Các nguyên tắc phẫu thuật ung thư

Bệnh ung thư

Nhiều thế kỷ trước đây, phẫu thuật là phương pháp duy nhất điều trị bệnh ung thư. Theo thời gian, điều trị phẫu thuật ung thư đã có nhiều thay đổi, từ ban đầu với nguyên tắc phẫu thuật ung thư phải rộng rãi, điển hình theo trường phái Halsted, Miles, phẫu thuật ung thư chuyển dần theo hướng phẫu thuật vừa đủ, hợp lý mà tiêu biểu là phẫu thuật Patey.

Xu hướng hiện nay là tăng cường phẫu thuật bảo tồn tối đa, có phối hợp với các phương pháp điều trị khác (xạ trị, hoá trị liệu) nhằm cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Ngày nay những tiến bộ về khoa học kỹ thuật góp phần làm thay đổi phẫu thuật ung thư như ứng dụng nội soi can thiệp, vi phẫu, ghép tạng…

NGUYÊN TẮC PHẪU THUẬT UNG THƯ BAO GỒM

  1. Phẫu thuật ung thư phải tuân theo những nguyên tắc chung của điều trị bệnh ung thư như nguyên tắc điều trị phối hợp, lập kế hoạch và bổ sung kế hoạch điều trị, phải có theo dõi định kỳ sau điều trị.
  2. Phẫu thuật ung thư phải tuân theo các nguyên tắc chung của ngoại khoa cũng như những yêu cầu, đòi hỏi về gây mê hồi sức như có thêm bệnh nặng phối hợp, thể trạng bệnh nhân quá kém, tuổi quá cao không nên điều trị phẫu thuật.
  3. Phải có chẩn đoán bệnh chính xác, đúng giai đoạn trước phẫu thuật chẳng hạn ung thư xương phải cắt cụt chi nếu chẩn đoán sai, giải phẫu bệnh không phải ung thư xương thì hậu quả rất nặng nề.
  4. Phẫu thuật ung thư phải đúng chỉ định. Chỉ định phẫu thuật triệt căn thường cho những ung thư tại chỗ hoặc tại vùng. Một số ung thư chống chỉ định phẫu thuật như ung thư vú thể viêm, khi khối u đang viêm nóng mà can thiệp phẫu thuật sẽ nguy hiểm làm tăng khả năng di căn xa.
  5. Phẫu thuật triệt căn ung thư phải theo nguyên tắc:

Lấy đủ rộng u và tổ chức quanh u (vùng mà tế bào ung thư có thể xâm lấn tới) đảm bảo ở diện cắt không còn tế bào ung thư, muốn vậy phải kiểm tra diện cắt bằng soi vi thể mô bệnh học theo kỹ thuật sinh thiết cắt lạnh. Diện cắt an toàn tuỳ theo loại ung thư như ung thư da, vú: cách u khoảng 2 cm; ung thư đại tràng: cách u khoảng 5 cm; ung thư trực tràng diện cắt dưới cách u khoảng 2 cm; ung thư dạ dày cách u khoảng 6 cm; ung thư hắc tố móng dưới 0,75 mm đòi hỏi diện cắt an toàn phải cách u 1 cm trong khi dày hơn 1,0 mm thì diện cắt là 3 cm…

Nạo vét triệt để hệ thống hạch vùng, nhất là khi đã có hạch bị xâm lấn ung thư, thường áp dụng với các ung thư biểu mô, ví dụ như nạo vét hạch nách trong điều trị ung thư vú, nạo vét hạch mạc treo trong điều trị ung thư đại trực tràng…

Trong mổ không được reo rắc tế bào ung thư, không cấy tế bào ung thư ở diện mổ.

  1. Phẫu thuật ung thư phải đúng mục đích. Mục đích của điều trị phẫu thuật ung thư bao gồm:

Phẫu thuật dự phòng bệnh ung thư:

Trong công tác phòng bệnh ung thư, phẫu thuật cũng giữ vai trò hết sức quan trọng và cần thiết.

Cùng với việc phòng tránh các yếu tố gây ung thư, phẫu thuật cắt bỏ những thương tổn tiền ung thư sẽ góp phần tích cực làm hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh. Những phẫu thuật dự phòng có thể áp dụng như:

Cắt bỏ chít hẹp bao quy đầu trước 10 tuổi.

Phẫu thuật cắt polyp đại trực tràng giúp phòng tránh bệnh ung thư đại trực tràng.

Khoét chóp cổ tử cung ở những trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn Tis là biện pháp điều trị có hiệu quả.

Theo khuyến cáo của tổ chức y tê thế giới (WHO) thì trong cơ thể có bất kỳ một khối u nào hoặc những tổn thương viêm loét điều trị dài ngày không khỏi cũng nên cắt bỏ đi để tránh ung thư.

Phẫu thuật chẩn đoán ung thư:

Chẩn đoán bệnh ung thư chỉ đầy đủ, chính xác và có giá trị khi có kết quả chẩn đoán mô bệnh học. Vì thế phẫu thuật là phương tiện duy nhất để lấy mẫu bệnh phẩm. Phẫu thuật chẩn đoán ung thư bao gồm nhiều loại, nhiều mức độ khác nhau song chúng phải tuân thủ nguyên tắc:

Đường kim. đường rạch sinh thiết trùng với đường mổ sau này để có thể cắt gọn tổ chức ung thư.

Kích thước bệnh phẩm phải đủ, phù hợp với yêu cầu xét nghiệm, phải lấy ở nhiều vị trí, không lấy ở vùng hoại tử nhằm đưa lại tỷ lệ dương tính cao nhất.

Quá trình thực hiện thủ thuật nhẹ nhàng, gọn gẽ nhằm tránh lây lan, cấy tế bào ung thư trên đường sinh thiết.

Có những hình thức phẫu thuật chẩn đoán như:

Sinh thiết bằng kim:

+ Là thủ thuật thường được áp dụng trong chẩn đoán các khối u vú, hạch, u phần mềm, gan, phổi…

+ Ngày nay, được sự hướng dẫn của siêu âm, sinh thiết kim đã lấy được bệnh phẩm ở khối u nhỏ kích thước chỉ vài centimet.

Sinh thiết khoét chóp hoặc lấy toàn bộ u:

+ Với những khối u, hạch nhỏ gọn, tốt nhất lấy bỏ toàn bộ khối u – hạch, làm như vậy sẽ tránh làm gieo rắc tế bào ung thư vào tổ chức lành, đồng thời sẽ giúp cho việc chẩn đoán mô bệnh học dễ dàng và chính xác hơn.

+ Với những khối u lớn, dính, không thể lấy gọn được, ta có thể lấy đi một phần khối u để làm chẩn đoán. Song phải chú ý rằng việc làm này là hết sức hạn hữu, quá trình phẫu thuật phải nhẹ nhàng và sau khi có kết quả chẩn đoán giải phẫu bệnh phải xử lý ngay khối u bằng xạ trị, hoá chất hoặc phẫu thuật rộng rãi.

Mở bụng thăm dò và soi ổ bụng:

+ Chỉ định này áp dụng cho những trường hợp có tổn thương ổ bụng song chưa có chẩn đoán chính xác bệnh cũng như giai đoạn bệnh.

+ Việc mở bụng cho phép người thầy thuốc được nhìn tận mắt, sờ tận tay tổn thương, qua đó đưa ra những chẩn đoán chính xác, khách quan về loại bệnh giai đoạn bệnh, đổng thời có thể tiến hành sinh thiết hoặc đánh dấu các vị trí tổn thương giúp cho việc điều trị sau này.

+ Với một số ung thư (như ung thư buồng trứng), người ta còn tiến hành mở bụng lại để đánh giá tổn thương “phẫu thuật second look”.

+ Trước đây, mở bụng thăm dò được chỉ định tương đối rộng rãi, song hiện nay một số trường hợp đã được thay thế bằng soi ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hay chụp cộng hưởng từ (IRM).

Phẫu thuật điều trị ung thư:

+ Có hai loại chí định chính là điều trị phẫu thuật triệt căn và tạm thời. Việc áp dụng chỉ định nào hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, nhiều ung thư khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn III và IV) do đó hạn chế nhiều đến kết quả điều trị. Vì vậy, trước khi mổ, người phẫu thuật viên phải có chẩn đoán chính xác về giai đoạn bệnh cũng như phải hiểu rõ quá trình tiến triển tự nhiên của loại ung thư mà mình đang điều trị, từ đó mới có thái độ xử lý đúng.

+ Phẫu thuật điều trị triệt căn trong ung thư có thể là: Phẫu thuật đơn độc (với những trường hợp bệnh ờ giai đoạn sớm – tổn thương khu trú chưa di căn xa) hoặc nằm trong kế hoạch điều trị phối hợp nhiều phương pháp. Chiến lược, chiến thuật phối hợp như thế nào hoàn toàn

phụ thuộc vào từng loại bệnh và từng giai đoạn bệnh một cách cụ thể, chính xác trên mỗi trường hợp. Phẫu thuật là phương pháp chính để điều trị triệt căn cho nhiều bệnh ung thư như ung thư dạ dày, đại trực tràng, vú, cổ tử cung, phổi, phần mềm…

+ Phẫu thuật điều trị tạm thời chỉ định cho những trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn, tổn thương đã lan rộng. Căn cứ vào các biến chứng do ung thư gây ra mà phẫu thuật tạm thời cũng có các mục đích khác nhau:

  • Phẫu thuật lấy bỏ u tối đa: Khi khối u lớn, dính việc cắt bỏ khối u triệt để khó thực hiện, có thể thực hiện việc cắt bỏ u tối đa. Việc làm này sẽ làm giảm đáng kể khối lượng tổ chức ung thư, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các phương pháp điều trị bổ sung khác (xạ trị, hoá trị…). Ví dụ như trong ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn…
  • Phẫu thuật phục hồi sự lun thông: Làm hậu môn nhân tạo, nối vị tràng, nối tắt hồi tràng – đại tràng, mở thông dạ dày, mở khí quản, mở thông bàng quang….
  • Phẫu thuật cầm máu: Thắt động mạch chậu trong ung thư cổ tử cung, thắt mạch cảnh trong ung thư vòm.
  • Phẫu thuật sạch sẽ chỉ định cho nhiều trường hợp như ung thư vú giai đoạn muộn, có vỡ loét…
  • Phẫu thuật giảm đau: Phẫu thuật cắt cụt chi, tháo khớp trong ung thư xương, cắt thần kinh chi phối vùng tổn thương…

Phẫu thuật với ung thư tái phát và di căn:

+ Tái phát ung thư là một đặc tính của bệnh ung thư. Tuy nhiên trong một số trường hợp ung thư tái phát sau điều trị như ung thư đại tràng, giáp trạng…Việc phẫu thuật lại vẫn có thể cho kết quả tốt.

+ Chỉ định mổ lại tuỳ thuộc vào từng loại bệnh, cũng như khả năng lấy bỏ hết những tổn thương tái phát đó.

+ Di căn ung thư là giai đoạn cuối cùng của bệnh, nhưng nhiều trường hợp vẫn có thể điều trị phẫu thuật cho kết quả chẳng hạn như ung thư đại tràng có di căn gan một ổ, nếu phẫu thuật cắt đại tràng và cắt nhân di căn vẫn cho kết quả khả quan. Nói chung, thường chỉ định phẫu thuật cho các di căn hạch vùng. Còn với các trường hợp di căn khác, chí định phẫu thuật phải được cân nhắc dựa trên những tiêu chí sau:

+ Thời gian xuất hiện di căn muộn (tính theo năm)

+ U di căn khu trú, đơn độc ở một cơ quan.

+ Sức khỏe bệnh nhân có cho phép không, tai biến do phẫu thuật là tối thiểu.

Phẫu thuật trong điều trị phối hợp (đa mô thức):

+ Do những đặc tính của bệnh ung thư, một trong những nguyên tắc là điều trị phối hợp. Phẫu thuật được kết hợp với điều trị hoá chất hoặc xạ trị nhằm cắt giảm khối u tạo điều kiện tốt nhất cho điều trị hoá chất hoặc xạ trị. Ví dụ như phẫu thuật công phá u trong điều trị ung thư buồng trứng. Phẫu thuật cắt bỏ những tổ chức ung thư hoại tử, thiếu oxy như ớ trung tâm ở các khối u có kích thước lớn nhằm làm tăng thêm nhạy cảm của xạ trị do những tổ chức thiếu oxy rất kháng tia. Điều trị phẫu thuật còn có vai trò là phương pháp bổ trợ cho xạ trị, hoá trị như trong trường hợp ung thư vòm, sau xạ trị liều triệt căn mà vẫn còn tồn tại khối hạch cổ, cần thiết phải điều trị bổ sung bằng phẫu thuật lấy hạch. Trường hợp u lympho ác tính biểu hiện ở ống tiêu hoá, phương pháp điều trị là phối hợp giữa phẫu thuật với hoá chất.

+ Trong một số trường hợp như cắt buồng trứng, cắt tinh hoàn điều trị ung thư vú, tuyến tiền liệt, việc phẫu thuật là nhằm mục đích điều trị nội tiết.

Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng:

+ Phẫu thuật tạo hình là một công đoạn trong quy trình phẫu thuật điều trị ung thư, có vai trò quan trọng trong sự hồi phục sau phẫu thuật. Phẫu thuật tạo hình vú bằng vạt da – cơ hoặc bằng một loại túi Silicon chứa nước muối sinh lý, được thực hiện sau cắt tuyến vú của phụ nữ làm cải thiện chất lượng sống cho người phụ nữ.

+ Trong phẫu thuật ung thư đầu cổ nhờ có kết hợp với phẫu thuật tạo hình sẽ cho phép cắt rộng rãi khối u làm tăng thêm tỷ lệ điều trị khỏi bệnh.

Các phẫu thuật khác:

+ Phẫu thuật đông lạnh, đốt điện, tia laser thường được ứng dụng cho ung thư da loại tế bào đáy. Đốt điện hoặc laser ứng dụng để cầm máu, giảm bớt khối u chống bít tắc như ung thư thực quản, ung thư trực tràng không mổ được.

+ Phẫu thuật nội soi là ứng dụng những tiến bộ của nội soi can thiệp, ngày càng có vai trò trong phẫu thuật điều trị ung thư.

Bệnh ung thư
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận