Trang chủChăm sóc bệnh nhânChăm sóc người bệnh tắc ruột cơ học

Chăm sóc người bệnh tắc ruột cơ học

Tắc ruột cơ học là đình chỉ lưu thông của các chất trong lòng ruột như hơi, nước và các chất bã.

Cần hồi sức tốt cho người bệnh chủ yếu bằng truyền dịch để khôi phục lại cân bằng nước, điện giải.

Điều trị tắc ruột là giải quyết nguyên nhân gây tắc, tái lập lại sự lưu thông bình thường của ruột.

Chăm sóc người bệnh sau mổ tắc ruột có ý nghĩa lớn đối với kết quả điều trị.

NGUYÊN NHÂN TẮC RUỘT CƠ HỌC

  • Tắc ruột do bít

Do giun đũa dồn thành búi.

Do bã thức ăn, thường gặp ở người già, trẻ nhỏ.

Do khối u trong lòng ruột, gặp trong u ruột non hoặc u đại tràng.

Do dị tật bẩm sinh gây chít hẹp lòng ruột.

Do các khối u trong ổ bụng đè vào như u mạc treo, u nang buồng trứng.

Do dính ruột sau mổ: gặp nhiều sau mổ viêm phúc mạc.

Do sỏi mật từ đường mật rơi xuống.

  • Tắc ruột do thắt

Do xoắn ruột.

Do dây chằng.

Do lồng ruột (lồng ruột cấp ở trẻ em).

Do thoát vị nghẹt như thoát vị bẹn, thoát vị đùi.

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng cơ năng

  • Đau bụng

+ Đau bụng thành từng cơn.

+ Đau tăng dần.

+ Cơn đau mau dần.

+ Cơn đau thường xuất phát từ vị trí tắc.

+ Nếu do xoắn ruột hoặc nghẹt ruột thì người bệnh đau dữ dội ngay từ đầu, đau liên tục có thể có sốc.

  • Nôn.
  • Bí trung tiện.

Triệu chứng toàn thân

  • Người bệnh đến sớm, triệu chứng toàn thân chưa rõ.
  • Nếu người bệnh đến muộn, triệu chứng toàn thân rõ : mất nước điện giải nhiều, hoại tử ruột có thể có sốc do giảm khối lượng tuần hoàn, do nhiễm trùng – nhiễm độc.

Triệu chứng thực thể

  • Nhìn

+ Nếu đến sớm, bụng chưa trướng nhiều, nếu đến muộn thì bụng trướng căng.

+ Bụng thường trướng đều.

+ Nhìn bụng có dấu hiệu rắn bò, có hình quai ruột nổi.

  • Sờ:

+ Có thể thấy nguyên nhân gây tắc như búi giun, khối lồng, khối u.

+ Có thể thấy phản ứng thành bụng trong trường hợp hoại tử ruột.

  • Gõ: thấy trong ở vùng cao, đục ở vùng thấp.
  • Nghe: đôi khi thấy dấu hiệu lọc sọc trong tắc ruột do bít.
  • Thăm trực tràng thấy rỗng hoặc sờ thấy khối u trực tràng phần thấp hoặc có thể chạm vào khối lồng khi lồng ruột tới quá muộn.

X quang

Chụp X quang ổ bụng không chuẩn bị ở tư thế đứng thấy hình mức nước, mức hơi.

HƯỚNG XỬ TRÍ

Nguyên tắc là phải hồi sức trước mổ, điều chỉnh các rối loạn toàn thân, sau đó mới mổ để giải thoát sự tắc nghẽn và xử trí các thương tổn ruột nếu có.

  • Chuẩn bị trước khi mổ

Đặt ống thông dạ dày hút dịch: để dạ dày ruột non đỡ trướng, người bệnh dễ thở hơn, để ruột được nuôi dưỡng tốt hơn.

Bồi phụ nước điện giải.

Dùng kháng sinh đường ruột.

Theo dõi mạch, huyết áp, nước tiểu trong 24 giờ.

Trong trường hợp tắc ruột do thắt phải chuẩn bị khẩn trương để phẫu thuật phòng nghẹt ruột gây hoại tử.

  • Điều trị ngoại khoa

Giải quyết nguyên nhân gây tắc.

Làm xẹp ruột.

Lập lại lưu thông đường tiêu hoá.

KẾ HOẠCH CHĂM SÓC

Nhận định tình trạng người bệnh

Trước mổ

  • Toàn thân

+ Tình trạng mất nước

o Quan sát người bệnh xem mặt có hốc hác không?

o Mắt có trũng, môi có khô không?

o Da có giữ nếp nhăn hay không?

o Dấu hiệu sinh tồn: mạch có nhanh, huyết áp có tụt hay không?

+ Tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc do viêm phúc mạc do hoại tử ruột o Tinh thần người bệnh có tỉnh không?

o Quan sát xem người bệnh da có xanh tái không? vẻ mặt có hốc hác, môi có khô, lưỡi có bẩn không?

o Dấu hiệu sinh tồn: có mạch nhanh, có sốt cao không? o Người bệnh có đi tiểu được không? nếu có số lượng bao nhiêu?

  • Cơn đau: hỏi người bệnh xem đau âm ỉ hay đau dữ dội? đau từng cơn hay đau liên tục? Đau vị trí nào trên ổ bụng?
  • Nôn: xem người bệnh nôn từ bao giờ? nôn nhiều hay ít? nôn có liên quan với cơn đau không? nôn ra thức ăn hay dịch mật? dịch nôn ra có màu vàng, có hôi không?
  • Hỏi xem người bệnh có trung tiện được không?
  • Quan sát xem bụng người bệnh có trướng không? có dấu hiệu rắn bò, có hình quai ruột nổi không?

Nhận định sau mổ

  • Nhận định toàn trạng

+ Xem người bệnh đã tỉnh chưa?

+ Xem người bệnh có dấu hiệu mất nước? (mất nước là do người bệnh nôn nhiều, ứ đọng dịch trong lòng ruột, trong ổ bụng)? Có dấu hiệu nhiễm trùng – nhiễm độc không? (nhiễm trùng – nhiễm độc gặp trong người bệnh có viêm phúc mạc do hoại tử ruột).

+ Nhận định về dấu hiệu sinh tồn?

  • Nhận định vết mổ: xem vết mổ có bị chảy máu, có bị nhiễm khuẩn không?
  • Nhận định về lưu thông tiêu hoá: xem người bệnh đã trung tiện, đại tiện chưa?
  • Quan sát xem bụng người bệnh trướng hay xẹp?
  • Nhận định về số lượng nước tiểu?

Những vấn đề cần chăm sóc

  • Người bệnh có sốc.
  • Người bệnh đau bụng dữ dội liên tục.
  • Người bệnh sốt cao.
  • Nguy cơ trướng bụng nhiều sau mổ.
  • Nguy cơ suy hô hấp.

Lập và thực hiện kế hoạch

Trước mổ: như chuẩn bị người bệnh trước mổ cấp cứu, ngoài ra còn phải làm những công việc sau:

  • Đặt ống hút dịch dạ dày ngay cho người bệnh và hút liên tục để chống trướng bụng.
  • Truyền dịch tốt để bồi phụ nước điện giải chống mất nước.
  • Đo áp lực tĩnh mạch trung ương (bình thường từ 8 – 12 cm nước).
  • Theo dõi lượng nước xuất nhập. Đặt thông tiểu. Bình thường lượng nước tiểu trong 1 giờ từ 50- 60 ml.
  • Làm vệ sinh sạch sẽ da vùng mổ

Sau mổ

  • Bảo đảm thông khí cho người bệnh

+ Nếu người bệnh còn mê, cần đặt đầu nghiêng về một bên để đề phòng người bệnh có nôn, chất nôn không lọt vào đường hô hấp.

+ Đặt ống Canun Mayor để tránh tụt lưỡi.

+ Hút đờm dãi nếu có để tránh tắc nghẽn đường thở.

  • Theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn: đề phòng chưa bồi phụ đủ nước điện giải sau mổ, nhất là trong ngày đầu sau mổ.
  • Theo dõi số lượng nước tiểu đề phòng do thiếu nước, điện giải, đề phòng suy thận.
  • Đặt ống hút dịch dạ dày

+ Hút ngắt quãng để lấy bớt dịch ứ đọng, nhất là trong trường hợp khâu nối ruột cần phải làm bớt trướng bụng để bảo vệ miệng nối và làm cho miệng nối mau lành.

+ Thường ống hút dạ dày để lưu cho đến khi người bệnh có trung tiện trở lại.

+ Cần phải theo dõi xem bụng có đỡ trướng không và phải ghi lại lượng dịch dạ dày để giúp cho công tác hồi sức tốt.

  • Trong quá trình truyền dịch, cần đảm bảo tốc độ truyền chính xác. Nhất là người bệnh già yếu, người bệnh mắc bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính, điều dưỡng cần theo dõi kỹ tránh cho truyền dịch quá nhanh.
  • Thực hiện thuốc theo y lệnh.
  • Chăm sóc vết mổ

+ Thay băng vết mổ hằng ngày.

+ Trong những ngày đầu cần theo dõi chảy máu vết mổ, từ ngày thứ ba trở đi cần theo dõi xem vết mổ có bị nhiễm trùng không.

+ Nếu vết mổ không nhiễm trùng thì cắt chỉ vào ngày thứ bảy sau mổ.

+ Nếu vết mổ nhiễm khuẩn thì cắt chỉ ngay để cho dịch, mủ thoát ra được dễ dàng.

  • Chăm sóc ống dẫn lưu: cần phải đảm bảo nguyên tắc dẫn lưu vô khuẩn tránh nhiễm khuẩn ngược dòng.

+ Theo dõi dịch chảy qua ống dẫn lưu về số lượng, màu sắc, tính chất.

+ Thường dẫn lưu được rút khi người bệnh có trung tiện.

  • Chăm sóc ống thông niệu đạo – bàng quang: cần đảm bảo nguyên tắc vô trùng để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng. Nếu người bệnh ổn định, cần rút ống dẫn lưu sớm.
  • Trong trường hợp sau mổ tắc ruột mà có dẫn lưu ruột hoặc có hậu môn nhân tạo thì phải chăm sóc hậu môn nhân tạo đúng cách. Khuyên người bệnh nằm nghiêng về phía hậu môn nhân tạo để tránh phân tràn qua vết mổ.
  • Chăm sóc vận động sau mổ

+ Khi người bệnh tỉnh, cho xoay trở lại trên giường, cho nằm tư thế Fowler, vỗ lưng, khuyến khích ho, khạc, thở sâu ngừa biến chứng viêm phổi sau mổ.

+ Ngày thứ hai cho người bệnh ngồi dậy và tập đi lại.

  • Dinh dưỡng

+ Khi người bệnh chưa có nhu động ruột, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

+ Khi người bệnh đã có nhu động ruột thì bắt đầu cho uống, sau đó cho ăn từ lỏng tới đặc. Tránh uống nước có ga, trái cây hay sữa sớm vì dễ lên men gây trướng hơi trong ruột.

Giáo dục sức khoẻ

  • Hướng dẫn người bệnh tập thở bụng.
  • Tránh rối loạn tiêu hoá.
  • Tránh ăn nhiều chất xơ.
  • Vận động, lao động nhẹ nhàng.
  • Khi nào đau bụng cơn + nôn cần đến bệnh viện khám lại.

Đánh giá

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi :

  • Người bệnh đỡ đau bụng và không nôn.
  • Người bệnh đỡ trướng bụng.
  • Chuẩn bị tốt người bệnh trước mổ.
  • Chăm sóc tốt người bệnh sau mổ.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây