thể tăng liều lượng của lá và ngó sen lên 50 – 60g nếu xuất huyết nhiều.
  • Chữa mất ngủ: Viên bao gồm cao khô lá sen (0,05g), cao khô lá vông (0,06g), 1-tetrahydropalmatin (0,03g), tá dược vừa đủ cho 1 viên. Ngày uống 2 – 4 viên trước khi đi ngủ. Một đợt điều trị từ 10 đến 15 ngày.
  • Chữa ho ra máu: Ngó sen (20g), bách hợp hoặc lá trắc bá (20g), cỏ nhọ nồi (10g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa băng huyết, rong kinh: Ngó sen (8g, sao), tam lăng, huyết dụ, nga truật, bồ hoàng sao (mỗi thứ 8g), bách thảo sương (6g). sắc uống.
  • Chữa viêm xoang, ngạt mũi: Cánh hoa sen (100g), rễ bạch chỉ (100g), thái nhỏ, phơi khô, trộn đều, quấn như điếu thuốc lá, rồi hút hít và thở khói qua đường mũi. Ngày làm hai lần.
  • Chữa kém ăn, ít ngủ, phiền muộn, lưng đau, gối mỏi: Quả sen (12g), liên nhục (8g), hoài sơn (16g), thục địa (12g), phụ tử chế (8g), trạch tả (8g), táo nhân (8g), nhục quế (6g). Tất cả thái nhỏ, sắc uống ngày một thang.
  • Chữa thiếu máu, yếu tim: Hạt sen (100g, sao vàng), rau má (100g, sao giòn), hoài sơn (80g, sao vàng), cỏ nhọ nồi (80g, sao giòn), hoàng tinh chế (80g, thái nhỏ), đan sâm (40g, ủ mềm, sấy khô), ngải cứu (15g, sao giòn), củ sả (15g, sao nhẹ cho thơm). Tán bột riêng từng loại, rồi trộn chung, luyện với mật ong thành một khối dẻo. Chế thành hoàn 10g. Ngày uống 40g chia làm 3 lần.
  • Chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy ở trẻ em: Hạt sen (50g), đảng sâm (50g), đậu ván trắng (50g), ý dĩ (50g), hoài sơn (50g), cốc nha (15 g). Các vị tán nhỏ, rây bột mịn. Trần bì (10g), sa nhân (10g), nhục đậu khấu (10g) sắc lấy nước đặc rồi trộn với bột thuốc trên làm thành dạng cốm. Ngày uống 10 – 15g.
  • Chữa khó ngủ, hồi hộp, tâm phiền: Tâm sen (5g), lá vông (20g), táo nhân (10g). Tâm sen sao thơm; táo nhân sao đen, đập giập; lá vông sấy khô, tán bột. Tất cả trộn đều, hãm với 1 lít nước. Để nguội, thêm 1 – 2 bông hoa nhài tươi. Ngày uống làm nhiều lần.
  • Chữa băng huyết: Gương sen (40g), kinh giới tuệ (40g). Trộn đều, đốt tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 8g với nước ấm. (Nam dược thần hiệu).
  • Chữa rong huyết: Gương sen (20g, sao cháy tồn tính), kinh giới tuệ (20g, sao đen), ngải cứu (12g, sao đen), cỏ nhọ nồi (12g), rau má (20g), bách thảo, sương (12g). sắc uống làm hai lần trong ngày.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây