Trang chủBệnh tai mũi họngViêm họng liên cầu khuẩn tan huyết nhóm a

Viêm họng liên cầu khuẩn tan huyết nhóm a

Viêm họng là bệnh rất phổ biến, chiếm tỷ lệ hàng đầu trong số lần khám tại các tuyến y tế, nhất là các phòng khám nhi khoa. Về nguyên nhân, tuy chiếm đa số (75%) nhưng viêm họng do Virus là một bệnh nhân rất lành tính ; chỉ có viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, tuy ít hơn (25%) nhưng rất nguy hiểm, vì có thể đưa đến viêm cầu thận cấp, đặc biệt là thấp tim có thể gây tử vong ngay, hoặc để lại di chứng ở van tim rất năng, biến trẻ thành người tàn tật suốt đời.

Ðây là một bệnh đã gây nhiều bàn cãi trong suốt mấy thập niên vừa qua về tất cả các mặt dịch tễ học, chẩn đoán, điều trị và chiến lược phòng ngừa.

VỀ DỊCH TỄ HỌC

Không như những bệnh khác, bệnh nhiễm liên cầu nhóm A có nhiều thay đổi trong hơn 30 năm qua. Trước khi kháng sinh ra đời, nhiễm liên cầu khuẩn là một tai họa của loài người, với nhiều bệnh rất nặng có tử vong cao. Sau Thế chiến thứ II, sự xuất hiện của kháng sinh, kinh tế phát triển, mức sống được nâng cao, môi trường sống được cải thiện, chăm sóc y tế tốt hơn đã làm giảm đáng kể tần suất các bệnh do liên cầu khuẩn gây ra như nhiễm trùng huyết, tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng hậu sản, hội chứng sốc nhiễm độc nhiễm trùng, viêm cầu thận cấp, thấp tim,. Nhưng đến năm 1987, bệnh nhiễm liên cầu tan huyết b nhóm A và hậu quả của nó là thấp tim lại bùng phát ở Mỹ và một số nước khác. Ngaysau đó, nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện, đã tìm ra nguyên nhân của sự bùng phát này là do lơi lỏng trong các biện pháp phòng ngừa và sự xuất hiện của nhiều chủng mới liên cầu tan huyết b nhóm A có độc lực mạnh hơn. Trong thập niên 70, các liên cầu tan huyết b nhóm A gây bệnh thuộc nhóm huyết thanh M4, 12 nhưng đến thập niên 80, các nhóm liên cầu khuẩn M có độc lực nhiều, có khả năng gây bệnh cao là thủ phạm chính đã gây ra sự bùng phát của viêm họng và thấp khớp, thấp tim,.

VỀ CHẨN ÐOÁN

Trong công tác hàng ngày, các bác sĩ nhi khoa phải kết hợp nhiều yếu tố dịch tể, lâm sàng, cận lâm sàng để chẩn đoán phân biệt giữa viêm họng do liên cầu khuẩn và viêm họng do các nguyên nhân khác mà đặc biệt là do Virus. Nhờ các triệu chứng lâm sàng kinh điểm, một bác sĩ nhiều kinh nghiệm có thể chẩn đoán được viêm họng do liên cầu khuẩn, nhưng muốn xác định chắc chắn thì phải cấy họng hoặc dùng test chẩn đoán nhanh nhiễm liên cầu.

Trên lâm sàng

Có thể nghĩ đến viêm họng do liên cầu khuẩn khi thấy một trẻ tuổi từ 5 đến 15, vào lúc tiết trời mưa lạnh hoặc ở mùa xuân, mùa đông, đến khám bệnh vì sốt cao đột ngột, đau họng, nhức đầu, đau bụng, khi khám thấy họng đỏ, hai hạch nhân to, sần sùi, tiết dịch, hạch ở cổ và dưới hàm sưng to và đau. Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng điển hình này không phải lúc nào cũng có, mà đa số viêm họng do liên cầu thường không có hoặc có rất ít triệu chứng lâm sàng, nên thường bị bỏ sót, hoặc chẩn đoán nhầm với nguyên nhân khác. Viêm họng do Virus điển hình thường có sốt cao kèm theo ho, chảy nước mắt, nước mũi, tiêu chảy và có yếu tố dịch tể kèm theo như đang mùa cảm cúm,.. (xem bảng 1).

Cấy dịch ở họng

Dùng que bông phết họng, lấy chất dịch ở vùng nách sau của họng và xung quanh 2 hạch hạnh nhân, đem cấy trong dĩa thạch pha huyết bò. Nếu làm đúng kỹ thuật, tỷ lệ dương tính lên đến 90 – 97%. Phương pháp nuôi cấy vi trùng cho phép chẩn đoán chắc chắn là viêm họng do liên cầu tan huyết b nhóm A

Triệu chứng  VH do liên cầu  VH do Virus 
Mùa Ðông, xuân, mưa lạnh Thay đổi
Tuổi  3 – 20 tuổi Bất kỳ
Khởi phát  Ðột ngột Từ từ
Dấu hiệu ban đầu  Ðau họng khi nuốt Ngứa họng hơn là đau
Khám họng  Ðỏ, phù, tiết, dịch vàng Ðỏ, loét, tiết dịch trong
Hạch cổ dưới hàm  Sưng to và đau To hoặc không
Dấu hiệu ở da  Nổi hồng ban Nổi mẩn, bóng nước
Triệu chứng khác  Nhức đầu, đau bụng Ho, chảy nước mắt, nước mũi, tiêu chảy

Bảng 1 : Tóm tắt chẩn đoán phân biệt viêm họng do liên cầu và viêm họng do virut

Test chẩn đoán nhanh liên cầu khuẩn nhóm A :

Trên thị trường hiện nay, có khoảng 30 viện bào chế đã sản xuất các bộ test khác nhau, nhưng tất cả đều dựa trên nguyên tắc chung là dùng phản ứng miễn dịch để phát hiện các kháng nguyên chứa trong vỏ bọc của liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A . Ưu điểm của các test chẩn đoán nhanh này là có tính chuyên biệt rấtcao 98,1%. Khi test dương tính chẩn đoán chắc chắn là nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A. Lợi điểm của test này là tiết kiệm được rất nhiều thời gian, trong khi phải chờ từ 24 đến 48 giờ mới có kết quả nuôi cấy, thì chỉ cần khoảng 10 phút, nếu test dương tính thì chẩn đoán đã xác định và bắt đầu điều trị ngay làm cho chẩn đoán bị bỏ sót.Tuy nhiên test này cũng có điều bất lợi là tính nhạy cảm hơi thấp, 90 – 92%. Với 8 – 10% âm tính, trong đó có thể có những trường hợp âm tính giả làm cho chẩn đoán bị bỏ sót. Vì thế khi test âm tính nên xác định chẩn đoán thêm bằng nuôi cấy vi trùng.

VỀ ÐIỀU TRỊ :

Trước khi có kháng sinh, liên cầu khuẩn là một tai họa lớn, gây nhiều tử vong trong các thể bệnh nặng cấp tính như nhiễm trùng huyết, tinh hồng nhiệt,áp xe phổi, áp xe sau thành họng, hội chứng nhiễm độ nhiễm trùng,.. Và để lại nhiều di chứng rất nặng sau viêm họng như thấp tim, viêm cầu thận cấp,.

Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi đã làm giảm tần suất và tử vong của các thể cấp tính, nhưng nguy hiểm của bệnh nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A vẫn còn, với rất nhiều trẻ bị viêm họng rồi có thể bị bệnh van tim hậu thấp rất nặng hoặc tử vong hoặc trở thành tàn tật, mà việc điều trị còn rất tản mạn. Nhiều người còn dùng kháng sinh chưa đúng loại, chưa đủ liều, chưa đủ thời gian làm cho điều trị thất bại và lãng phí.

Ðối với liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A, chỉ cần một số ít kháng sinh thuộc nhóm Penicilline, Cephalosporine, hoặc Macrolide là đủ.  –

Penicilline là thuốc chọn lọc đầu tiên, rất hữu hiệu, rẻ tiền, cách dùng đơn giản. Cho tới nay, chưa có một tài liệu nào nói đến việc kháng thuốc của liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A đối với Penicilline. Chỉ cần 1 liều duy nhất Benzathine penicilline tiêm bắp thịt, 600.000 đơn vị cho trẻ dưới 30 kg, hoặc 1.200.000 đơn vị, cho trẻ trên 30 kg là đủ để điều trị 1 đợt viêm họng do liên cầu.

Nếu vì 1 lý do nào đó mà không chích được, thì cho uống penicilline V liên tục trong 10 ngày, 200.000 đơn vị x 2 / ngày cho trẻ dưới 30 kg hoặc 400.000 đơn vị x 2 / ngày cho trẻ trên 30 kg.

Ðiều quan trọng là phải uống đủ ngày, nhưng trên thực tế ít khi bệnh nhân uống đủ 10 ngày, vì chỉ sau 2, 3 ngày là các triệu chứng lâm sàng đã bớt, bệnh nhân tưởng bệnh đã lành, nên ngưng thuốc. Ngoài ra, nhiều công trình đã chứng minh chích Benzathine pencilline có kết quả cao hơn uống penicilline V. Do đó, chúng ta nên động viên cán bộ y tế và giải thích cho nhân dân mạnh dạn chích Benzathine pencilline, vì khi chích, thỉnh thoảng cũng bị sốc phản vệ có thể tử vong, nhưng với tỷ lệ rất thấp, 0,03% thì rất không đáng kể sovới tác hại quá lớn do thấp tim gây ra.

  • Một số thuốc trong nhóm Cephalosporine như cefadroxil, cefuroxime, cefexime,cesprozil, cepodoxime cũng có tác dụng khá hơn penicilline một chút, nhưng giá đắt hơn rất nhiều, nên không được sử dụng rộng rãi.
  • Macrolide được dùng khi bệnh nhân bị dị ứng với penicilline :

+ Erythromycine 30 mg/kg/ngày uống trong 10 ngày, cho kết quả không bằng penicilline, vì có tài liệu cho rằng erythromycine đã bị kháng thuốc từ 20 – 40%.

+ Azithromycine là kháng sinh duy nhất được tổ chức kiểm soát thuốc và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) công nhận có hiệu quả trong điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn chỉ trong 5 ngày với liều duy nhất cho người lớn là 500mg trong ngày đầu và 250mg/ngày trong 4 ngày kế tiếp.

Tóm lại, Hội nhi khoa và hội tim mạch Hoa kỳ đề nghị phác đồ điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A như sau :

+ Benzathine penicilline liều duy nhất, tiêm bắp thịt :

600.000 đơn vị cho trẻ dưới 30 kg.

1.200.000 đơn vị cho trẻ > 30kg.

+ Hoặc Pencilline V uống liên tục trong 10 ngày :

200.000 đơn vị x 2 / ngày cho trẻ dưới 30 kg.

400.000 đơn vị x 2 / ngày cho trẻ trên 30 kg.

+ Nếu dị ứng với Penicilline, cho Erythromycine 30mg/kg/ ngày uống liên tục trong 10 ngày, nếu Erythromycine bị kháng, cho Azithromycine 500mg/kg/ngày đầu và 250mg/kg/ngày trong 4 ngày nữa.

+ Hoặc Cephadroxil 30mg/kg liều duy nhất/ngày x 10 ngày.

VỀ PHÒNG NGỪA :

Ðối với trẻ bị viêm họng tái phát nhiều lần, nên phòng ngừa bằng:

+ Benzathine Penicilline tiêm bắp thịt, 3 tuần 1 lần :

600.000 đơn vị cho trẻ dưới 30 kg

1.200.000 đơn vị, cho trẻ trên 30kg.

+ Hoặc như Sulfadiazine uống liên tục, mỗi ngày 1 lần : 0,5g cho trẻ dưới 30kg ; 1g cho trẻ trên 30kg.

+ Hoặc Penicilline V uống mỗi ngày :

200.000 đơn vị x 2 cho trẻ dưới 30 kg,

400.000 đơn vị x 2 cho trẻ trên trên 30 kg.

Hiện nay văcxin chủng ngừa liên cầu khuẩn ta huyết b nhóm A đã thực hiện thành công, nhưng giá rất cao và phải có nhiều loại vắcxin khác nhau cho các loại liên cầu có típ huyết thanh M khác nhau, nên chưa chủng ngừa được bệnh nhiễm liên cầu. Vì thế, chúng ta phải tăng cường công tác giáo dục y tế cho nhân dân để họ hiểu rõ tác hại lớn của thấp tim và bệnh van tim hậu thấp, chính là hậu quả của viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A, để mọi người tích cực đề phòng và điều trị triệt để căn bệnh tuy nhẹ ở họng, mà để lại di chứng rất nặng ở tim này.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

3 BÌNH LUẬN

  1. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị viêm mũi họng cấp viêm a mà cháu uống thuốc mà không khỏi đi khám 4 lần rồi ạ hiện nay cháu vẫn có các triệu chứng đau giức ở góc quai hàm và hơi sưng ở cổ tai hơi ù bác sĩ tư vấn cho cháu ạ và trong tháng rưỡi cháu đi nội 4 lần liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe gì không ạ và cháu có đi nội soi được nữa không ạ bây giờ cháu rất hoang mang mong bác sĩ tư vấn cho cháu ạ

    • Chào bạn. bệnh viêm mũi họng thường tái phát nhiều lần nên trong điều trị cần triệt để phối hợp các bệnh pháp phòng ngừa, các biện pháp này tưởng chừng đơn giản nhưng có ý nghĩa to lớn, bạn cần tuân thủ như tránh lạnh, uống nước đá, tắm khuya,… trong điều cũng cần tuân thủ thời gian dùng kháng sinh phải đủ liều, ngoài ra bạn có thể tham khảo các cách điều trị dân gian trong điều trị để tăng cường hiệu quả và nâng cao thể trạng.

  2. Cháu chào bs ạ! Cháu đi thử máu bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A , bs đã cho cháu uống 1 tháng thuốc penicillin mà chỉ số vẫn thế tháng trước là 378 tháng này là 367 cháu rất lo lắng cháu nhờ bs tư vấn giúp cháu ạ! Cháu thử điện Tim thì ko bị thấp tim ạ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây