Trang chủHoa quả chữa bệnhQuả Lựu và những tác dụng chữa bệnh được áp dụng

Quả Lựu và những tác dụng chữa bệnh được áp dụng

Cây lựu thuộc loài thân gỗ nhỏ, cao 1-3m, lá đơn, nguyên, mọc đối, hoa mọc đơn độc hoặc tụ hợp thành cụm 3-4 cái ở ngọn cành. Hoa thường có 5-6 lá đài hợp ở gốc, cánh hoa màu đỏ chói, rất nhiều nhị, nhiều noãn, trong các ô chứa xếp liền nhau. Quả mọng có vỏ dày, tròn, phía trên có đài, nhiều hạt, vỏ hạt mọng. Cây lựu được trồng làm cảnh, lấy quả ăn và vỏ quả làm thuốc chữa bệnh.

Ngoài việc dùng quả tươi, quả lựu còn có thể chế biến thành đồ uống hoặc ủ rượu.

Thực nghiệm dược lý đã chứng minh, chất kiềm ở vỏ quả lựu có tác dụng làm tê liệt ký sinh trùng trên cơ thể con người; vỏ rễ cây lựu có tác dụng ức chế trực khuẩn của các bệnh lỵ, thương hàn, kết hạch cũng như các loại chân khuẩn trên da và cũng có tác dụng ức chế nhất định đối với vi-rút.

Các học giả Isarel đã chứng minh, nếu hàng ngày uống 50 – 60 ml nước ép lựu trong hai tuần, có thể giảm 40% quá trình ô-xy hóa và có thể giảm lượng Cholesterol lắng đọng. Sau khi dừng ăn lựu, hiệu quả này vẫn kéo dài thêm trong 1 tháng. Nước ép quả lựu cũng có hiệu quả lâm sàng chống bệnh tim mạch rất tốt, là loại nước quả chống lão hóa có hiệu quả tốt như rượu vang đỏ, nước cà chua…

Tác dụng đông đặc của lựu rất mạnh, có thể cầm đi ngoài và có tác dụng ức chế vi khuẩn rất tốt, cho nên đây là loại quả rất tốt để chữa bệnh đi ngoài chảy máu.

Một số lưu ý khi dùng quả lựu: Người bị dạ dày và mới bị kiết lỵ không nên ăn. Ăn nhiều lựu sẽ nóng và làm cho răng đen, vì vậy sau khi ăn lựu nên súc miệng; chất đường trong lựu nhiều và có tác dụng làm cô đặc nên người bị cảm, viêm cấp tính hoặc bị táo bón nên thận trọng, người bị bệnh tiểu đường không nên ăn; trẻ em không nên ăn nhiều, vì dễ làm bệnh viêm phế quản nặng thêm hoặc bị ho có nhiều đờm…

Cây lựu thuộc loài thân gỗ nhỏ, cao 1-3m
Cây lựu thuộc loài thân gỗ nhỏ, cao 1-3m

Thành phần hóa học

Vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ có độ 22% chất tanin. Ngoài ra còn có 0,5-0,7% alcaloid toàn phần là pelletierin, isopelletierin, methylpelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alcaloid có hoạt tính trị giun cao. Đây là thuốc độc bảng A. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alcaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn.

Vỏ quả lựu có tác dụng sáp trường chỉ tả
Vỏ quả lựu có tác dụng sáp trường chỉ tả

Vỏ quả có 28% chất tanin và granatin, acid betulic, acid ursolic và isoquercetin. Dịch quả chứa axit citric, axit malic và các chất đường glucose, fructose, maltose.

 

Theo Đông y, vỏ quả lựu có vị chua, chát, tính ấm. Tác dụng sáp trường chỉ tả, chỉ huyết, khu trùng, chữa tiêu chảy, lỵ ra máu, đái ra máu, băng huyết, bạch đới, thoát giang, đau bụng giun, liều dùng 4-8g.

Thuốc ứng dụng từ quả lựu:

Bài 1. Thuốc chữa bệnh kiết lỵ mãn tính

+ vỏ quả lựu 9g

+ Đương quy 10g

+ Hoàng bá 5g

+ Cam thảo 3g

+ A giao 10g

+ Hoàng liên 6g

+ Gừng sống 5g

Các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi cùng 400ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 150ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. cần uống liền 5-7 ngày.

Bài 2. Thuốc tẩy giun đũa, giun tóc

+ Vỏ quả lựu 10g

+ Hạt cau 9g

Cả hai thứ cho vào nồi cùng 400ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 150ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước bữa ăn. cần uống liền 3 ngày.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây