DỨA DẠI
Tên khác: Dứa gai, dứa gỗ, mạy lạ (Tày)
Tên khoa học: Pandanus tonkinensis Mart.
Họ Dứa dại (Pandanaceae)
MÔ TẢ
Cây nhỏ có thân hóa gỗ, phân nhánh, cao 1 – 2m, mang nhiều sẹo lá thành những ngấn ngang cách nhau. Rễ phụ mọc ở gốc thân lộ trên mặt đất. Lá mọc tập trung thành túm lớn ở ngọn thân, phiến hình dải, cứng, có bẹ to ở gốc và mũi nhọn sắc ở đầu, mép và gân giữa có gai, mặt trên sẫm bóng.
Cụm hoa mọc thành bông ở ngọn thân gồm hoa đực và hoa cái có mo dạng lá bao bọc, bao hoa thường tiêu giảm, hoa đực có nhiều nhị, hoa cái có một số lá noãn.
Quả to có cuống mập và cứng, hình trứng hay hình cầu do nhiều quả hạch hợp thành, có màu vàng khi chín.
Mùa hoa quả: tháng 2 – 5.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Trên thế giới, dứa dại phân bố khắp các vùng nhiệt đới ở châu Á, châu Phi.
ở Việt Nam, cây mọc hoang ở rừng ẩm, dọc theo các bờ khe SUÔI ở các tỉnh miền núi và trung du, nhất là vùng ven biển. Vì cây có nhiều gai và tán lá sum sê, nên nhân dân ở nông thôn thường cắt lấy ngọn thân về trồng làm hàng rào.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Rễ dứa dại, thu hái quanh năm, đọt non thu hái vào mùa xuân và quả thu hái vào mùa hè – thu. Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Theo kinh nghiệm dân gian, rễ dứa dại được dùng chữa phù thũng, gãy xương, đái buốt, đái rắt, phù thận.
Liều dùng hàng ngày: 10 – 15g dưới dạng thuốc sắc.
Đọt non chữa kinh phong trẻ em, sỏi thận. Liều dùng: 15 – 20g dạng thuốc sắc.
Quả dứa dại chữa xơ gan.
Dùng ngoài, đọt non dứa dại phối hợp với lá đinh hương, giã đắp chữa đinh râu.
BÀI THUỐC
- Chữa gãy xương: Rễ dứa dại (loại rễ non chưa bén đất càng tốt), lá xoan non, dây tơ hồng, vỏ cây gạo, lá ngải cứu, củ nghệ vàng (mỗi thứ 30g). Tất cả rửa sạch, giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp bó.
- Chữa phù thận, đái nhắt, nước tiểu vàng đục. Rễ dứa dại (200g), râu ngô (150g), củ sả (50g), nõn tre (25g), cam thảo dây (25g), trấu gạo nếp (50g, sao thơm).
Tất cả nấu với hai lít nước cho sôi kỹ trong 30 phút. Lọc, thêm đường, uống ngày 2 – 3 lần. Người lớn: mỗi lần 200 – 300ml, trẻ em: 100 – 150ml.
Một đợt điều trị là 5 ngày. Nghỉ 3 ngày, tiếp tục đợt nữa cho khỏi hẳn.
(Kinh nghiệm của Bệnh viện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).
- Chữa phù thũng: Rễ dứa dại (8g, nướng), vỏ cây đại (8g, sao vàng), hương nhu (8g), tía tô (8g), hoắc hương (8g), hậu phác (12g), rễ si (8g), rễ cau non (4g).- Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước, còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày (Kinh nghiệm của nhân dân ở đồng bằng sông cửu Long).
- Chữa kinh phong trẻ em: Đọt non dứa dại (12g), lá dâm hôi, lá nhọ nồi, lá chua me đất hoa vàng, lá xương sông, búp mít mật (mỗi thứ 8g), nhân hạt đào (5 cái). Tất cả giã nhỏ, hòa với một chén nước nước đun sôi để nguội, gạn lấy nước trong, thêm đường, cách hai giờ uống một lần. Cứ mỗi tuổi, uống một thìa cà phê. Nếu nóng nhiều, thêm đọt dứa và búp mít; có đờm khò khè, thêm chua me và xương sông; trường hợp đái ít, táo bón, thêm đào nhân; nếu co giật nhiều, thêm dâm hôi. Trẻ đang bị tiêu chảy không được dùng.
(Kinh nghiệm của tỉnh hội y học dân tộc Vinh Phúc).
- Chữa đái nhắt, đái buốt có máu: Đọt non dứa dại (20g), mầm rễ cỏ gừng (20g), sắc uống ngày một thang.
- Chữa sỏi thận: Đọt non dứa dại (20g), ngải cứu (20g), cỏ bợ (30g), phèn đen (10g), giã nhỏ, thêm nước, gạn uống làm một lần trong ngày.
- Chữa xơ gan: Quả dứa dại (20g), thân cây ráy gai (20g), vỏ cây quao nước (10g), vỏ cây vọng cách (10g), lá cối xay (10g), lá trâm bầu (10g), rễ cỏ xước (10g), cỏ hàn the (10g), cỏ tranh (10g). sắc uống trong ngày.
(Kinh nghiệm của ông Nguyễn Minh Khâm, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).