Ung thư vòm mũi họng – Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị bệnh

Bệnh tai mũi họng Bệnh ung thư

Ung thư vòm mũi họng (naso-pharyngeal-carcinoma) là khối u ác tính xuất phát từ lớp biểu mô phủ vùng vòm mũi họng.

NGUYÊN NHÂN

Các giả thuyết về một số yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm mũi họng: Virus Epstein-Barr, Nitrosamine (có trong các chất đạm-protein lên men) cá muối, thịt hun khói lên men chua. Các hơi khói độc hại, hóa chất, tia phóng xạ….

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định

Ung thư vòm mũi họng gặp chủ yếu thể ung thư biểu mô không biệt hóa (Undiffenrenciated Carcinoma Nasopharyngeal Type – UCNT chiếm trên 90%).

  • Lâm sàng

Phát hiện các triệu chứng cơ năng – là các triệu chứng mượn, biểu hiện ở một bên: Đau nửa đầu bên bệnh, ngạt mũi, ù tai cùng bên, xì máu mũi, khịt khạc máu.

Thăm khám nội soi phóng đại mũi – vòm họng để đánh giá tổn thương u nguyên phát (T), nội soi tai đánh giá mức độ ảnh hưởng qua bán tắc vòi nhĩ.

Khám hạch cổ tìm di căn hạch vùng (N).

Thăm khám các dây thần kinh sọ não phát hiện liệt khi u lan rộng thâm nhiễm vùng và chân bướm hàm đáy sọ.

Thăm khám toàn thân một cách hệ thống phát hiện di căn hạch, gan lách, phổi, xương.

  • Cận lâm sàng

Chẩn đoán xác định mô bệnh học qua bệnh phẩm sinh thiết khối u vòm.

Chẩn đoán hạch cổ di căn qua sinh thiết hoặc chọc hút làm tiêu bản tế bào.

Chụp cắt lớp vi tính – CT, hoặc cộng hưởng từ hạt nhân – MRI sọ mặt – mũi xoang – vòm họng đánh giá mức độ lan tràn của tổn thương u vòm vào mũi xoang, đáy sọ, hố chân bướm hàm.

Siêu âm hệ thống hạch vùng cổ, ổ bụng gan, lách… phát hiện di căn.

Xét nghiệm cơ bản để đánh giá thể trạng chung.

Chẩn đoán các di căn bằng PET-CT, mô bệnh học.

Chẩn đoán phân biệt

Các khối u lành tính của vòm mũi họng (u xơ, polyp xơ hóa, u nguyên sống đáy sọ.). Các u ác tính khác ở vòm mũi họng (Lymphomalin, Sarcom…).

Các u nơi khác di căn đến vòm mũi họng (mũi xoang, đáy sọ, cột sống…).

  • Chẩn đoán giai đoạn TNMS

T: Khối u nguyên phát (T 1, 2, 3, 4)

N: Hạch (N 1, 2, 3)

M: Di căn xa (M – / M+)

S: Giai đoạn (S I, II, III, IV)

ĐIỀU TRỊ

  • Nguyên tắc điều trị

Tia xạ là phương pháp chủ yếu. Hóa chất phối hợp với tia xạ. Phẫu thuật có tác dụng rất hạn chế.

  • Sơ đồ/phác đồ điều trị

Phương pháp điều trị chủ yếu là tia xạ cho khối u nguyên phát và hạch cổ di căn, áp dụng cho tất cả các giai đoạn bệnh.

Hóa chất áp dụng phối hợp với tia xạ: Đồng thời (Concurrent Chemoradiotherapy) – áp dụng điều trị đồng thời với tia xạ làm tăng sự nhạy cảm với tia xạ của tế bào tổ chức u, tăng khả năng kiểm soát tại chỗ và di căn xa vi thể, phác đồ này đòi hỏi bệnh nhân có chỉ số toàn trạng tốt. Tân bổ trợ (Neoadjuvant- Chemotherapy, Hóa chất trước tia xạ)- thường truyền hóa chất ba chu kỳ trước tia xạ, cho phép dự đoán và tăng sự nhạy cảm, đáp ứng với tia xạ. Bổ trợ sau (Ạdjuvant Chemotherapy – áp dụng sau khi đã điều trị tia xạ đủ liều và bệnh ổn định, nhằm giảm tỷ lệ thất bại do di căn xa, giảm tái phát tại chỗ và tại vùng – thường áp dụng cho nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao về tái phát hay di căn xa như khối u đã ở giai đoạn xâm lấn lan rộng tại chỗ hay vỏ hạch.

Phẫu thuật lấy bỏ u vòm hay nạo vét hạch cổ có vai trò rất hạn chế, chỉ được áp dụng cho một số trường hợp còn tồn dư sau tia xạ – hóa chất, hoặc tái phát và kháng lại với hoá chất – tia xạ.

  • Điều trị cụ thể (nội khoa, ngoại khoa)

Hiện nay có rất nhiều phác đồ điều trị.

Tốt nhất là áp dụng được phác đồ hóa xạ trị đồng thời (concurrent).

Tia xạ theo các phương pháp: Xạ trị từ ngoài đơn thuần với nguồn xạ Cobalt 60. Xạ trị áp sát bổ sung. Xạ trị bằng máy gia tốc. Xạ trị với kế hoạch lập không gian ba chiều (3D-CRT- 3 Dimentional Comformal Radiotherapy), xạ trị có điều biến cường độ (IMRT- Intensity Modullated Radiation Therapy). Xạ trị có hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh, với máy tính điều khiển tự động hệ colimater đa lá (MLC- Multileaf Collimater) và nhiều cửa (Multivance Intensity Modulating Collimator) sẽ giúp tự động hóa và điều chỉnh liều trong quá trình điều trị. Kỹ thuật IRMT được thực hiện trên máy gia tốc trang bị MLC có hệ thống jaw chuyển động độc lập (jaw only) làm tăng hiệu quả của IMRT- kỹ thuật JO-MART.

Giai đoạn T1, T2 có thể tia xạ đơn thuần: Liều điều trị khỏi trung bình vào khoảng 60 Gy cho khối u T1, T2. Phân bố liều hàng ngày 200 Rads.

Giai đoạn T3, T4 thường áp dụng: Hóa xạ đồng thời: Liều điều trị khỏi trung bình vào khoảng 70 Gy cho T3, T4. Phân bố liều hàng ngày 200 Rads. Hóa chất; Cisplatin 80mg/m2/ngày 1, 22, 43. Hóa chất bổ trợ sau tia xạ: Cisplatin 80mg/m2/ngày 1.5FU 1000mg/m2 ngày 1-4, vào tuần thứ 11, 15, 19.

TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

  • Tiên lượng

Tiên lượng bệnh sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, điều trị triệt để, và phác đồ điều trị, cùng với phương tiện máy tia xạ.

  • Biến chứng

Phụ thuộc và phác đồ điều trị với các biến chứng của tia xạ và hóa chất.

PHÒNG BỆNH

Quan trọng nhất là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Cần phải điều trị triệt để các bệnh lý viêm nhiễm mạn tính vùng mũi họng. Hạn chế ăn uống các thức ăn để lâu, lên men chua, có nitrosamine.

Bệnh tai mũi họng Bệnh ung thư
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận