Trang chủBệnh mắtThuốc Kháng sinh dùng chữa bệnh mắt - Nhãn khoa

Thuốc Kháng sinh dùng chữa bệnh mắt – Nhãn khoa

Nhóm penicillin và cephalosporin

Các thuốc trên là nhóm kháng sinh có chứa nhóm beta- lactam gây bất hoạt men transpeptidase cần cho tổng hợp vách của vi khuẩn, cầu nối amide của nhóm beta-lactam có cấu trúc gần giống với cơ chất tự nhiên phản ứng với men transpetidase. Thuốc kháng sinh sẽ phản ứng với men này tạo ra một chất chứa gốc acyl không có hoạt tính.

Một số vi khuẩn có thể kháng lại tác động của penicillin và cephalosporin.

Lớp vỏ ngoài lipopolysaccharide của vỉ khuẩn Gram (-) có thể chặn các kháng sinh ưa nước tiếp cận với điểm tác động của kháng sinh là lớp bào tương của vi khuẩn. Ngoài ra một số vi khuẩn còn sản xuất ra men penicillinnase có khả năng loại bỏ cầu nối amide của chất kháng sinh làm cho kháng sinh mất tác dụng. Các loại penicillin và cephalosporin khác nhau về khả năng chịu tác động với men penicillinnase của vi khuẩn. Penicillin và cephalosporin ngấm qua hàng rào máu não và hàng rào máu mắt kém. Thuốc được đào thải khỏi mắt nhờ hệ thống vận chuyển acid hữu cơ của thể mi. Tuy nhiên khả năng ngấm thuốc vào mắt tăng lên khi có viêm và sự kết hợp thuốc với probenecid làm giảm quá trình đào thải của thuốc.

Các phản ứng quá mẫn nặng có thể gây tử vong có nguy cơ xảy ra khi dùng thuốc. Phản ứng thường xảy ra trên những người đã có tiền sử dị ứng với nhiều dị nguyên khác. Khoảng 10% số người dị ứng với penicillin sẽ có dị ứng chéo với cephalosporin.

  • Penicillin

Có 5 họ khác nhau trong nhóm thuốc này, chúng khác nhau về phô tác dụng và khả năng kháng lại men penicillinase của vi khuẩn.

Penicillin G, Penicillin V và phenethicillin có tác dụng tốt đối với đa số các loại cầu khuẩn Gram (+) và Gram (-) kỵ khí, actinomyces, leptospira, treponema. Tuy nhiên đa số các chủng tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), tụ cầu da (S. epidermidis) và lậu cầu hiện kháng thuốc thường nhờ men penicillinase. Penicillin V và phenethicillin có thể hấp thụ tốt qua đường uống còn penicillin G nên dùng bằng đường tiêm do thuốc bị bất hoạt bởi dịch vị. Các thuốc này được đào thải nhanh chóng qua thận và có thời gian bán huỷ nhanh trừ khi ở dưới dạng thuốc chậm như procain penicillin G hoặc được dùng phối hợp vổi probenecid có tác dụng đào thải thuốc qua thận.

Các loại penicillin kháng men penicillinase gồm methicillin, nafcillin, oxacillin, cloxacillin, dicloxacillin, íloxacillin có tác dụng kém hơn trên các vi khuẩn chịu tác dụng so với penicillin G nhưng lại có tác dụng tốt trên tụ cầu vàng sinh men penicillinase. Methicillin và nafcillin không bền với acid nên cầu được dùng theo đường tiêm, các loại thuốc còn lại trong nhóm có thể dùng theo đường uống.

Nhóm penicillin phổ rộng như ampicillin và amoxicilin có tác dụng trên cả vi khuẩn Gram (-) như Hemophilus influenzae và Proteus mirabilis. Tuy nhiên càng ngày có nhiều hơn các chủng H. influenzae kháng với nhóm thuốc này. Các thuốc này bền vững trong môi trường acid và có thể sử dụng theo đường uống, chúng không có tác dụng đôi với vi khuẩn có men penicillinase.

Piperacillin và mezlocillin đặc biệt có tác dụng đối với mủ xanh. Chúng được dùng theo đường tiêm và bị phân huỷ bởi men penicillinase.

  • Cephalosporin

Tuỳ theo loại vi khuẩn chịu tác dụng và khả năng kháng men penicillinase mà các loại thuốc này được chia thành cephalosporin thế hệ thứ nhất, thứ hai, và thứ ba.

  1. Thế hệ thứ nhất: bao gồm cephatolin, cefazolin, cephalexin và cephradin có tác dụng trên vi khuẩn Gram (-) và Gram (+) bao gồm Streptococcus pyogenes nhóm A, s. viridans, s. pneumonia, tụ cầu vàng và tụ cầu da, Clostridium perfringens, Bacillus subtilis, Corynebacterium diphtheriae. Chúng cũng có tác dụng trên p. mirabolis, Salmonella. Shigella, Klebsiella, Escherichia coli nhưng chỉ có tác dụng trên một nửa số chủng H. influenzae được phân lập. Các thuốc này không có tác dụng trên enterobacter, các loài proteus khác, trực khuẩn mủ xanh, barteroides, serratia và cầu khuẩn đường ruột. Cephalotin là thuốc kháng tốt nhất với penicillinase của tụ cầu trong nhóm. Cephazolin có tác dụng tương đối tốt hơn đối với klebsiella. Cephalexin và cephradin là hai thuốc bền với acid và có thể dùng theo đường uống.
  2. Thế hệ thứ hai: Cephamandol và cefoxitin có tác dụng đối với ba loài vi khuẩn Gram (-) là H. influenzae, Enterobacter aerogenes và Nesseria. Cefuroxim cũng có phổ kháng khuẩn tương tự. Cephamandol còn thêm tác dụng trên loài Proteus sản xuất indol và bacteroides. Cefuroxim là thuốc tốt để điều trị nhiễm lậu cầu sản xuất men penicillinase và H. influenzae kháng với ampicillin, nó cũng còn được dùng để điều trị ban đầu cho viêm màng não do phế cầu, não mô cầu hoặc H. influenzae vì thuốc có khả năng ngấm tốt qua hàng rào máu não.
  3. Thế hệ ba: Cefotaxim và moxalactam có tác dụng mạnh hơn đối với trực khuẩn Gram (-) nhưng kém hơn so với cephalosporin thế hệ thứ nhất đối với các loại cầu khuẩn Gram (+). Cefoperazon và ceftizoxim có phổ kháng khuẩn tương tự đối với vi khuẩn Gram (+) và Gram (-), các vi khuẩn kỵ khí, serratia, proteus, và một số chủng trực khuẩn mủ xanh. Cefoperazon đặc biệt có tác dụng trên trực khuẩn mủ xanh.

Các thuốc kháng sinh khác

  • Nhóm Sulfonamid:

Là chế phẩm của para-aminobenzenesulfonamid chúng có cấu trúc tương tự và cạnh tranh với acid para-aminobenzoid đế tổng hợp acid folic của vi khuẩn. Chỉ có những vi khuẩn phải tự tổng hợp acid folic cho riêng mình mới chịu tác dụng của nhóm thuốc này. Các tế bào động vật có vú thì không bị ảnh hưởng do chúng không có khả năng tổng hợp acid folic. Thuốc có tính kìm khuẩn và có tác dụng đồng vận với trimethoprim do cùng phối hợp ức chế quá trình tổng hợp acid tetrahydrofolic của vi khuẩn. Thuốc tra mắt sulfacetamid 10-30% ngấm tốt qua giác mạc. Thuốc có tác dụng trên s. pneumoniae, c. diphtheriae, H. influenzae, Actinomyces và c. trachomatis. Tuy nhiên cần điều trị trong 3 tuần đối với bệnh mắt hột. Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm kích thích tại chỗ, ngứa, phù quanh hốc mắt, rất nhẹ. Thuốc có thể gây ra những phản ứng nặng như hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Steven-Johnoson.

  • Tetracyclin

Thuốc được vận chuyển tích cực qua màng bào tương vi khuẩn, nó có tác dụng ức chế tổng hợp protein bằng cách gắn vào tiếu đơn vị 30S của ribosom ngăn không cho ARN vận chuyển tiếp cận phức hợp ribosom-ARN thông tin. Tế bào người ít bị ảnh hưởng vi có hệ thống vận chuyển thuốc tích cực qua màng.

Tetracyclin là thuốc kìm khuẩn phổ rộng có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn Gram (-) và Gram (+), Rickettsiae, Micoplasma pneumoniae, Chlamydiae. Tuy nhiên nhiều chủng Klebsiella, H. influenzae, Proteus vulgaris và trực khuẩn mủ xanh đều kháng thuốc. Tetracyclin không tan trong nước nhưng tan trong mỡ và dưới dạng mỡ tra thuốc có thể ngấm tốt qua giác mạc.

Dùng thuốc tetracyclin theo đường uống được dùng cho nhiễm khuẩn Chlamydiae, do thuốc được bài tiết qua tuyến bã nên nó cũng được dùng khi nhiễm tụ cầu tuyến Méibomius ở mi. Thuốc gắn với calci trong sữa và có tác dụng chống acid nên được uống lúc đói. Thuốc không được dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai do có thể lắng đọng trên răng đang phát triên gây đổi màu răng.

  • Choloramphenicol

Thuốc kìm khuẩn phổ rộng này có tác dụng ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn bằng cách gắn cạnh tranh vào đơn vị 50S của ribosom cản trở không cho ARN thông tin gắn với ribosom. Thuốc có tác dụng trên đa số các chủng H. influenzae, não mô cầu và lậu cầu, tất cả các vi khuẩn kỵ khí. Nó có tác dụng ít trên s. pneumoniae, tụ cầu vàng, Klebsiella, Pneumoniae, Enterobacter, Serratia. Thuốc không có tác dụng trên trực khuẩn mủ xanh.

Thuốc ngấm tốt qua giác mạc dưới dạng tra và ngấm qua hàng rào máu mắt dưới dạng uống. Tuy nhiên thuốc có thể gây thiếu máu bất sản có thể dẫn đến tử vong nên ít được dùng. Biến chứng này thường gặp khi dùng thuốc theo đường uống tuy nhiên một vài trường hợp sau dùng thuốc theo đường tiêm hoặc thậm chí sau khi tra mắt cũng đã được báo cáo.

  • Nhóm aminoglycosid

Là những thuốc diệt khuẩn được vận chuyển qua màng vi khuẩn đến gắn trên các tiểu đơn vị 30S và 50S của ribosom cản trở tổng hợp protein. Phổ kháng khuẩn của thuốc phụ thuộc vào cơ chế vận chuyển thuốc qua màng vi khuẩn. Quá trình vận chuyển thuốc tiêu tôn năng lượng và giảm đi trong môi trường kỵ khí hoặc ở ổ áp xe. Sự kháng thuốc xuất hiện do thuốc không được vận chuyển qua màng, do giảm ái lực của ribosom với thuốc hoặc do plasmid truyền enzym bất hoạt thuốc. Các thuốc có tác dụng phá huỷ màng vi khuẩn như penicillin sẽ có tác dụng đồng vận với nhóm thuốc này do làm tăng khả năng thuốc ngấm qua màng vi khuẩn đặc biệt trên các vi khuẩn Gram (+)

Gentamycin, tobramycin, kanamycin và amikaxin có tác dụng trên các trực khuẩn Gram (-), kỵ khí như p. mirabilis, trực khuẩn mủ xanh, Klebsiella, Enterobacter và Serratia. Gentamixin và tobramyxin có tác dụng trên tụ cầu vàng và tụ cầu da tuy nhiên ngày càng nhiều vi khuẩn kháng hai loại thuốc này bằng cơ chế truyền plasmid sản xuất men bất hoạt thuốc. Amikaxin có ưu điểm ít bị kháng và là thuốc tốt để điều trị các trường hợp vi khuẩn kháng các loại thuốc khác trong nhóm.

Các thuốc nhóm aminoglycosid hấp thu kém qua đường uống nhưng có thể dùng theo đường tiêm, thuốc nước và mỡ tra mắt.

Streptomycin hiện nay chỉ còn được dùng cho viêm nội tâm mạc do s. viridans, bệnh tularemia, dịch hạch và brucellosis. Neomixin là một thuốc kháng sinh phổ rộng có tác dụng trên enterobacter, K. pneumoniae, H. influenzae, não mô cầu, c. diphtheriae và tụ cầu vàng. Thuốc được dùng dưới dạng thuốc tra tại chỗ. Do thuốc rất độc nên không được tiêm mà chỉ có thể uống để có tác dụng trên đường tiêu hoá vì thuốc không hấp thu qua ruột. Dị ứng với thuốc neomyxin tra gặp trong 8% các trường hợp thể hiện bằng viêm giác mạc chấm và chậm liền vết thương biểu mô giác mạc.

Tất cả các thuốc trong nhóm đều gây rối loạn chức năng nghe và tiền đình phụ thuộc vào liều sử dụng theo đường toàn thân. Vì thế thuốc nên được dành cho các trường hợp nhiễm khuẩn nặng và cần tránh dùng quá liều bằng cách theo dõi nồng độ thuốc và ure máu khi dùng.

  • Nhóm fluoroquinolon

Là các dẫn chất chứa fluor của acid nalidixic gồm norfloxacin, ofloxacin, pefloxacin, levofloxacin, enoxacin, lemofloxacin, temafloxacin, fleroxacin, tosufloxacin. Các thuốc này là kháng sinh phô rộng có tác dụng mạnh trên cả vi khuẩn Gram (-) và (+). Cơ chế tác dụng của thuốc thông qua ức chế men ADN gyrase cần cho nhân đôi và sửa chữa ADN của vi khuẩn.

Nghiên cứu cho thây các thuốc trên đặc biệt là ciprofloxacin và temafloxacin ức chế tới 90% các loại vi khuẩn gây bệnh thông thường và có nồng độ ức chế tối thiểu thấp hơn so với gentamycin, tobramycin và cephazolin. Thuốc cũng ít độc hơn đối với biểu mô giác mạc so với nhóm aminoglycosid.

Thuốc tra mắt hiện nay có ba loại là: ofloxacin 0,3% (Dofus, oflovid), ciprofloxacin 0,3% (Ciloxan, Ciplox), và norfloxacin 0,3% (Noflox). Các thuốc này được sử dụng để điều trị các trương hợp loét giác mạc do các chủng tụ cầu vàng, tụ cầu da, s. pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh và Propionibacterium acner và các trường hợp viêm kết mạc do các loại vi khuẩn trên.

Các thuốc trên có khả năng ngấm tốt vào các tổ chức trong mắt. Nồng độ thuốc trong nước mắt vượt quá nồng độ ức chế tối thiêu với các loại vi khuẩn gây bệnh trong vòng hơn 12 giờ sau khi tra. Ofloxacin có khả năng hoà tan tốt, dung dịch thuốc có pH 6,4 trong khi ciprofloxacin có pH 4,5. Các thuốc trên là loại kháng sinh được dùng nhiều nhất cho các trường hợp nhiễm khuẩn ở mắt.

Các tác dụng phụ thường gặp nhất khi tra thuốc bao gồm khó chịu nhẹ khi tra. Ngoài ra có thể gặp ngứa, đỏ mắt, cảm giác khô mắt, viêm giác mạc và kết mạc do thuốc.

  • Các thuốc kháng sinh khác:

Vancomycin là một glycopeptid ba vòng dẫn xuất từ môi trường nuôi cây của Norcadia orientalis. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn trên đa số các loại vi khuẩn Gram (+) bằng cách ức chế quá trình polyme hoá glycopeptid trong vách của vi khuẩn.

Thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm tụ cầu trên bệnh nhân dị ứng hoặc điều trị với kháng sinh nhóm penicillin và cephalosporin không có kết quả, thuốc cũng được dùng điều trị các trường hợp nhiễm liên cầu kháng với methicillin, phối hợp với nhóm amonoglycosid trong điều trị viêm nội tâm mạc do s. viridans hoặc s. bovis. Đặc biệt thuốc được dùng điều trị viêm đại tràng giả mạc do Clostridium Difficile.

Vancomycin có thể dùng để tra hoặc tiêm nội nhãn trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng như loét giác mạc hoặc viêm nội nhãn do tụ cầu hoặc liên cầu kháng methicillin.

Liều tiêm tĩnh mạch của vancomycin ở người lớn có chức năng thận bình thường là 500 mg/lần/6 giờ hoặc 1 g/llần/ 12 giờ. Thuốc tra có thể pha với nồng độ 50mg/ml trong điều trị viêm loét giác mạc. Nồng độ thấp hơn 5mg/ml đã được sử dụng thành công trong điều trị các trường hợp viêm bờ mi – kết mạc do tụ cầu. Tiêm nội nhãn vancomycin phối hợp với kháng sinh nhóm aminoglycosid được chỉ định trong viêm nội nhãn do vi khuẩn với liều lmg trong 0,1 ml nồng độ thuốc nội nhãn đủ cao để ức chê hầu hết các loại vi khuẩn Gram (+).

Erythromycin là kháng sinh nhóm macrolid gắn với đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn ngăn chặn tổng hợp protein của vi khuẩn. Thuốc có tác dụng đối với cầu khuẩn Gram (+) như s. pyogenes và s. pneumoniae, trực khuẩn Gram (+) như c. diphtheriae và Listeria monocytogenes, và vài loài vi khuẩn Gram (-) như lậu cầu. Thuốc thường được dùng dưới dạng viên bao hoặc este hoá để tránh tác dụng của acid dịch vị. Thuốc cũng có thể được dùng dưới dạng tiêm hoặc mỡ tra mắt. Thuốc ngấm kém qua hàng rào máu mắt và hàng rào máu não.

Polymicin là một hỗn hợp các peptid có tác dụng như một chất xà phòng làm hoà tan phospholipid của màng vi khuẩn.

Thuốc được tra hoặc tiêm tại chỗ để điều trị loét giác mạc tác dụng trên các vi khuẩn Gram (-) nhưEntorobacter, Klebsiella và trực khuẩn mủ xanh.

Bacitracin là hỗn hợp các polypeptid có tác dụng ức chế vách của vi khuẩn.

Thuốc có tác dụng trên neisseria, H. influenzae, actinomyces và trên phần lớn các loại cầu khuẩn và trực khuẩn Gram (+). Thuốc hiện có dưới dạng mỡ tra đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc kháng sinh khác.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây