Ta biết giá trị dinh dưỡng của trứng gà rất cao, nó là loại thức ăn bổ dưỡng rất tốt, đặc biệt đối với những trẻ em nhỏ tuổi, các phụ nữ thai sản và những người già cơ thể hư nhược. Nếu so sánh với thịt những động vật khác thì trứng gà vừa rẻ, rất dễ ăn, hàm lượng chất protein lại cao hơn hẳn, cho nên nó vẫn được mọi người ưa thích. Biết vậy nên rất nhiều người cho rằng càng ăn nhiều trứng gà càng có lợi cho sức khỏe. Ở một số địa phương của Trung Quốc, nhất là ở các vùng nông thôn, còn có một thói quen là trong vòng 100 ngày sau khi sinh con, người sản phụ tìm ăn đủ 1000 quả trứng gà.
Vậy có thật là ăn càng nhiều trứng gà càng có lợi cho sức khỏe không?
Con người ta mỗi ngày đều cần phải hấp thu nhiệt lượng từ trong các thức ăn ăn vào để bổ sung cho nhiệt lượng đã tiêu hao. Cho dù là suốt ngày nằm nghỉ hẳn trên giường, không có bất cứ một hoạt động gì đi nữa, thì một người lớn mỗi ngày cũng cần hấp thu khoảng 1600 kilô calo nhiệt lượng, trong y học gọi đó là “nhiệt lượng chuyển hóa cơ sở”. Còn người lớn trong điều kiện thường xuyên hoạt động, thì mỗi ngày cần khoảng 3000 kilo calo nhiệt lượng. Trong mỗi 100 gam trứng gà có thể cung cấp được 166 kilo calo nhiệt lượng, nếu chỉ dựa vào trứng gà để cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể thì mỗi ngày cần phải ăn tới 1000 – 2000 gam tức từ 1 đến 2 kg trứng gà, như vậy e rằng không có bất cứ một ai có thể ăn nổi. Thói quen ăn uống của nhân dân ta chủ yếu là lương thực, mỗi 100 gam gạo tẻ, bột trắng, bột ngô có thể cung cấp 347 – 363 kilo calo nhiệt lượng, nhiều gấp hơn hai lượng trứng gà, như vậy có thể thấy bất luận là đứng về mặt cung cấp nhiệt lượng hay về mặt kinh tế để xét thì việc cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể bằng ăn lương thực sẽ có lợi hơn rất nhiều so với ăn trứng gà.
Người ta nếu ăn trứng gà quá nhiều thì sẽ ăn được ít lương thực, đứng về nhiệt lượng mà xét, nếu ăn ít đi một phần lương thực thì cần phải ăn hai phần trứng gà cũng không sao bù lại được. Còn chất protein có thể duy trì và thúc đẩy nhiều loại công năng như sinh trưởng và phát dục bình thường của cơ thể, tham dự vào quá trình thay thế đổi mới và chuyển hóa của cơ thể, tu phục các tổ chức bị tổn thất, điều tiết công năng sinh lí, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Nhưng muốn vậy nó đòi hỏi phải thỏa mãn đủ lượng nhu cầu vé nhiệt lượng bình thường của cơ thể mới có thể thực hiện được. Trong khi đó nếu ta lại dùng protein để cung cấp nhiệt lượng bù đắp lại tiêu hao nhiệt lượng thì chẳng phải là đã dùng người tài vào việc cỏn con đó sao?
Khi ăn quá nhiều trứng gà, lượng lớn chất protein vào trong cơ thể, qua sự thay thế, chuyển hóa, phân giải sẽ sản sinh ra lượng lớn chất ammonia và hợp chất hóa học khác có chứa nitrite. Chất ammonia và hợp chất hóa học có chứa nitrite này tất nhiên phải được gan giải độc, qua thận để bài tiết, do đó mà đã làm tăng gánh nặng cho gan và thận. Điều này rất không lợi đối với những người có bệnh ở gan và ở thận. Đối với người bình thường, nếu gan và thận bị gánh nặng dài ngày như vậy tất sẽ sinh tổn hại đến công năng của gan và của thận.
Trứng gà là loại thức ăn tương đối khó tiêu hóa và hấp thu, ăn quá nhiều trứng gà một lúc còn tăng thêm gánh nặng cho đường tiêu hóa là dạ dày và ruột, làm cho một phần trứng gà chưa qua tiêu hóa và hấp thu đã biến ra thành phần để thải loại ra ngoài. Rất nhiều người đều đã hiểu được rằng: Sau khi ăn nhiều trứng gà một lúc (ăn trên 2 quả một lúc), phân sẽ có mùi hôi thối đặc biệt mà chỉ có ăn trứng gà mới thấy, đó chính là do trứng gà ăn vào quá nhiều chưa được tiêu hóa và hấp thu hết. Nếu mỗi lần mà ăn tới 3-5 quả trứng gà thì đã là ăn quá nhiều trứng rồi, ăn như vậy rất nhiều người còn sinh ra các triệu chứng bụng trướng tắc, trung tiện nhiều. Điều đó chứng tỏ là ăn trứng gà quá nhiều đã ảnh hưởng đến công năng bình thường của dạ dày và ruột, gây nên tiêu hóa không tốt. Tình trạng này ở trong các sản phụ lại càng thể hiện rõ hơn, có người còn sẽ bị bệnh tiêu chảy nữa. Đó là vì sản phụ sau khi sinh con, cơ thể còn rất yếu, công năng của dạ dày và ruột vốn đã yếu rồi, nay bị ăn nhiều trứng gà nữa dễ làm cho công năng của dạ dày và ruột bị rối loạn. Thói quen có từ lâu đời ở một số vùng ở Trung Quốc là sản phụ sau khi sinh phải ăn đủ 1000 quả trứng gà tuy xuất phát từ động cơ tốt là muốn tăng cường dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe sau một thời gian mang nặng đẻ đau, nhưng quả thật cho đến nay ta không thể nào thừa nhận được, vì nó chỉ đem lại những hậu quả xấu, làm tổn hại cơ thể mà thôi.
Cơ thể con người ta ngoài nhiệt lượng và chất protein ra, còn cần nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin và chất khoáng v.v… nữa, thế mà các thành phần cần thiết đó chỉ dựa vào ăn trứng gà thôi thì không thể nào đáp ứng được, ví dụ như các loại vitamin c, Bj, B2 và pp v.v…, những chất này đều cần nhờ vào nhiều loại thức ăn khác bổ sung mới đáp ứng được. Hơn nữa chất protein không chỉ ở trứng mới có, mà ở mỗi 100 gam thịt gia súc, gia cầm và cá (chủ yếu là ở phần thịt nạc) có chứa 13-23 gam protein, như vậy thật không phải là ít so với trứng, thậm chí có loại còn cao hơn. Trong mỗi 100 gam lương thực cũng có 6,7 – 9 gam protein; chất protein có trong 100 gam đỗ tương, đỗ xanh và đỗ đỏ loại nhỏ hạt có tới 20,7 – 36,3 gam; trong các loại rau xanh, cứ mỗi 100 gam có chứa 0,4 – 3 gam protein. Những thức ăn đó đều là nguồn chủ yếu của chất protein mà cơ thể cần thiết, hơn nữa chúng còn có thể cung cấp nhiều thành phần khác mà trong các loại trứng còn thiếu.
Vì thế nói tuy giá trị dinh dưỡng của trứng gà rất cao, nhưng quyết không thể cho rằng càng ăn nhiều càng tốt được. Để hấp thu một cách khoa học, hợp lí các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, trong các bữa ăn nên có đủ thực đơn cân đối giữa các thức ăn. Đối với những phụ nữ thời kỳ thai sản, những trẻ nhỏ, những người già cũng như vậy. Vậy thì mỗi ngày mỗi người ăn mấy quả trứng gà thì tốt? Các chuyên gia dinh dưỡng đề nghị, mỗi ngày mỗi người ăn 1 – 2 quả trứng gà là tốt, ăn nhiều quá cũng có hại.