Nhận biết và điều trị lao phúc mạc

Bệnh truyền nhiễm

Vi khuẩn lao không những chỉ gây lao phổi mà còn gây lao các cơ quan ngoài phổi. Bệnh lao các cơ quan tiêu hoá thường là thứ phát sau lao phổi, trong đó lao phúc mạc (lao màng bụng) thường gặp hơn cả. Lao phúc mạc thường gặp ở người trẻ tuổi, ở người già hiếm gặp hơn. Vi khuẩn lao xâm nhập vào phúc mạc qua đường máu hoặc đường bạch mạch. Cũng có khi do người bệnh nuốt phải đờm có vi khuẩn lao hay do sự lan truyền trực tiếp từ các cơ quan sát cạnh phúc mạc.

Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào phúc mạc, tổn thương lúc đầu là những hạt nhỏ cộng với phản ứng viêm, xuất tiết nước của phúc mạc, sau đó các “hạt lao” sẽ bã đậu hoá và cuối cùng là hiện tượng xơ dính toàn bộ phúc mạc.

Các thể lâm sàng của lao phúc mạc

Thể cổ trướng: Là giai đoạn đầu của lao phúc mạc.

Người bệnh có biểu hiện toàn thân một tình trạng nhiễm lao: Sốt cao 39-40°C, thường là sốt về chiều. Nhưng cũng có khi bệnh nhân sốt nhẹ 37,5-38°C, thậm chí có nhiều người không nhận ra đã có sốt. Kèm theo là tình trạng chán ăn, bụng đầy, khó tiêu, người mệt mỏi, gầy sút. Bệnh nhân đau bụng âm ỉ nhưng không xác định được rõ ràng vị trí đau; đi ngoài phân lúc lỏng lúc táo.

Thăm khám lúc này có thể thấy nhiều các hạch nhỏ, mềm, không đau ở dọc cơ ức – đòn chũm, người bệnh nên được kiểm tra hạch xem có lao hạch phối hợp không. Khám bụng thường phát hiện thấy có dịch trong khoang màng bụng (cổ trướng), dịch cổ trướng thường là dịch tự do, khối lượng không nhiều lắm. Tuy nhiên có những trường hợp cá biệt, bệnh nhân có cổ trướng to, có thể rút ra 2-3 lít dịch. Chọc dịch cổ trướng thấy dịch màu vàng chanh, sánh, làm xét nghiệm phản ứng Rivalta cho kết quả dương tính, định lượng protein thường từ 30-50g/l, trong thành phần của dịch còn có nhiều bạch cầu lympho, một ít bạch cầu đa nhân thoái hoá và một ít hồng cầu. Xét nghiệm trực tiếp không thấy được vi khuẩn lao mà phải nuôi cấy trong môi trường đặc biệt (Loweinstein) mới có thể thấy được. Khi đã phát hiện được có cổ trướng, người bệnh cần được thăm khám các bộ phận khác để phát hiện lao phổi như lao màng phổi, màng tim… Thể cổ trướng là thể nhẹ nhất trong toàn bộ bệnh cảnh của lao phúc mạc, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn, nếu không được điều trị có thể chuyển sang thể bã đậu hoá.

Thể bã đậu hoá: Là trường hợp phúc mạc có từng vùng bị dính tạo thành từng mảng cứng, trong các mảng cứng đó có dính với mạc nối lớn và các quai ruột. Các triệu chứng toàn thân giai đoạn này giống triệu chứng của thể cổ trướng, tuy nhiên triệu chứng sốt lúc này thường nhẹ và không rõ rệt mặc dù bệnh nhân vẫn hay sốt về chiều. Thay vào đó tình trạng ở bụng rầm rộ hơn: bệnh nhân đau bụng, trướng hơi và rối loạn tiêu hoá rõ rệt.

Thăm khám bụng sờ thấy từng vùng cứng xen kẽ vùng mềm, ấn tay vào vùng cứng có thể thấy tiếng lóc xóc của hơi di động trong ruột. Gõ bụng sẽ thấy từng vùng đục xen lẫn với vùng trong tùy theo vị trí dính của phúc mạc với các tạng bên trong ổ bụng. Nhiều khi vùng cứng lớn dính với các vị trí đặc biệt như hạ sườn phải hay hạ vị làm ta dễ nhầm lẫn với gan to hoặc khối u trong ổ bụng.

Thể ngạnh kết hoá: Là tình trạng rất nặng của lao phúc mạc do hiện tượng xơ dính toàn bộ phúc mạc với các tạng bên trong ổ bụng, biểu hiện bằng triệu chứng của tắc ruột hoặc bán tắc ruột. Ngày nay nhờ kinh nghiệm của thầy thuốc và có các phương tiện chẩn đoán hiện đại thể ngạnh kết hoá thường rất hiếm gặp.

Thăm khám bụng thường thấy bụng cứng, lõm, khó xác định được các tạng trong ổ bụng, chỉ thấy các khối cứng dài, nằm ngang như sợi thừng. Thể này thường tiến triển rất nặng dễ dẫn đến tử vong.

Các xét nghiệm để chẩn đoán lao phúc mạc

Ngoài các xét nghiệm kinh điển nhưng vẫn có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán như: Công thức máu sẽ thấy bạch cầu tăng, trong đó chủ yếu là bạch cầu lympho; tốc độ lắng máu tăng cao, phản ứng Mantoux dương tính; sinh thiết hạch để phát hiện có tổn thương đi kèm, chụp tim phổi để phát hiện tình trạng lao tiên phát, người bệnh còn được chỉ định làm các xét nghiệm cao cấp để chẩn đoán và tiên lượng gồm có: xét nghiệm dịch màng bụng, siêu âm để phát hiện dịch cổ trướng tự do hay khu trú, chụp cắt lớp vi tính khi có chẩn đoán khó, nuôi cấy vi khuẩn trong môi trường đặc biệt, soi ổ bụng, xét nghiệm máu tìm kháng nguyên của vi khuẩn lao. Đặc biệt phải kể đến việc áp dụng kỹ thuật PCR để chẩn đoán những trường hợp khó. Đây là một xét nghiệm có hiệu quả chẩn đoán cao.

Điều trị lao phúc mạc

Bệnh nhân phải dùng thuốc diệt vi khuẩn lao trong hai giai đoạn: tấn công từ 2-3 tháng, sau đó duy trì từ 3- 6 tháng. Kết hợp với các biện pháp điều trị triệu chứng như chọc hút màng bụng, dùng thuốc chống dính, phẫu thuật để gỡ dính khi có tắc ruột, phục hồi chức năng. Bệnh nhân cần phải có chế độ dinh dưỡng nhiều đạm, vitamin…

Lao phúc mạc cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nếu điều trị sớm kết quả sẽ khỏi hoàn toàn. Khi người bệnh có cáo dấu hiệu nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị thích hợp.

Bệnh truyền nhiễm
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận