Trang chủBệnh tiêu hóaViêm đại tràng sau khi sử dụng thuốc kháng sinh

Viêm đại tràng sau khi sử dụng thuốc kháng sinh

VIÊM ĐẠI TRÀNG LÀNH TÍNH SAU KHI DÙNG THUỐC KHÁNG SINH

Định nghĩa: những rối loạn lành tính xảy ra ờ đại tràng sau khi dùng thuốc kháng sinh.

Căn nguyên: tất cả các thuốc kháng sinh đều có thể gây ra hội chứng ỉa chảy, tuy nhiên những thuốc kháng sinh phổ rộng, nhất là penicillin thuộc nhóm A, những thế hệ cephalosporin và nhất là lincomycin và clindamycin cho theo đường tiêm thường là nguyên nhân hay gặp nhất gây rối loạn ở đại tràng.

Triệu chứng: ỉa chảy xảy ra trong khi hoặc sau khi dùng thuốc kháng sinh. Bệnh nhân có thể đại tiện 4-6 lần mỗi ngày, phân không thành khuôn, màu nâu đất hoặc vàng da cam, phân không có mùi đặc biệt.

Xét nghiệm bổ sung: Xét nghiệm phân cho thấy có tinh bột, cellulose tiêu được (chất xơ thực vật có thể tiêu hoá được một phần) và không còn quần thể vi sinh ưa iod (bắt màu khi nhuộm bằng iod). Cấy phân cho kết quả bình thường hoặc một trong những loại vi sinh thông thường cư trú ở đại tràng phát triển trội lên, đôi khi Candida albicans mọc trội. Nội soi đại tràng và thụt baryt (để chụp X quang) không cho thấy tổn thương nào ở đại tràng.

Điều trị: ngừng liệu pháp kháng sinh, ăn chế độ để lại ít chất bã, cho codein nếu cần.

VIÊM ĐẠI TRÀNG NẶNG SAU KHI DÙNG THUỐC KHÁNG SINH HOẶC VIÊM ĐẠI TRÀNG GIẢ MẠC

Định nghĩa: rối loạn nặng xảy ra ở đại tràng gây ra bởi thuốc kháng sinh, với đặc điểm là có những mảng viêm xuất tiết ở lớp niêm mạc.

Căn nguyên: tất cả các thuốc kháng sinh đều có thể gây ra hội chứng ỉa chảy, nhưng những kháng sinh phổ rộng, nhất là lincomycin và clindamycin cho theo đường tiêm, penicillin thuộc nhóm A và những thế hệ cephalosporin là nguyên nhân thường gặp nhất. Những yếu tố thuận lợi cho bệnh dễ phát triển bao gồm: cơ địa ốm yếu, tuổi già, đối tượng sau phẫu thuật. Những thể hay gặp nhất là do Clostridium difficile sinh sản, là một trực khuẩn Gram dương, sản xuất độc tố gây hoại tử tế bào của đại tràng. Người ta đã cho biết có những người mang mầm bệnh này nhưng không có biểu hiện triệu chứng, nhất là ở trong các bệnh viện. Viêm đại tràng giả mạc có thể xảy ra tuy không dùng liệu pháp kháng sinh, nhưng sau phẫu thuật ở ruột, hoặc do thiếu cấp máu ruột, hoặc sau liệu pháp hoá chất chống ung thư hoặc xảy ra tự phát.

Giải phẫu bệnh: viêm và hoại tử niêm mạc trực-đại tràng và hình thành các màng giả tạo nên bởi sợi huyết (fibrin), bạch cầu và dịch nhày.

Triệu chứng: rối loạn xuất hiện 4- 10 ngày sau khi bắt đầu liệu pháp kháng sinh, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn hơn, vào 6 tuần sau khi đã ngừng điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Bệnh nhân bị ỉa chảy phân rất lỏng, kiểu ỉa chảy trong bệnh tả, đau bụng và sốt. Có thể thấy những dấu hiệu cơ thể mất nước và có thể truy mạch do giảm thể tích máu.

Xét nghiệm cận lâm sàng: tăng bạch cầu trong máu, tăng kali huyết, giảm albumin huyết. Rối loạn thăng bằng kiềm-toan. Chẩn đoán được xác định bằng xét nghiệm thấy Clotridium difficile trong phân, và nhất là phát hiện được độc tố hoại tử tế bào (cấy phân, và tiêm truyền cho chuột lang). Thường thì bắt buộc phải điều trị ỉa chảy dù xét nghiệm vi khuẩn không được khẳng định.

Xét nghiệm X quang: chụp X quang bụng không chuẩn bị có thể cho thấy hình ảnh niêm mạc đại tràng phù nề và những biến đổi của các bướu đại tràng. Chống chỉ định thụt baryt vì nguy cơ thủng đại tràng.

Nội soi: soi trực tràng và soi đại tràng cho thấy giả mạc màu vàng nhạt, nằm cao hơn, và dính chặt vào bề mặt lớp niêm mạc bị phù nề, đôi khi thấy vết loét. Sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học sẽ khẳng định chẩn đoán.

Tiên lượng: thông thường khỏi bệnh sau khi ngừng thuốc kháng sinh, nhưng đôi khi phải sau nhiều tháng. Đối với những đối tượng ôm yếu, viêm đại tràng giả mạc có thể đưa tới tử vong vì chứng to đại tràng nhiễm độc và thủng đại tràng.

Điều trị: ngừng ngay liệu pháp kháng sinh đường uống trong trường hợp ỉa chảy nhiều cũng có nhiều trường hợp khỏi bệnh. Đối với những trường hợp dai dẳng cho metronidazol (250 mg , 4 lần mỗi ngày), hoặc trong trường hợp kháng thuốc, thì cho vancomycin (125 mg uống mỗi ngày 4 lần) trong 1-2 tuần. Những trường hợp tái phát kháng vancomycin không phải là ngoại lệ.

Sửa chữa những rối loạn chất điện giải và giảm thể tích máu. Bổ sung dinh dưỡng không phải bằng đường ăn (truyền dịch) nếu cần.

Trong mọi trường hợp phải tránh sử dụng thuốc cầm ỉa chảy là dẫn xuất của thuốc phiện.

Phòng bệnh: tránh sử dụng kháng sinh phổ rộng nếu không có chỉ định chính xác, với liều quá mức hoặc sử dụng trong thời kỳ quá dài.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây